Khoa học, xã hội, và rủi ro
Nguyễn Văn Tuấn
Trong các xã hội Tây phương ngày nay có một nghịch lý rất đáng được tìm hiểu: khoa học càng ngày càng phát triển, thì xã hội càng ngày càng tỏ ra hoang mang sợ hãi. Ngày nay, chúng ta lo sợ đến những phương tiện đã từng đem lại tiện nghi cho cuộc sống hiện đại và bảo vệ mùa màng như điện, điện thoại di động, thực phẩm, trái cây biến gien (genetically modified food), hóa chất diệt cỏ và sâu rầy, v.v… Ngày nay, chúng ta lo sợ đường dây điện, điện thoại di động, trái cây biến gien … có thể làm cho chúng ta bị bệnh ung thư. Ngay cả những việc đơn giản hàng ngày như lái xe, đi máy bay, chạy bộ, đến những việc thiết yếu như ăn uống, chúng ta đều sợ có hại, có nguy hiểm cho sự sống còn của chúng ta. Có người lo sợ và phản ứng đến độ có thể nói là phi lí. Chẳng hạn như trường hợp một phụ nữ sau khi nghe tin tức trên đài radio rằng những quả táo được xử lý vệ sinh bằng hóa chất có thể gây ra ung thư, bà ta bèn gọi điện cho cảnh sát chận chiếc xe bus đang trên đường chở con bà đến trường học để lấy quả táo trong cập của đứa bé!
HRT, hay hormone replacement therapy, là một loại thuốc có thời được xem là “thần dược” vì đã đem lại cuộc sống xuân xanh cho biết bao phụ nữ có tuổi. Nhưng gần đây, HRT được tô vẽ như là một độc chất nguy hiểm, là nguyên nhân của một số bệnh nghiêm trọng. Người ta hoang mang, cuống cuồng, sợ hãi trước kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của phương pháp chữa trị bằng HRT trong ung thư vú. Nhưng thay vì trình bày sự thật đầy đủ, phần lớn giới báo chí tập trung vào con số thống kê mà họ diễn dịch là HRT làm tăng ung thư vú đến 26%. Nhưng đây là một con số phóng đại, bởi vì trong thực tế tỉ lệ phụ nữ được điều trị bằng HRT bị ung thư vú chỉ 0.38%, và tỉ lệ phụ nữ bị bệnh này trong nhóm không được điều trị bằng HRT là 0.30%; tức là, mức độ khác biệt nhau chỉ 0.08%, hay 8 trên 10,000 người (chứ không phải 26%). Quan trọng hơn nữa, sau khi cân nhắc các yếu tố ngẫu nhiên, mức độ khác biệt về tỉ lệ phụ nữ bị ung thư vú giữa nhóm HRT và nhóm đối chứng placebo không khác nhau. Nhưng không một bài báo nào đề cập đến điểm này cho công chúng biết!
Một ví dụ mang tính thời sự khác là cuộc tranh cãi xung quanh vắc-xin MMR (measle, mumps và rubella, tức là bệnh sởi, quai bị, và sởi Đức). Bệnh sởi là một bệnh rất dễ lây và thường bộc phát trong các cộng đồng có tỷ lệ chích ngừa dưới 75%. Bệnh này có thể gây nên nhiễm tai trong khoảng 5%, và viêm phổi hay viêm cuống phổi trong khoảng 4%, chứng co giật (trong khoảng 0.5%), viêm màng não (1 trong 1000 trường hợp), và thậm chí tử vong (1 trong 2500-4000) trong các trường hợp. Nhưng vì người ta lo sợ rằng MMR sẽ làm cho trẻ em mang bệnh tự kỷ (austism), ne6n nhiều cha mẹ không cho con chính chủng ngừa. Thế nhưng bằng chứng về mối liên hệ giữa MMR và bệnh tự kỷ còn rất mong manh. Thực ra, nói cho đúng hơn là chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học để đi đến một kết luận như thế. Thành ra, phản ứng của công chúng thật là tai hại và có thể đem đến nhiều hậu quả lâu dài.
