Một lần đi phỏng vấn
Nguyễn Văn Tuấn
Thành thật cám ơn các bạn đã có lời chúc mừng đến tôi nhân việc tôi vừa được cái research fellowship. Tôi không biết dịch chữ fellowship này ra tiếng Việt như thế nào cho hợp lí, vì như các bạn biết, chữ fellow có nhiều nghĩa và chọn nghĩa nào phù hợp nhất là một khó khăn. Nghĩa thông thường nhất của chữ fellow là bạn, đồng chí, gã, thằng cha, hay thậm chí còn có nghĩa người đi cầu hôn, theo đuổi cô gái nào đó! Còn nghĩa trong khoa bảng thì cũng nhiều: nghiên cứu sinh, thành viên trong ban giám hiệu (chỉ áp dụng cho Đại học Oxford), thành viên viện nghiên cứu. Nếu hiểu Australian National Health and Medical Research Council (NHMRC, Hội đồng nghiên cứu y khoa và y tế quốc gia Úc) là một “viện” thì nghĩa sau cùng có lẽ là chính xác nhất.
Có được research fellowship chẳng làm thay đổi gì cả: tôi vẫn là tôi. Có thay đổi chăng là tôi có “tự do” (tức là không phải lo lắng chuyện “cơm áo gạo tiền”) sống sót thêm 5 năm nữa trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trong nghiên cứu y khoa bên này. Sự thật là thế, chứ chẳng có gì ghê gớm lắm đâu. Tôi chỉ sợ là nếu nói thêm thì sẽ bị hiểu lầm ykhoa.net trở thành một diễn đàn kiểu vỗ vai khen nhau, mèo khen mèo dài đuôi, rất kì cục. Vì vậy, để tỏ lòng cám ơn, tôi xin cống hiến cho các bạn một vài kinh nghiệm trong việc xin research fellowship để các bạn rút kinh nghiệm sau này.
Nhu cầu cho chương trình NHMRC fellowship
Nước Úc chỉ có 20 triệu dân, nên lực lượng nghiên cứu khoa học không hùng hậu như các cường quốc lớn như Mĩ hay Anh. Vì là nước nhỏ, nên Úc phải biết “liệu cơm gấp mắm” trong việc tài trợ cho nghiên cứu khoa học, và điều này có nghĩa thực tế là môi trường cạnh tranh ở Úc gay gắt hơn ở các nước lớn. Đó là chưa nói đến những tiêu cực, những phe phái, và những kì thị tinh vi (kiểu trí thức, khác với kì thị thông thường) đã làm cho bao nhiêu người bất mãn bỏ xứ ra đi. Tuy nhiên, công bằng mà nói, Úc đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào về hoạt động khoa học trên trường quốc tế, với nhiều người đoạt giải Nobel và lượng báo cáo khoa học tính trên đầu người còn hơn cả Mĩ và một vài nước trong nhóm OECD. Nhưng đó là là những thành tích của 40 hay 50 năm về trước, còn trong thời gian gần đây thì tình trạng xuống dốc trong các đại học và viện nghiên cứu đã được báo động nhiều lần. Tình trạng chảy máu chất xám càng ngày càng trầm trọng, Ngoài con số hàng ngàn chuyên gia bỏ xứ sang Mĩ và Âu châu làm việc, còn có hàng trăm các nhà khoa học trình độ tiến sĩ, giảng sư, và giáo sư bỏ Úc sang làm việc tại Mĩ với khả năng hồi hương rất thấp vì thiếu ngân sách cho nghiên cứu khoa học và cơ cấu sự nghiệp không rõ ràng. Chẳng riêng gì Mĩ, mà ngay cả nước láng giềng đang lên như Singapore cũng đang chiêu dụ các nhà khoa học Úc sang làm việc trong các đại học và trung tâm nghiên cứu của họ.
Hệ quả là hoạt động khoa học của Úc đang xuống cấp rõ ràng. Có người so sánh rằng những ngành mũi nhọn mà Úc từng đi tiên phong mấy mươi năm về trước nay lại sau Mĩ đến 10-20 năm! Chính phủ ý thức được tình trạng khoa học nước họ đang trên đà tụt hậu, nên năm nay Quốc hội dự trù một ngân sách lên đến 5 tỉ đôla để chấn hưng và phát triển khoa học. Ngân sách khổng lồ này được dự trù cho 5 năm, với nhiều chương trình cụ thể như xây dựng cơ sở vật chất, chấn chỉnh đội ngũ nghiên cứu khoa học, cung cấp học bổng cho nghiên cứu sinh nước ngoài làm nghiên cứu tại Úc, và cung cấp ngân quĩ cho các nhà khoa học Úc thực hiện các dự án nghiên cứu ở nước ngoài, nhất là các nước Á châu.
Một trong những phương cách để chấn hưng và phát triển khoa học là chấn chỉnh lại đội ngũ nhà khoa học. Chính phủ Úc thiết lập một số chương trình Fellowship (giống như cấp “học bổng” hay nói đúng ra là lương bổng và chi phí nghiên cứu cho các nhà khoa học chuyên nghiệp). Các chương trình này bao gồm NHMRC Fellowship chủ yếu dành cho các nhà khoa học thực nghiệm như y sinh học, ARC Fellowship (Australian Research Council) chủ yếu dành cho các nhà khoa học tự nhiên, và Australia Fellowship chủ yếu dành cho việc “chiêu dụ” các nhà khoa học Úc đang ở nước ngoài, và nhiều chương trình cho các nhà khoa học trẻ.
