Vi khuẩn tả trong chó ?
Nguyễn Văn Tuấn
Tuần vừa qua, bệnh tả đột nhiên gia tăng ở các tỉnh phía Bắc. Trong chiều hướng truy tìm thủ phạm của dịch bệnh, các quan chức thuộc Sở y tế Hà Nội tiến hành xét nghiệm vi khuẩn tả trong thịt chó, và kết quả cũng rất ngạc nhiên: họ phát hiện vi khuẩn tả trong ruột chó. Theo báo chí tường thuật, kết quả xét nghiệm 6 mẫu thịt chó và phân chó tại Hà Đông cho thấy 5 mẫu dương tính với vi khuẩn tả. Tin này được lan truyền đi rất nhanh, có báo còn chạy cái tít giật gân như “tóm được phẩy khuẩn tả trong thịt chó”.
Cũng như trước một kết quả nghiên cứu lâm sàng người tiếp thu thông tin phải đặt câu hỏi trong bối cảnh thực tế, trước một bản tin như thế chúng ta có 3 câu hỏi: thông tin có đáng tin cậy không; diễn giải thông tin đó như thế nào; và chúng ta phải làm gì? Tôi sẽ lần lược bàn đến 3 câu hỏi đó.
Đằng sau mỗi thông tin khoa học là vấn đề phương pháp. Ở đây, phương pháp xét nghiệm đóng vai trò quan trọng để chúng ta có thể đánh giá độ tin cậy của thông tin. Tất cả các phương pháp xét nghiệm, dù tinh vi và đắt tiền đến đâu, cũng đều có vài sai sót như dương tính giả (tức thịt chó không bị nhiễm khuẩn nhưng kết quả là dương tính) và âm tính giả (thịt chó bị nhiễm khuẩn tả, nhưng kết quả xét nghiệm âm tính). Chúng ta không biết tỉ lệ dương tính giả và âm tính giả mà các quan chức y tế Hà Nội xét nghiệm là bao nhiêu.
Cần nói thêm rằng họ xét nghiệm 6 mẫu thịt chó, nhưng 5 mẫu có kết quả dương tính (tức tỉ lệ là 83%). Chúng ta có thể nào tin rằng 83% mẫu thịt chó nhiễm khuẩn tả? Tại sao thử nghiệm trên 6 mẫu thịt chó, mà không là 60 mẫu, hay 600 mẫu, hay 6000 mẫu? Cơ sở khoa học nào để chọn 6 mẫu? Quan trọng hơn, 6 mẫu đó được chọn như thế nào, được bảo quản như thế nào? Có rất nhiều vấn đề cần biết, nhưng bản tin trên không cung cấp được những thông tin căn bản đó.
Vào thập niên 1970s, ở Ấn Độ xảy ra một trận dịch tả, và các nhà dịch tễ học ở đó xét nghiệm vi khuẩn tả trên 500 con chó. Kết quả hoàn toàn âm tính: không một con chó nào bị nhiễm vi khuẩn tả V. cholera O1. Tuy nhiên, họ tìm thấy vi khuẩn tả trong một số động vật như gà, ngựa, cừu, bò, và trâu. Các động vật này bị nhiễm vi khuẩn tả vì chúng phơi nhiễm nguồn nước địa phương vốn đã bị nhiễm vi khuẩn tả.
Do đó, có thể suy luận rằng trường hợp tìm thấy vi khuẩn tả trong thịt chó ở Hà Đông là do thịt chó bị phơi nhiễm nguồn nước bị nhiễm, chứ có thể chó không bị nhiễm vi khuẩn tả. Còn bản tin cho rằng ngay cả thịt chó nấu chín mà vẫn chứa vi khuẩn tả thì tôi nghĩ đây là một phát hiện “động trời”, bởi vì khoa học từ xưa đến nay cho chúng biết vi khuẩn tả không thể nào sống nổi khi được nấu với nhiệt độ của nước sôi!
Diễn giải thông tin có vi khuẩn tả trong thịt chó như thế nào? Cho đến nay, chưa thấy quan chức y tế giải thích cho chúng ta biết thông tin trên có ý nghĩa gì. Theo ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, “đây là một phát hiện mới vì từ trước tới nay chưa phát hiện phẩy khuẩn tả trong đường ruột chó.”