Cũng vì do lo ngại về mối quan hệ giữa vắc-xin ho gà (pertussis vaccine) và vi não tủy (encephalitis) vào thập niên 70s đã dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng giảm từ 79% thụt xuống còn 31%, và kết quả là 28 trường hợp tử vong và gây ra bao nhiêu đau khổ cho cộng đồng. Cố nhiên là vắc-xin cũng có thể có vấn đề, nhưng giữa lợi và hại, thì lợi rõ ràng cao hơn. Trên thế giới, vắc-xin là yếu tố chính làm xóa bệnh polio. Quả vậy, vắc-xin Salk đã đem lại nhiều lợi ích không thể nào ước lượng hết được. Nhưng dùng vắc-xin, nhất là loại vắc-xin sống, có thể gây tác hại như trường hợp paralytic polio ở Cộng hòa Dominican và Haiti gần đây. Một vắc-xin sống có khả năng làm cho bệnh nhân bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, chỉ một trong 2 triệu trường hợp dùng vắc-xin mới bị nhiễm như thế. Do đó, lợi ích của vắc-xin vẫn cao hơn tác hại.
Mặc cho bằng chứng khoa học trên giấy trắng mực đen, những phản ứng trên cứ được lặp đi lặp lại nhiều lần. Cán cân phản ứng đã nghiêng về cảm tính, nghi ngờ, và đổ lỗi. Giới nghiên cứu khoa học bị tấn công và luôn ở thế thủ. Tại sao? Tại vì đơn giản là trong một cuộc tranh luận trước công chúng, cảm tính luôn luôn đánh bại các dữ kiện khoa học lạnh lùng. Chỉ cần một người đàn bà có tuổi ôm trước ngực mình một tấm ảnh của cô con gái bị chết vì ung thư vú do HRT gây ra, thì mọi dữ kiện khoa học đều trở nên vô nghĩa trước mắt của công chúng.
Nhiều người cho rằng thế giới đã vĩnh viễn thay đổi sau sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 (gọi ngắn theo cách viết và nói của người Mỹ là 9/11). Người ta cho rằng biến cố 9/11 là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới càng ngày càng nguy hiểm. Sau ngày 11/9/2001, bất cứ một sự kiện nào không bình thường đều được tình nghi, hay gắn vào cái nhãn hiệu “khủng bố”. Từ vụ anthrax ở Mỹ cho đến nạn cháy rừng ở Úc, hay vụ bộc phát bệnh “Chân và miệng” (foot and mouth disease) ở Anh đều được suy đoán là có dính dáng đến khủng bố. Ngay cả những khó khăn mà chính quyền đối phó với các tai nạn, như vụ bộc phát bệnh chân và miệng chẳng hạn, cũng được diễn dịch trên quan điểm phòng và chống khủng bố.
Nhiều người Việt tỵ nạn ở các nước Tây phương, từng sống cả hai ba mươi năm trong môi trường xã hội Việt Nam, nhưng khi trở lại quê hương thì hành xử như những người sợ hãi. Họ sợ đến nổi không dám dùng những thức ăn bán trong các quán cơm bình dân, không dám uống một chai bia sản xuất ở Việt Nam, thậm chí không dám dùng cơm gia đình với cha mẹ! Họ nhìn Việt Nam như là một đất nước bẩn thỉu, tội lỗi, lạc hậu, dã man, và có thái độ như những ông Tây thuộc địa của khoảng một thế kỷ về trước.