Cần nói thêm rằng ở Úc ARC và NHMRC là hai cơ quan có trách nhiệm quản lí ngân sách khoa học. Thật ra, đây không phải là “cơ quan” đúng nghĩa, mà là một hội đồng khoa học, mà thành viên là các nhà khoa học trong nước thay nhau đứng ra quản lí và điều hành. Mỗi năm, chính phủ giao cho hai hội đồng một ngân sách, và việc phân phối tiền cho các dự án nghiên cứu được tiến hành theo những qui trình được cộng đồng khoa học nhất trí. Do đó, chương trình fellowship cũng do hai hội đồng này quản lí. Chính phủ hoàn toàn không can thiệp vào quyết định của hai hội đồng này. Tuy không can thiệp, nhưng khi bổ nhiệm fellowship thì ông bộ trưởng dành quyền … kí tên! Phía chính phủ họ lí giải rằng có chữ kí của bộ trưởng thì mới nâng cao uy thế và danh giá của fellowship, nhưng các nhà khoa học thì không chắc về lí giải này mấy vì họ nghi là bộ trưởng chỉ … kiếm phiếu mà thôi.
Chương trình NHMRC fellowship này nhắm vào 5 mục tiêu chính như sau: Thứ nhất là khuếch trương và nuôi dưỡng một đội ngũ khoa học gia ưu tú cho Úc. Thứ hai là đảm bảo các nhà khoa học này một sự nghiệp vững vàng (tức họ không phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền”. Nên nhớ rằng tất cả các nhà khoa học đều phải kí hợp đồng hàng năm với cơ quan chủ quản, và cái hợp đồng này là cọng dây thừng lơ lửng để nhà khoa học phải làm việc hết mình). Thứ ba là xây dựng một môi trường tri thức và cơ sở vật chất để huấn luyện thế hệ khoa học gia trẻ. Thứ tư là khuyến khích việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào thực hành lâm sàng, hoạt động sản xuất, và qua đó nâng cao tính cạnh tranh của Úc. Thứ năm là khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà khoa học có những mối tương tác với các cơ quan chính phủ và công ti kĩ nghệ. Nói tóm lại, mục tiêu chính của chương trình fellowship là nhắm vào việc xây dựng một đội ngũ khoa học gia loại “hoa tiêu” cho Úc để nâng cao tính cạnh tranh của Úc trên trường quốc tế.
Cụm từ “nhà khoa học ưu tú” không phải dễ định nghĩa và cũng chẳng ai qui định trên giấy trắng mực đen như thế nào, nhưng qua trao đổi cá nhân với nhau, các hội đồng thẩm định đều nhất trí rằng nhà khoa học ưu tú là người đứng trong nhóm “top 5%” hay “top 10%” trong một lĩnh vực chuyên môn ở bình diện quốc tế (chứ không phải quốc gia). Xuất phát từ định nghĩa bất thành văn này, NHMRC đề ra những tiêu chuẩn chung và cụ thể cho fellow. Các tiêu chuẩn chung nhấn mạnh đến năng suất khoa học, khả năng lãnh đạo, đóng góp cho chuyên ngành ở bình diện quốc tế, huấn luyện và đào tạo các thế hệ nhà khoa học trẻ, và hợp tác quốc tế. Các tiêu chuẩn cụ thể bao gồm số lượng ấn phẩm khoa học (tức bài báo nghiên cứu khoa học, sách chuyên môn, tất nhiên là không kể đến những bài báo trong hội nghị), chất lượng các công trình nghiên cứu, giải thưởng quốc tế, có hoạt động tích cực trong các hội đoàn quốc tế, có đóng góp vào việc phát triển chuyên ngành qua các hoạt động trong ban biên tập tập san chuyên môn, v.v…
Vấn đề đặt ra là tuyển dụng những nhà khoa học ưu tú này từ đâu? Nguồn thứ nhất là từ các giáo sư đang công tác tại đại học và viện nghiên cứu của Úc. Tất nhiên, cũng có thể tuyển từ nước ngoài, đặc biệt là Mĩ và Âu châu. Mỗi năm, NHMRC gửi thông báo đến những nơi vừa kể để mời các giáo sư và giảng sư đệ đơn xin làm fellow của NHMRC. Người được bổ nhiệm các chức danh này có quyền (hay vinh dự) đề cụm từ “NHMRC research fellow” trước tên mình.
Được bổ nhiệm NHMRC fellow, do đó, không chỉ là một vinh dự cho cá nhân nhà khoa học, mà còn là một niềm hãnh diện của trường đại học nơi ứng viên công tác. Thật ra, đối với trường đại học họ “rảnh tay” và tiết kiệm một số tiền khá lớn, vì họ không phải trả lương cho nhà khoa học khi nhà khoa học đã được bổ nhiệm NHMRC fellow! Còn đối với nhà khoa học, họ không phải kí hợp đồng mỗi năm với trường đại học, vì mỗi fellowship được chính phủ nuôi dưỡng đến 5 năm. Nói tóm lại, cả đôi bên – đại học và nhà khoa học – đều có lợi! Vì Nhà nước phải chi ra một số tiền khá lớn để “nuôi” mấy ông bà fellows này ((hiện nay, toàn nước Úc có khoảng 300 research fellows, và mỗi fellow như vậy họ phải trả trung bình là 150.000 đôla một năm), nên họ phải đặt ra những tiêu chuẩn đặc biệt (hay khó khăn) để đảm bảo rằng đầu tư của họ không lãng phí.
Qui trình bình duyệt (phản biện)
Nói chung qui trình xét duyệt đơn fellowship cũng không khác gì qui trình xét đơn tài trợ, tức phải qua bình duyệt (hay nói theo ngôn ngữ trong nước là “phản biện”). Trong qui trình này, tờ đơn fellowship đóng một vai trò cực kì quan trọng. Cũng như bất cứ chương trình nào đem lại lợi ích cũng kèm theo những điều kiện và khó khăn. Đó là những khó khăn, hay có thể nói là rất khó khăn, trong quá trình chuẩn bị đơn fellowship. Cái khó khăn không chỉ vì những qui định bất di bất dịch về số chữ, số trang, nhưng ở chỗ ứng viên phải đi ngược về quá khứ cả hai mươi năm về trước để tìm những chi tiết về các công trình nghiên cứu mình từng làm, để thống kê hết những chỉ số liên quan đến những ấn phẩm khoa học. Vì quá chi tiết như thế, đối với nhiều người, soạn thảo một đơn xin fellow của NHMRC là một cơn ác mộng (nightmare).