Nếu tìm thấy vi khuẩn tả trong thịt chó, chúng ta có thể kết luận thịt chó là nguồn gây dịch tả? Câu trả lời dứt khoát là không. Muốn kết luận thịt chó là nguyên nhân gây dịch tả, cần phải đáp ứng 4 điều kiện. Điều kiện thứ nhất là vi khuẩn đó phải tồn tại ở tất cả bệnh nhân ăn thịt chó. Điều kiện thứ 2 là vi khuẩn đó phải được tách ra từ chó và có thể nuôi dưỡng trong môi trường thí nghiệm. Điều kiện thứ 3 khi vi khuẩn nuôi trong môi trường thí nghiệm cấy vào chó và làm cho chó mắc bệnh. Điều kiện thứ tư là tư, khi vi khuẩn cấy vào chó và gây bệnh được tách ra phải chính là vi khuẩn được tách ra ở bước 2. Nói cách khác, hiện nay, chúng ta vẫn không thể kết luận gì về thông tin vi khuẩn tả có trong thịt chó, và dứt khoát không thể nói thịt chó là nguyên nhân của bệnh tả hiện nay.
Còn nhớ trước đây khi các quan chức dịch tễ học và WHO tuyên bố với báo chí thế giới rằng ăn thịt chó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tả 20 lần. Khi chúng tôi viết thư chất vấn ông trường đại diện WHO ở Việt Nam về bằng chứng khoa học ở đâu, thì ông không cung cấp được bằng chứng! Khi chúng tôi nêu vấn đề ông vi phạm qui ước khoa học trong việc công bố kết quả, ông cũng không trả lời thỏa đáng. Lần này cũng thế, trong khi kết quả chưa công bố trên bất cứ một diễn đàn khoa học nào, nhưng các quan chức y tế Việt Nam đã vội vã tuyên bố rằng họ đã phát hiện khuẩn tả trong thịt chó! Nói cách khác, qui ước khoa học đã không được tuân thủ ở đây.
Chúng ta phải làm gì? Đối với công chúng, thông tin trên là một tín hiệu cảnh báo rằng chúng ta cần phải cẩn thận trong việc nấu nướng, chế biến thức ăn, và nhất là nước. Nên nhớ rằng vi khuẩn tả không thể sống trong nhiệt độ cao. Do đó, thịt và rau cần được nấu chín để đảm bảo an toàn và tránh nhiễm khuẩn tả.
Kinh nghiệm từ nạn dịch tả ở London vào thế kỉ 19 cho thấy nguồn nước chính là “thủ phạm” của ba lần bộc phát bệnh ở qui mô cộng đồng. Có nhiều lý do để suy luận rằng nạn dịch tả ở nước ta cũng có thể xuất phát từ nguồn nước bị nhiễm. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới và nước ta cho thấy uống nước lấy từ sông hồ không đun sôi, uống nước và bia từ các hàng quán bên lề đường, tắm sông... là những yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tả trong quá khứ.
Yếu tố kế đến là nhà vệ sinh. Hơn một thế kỉ trước nhà vệ sinh giúp thực hiện một cuộc cách mạng về y tế công cộng ở New York, London và Paris. Ngày nay có nhiều chuyên gia y tế cho rằng chính việc cải tiến vệ sinh và đặc biệt là nhà xí là yếu tố chinh phục bệnh truyền nhiễm và gia tăng tuổi thọ ở người Tây phương (các chuyên gia này không tin rằng các thiết bị y khoa hiện đại hay thuốc men đắt tiền tăng tuổi thọ và cải tiến chất lượng đời sống). Do đó, các quan chức y tế Liên hiệp quốc mới nhận thức rằng cầu xí là một phương tiện phòng chống bệnh rất quan trọng ở các nước đang phát triển như nước ta.
Trước đây, cũng các quan chức y tế khăng khăng cho rằng mắm tôm là nguyên bệnh của bệnh tả, nhưng sau đó thì họ nói mắm tôm vô tội (dù chúng tôi đã phân tích từ lâu rằng mắm tôm không thể là nguồn gây bệnh dịch tả). Nay đến thịt chó bị “tố cáo” là thủ phạm của dịch tả đang hoành hành ở phía Bắc. Qua kinh nghiệm trước đây, tôi e rằng thịt chó lại bị hàm oan. Thủ phạm dịch tả từ thế kỉ 19 đến nay vẫn là nguồn nước bị ô nhiễm.