Phải giải thích sao về những phản ứng phi lý như trên của chúng ta? Tại sao chúng ta có vẻ coi nhẹ, hay thậm chí bất chấp, những lợi ích của các thành quả khoa học, mà lại tập trung vào những hậu quả tiêu cực? Tại sao những chương trình y tế công cộng đem đến nhiều lợi ích như giảm thiểu tỷ suất trẻ con chết sớm và làm tăng tuổi thọ trung bình của người dân ít khi nào được cá nhân để ý đến. Có lẽ những lợi ích có bình diện lớn ở mức độ cộng đồng không thể đo lường được cho một cá nhân, cho nên chúng ta không cảm thấy đã thụ hưởng được thành quả đó và không cần để ý đến. Văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân đã biến chúng ta thành những con người ích kỷ và ngạo mạn?
Văn hóa sợ hãi
Quan sát về những mối quan tâm và phản ứng của xã hội Tây phương cho thấy một khuynh hướng thú vị: Khi xã hội trở nên quá an toàn, xã hội dường như có nhu cầu đặt sự nguy hiểm trở lại trong cuộc sống. Có thể nói chúng ta chúng ta đang sống trong một “Xã hội rủi ro”, một xã hội mà trong đó nhận thức của chúng ta về sự hiểm nguy, và những khái niệm về an toàn bị thay đổi hoàn toàn. Xã hội này tạo nên một cách hành xử mà tôi tạm gọi là “văn hóa sợ hãi”. Và, chúng ta đã trở thành những kẻ nô lệ của sự sợ hãi. Cái văn hóa sợ hãi này bắt nguồn từ một học thuyết mới có tên là Nguyên lý Phòng ngừa (“Precautionary Principle”, hay còn gọi tắt là PP). Nguyên lý này cho rằng không nên dùng bất cứ một vật thể nào khi mà nó chưa được chứng minh là an toàn.
An toàn đã trở thành một trong những giá trị căn bản nhất của các xã hội Tây phương. Trong hệ thống giá trị văn hóa này, mọi tai nạn, rủi ro đều có thể ngăn ngừa được. Xã hội không chấp nhận quan điểm cho rằng những tai nạn và thương tổn không thể ngăn ngừa được. Xã hội cảm thấy khó đương đầu với những sự bất an, một phần vì những tiến bộ vượt bực do khoa học đem lại cho con người và xã hội. Kiến thức khoa học càng tích lũy nhiều chừng nào, những sự kiện ngẫu nhiên càng trở nên khó chấp nhận được, nhất là sự ngẫu nhiên đó gây ra thương tật. Thành ra, khi vài cá nhân sống gần nhau có vẻ bị một bệnh tật giống nhau nào đó, xã hội đòi hỏi câu trả lời. Và, câu trả lời (hay thủ phạm) thường là những công nghệ mới.
Theo nguyên lý phòng ngừa này, rủi ro là một hạn chế của xã hội đáng lẽ không nên tồn tại. Chính vì thế mà gần đây người ta cho rằng hai chữ “tai nạn” là một cái gì không phải đạo. Ở Mỹ và Anh, giới y tế công cộng muốn loại bỏ danh từ “accident” (= tai nạn) trong các danh mục của họ, vì theo họ, “accident” thể hiện một cái gì vô trách nhiệm. Năm 2001, Tập san y học của Anh, British Medical Journal, tuyên bố rằng họ sẽ cấm chỉ dùng chữ “accident” trong tập san. Họ (ban biên tập) cho rằng ngay cả bão, động đất, và tuyết lở là những sự kiện có thể tiên đoán được, và rằng các nhà chức trách có thể cảnh báo cho chúng ta biết trước. Một số người làm trong lĩnh vực chăm sóc trẻ con cũng khăng khăng cho rằng những vết bầm trên đầu gối là “preventable injury” (vết thương có thể phòng ngừa), hơn là tai nạn!
Cái ý tưởng cho rằng con người có thể tránh khỏi tai nạn đang trở thành một phong trào, một cách suy nghĩ thời thượng. Lính Anh kiện Bộ Quốc phòng Anh vì họ cho rằng Bộ này không chuẩn bị cho họ đương đầu với những thảm cảnh của chiến tranh. Sự kiện này thoạt đầu mới nghe qua thì rất lố bịch, nhưng nó hoàn toàn có ý nghĩa trong một nền văn hóa mà người ta không cảm thấy thoải mái với sự bất hạnh.