Do đó, việc chuẩn bị đơn rất công phu và tốn đến 2-3 tháng trời. Trung bình một đơn xin làm fellow của NHMRC dài khoảng 100 trang. Trong đơn, ngoài những chi tiết cá nhân, ứng viên còn phải liệt kê tất cả những ấn phẩm khoa học (không tính những bài báo trong hội nghị khoa học) đã công bố, hệ số ảnh hưởng của tập san (impact factor) là bao nhiêu, số lần trích dẫn bao nhiêu, và trong trường hợp bài báo có nhiều tác giả, ứng viên phải nêu rõ vai trò của mình trong bài báo là gì. Ngoài phần ấn phẩm khoa học, ứng viên còn phải liệt kê tất cả những lần được các hội nghị khoa học nước ngoài mời giảng, nói chuyện, hay chủ tọa; giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế, hoạt động gì trong các hội đoàn khoa học quốc tế; đóng vai trò gì trong bình duyệt bài báo hay tham gia ban biên tập tập san nào, ở đâu, chỉ số ảnh hưởng ra sao; đào tạo bao nhiêu thạc sĩ và tiến sĩ (không kể cử nhân); đào tạo bao nhiêu hậu tiến sĩ; thành tích thu hút tài trợ từ nước ngoài và trong nước ra sao; có đóng góp gì cho chính sách khoa học quốc gia và quốc tế; có đóng góp gì cho cộng đồng và quần chúng; v.v…
Trường hợp của tôi, đơn fellowship được chuẩn bị kĩ càng (vì tôi đã có kinh nghiệm) ngay từ những tuần nghỉ hè ở Bệnh viện Kiên Giang. Đơn của tôi được 3 đồng nghiệp đọc kĩ và góp nhiều ý thẳng thắn nhưng rất có ích. Phải nói rằng các đồng nghiệp này rất tận tình giúp đỡ, chỉ ra những lỗ hổng trong đơn, những “điểm nhấn” cần chú trọng, cách trình bày, thậm chí những sai sót chính tả. Không có họ, tôi không thể nào có một đơn hoàn chỉnh được. Cần nói thêm rằng, mẫu đơn của NHMRC cực kì máy móc, chứ không phải “tự do” viết gì thì viết. Chẳng hạn như có chỗ họ qui định chỉ mô tả trong vòng một trang với kiểu chữ Times New Roman 12, nếu không tuân theo qui định này thì họ sẽ tự động trả lại đơn và chờ đến năm sau nộp! Không có ngoại lệ. Và, cũng không phân biệt ứng viên là ai. Thành ra, nếu không có đồng nghiệp đọc và góp ý, tôi nghĩ khó mà có một đơn fellowship hoàn chỉnh được.
Tất cả các tiêu chuẩn và qui trình duyệt đơn đều được công bố rõ ràng trên mạng. Theo qui trình này, khi nhận được đơn, NHMRC sẽ thành lập một số ủy ban chuyên ngành để duyệt đơn. Mỗi ủy ban có 6 thành viên, được tuyển chọn từ các nhà khoa học. Thông thường những thành viên này là những người đã được bổ nhiệm fellow của NHMRC, nhưng cũng có khi chính những thành viên này cũng là những người đang đệ đơn xin chức fellow. Như đề cập trên, chính sách của chính phủ Úc là các quan chức nhà nước không can thiệp vào qui trình bổ nhiệm; tất cả việc bổ nhiệm và điều hành ngân quĩ đều do chính các nhà khoa học cùng nhau thực hiện theo các qui tắc đã được cộng đồng khoa học chấp thuận.
Nhiệm vụ chính của các ủy ban này là tuyển duyệt các đơn và thực hiện cuộc phỏng vấn. Khi nhận được đơn từ các ứng viên, ủy ban sẽ gửi đơn đến 4 chuyên gia (trong số này phải có 2 chuyên gia từ nước ngoài) để bình duyệt. Cũng như phản biện một bài báo khoa học hay đơn xin tài trợ nghiên cứu, ứng viên sẽ không biết các chuyên gia này là ai. Ứng viên có quyền đề cử chuyên gia bình duyệt và phải nêu lí do. Những người từng đứng tên tác giả với ứng viên trong các ấn phẩm khoa học hay những người có quan hệ mật thiết (như thầy / cô cũ) sẽ không có tư cách để bình duyệt đơn. Ứng viên cũng có quyền liệt kê các chuyên gia mà ứng viên không muốn họ duyệt đơn mình và phải nêu lí do. Tuy nhiên, rất ít khi nào ủy ban gửi đơn cho các chuyên gia mà ứng viên đề cử, vì họ thừa biết các chuyên gia này là bạn bè hay đồng nghiệp thân cận với ứng viên, nên chắc chắn họ sẽ có những ý kiến thiếu khách quan. Đôi khi (rất hiếm), ủy ban lại gửi đơn cho chính chuyên gia mà ứng viên đề nghị không nên duyệt đơn!
Dựa vào đề nghị của 4 báo cáo bình duyệt, ủy ban sẽ loại những ứng viên không đủ tiêu chuẩn, và chọn những ứng viên có triển vọng để phỏng vấn. Thông thường, số ứng viên bị loại bỏ trong vòng một này là 70-80%, tức chỉ có 20-30% được mời phỏng vấn (hay vào vòng hai). Cuộc phỏng vấn rất quan trọng, vì nó có thể đem lại thành công hay thất bại cho ứng viên. Có thể xem cuộc phỏng vấn là một cơ chế để sàng lọc ứng viên. Nên nhớ rằng, tất cả các ứng viên được mời phỏng vấn đều là những người đã đạt tiêu chuẩn fellow, nhưng đơn giản vì NHMRC không đủ ngân sách cho tất cả ứng viên, nên họ phải sử dụng cuộc phỏng vấn để … loại bớt ứng viên sao cho vừa đủ ngân sách.
Nếu ứng viên được bổ nhiệm là NHMRC fellow, tùy theo cấp bậc, ứng viên sẽ được cung cấp một ngân sách chủ yếu là lương bổng trong vòng 5 năm. Ứng viên có thể chọn bất cứ đại học hay trung tâm nghiên cứu nào để nghiên cứu. Nói cách khác, với một NHMRC fellowship trong tay, ứng viên bây giờ là người chọn đại học, chứ không phải đại học chọn ứng viên. Vì số tiền khá lớn và kéo dài đến 5 năm, cho nên ủy ban bình duyệt xem đây là một sự đầu tư tri thức, hay một cuộc đánh bạc. Mà, đã là đầu tư, thì họ phải cẩn thận xem xét khả năng đầu tư sẽ đem lại tối đa lợi ích. Chính vì thế mà họ phải xét đến thành tựu trong quá khứ, hiện tại và tương lai của ứng viên. Những thông tin trong đơn cũng chưa đủ, nên họ cần phải trực tiếp phỏng vấn ứng viên để xác định và xác minh các thông tin, cũng như tư cách của ứng viên xem có xứng đáng với chức danh hay không. Do đó, cuộc phỏng vấn đóng vai trò rất quan trọng, vì kết quả phỏng vấn có thể là yếu tố chính quyết định sự thành bại của ứng viên.
Phỏng vấn
Năm năm trước tôi đã từng trải qua một lần phỏng vấn, và lần đó tôi thất bại. Tất nhiên, một lần thất bại là một kinh nghiệm chẳng mấy gì vui, nếu không muốn nói là rất “đau”. Đau chẳng phải vì mất việc làm (chẳng có ứng viên nào mất việc, vì họ đều là những giáo sư hay tiến sĩ cả) nhưng vì một lần thất bại như thế làm tổn thương đến danh dự và niềm tự hào của họ, nhất là đối với những giáo sư cao tuổi và có tiếng trên trường quốc tế (giáo sư nào mà không có tự hào). Nên nhớ rằng hầu hết các ứng viên đều là những giáo sư, có nhiều người là chủ nhiệm một bộ môn, lãnh đạo một nhóm nghiên cứu, thậm chí có người là viện trưởng viện nghiên cứu, v.v… Riêng tôi thì phải nói là có “đau”, nhưng chẳng thấy tổn thương gì cả vì tôi không mang trong người cái “tôi” quá lớn như nhiều đồng nghiệp khác. Có lẽ lớn lên với câu nói của ông bà “thua keo này, bày keo khác”, nên tôi vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu “lấy” cho được cái NHMRC fellow. Sau khi chuẩn bị cẩn thận cả 5 năm trời, lần này tôi quyết định đệ đơn xin chức fellow của NHMRC. Sau 4 tháng chờ mong bình duyệt, tôi nhận được thư mời đi phỏng vấn, kèm theo một vé máy bay. (Hội đồng NHMRC sẵn sàng trả vé máy bay và khách sạn để phỏng vấn ứng viên ở xa).
Năm nay, ngoài tôi ra, trường tôi có một số ứng viên khác cũng được mời phỏng vấn. Được tin này và rút kinh nghiệm từ mấy năm trước, trường đại học chuẩn bị cho “gà nhà” rất cẩn thận. Vì có liên quan đến danh dự của trường, cho nên trường đại học rất quan tâm và hết lòng giúp đỡ chúng tôi. Trước hết, trường mời một chuyên gia về truyền thông (communication) đến giảng cho chúng tôi về những kĩ thuật, kĩ năng trong việc trả lời phỏng vấn, thậm chí cách thức, điệu bộ trong khi phỏng vấn. Sau đó, trường cho mời một NHMRC fellow đến nói về kinh nghiệm của ông sau các cuộc phỏng vấn, và trực tiếp hướng dẫn chúng tôi cách trả lời những câu hỏi cụ thể. Sau cùng, trường tổ chức những cuộc phỏng vấn diễn tập (rehearsal interview) cho từng ứng viên. Nói là “diễn tập”, nhưng cách thức họ làm hoàn toàn giống như một cuộc phỏng vấn thật! Qua những diễn tập này, chúng tôi học rất nhiều kinh nghiệm, có người thậm chí còn viết ra hàng chục câu hỏi khả dĩ và … học thuộc lòng cách trả lời! Trước khi đi phỏng vấn, hiệu trưởng đại học còn gửi cho chúng tôi mỗi người một email với lời chúc may mắn!
Qua nhiều tuần chờ đợi, ngày phỏng vấn thật cũng đến. Dậy sớm từ 4 giờ sáng và ôn bài. Trên đường lái xe ra phi trường trong lúc cả thành phố còn ngủ, tôi không cách nào xua đuổi được những câu hỏi sẽ gặp phải trong kì phỏng vấn này. Thật là khổ! Tôi đón chuyến bay sớm nhất để đến Thành phố Melbourne. Buổi sáng ở phi trường Melbourne nhộn nhịp làm sao. Hình như ai cũng quá bận bịu với công việc của họ, chẳng ai quan tâm đến một kẻ đang đau khổ như tôi! Trên đường từ phi trường về khách sạn (lần này, NHMRC tổ chức phỏng vấn tại một khách sạn 5 sao), tôi tìm cách bắt chuyện với anh tài xế taxi để tìm cách quên một cuộc “chiến đấu” sắp đến. Anh tài xế taxi tử tế chia tay tôi với câu nói đầy tình cảm: “Tôi thành thật chúc giáo sư may mắn và hi vọng ông sẽ thành công”. Tôi cám ơn anh và thầm nhủ lòng có ai muốn thất bại đâu, nhưng cuộc đời này thành bại là chuyện thường tình mà!