Trong cái văn hóa sợ hãi, rủi ro trở thành một chủ đề cho các lý thuyết gia. Những câu hỏi kiểu “Cái gì sẽ xảy ra” thống trị lề lối suy nghĩ của mọi thành viên trong xã hội ngày nay. Nếu thiên thạch (asteroid) va chạm với trái đất thì điều gì sẽ xảy ra? Kể từ ngày 11/9/2001 chúng ta cảm thấy thế giới đã bị chuyển hóa thành một phim trường Hollywood. Hầu như mỗi khía cạnh trong đời sống, từ câu chuyện khủng khiếp về bệnh đậu mùa, về khủng bố sinh học, kể cả nhiễm độc nguồn thực phẩm và nước, đều là đối tượng của khủng bố!
Không ai ngạc nhiên khi được biết rằng giới làm phim ảnh ở Hollywood đang bận rộn với một phim mới về khủng bố. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ngay cả giới quân sự Mỹ cũng cần đến sự giúp đỡ của Hollywood! Sau biến cố 11/9/2001, theo báo chí, một số tướng lãnh quân đội Mỹ gặp các nhà làm phim ở Hollywood để thảo luận về viễn ảnh một tấn công mới của bọn khủng bố. Giới tình báo Mỹ cũng xin cố vấn của giới phim trường Hollywood làm cách nào để quản lý một cuộc khủng bố. Steven de Souza, người viết kịch bản cho Die Hard, và Joseph Zito, đạo diễn phim Delta Force One và Missing in Action, là hai trong số những người tham dự trong hội đồng cố vấn.
An toàn là một ý niệm tương đối
“An toàn” là một khái niệm phức tạp, và tương đối. Thiên nhiên ít khi nào ban phát cho chúng ta những lợi ích (hay những tác hại) tuyệt đối. Một phát minh có thể đem lại sự an toàn cho một nhóm, nhưng cũng có thể làm hại cho một nhóm khác. Máy bay được sáng chế để chúng ta đi lại nhanh chóng và tiện nghi, nhưng chính máy bay cũng có thể gây ra cái chết cho hàng loạt hành khách. Khí cầu (airbags) trong xe ô-tô được thiết kế để cứu người lái xe và hành khách, nhưng nó cũng có thể là một vật thể giết người. Thuốc estrogen được phát triển để tái tạo nữ tính cho người đàn bà sau thời kỳ mãn kinh, nhưng chính estrogen có thể làm tăng xác xuất bị ung thư ngực.
Nếu xem xét kỹ những dữ kiện liên quan đến ảnh hưởng của việc tiêm chủng nhằm phòng ngừa các bệnh cấp tính như sốt trong trẻ em, thì chúng ta sẽ thấy việc tiêm chủng có một ảnh hưởng rất lớn và rất tích cực đến việc làm giảm tỷ lệ tử vong trong trẻ em, và do đó nâng cao tuổi thọ trung bình của một dân số. Một ảnh hưởng tích cực khác, nhưng khó xác định bằng con số, của việc tiêm chủng là làm giảm tỷ lệ bệnh tật trong khi trưởng thành.
Cái sai lầm của Nguyên lý phòng ngừa là chúng ta không có cách gì để chứng minh sự an toàn của một hành động hay một sự việc. Cái mà chúng ta có thể chứng minh được là hành động đó hay sự việc đó chưa gây ra tổn hại. Do đó, đứng trước một sự việc hay hoạt động, một thái độ đúng đắn nhất là đánh giá nó với một sự thận trọng. Thận trọng chứ không phải sợ hãi.
Tai nạn hay rủi ro mà chúng ta tìm cách tránh thường là những may rủi, và do đó, không thể xác định bằng con số hay đo lường được. Những tai nạn này chỉ là những tình thế mà trong một môi trường nào đó có thể dẫn đến thiệt hại.
Rủi ro, nếu được định nghĩa một cách nghiêm túc, là xác suất một tai nạn nào đó xảy ra trong một thời gian và trong một môi trường nhất định, là một vấn đề rất khó đo lường được, nhất là tần số của nó quá thấp trong cộng đồng. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây ra các bệnh kinh niên thường không rõ ràng (bệnh viêm khớp xương là một ví dụ), hay những môi trường có thể gây ra bệnh tật cũng không được định nghĩa rõ ràng. Chúng ta tin rằng có một mối liên hệ giữa các yếu tố dinh dưỡng và ung thư, nhưng vì các bệnh ung thư thường xảy ra ở một tần số rất thấp, nên các chương trình phòng chống ung thư đường ruột không cho thấy một hiệu quả nào của việc ăn các thức ăn ngũ cốc cao.
Ý niệm an toàn là sản phẩm và vũ khí của giai cấp thống trị
Mục tiêu cốt lõi của ý niệm an toàn là trừ tiệt những mối hiểm nguy trong cuộc sống con người. Nhìn bề ngoài, hay mới nghe qua lần đầu, thì đây là một mục tiêu cao cả, chu đáo, và nó được giới làm trong ngành y tế bảo vệ đến cùng. Tuy nhiên, hiểm nguy đã bị chính trị hóa và đạo đức hóa. Ngày nay, hiểm nguy tương đương với tội lỗi. Và theo ý niệm này, tự đặt mình vào một tình thế nguy hiểm, trước các lựa chọn khác, là một hành động tội lỗi. Nó còn phảng phất một triết lý kẻ cả “Chúng tôi biết cái gì tốt cho anh”. Nhưng trong thực tế, nó là một ý niệm không có cơ sở và đầy định kiến.
Nhưng có một vấn đề khác cần đề cập ở đây, và đó là định nghĩa của sự nguy hiểm. Khía cạnh nào trong cuộc sống là nguy hiểm, hay tội lỗi, và thành phần nào trong xã hội đề ra những định nghĩa này? Hút thuốc, uống bia, dùng thuốc trừ sâu rầy, dùng thực phẩm nhiều mỡ, v.v... là những thói quen của những tầng lớp nghèo khó, giai cấp lao động, những người thiểu số, bị xã hội cách ly, và những “kẻ lầm đường lạc lối.”
Ngược lại, những người đặt vấn đề hiểm nguy trong xã hội thường là giới làm khoa học trong các nước Tây phương, những người thuộc giai cấp trung lưu, lái xe ô-tô, uống rượu ngon, ăn uống đồ ăn đắt tiền, và đi du lịch qua nhiều nước bằng máy bay đặt ra. Họ là thành phần đặc lợi, thống trị xã hội. Khi những người thống trị xã hội chủ trương chủ nghĩa an toàn gióng tiếng nói, họ muốn thay đổi người khác hơn là thay đổi cho chính họ. Trong trường hợp này, họ trở thành những nhà đạo đức tìm cách bêu xấu những thành phần thiếu may mắn trong xã hội.
Những kẻ nghèo khổ, những thành phần thiểu số, những người lao động luôn là đối tượng nghiên cứu, là tầng lớp để giới thống trị bêu rếu và suy luận. Nhưng chính những đối tượng nghèo khổ này đã hy sinh để cho xã hội nói chung có được nền văn minh và sự an toàn ngày nay. Thành ra, việc ác quỷ hóa những người đang ở trong tình trạng hiểm nguy hoàn toàn đi ngược lại với những lực lượng của quá trình tiến hóa nhân loại.