Tôi vẫn còn sớm 45 phút. Nhân viên tiếp tân của NHMRC mời tôi chờ trong đại sảnh với các ứng viên khác. Chỉ có 3 ứng viên người Á châu, còn lại là dân “Tây” cả. Phòng chờ rất tiện nghi, với các điểm truy cập internet, cà phê, trà, thức ăn sáng, báo chí, tivi, v.v… Tôi để ý thấy chẳng ai xem tivi hay đọc báo cả; ai cũng chăm chú đọc tài liệu, mà tôi đoán là các bài phỏng vấn mẫu hay đang … ôn bài. Nhiều người trẻ tỏ ra bồn chồn, dù vẫn cố giữ trên mặt một nụ cười tươi. Cũng có những vị tóc bạc trắng đang chăm chú nhìn vào màn ảnh máy tính với vẻ nghiêm nghị thường ngày của các sếp. Tôi bắt chuyện với một đồng nghiệp cỡ tuổi tôi, đến từ Nam Úc, và được biết đây là lần phỏng vấn thứ 3 của anh, nhưng anh thú thật là vẫn thấy hồi hộp. Riêng tôi thì không thấy hồi hộp gì cả, vì đã qua một lần phỏng vấn, và tôi cũng từng phỏng vấn người khác. Hơn thế nữa, lần này tôi được các chuyên gia “tập huấn” quá kĩ càng, và trước khi đi phỏng vấn, tôi đã tìm hiểu về 6 thành viên trong ủy ban phỏng vấn, xem qua thành tích khoa học của họ, kể cả những bài báo và tập san họ công bố, và thấy mình tự tin hơn. Có được sự tự tin này cũng quan trọng trong việc đương đầu với thành viên của ủy ban phỏng vấn.
Tôi bắt chuyện một ứng viên khác từ Sydney, đang giữ chức giáo sư y khoa ở Đại học Sydney, và được biết nhiều chuyện bi hài trong phỏng vấn mà anh từng trải qua với tư cách là thành viên trong ủy ban phỏng vấn. Chẳng hạn như có một cuộc phỏng vấn hi hữu, mà trong đó ứng viên là một giáo sư 68 tuổi, một tên tuổi lớn (hay nói theo ngôn ngữ ta là thuộc vào hàng “cây đa cây đề”). Cuộc phỏng vấn trôi chảy, đến khi một thành viên trong ủy ban hỏi nửa đùa nửa thật rằng bao giờ thì ông định về hưu. Ông ứng viên giáo sư nổi nóng, tay đập mạnh xuống bàn một cái “rầm”, ông đứng lên chỉ tay vào vị đặt câu hỏi và giận dữ quát: “Tại sao ông dám hỏi tôi câu đó? Ai cho phép ông hỏi câu đó? Ông có biết phân biệt tuổi tác là bất hợp pháp không? Ông muốn về hưu thì cứ về, đứng có hỏi tôi bao giờ về hưu, nghe chưa? Đó là một sự xúc phạm! Ông nợ tôi một lời xin lỗi. Trời ơi! Nếu không có gì để hỏi tiếp thì tôi sẽ bước ra khỏi phòng này. Tôi còn nhiều việc phải làm.” Vị thành viên đặt câu hỏi xúc phạm đó tái mặt, ủy ban im lặng cả phút đến khi vị chủ tọa chính thức xin lỗi, ông ứng viên mới chịu ngồi xuống. Ấy thế mà ông giáo sư đó được bổ nhiệm chức NHMRC fellow. Câu chuyện cho thấy ủy ban tuyển dụng không quan tâm đến vấn đề xung đột cá nhân, và họ hoàn toàn công minh.
Đang vui vẻ với câu chuyện tôi gần quên giờ mình sắp được phỏng vấn! Người đến mời tôi vào phỏng vấn là một giáo sư tên GL ở Melbourne. Tôi nhận ra ngay vì trước khi phỏng vấn, NHMRC công bố danh sách, hình ảnh, nơi công tác và chuyên môn của 6 thành viên trong ủy ban phỏng vấn. Giáo sư GL tự giới thiệu, thân mật bắt tay tôi, và hướng dẫn tôi vào phòng họp. Trên đường đi, anh ta nói đùa chuyện thời tiết, chuyện bầu cử liên bang sắp tới, hoàn toàn không đã động gì đến chuyện tôi sắp đối phó.
Phòng phỏng vấn khá rộng, được bố trí một cách ấm cúng. Đèn “downlight” với ánh sáng vừa phải, máy sưởi đang chạy (Úc đang vào mùa đông), và trên bàn được bày biện các loại nước uống (tất nhiên là không có rượu bia). Cách họ bố trí bàn ghế cũng đáng ghi nhận ở đây. Tôi được bố trí ngồi một bàn riêng; đối diện tôi là bàn của vị chủ tọa cuộc phỏng vấn (tức là chair), hai bên là bàn của các thành viên, trong đó có một người là phát ngôn viên (spokesperson) của cuộc phỏng vấn. Phía góc trái của phòng là một người thư kí với máy tính cầm tay và máy thu âm. Nhiệm vụ của người thư kí này là thu âm lại tất cả những trao đổi trong cuộc phỏng vấn, để phòng sau này nếu có người khiếu nại thì họ sẽ có bằng chứng để giải quyết thỏa đáng và công bằng cho đôi bên.
Sau khi mời ngồi và tự giới thiệu, người phát ngôn nói qua về các qui định trong cuộc phỏng vấn. Theo các qui định này, cuộc phỏng vấn chỉ diễn ra đúng 30 phút (tuy trong thực tế có khi dài hơn khoảng 5 phút là tối đa); ứng viên (tức là tôi) có quyền phản đối câu hỏi, nhưng không có quyền cãi lại với ủy ban (vì họ không có thì giờ đễ tranh luận); ứng viên phải trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, không nên dài dòng lí giải hay biện minh; ứng viên có 5 phút để hỏi ủy ban về những vấn đề mình quan tâm; v.v… Tôi để ý thấy mỗi người đều có một chồng khá dầy về hồ sơ của tôi với những tờ giấy vàng, đỏ, xanh khắp nơi, mà tôi đoán có lẽ họ đang “chấm” đơn mình đâu đó hay vấn đề gì đó.