Giá trị văn hóa và địa vị xã hội luôn là những nguyên liệu và phương tiện mà giới thống trị dùng để xây dựng sự hiểm nguy. Bởi vì họ thuộc ở vào vị trí đặc quyền, đặc lợi, và họ muốn sử dụng vị trí này để tối đa hóa cuộc sống và lợi ích của họ. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các chính phủ Tây phương hành xử với các nước đang phát triển như những kẻ cả và thậm chí trịch thượng. Họ rất chuộng dùng chiêu bài bảo vệ môi trường để phản đối, trừng phạt các nước đang cố vươn lên khỏi tình trạng nghèo khó. Họ dựa vào Nguyên lý Phòng ngừa, và nhân danh bảo vệ sức khỏe con người, để làm áp lực lên Liên hiệp quốc phải tẩy chay việc dùng hoá chất DDT trong các nước đang phát triển. Nhưng mặt khác, họ xây dựng nhà máy sản xuất thuốc lá, và bán những dược phẩm đã được chứng minh là nguy hiểm cho các nước nghèo khó thuốc thế giới thứ ba.
Rủi ro trong thời đại toàn cầu hóa
Tại sao ngày nay trong khi khoa học phát triển rất cao và kiến thức khoa học càng ngày càng dồi dào, mà xã hội lại càng ngày càng tỏ ra lo ngại về sự rủi ro tưởng tượng hơn so với tình trạng của vài thập niên trước khi khoa học chưa tiến bộ và kiến thức khoa học còn hạn chế? Nhiều nhà xã hội học danh tiếng như Ulrich Beck và Anthony Giddens đã từng bỏ ra khá nhiều thời giờ để đi tìm câu trả lời. Họ đi đến kết luận rằng mấu chốt của vấn đề nằm ở cái mà họ gọi là “Hiện đại thứ hai” (second modernity), “Hiện đại muộn” (late modernity), hay “Thời kỳ hậu hiện đại” (post-modern age).
Để đi tìm định nghĩa của hậu hiện đại, có lẽ chúng ta cần phải nói đến một nhà thơ lớn của Pháp: Baudelaire. Ông không chỉ là người đầu tiên đã cho thế giới cái danh từ “hậu hiện đại”, mà còn là người đầu tiên mô tả tiến bộ như là một ý-tưởng-hiện-đại lớn. Ngày nay, chúng ta có vẻ tỉnh táo hơn về tiến bộ xã hội và tương lai. Một mặt chúng ta thừa nhận rằng tiến bộ là một quá trình cần thiết, nhưng mặt khác chúng ta cũng ghi nhận rằng có một cái giá phải trả cho quá trình tiến bộ. Chúng ta càng ngày càng cảnh giác với hậu quả của những việc làm của chính mình. Chúng ta không còn tin tưởng mù quáng vào tiến bộ, một dấu hiệu cho thấy hiện đại cũng chịu chấp nhận những hạn chế của nó.
Hậu hiện đại là một quá trình phát triển mà tất cả chúng ta đều phải trải qua trong một môi trường của những rủi ro, những bấp bênh, và tình trạng thiếu an toàn. Môi trường tự nhiên tạo nên con người; con người, qua quá trình làm việc, tạo nên văn hóa. Do đó, môi trường rủi ro này chi phối đến phản ứng của chúng ta trong thế giới mà chúng ta sinh sống, và cho ra đời cái văn hóa sợ hãi như hiện nay. Quan tâm đến những rủi ro trong cuộc sống hàng ngày không còn là những chuyện ngoại vi, mà nó đã được hàn gắn vào văn hóa, và nếp sống của con người trong thời kỳ hậu hiện đại.
Nhưng mối quan tâm đến sự rủi ro ngày nay còn là một sản phẩm của quá trình toàn cầu hóa và những cảm giác bất an gắn liền với hệ thống thế giới. Quan tâm đến rủi ro xuất hiện lần đầu tiên vào thập niên 1950s, thời gian mà các đại công ty Mỹ lọ ngại rằng chủ quyền kinh tế của họ ở Âu châu sẽ bị tước bỏ. Đến thập niên 1970s, thời gian mà người ta nhận thấy ảnh hưởng của các hóa chất trong môi trường có khả năng lan rộng trên bình diện toàn cầu.