Mở đầu cuộc phỏng vấn, giáo sư chủ tọa yêu cầu tôi trình bày lí do tại sao tôi đệ đơn xin bổ nhiệm NHMRC fellow, và ông còn nói thêm rằng tôi chỉ có 2 phút để trình bày câu chuyện của mình! Theo kinh nghiệm cá nhân và của nhiều người khác, đây là “câu hỏi” không có câu trả lời, và họ muốn đánh giá cách tôi trình bày ý tưởng có mạch lạc, khúc chiết, và hệ thống không. Vì biết rằng họ muốn đánh giá xem tôi có đáp ứng các tiêu chuẩn của một NHMRC fellow hay không, nên tôi phải sử dụng 2 phút này để trình bày trường hợp của mình hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu mà chương trình fellowship đã đề ra.
Theo sau câu hỏi đó, là hàng loạt câu hỏi từ các giáo sư thành viên trong ủy ban phỏng vấn. Vị giáo sư chủ tọa chăm chú nhìn tôi, đôi khi khoanh tay nhìn tôi trả lời với ánh mắt cười thân thiện (chắc là đang thông cảm cho tôi chăng), và thỉnh thoảng ghi xuống giấy điều gì đó. Tôi thấy ông thường xuyên nhìn xuống đồng hồ một cách kín đáo, như để kiểm tra xem tôi có quá giờ hay không. Họ hỏi tôi những câu hỏi như sau:
- Nói cho chúng tôi nghe 3 công trình tiêu biểu của ông đã làm thay đổi hay khác biệt (made a difference) trong chuyên ngành. Ông có 2 phút để nói!
- Những bài xã luận và review này là do ông tự nguyện viết hay tập san mời ông viết? Ông có bằng chứng nào cho chúng tôi thấy là họ mời ông viết không?
- Các nhóm nào trên thế giới đang là đối thủ cạnh tranh của ông, và ông đánh giá khả năng cạnh tranh của ông trên trường quốc tế ra sao?
- So với những người làm trong ngành loãng xương của ông trên thế giới, ông có biệt tài gì hay kĩ năng gì đặc biệt để đảm bảo tính độc nhất vô nhị trong các công trình của ông?
- Nếu tự đánh giá, ông có thể cho chúng tôi biết ông đứng vào hạng nào trên thế giới trong chuyên ngành của ông?
- Ông có nghĩ rằng chất lượng các ấn phẩm khoa học của ông đáp ứng yêu cầu của một NHMRC fellow không? Tại sao?
- Ông có kế hoạch gì để nâng cao năng suất khoa học hay chất lượng nghiên cứu trong tương lai?
- Chiến lược trong 5 năm tới trong việc đào tạo của ông là gì?
- Ông có kế hoạch nào khác để nâng cao tài trợ cho nghiên cứu không?
- Nói cho chúng tôi nghe về hoạt động của ông trong các hiệp hội khoa học quốc tế!
- Ông phục vụ trong nhiều ban biên tập, vậy thời gian đâu để làm nghiên cứu? Nếu chúng tôi nói “Ông chẳng làm gì cả, phần lớn là nghiên cứu sinh làm và ông chỉ đứng tên” như thế có công bằng không?
- Trong các hội nghị ở nước ngoài mà ông tham dự với tư cách người nói chuyện hay khách mời, ai trả chi phí cho ông?
- Quan hệ giữa ông và các công ti dược như thế nào?
- Tại sao chúng tôi phải cung cấp tài trợ và bổ nhiệm ông vào chức vụ NHMRC fellow, khi ông đang giữ chức giáo sư ở trường ông?
- Tại sao ông giúp Việt Nam? Có công bằng không nếu chúng tôi cung cấp tiền fellowship cho ông để ông đi giúp cho Việt Nam?
- Nghiên cứu của ông đem lại lợi ích gì cho y học và khoa học của Úc?
- Ông có đóng góp gì vào chính sách khoa học của Úc hay nước ngoài?
Nói chung, những câu hỏi không khó trả lời và đều nằm trong dự kiến của tôi. Thật ra, tôi đã chuẩn bị cho những câu hỏi khó hơn, gai góc hơn về tài trợ, nhưng may mắn thay họ không hỏi. Vấn đề tài trợ rất quan trọng vì nó liên quan đến vận mệnh của một nhóm nghiên cứu. Nếu liên tiếp mất tài trợ cho nghiên cứu, nhóm của tôi có thể bị xóa bỏ trên bản đồ khoa học thế giới, sẽ có người mất việc, và chính tôi cũng có thể mất việc vì không có tiền để trả lương cho nhân viên, và không có ai sẽ đứng ra điều hành các dự án của nghiên cứu sinh. Chính vì thế mà hiện nay, một phần lớn thời gian của những người như tôi tiêu ra viết đơn xin tài trợ, chứ trực tiếp làm nghiên cứu rất ít. Đó là chưa kể mỗi năm phải kí hợp đồng với viện nghiên cứu và trường đại học. Nếu trong năm, nhóm của tôi không làm ra “sản phẩm” (tức là bài báo khoa học hay bằng sáng chế), đến khi kí hợp đồng sẽ bị “hỏi thăm” ngay, và nếu trong vòng 2 năm mà vẫn không có sản phẩm thì họ sẽ không kí tiếp hợp đồng và nhiều rắc rối sẽ xảy ra sau đó. Nói chung áp lực tài trợ và ấn phẩm khoa học lúc nào cũng đè nặng lên vai người đứng đầu nhóm nghiên cứu. Hai áp lực này biến một giáo sư đứng đầu nhóm thành một doanh nhân khoa học, và nhóm nghiên cứu thành một đơn vị kinh doanh tri thức nhỏ.