Những cuộc cách mạng công nghệ, cũng như bất cứ những thay đổi nào trong xã hội, đều gắn liền với một vài rủi ro. Tai nạn kỹ nghệ hạt nhân ở Bhopal (Ấn Độ), ở Chernobyl (Nga), hay dị thai do thuốc Thalodomide gây nên, v.v... là những ví dụ cụ thể. Thay đổi càng mới lạ chừng nào thì những hậu quả càng ít được biết chừng nấy. Do đó, công chúng càng ngày càng không tin tưởng vào giới khoa học, bất tín nhiệm các công ty kinh doanh và cả hệ thống công nghệ. Từ đó, sự rủi ro trở thành một sản phẩm của toàn cầu hóa.
Thông tin và lý trí
Nỗi ám ảnh cá nhân với những cái rủi ro nhỏ nhất đã dần dà tích lũy thành một mối đe dọa cho xã hội nói chung. Giới truyền thông và giới trí thức, nhất là những người xuất hiện dưới danh nghĩa khoa học (hay ngụy khoa học) đóng một vai trò không nhỏ trong việc sản xuất ra nỗi ám ảnh trong người dân. Mối quan tâm về rủi ro ngày nay cũng giống như điều từng ám ảnh trong thời Byzantine, thời mà giới trí thức đặt câu hỏi là có bao nhiêu thiên thần có thể nhảy nhót trên một cây kim, và họ tự phí công đi tìm câu trả lời!
Nếu chịu khó theo dõi phản ứng của giới báo chí trước kết quả nghiên cứu trên, ai cũng có thể thấy khá rõ ràng là một số xã hội như Mỹ, Anh, Úc, v.v… thường phản ứng một cách lẫn lộn, hoảng loạn; trong khi đó trong các xã hội như Pháp, Bỉ, Đức, Hồng Kông, và Nhật lại tỏ ra bình tĩnh, và có chừng mực, có cân nhắc. Sống trong những xã hội như Anh, Úc, Mỹ … chúng ta cần có thái độ nào trước những thông tin về rủi ro? Thứ nhất, tìm thêm thông tin, một khi có đầy đủ thông tin, chúng ta mới có thể ở một vị trí quyết định hành động. Nói chung, thái độ khoan dung tăng theo tỷ số thuận với lượng thông tin, khi chúng ta có đầy đủ thông tin, chúng ta sẽ trở nên kiên nhẫn và bình tĩnh hơn.
Thứ hai, dùng lý trí. Mọi phán xét theo cảm tính đều có xác suất sai rất cao. Một phương pháp an toàn nhất là dựa vào cảm nhận khoa học, cân nhắc xem thông tin được trình bày có khoa học tính hay không (giả định, phương pháp, nguồn gốc, sự thích hợp, khả năng thử nghiệm …), tác giả chúng có phải là người hiểu vấn đề hay không, v.v.. Một khi những câu hỏi này được đáp ứng thỏa đáng thì chúng ta mới có thể hình thành một quan điểm và hành động.
Nhận thức về những rủi ro trong cuộc sống hàng ngày là một điều cần thiết. Nhưng nhận thức như thế là để chúng ta biết những điều không nên hành động, chứ không phải để thụ động và đòi hỏi thế giới phải hoàn toàn an toàn. Rủi ro đã, đang và sẽ tồn tại cùng chúng ta trong cuộc sống; chúng ta không có cách nào loại trừ rủi ro. Vấn đề không phải là tìm cách tránh những rủi ro này, nhưng phải học cách sống với hiểm nguy một cách sáng suốt, phải chấp nhận một mức độ nguy hiểm của cuộc sống đa chiều. Mức độ nguy hiểm có thể chấp nhận được tùy thuộc vào nhận thức của từng cá nhân, và trong trường hợp này, lý trí là một phương tiện không thể thiếu được trong cuộc sống mới.