Tôi từng biết trong quá khứ, họ có thể xoáy mạnh vào phần ấn phẩm khoa học với những câu hỏi rất “trực tiếp” như “chúng tôi thấy thành tích khoa học của ông mõng quá, ông nghĩ sao?”, hay “với chất lượng tập san như thế này, ông nghĩ là mình xứng đáng với chức danh NHMRC fellow không?”, hay “tình trạng tài trợ nghiên cứu của ông còn quá kém và có thể trong tương lai ông sẽ mất tài trợ, vậy nếu chúng tôi cho ông cái fellowship này, ông đâu có chuyện gì để làm, phải không?”, hay “trong vài năm gần đây ông công bố ít bài báo, vậy ông có bằng chứng nào để đảm bảo ông sẽ nâng cao năng suất trong mấy năm tới?” Trong trường hợp tôi, họ không hỏi tôi những câu như thế. Tôi đoán lí do họ không tập trung vào điểm này vì đó là “điểm mạnh” của tôi. Có lẽ họ thấy không thể “tấn công” tôi ở điểm này nên họ tìm cách làm cho rõ vị trí quốc tế của tôi. Riêng hai câu hỏi về Việt Nam tôi thiếu chuẩn bị, và hơi chút lúng túng khi trả lời. Đến câu thứ hai về chuyện “công bằng” thì máu trong tôi bắt đầu nóng lên, và định “phản công” dữ dội, nhưng vị giáo sư chủ tọa đã kịp nhắc tôi: “Giáo sư Nguyễn, ông chỉ trả lời hay phản đối câu hỏi, ông không có quyền hỏi lại ủy ban!” Họ không xoáy thêm vào khía cạnh này.
Về thái độ, tôi đã được cảnh báo nhiều lần rằng, trong cuộc phỏng vấn, người ta sẽ rất thẳng thắn, và những khái niệm như lịch sự hay sỉ diện sẽ không có trong phòng phỏng vấn. Nói cho cùng, nhiệm vụ của ủy ban là tìm lí do để … loại bỏ ứng viên để đạt chỉ tiêu ngân sách do chính phủ đề ra. Tuy nhiên, lần này tôi thấy ngược lại: các thành viên trong ủy ban phỏng vấn rất thân thiện, lịch sự và lúc nào cũng cố gắng tạo ra một không khí hòa nhã, thân thiện với ứng viên. Có lẽ tùy thuộc vào cá tính của các thành viên trong ủy ban. Cũng có lẽ các thành viên trong ủy ban biết vị trí của mình trong mối tương quan với vị trí của ứng viên (tức là tôi) nên họ hành xử khác chăng? Tôi không biết, nhưng ngay cả những câu hỏi có thể xem là “tế nhị”, họ cũng sử dụng từ ngữ rất nhẹ nhàng, và nhất là cái “body language” (ngôn ngữ cơ thể) làm cho “cường độ tấn công” của câu hỏi giảm đi rất nhiều. Điều tôi chú ý trong lần phỏng vấn này là họ không trực tiếp phê bình về ứng viên, mà họ lại để cho ứng viên tự đánh giá mình. Chẳng hạn như trong lần phỏng vấn 5 năm về trước, họ hỏi tôi rằng “Ông công bố rất nhiều bài báo, nhưng có phải thật sự ông là người chủ trì các công trình đó hay chỉ là người tham gia công trình”, nhưng lần này, họ không hề đã động đến các ấn phẩm khoa học và vai trò của tôi, mà chỉ hỏi tôi tự đánh giá chất lượng ra sao. Có lẽ họ muốn chính mình nói ra, và sử dụng phát biểu của mình để đánh giá mình theo cái nhìn của họ.
Theo thống kê, mỗi năm NHMRC nhận được khoảng 2000 đơn, nhưng chỉ có 500 ứng viên loạt vào vòng 2 (phỏng vấn). Sau khi phỏng vấn, chỉ có 50 đến 100 ứng viên (tùy theo ngân sách trong năm và tùy theo chương trình) được bổ nhiệm làm NHMRC fellow. Tuy con số không nhiều, nhưng nó cũng tốn chính phủ từ 50 triệu đến 100 triệu đôla, một số tiền rất lớn. Tất nhiên, những người phụ trách điều hành NHMRC phải nói rằng nếu ứng viên không được bổ nhiệm thì điều đó không có nghĩa là ứng viên không thuộc vào hàng ưu tú. Nhưng có mấy ai nghe lời giải thích (mang chút an ủi) này! Trong thực tế, sự thất bại chẳng làm thay đổi công việc hay vị thế của ứng viên, vì họ vẫn là giáo sư, vẫn là những người lãnh đạo một nhóm nghiên cứu, vẫn hoạt động bình thường; có khác chăng là họ không được -- hay thất bại trong phấn đấu để được -- “kết nạp” vào câu lạc bộ các nhà khoa học ưu tú.
Hoạt động khoa học ở Úc mang tính cạnh tranh rất cao. Vì là nước nhỏ, cho nên việc cạnh tranh còn gay gắt hơn các nước lớn như Mĩ hay Anh. Nhưng là người sinh đẻ và trưởng thành từ nước ngoài như Việt Nam, sự cạnh tranh để được công nhận còn có phần cao hơn so với các ứng viên người bản xứ. Nói cách khác, để bằng người bản xứ, ứng viên người nước ngoài phải cao hơn họ ít nhất là một “cái đầu”. Tôi vẫn tự an ủi rằng điều đó mình phải chấp nhận thôi, vì đây đâu phải là xứ sở của mình, và nếu họ có làm khó mình thì cũng có thể hiểu được.
Nhìn người lại nghĩ đến ta
Tình hình hoạt động khoa học ở nước ta trong những năm gần đây bắt đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Các bộ liên quan đến hoạt động khoa học đã bắt đầu áp dụng những chuẩn mực quốc tế để trong việc đào tạo tiến sĩ và đánh giá năng suất của các nhà khoa học. Nhưng cách tổ chức các hoạt động khoa học ở nước ta, theo tôi, vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi cả nước có một trung tâm khoa học và công nghệ, thì các bộ, thậm chí các cục thuộc chính phủ, cũng có những viện nghiên cứu riêng. Các nghiên cứu khoa học vẫn chủ yếu được thực hiện tại các viện nghiên cứu, trong khi đó đóng góp các đại học còn quá khiêm tốn dù ở đây có đội ngũ giáo sư và nghiên cứu sinh khá hùng hậu. Đó là chưa kể đến tình trạng chảy máu chất xám rất trầm trọng ở trong nước, với nhiều nghiên cứu sinh không chịu (hay không được tạo điều kiện & cơ hội) về nước tham gia nghiên cứu. Rõ ràng, nhu cầu tổ chức lại đội ngũ nghiên cứu khoa học là rất cấp bách trong môi trường cạnh tranh như hiện nay.
Hiện nay, có nhiều mô hình tổ chức, và kinh nghiệm từ các nước có nền khoa học tiên tiến như Mĩ, Âu châu, Úc và Canada có thể cung cấp cho chúng ta những mô hình có ích. Theo các mô hình này, các viện nghiên cứu nhỏ hay trung bình (dưới 50 người) của các bộ và cục nên sáp nhập với các đại học, nhưng vẫn giữ định hướng nghiên cứu của họ. Cách làm này vừa tạo ra môi trường để các giáo sư trong trường cộng tác với viện nghiên cứu, và sử dụng các nhà khoa học của viện trong công tác giảng dạy và đào tạo nghiên cứu sinh.
Qui trình phân phối ngân quĩ cho nghiên cứu khoa học cũng cần nên xem xét lại, hay tốt nhất là thay đổi. Hiện nay, các bộ như Bộ y tế ra đề tài nghiên cứu như “đơn đặt hàng” và các nhà nghiên cứu đệ đơn xin ngân sách nghiên cứu. Theo tôi, cách làm theo kiểu đơn đặt hàng này quá máy móc, công thức hành chính, làm hạn chế tầm hoạt động của nhà nghiên cứu. Với cách làm này, nếu một nhà nghiên cứu không có kinh nghiệm làm theo đơn đặt hàng của bộ chắc sẽ … thất nghiệp. Các nhà nghiên cứu nên được khuyến khích tự do tìm tòi và thực hiện những nghiên cứu mà họ muốn. Tất nhiên, dự án các nghiên cứu này phải được duyệt nghiêm chỉnh, và cho dù họ có muốn theo đuổi công trình nghiên cứu, nhưng không chứng minh được khả năng và triển vọng thành công thì công trình sẽ không được yểm trợ.
Một trong những vấn đề mà Nhà nước hay nhắc đến trong năm qua là phương thức nào để thu hút các nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài về nước tham gia nghiên cứu. Bàn thảo cũng đã nhiều, nhưng việc thực hiện vẫn chưa đi đến đâu. Theo tôi, một cách để tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về nước là làm như Úc, tức là thiết lập các chương trình fellowship. Các fellow được bổ nhiệm sẽ được sung vào các trường đại học và viện nghiên cứu, và họ được tạo điều kiện ưu tiên cho nghiên cứu khoa học. Tất nhiên, các fellow này phải có chương trình nghiên cứu khả thi và các chương trình này phải được bình duyệt một cách nghiêm chỉnh như cách làm ở Úc hay ở Mĩ.
Trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, chúng ta có những danh hiệu như “nghệ sĩ ưu tú”, “nghệ sĩ nhân dân” để ghi nhận những đóng góp của các nghệ sĩ có đóng góp quan trọng vào đời sống văn hóa nghệ thuật của quốc gia. Trong hoạt động giáo dục, các trường đại học ngoài những những chức danh như “giáo sư”, “phó giáo sư”, “giảng viên”, còn có những danh hiệu như “nhà giáo ưu tú”, “nhà giáo nhân dân” để ghi nhận những cống hiến của họ cho xã hội. Nhưng trong hoạt động khoa học, chúng ta chưa có một chương trình nuôi dưỡng các nhà khoa học ưu tú. Tôi không đề nghị Nhà nước phải có những danh hiệu như “Nhà khoa học ưu tú” hay “Nhà khoa học nhân dân” (vì tôi nghĩ những danh hiệu như thế mang tính hình thức quá); tôi chỉ đề nghị Bộ khoa học và công nghệ cùng với Bộ Y tế hay Bộ Giáo dục và Đào tạo lập ra những chương trình để nôi dưỡng các nhà khoa học ưu tú, những người đóng vai trò “hoa tiêu” cho nghiên cứu khoa học của nước nhà.
Như có lần phát biểu trước, nước ta đang hội nhập quốc tế, và theo tôi hội nhập phải bắt đầu từ nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trẻ. Chúng ta đang có một lực lượng nhà khoa học trẻ được đào tạo từ nước ngoài, nhưng tiềm năng của họ chưa được khai thác vì nhiều người chưa có cơ hội nghiên cứu khoa học. Chúng ta cần có một ngân quĩ hay chương trình để tập trung các nhà khoa học trẻ và nâng đỡ họ thành những nhà khoa học quốc tế. Ở các nước tiên tiến và Tây phương, Nhà nước có khá nhiều chương trình huấn luyện hậu tiến sĩ, và các quĩ dành cho các nhà khoa học trẻ “đang lên”, tức có tiềm năng trở thành lãnh đạo trong tương lai. Tôi tin rằng những tiêu chuẩn của Úc rất cần được tham khảo khi thiết lập một chương trình như thế.
YKHOANET - 01/10/2007