Vấn đề đào tạo tiến sĩ: kinh nghiệm từ Australia
Nguyễn Văn Tuấn
(bản rút gọn của bài này đã đăng trên Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 17/9/06)
Tin tức được đưa lên báo chí từ Hội nghị hiệu trưởng các trường phía Nam toàn là những tin làm sốc người đọc. Những đề án nghiên cứu cấp tiến sĩ cười ra nước mắt và tầm thường đến nổi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phải thốt lên “Bằng tiến sĩ không phải vật trang sức” đến những thiên vị trong việc thẩm định luận án làm cho những ai quan tâm đến nền giáo dục đại học ở nước nhà phải ngao ngán lắc đầu. Thêm vào đó là những lem nhem về nghiên cứu khoa học, đạo văn, mướn người viết luận án, v.v… liên tục được nhắc đến trên báo chí cho thấy nền học thuật trong nước gần như trong tình trạng báo động.
Theo dõi tình hình và tìm hiểu cách tổ chức đào tạo tiến sĩ ở trong nước trong thời gian qua, tôi thấy cách làm của Việt Nam có phần quá khác với nước ngoài, hay nói thẳng như giáo sư Hoàng Tụy là làm khoa học chẳng theo chuẩn mực quốc tế. Trong hai bài viết trước đây, tôi đã bàn qua mục đích của việc theo học và đào tạo tiến sĩ và giới thiệu các tiêu chuẩn cho một học vị tiến sĩ (Tạp chí hoạt động khoa học, số tháng 8/2006). Ở đây, tôi muốn nhân cơ hội bàn thêm về điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất để đào tạo tiến sĩ qua kinh nghiệm đào tạo ở Australia mà người viết đã từng tham gia đào tạo từ 10 năm qua.
Ở Australia, qui trình đào tạo một tiến sĩ bắt đầu bằng một đề án. Các nghiên cứu sinh hội đủ điều kiện theo học tiến sĩ (như phải có bằng cử nhân hạng danh dự, hay có bằng thạc sĩ và có trải qua nghiên cứu) phải viết một đề cương nghiên cứu trong vòng 2 trang, trong đó nói rõ mục tiêu nghiên cứu là gì, phương pháp ra sao, và kết quả kì vọng là gì. Đề cương sẽ được đệ trình cho một trung tâm đào tạo (cụm từ “trung tâm” tôi dùng ở đây là chỉ các viện nghiên cứu và trường đại học), và ở đây hội đồng khoa học sẽ gửi đề cương cho ba chuyên gia để thẩm định xem đề án nghiên cứu có thể hiện một đóng góp mới vào khoa học hay không, và tính khả thi của nghiên cứu ra sao. Dựa vào thẩm định và đề nghị của ba chuyên gia này, hội đồng khoa học sẽ quyết định nhận hay từ chối đề án nghiên cứu của thí sinh. Ở viện Garvan (và vài trung tâm đào tạo nổi tiếng khác) chúng tôi có chính sách tiếp nhận nghiên cứu sinh vào làm việc một thời gian từ 3 tháng đến 1 năm để xem triển vọng học hành, trước khi chấp nhận cho theo học tiến sĩ.
Ở Australia, đào tạo tiến sĩ chủ yếu là nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của một giáo sư hay nhà khoa học hội đủ điều kiện hướng dẫn. Thời gian đào tạo tối thiểu là 3 năm, nhưng thường là 4 năm. Hình thức là nghiên cứu toàn thời (full-time), chứ không bán thời (part-time) hay “đào tạo từ xa”. Trong thời gian này, nghiên cứu sinh phải chứng tỏ mình có những kiến thức cơ bản về khoa học và những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu mà thí sinh theo đuổi, phải am hiểu các tài liệu nghiên cứu cần thiết về lĩnh vực chuyên môn, phải có khả năng cập nhật hóa kiến thức cũng như tất cả những phát triển mới, phải chứng tỏ kĩ năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu chuyên ngành của mình, phải làm chủ được kĩ năng nghiên cứu, phải chứng tỏ đã đạt được những kĩ năng về truyền đạt thông tin bằng miệng và viết, v.v... Nghiên cứu sinh cũng được tạo điều kiện để tham dự và trình bày nghiên cứu tại các hội nghị chuyên ngành cấp quốc gia, và hội nghị quốc tế ít nhất là 1 lần trong quá trình đào tạo.
Việc chọn người hướng dẫn luận án cũng rất quan trọng. Không phải ai có bằng tiến sĩ cũng có thể hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ. Ở Australia, những người có quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ là những giáo sư hay nhà nghiên cứu có một chương trình nghiên cứu, có kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, được đồng nghiệp trong và ngoài nước công nhận. Có sẵn hay đang điều hành một chương trình nghiên cứu là tiêu chuẩn chứng tỏ người hướng dẫn đã ở vị trí độc lập và có định hướng rõ ràng trong khoa học. Cụm từ “có kinh nghiệm nghiên cứu” ở đây có nghĩa là người hướng dẫn phải là người từng có hoạt động nghiên cứu khoa học ở bình diện quốc tế, và hoạt động này được “đo lường” bằng số bài báo khoa học đã công bố trong các tập san khoa học quốc tế (ít nhất là 10 bài). Ngoài ra, người hướng dẫn lí tưởng phải là người “có tên tuổi” trên trường quốc tế, tức là đã từng được mời giảng, hay từng có giải thưởng quốc tế, hay được mời làm chủ tọa trong các hội nghị quốc tế, hay điều hành, hay từng hướng dẫn các nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ.
Có khi cần phải mời người hướng dẫn từ một trung tâm khác, kể cả ngoại quốc, để làm người hướng dẫn nếu vài khía cạnh của đề tài nghiên cứu nằm ngoài phạm vi chuyên môn của người hướng dẫn chính.
Không phải bất cứ trường đại học nào hay viện nghiên cứu nào cũng có quyền đào tạo tiến sĩ. Những trung tâm được phép đào tạo tiến sĩ phải có những chương trình nghiên cứu khoa học rõ ràng, có đầy đủ cơ sở vật chất, có hệ thống kiểm tra việc học hành nghiêm chỉnh, và có nhân sự có khả năng hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Ở Australia, cũng như ở các trường đại học Tây phương khác, luận án tiến sĩ chỉ là một trong nhiều tiêu chuẩn để tốt nghiệp. Khác với các đại học Âu châu, các đại học Australia không quá đặt nặng vào luận án, mà đặt nặng vào các bài báo khoa học mà nghiên cứu sinh đã công bố trên các tập san quốc tế. Ở Viện Garvan, chúng tôi khuyến khích nghiên cứu sinh công bố ít nhất là 3 bài báo trước khi viết luận án tiến sĩ. (Có nghiên cứu sinh phải tiêu ra 6 năm trời nghiên cứu trước khi viết luận án tiến sĩ.) Sở dĩ có điều lệ bất thành văn này là vì chúng tôi nghĩ rằng một luận án dù có giá trị khoa học cách mấy cũng chỉ lưu lại trên các kệ sách của trường đại học hay được lưu hành trong một số rất ít người liên quan, và cho dù luận án đã được duyệt thì vẫn chưa thể nói là luận án tốt được. Vì không lưu hành rộng rãi, cho nên ít ai biết luận án đó có giá trị ra sao hay chỉ là những sao chép ý tưởng của người khác (như tình trạng hiện nay ở nước ta). Vì thế, chúng tôi xem việc công bố nghiên cứu trên các tập san quốc tế, nơi được mọi người thẩm định và soi mói cẩn thận, là một cách “thử lửa” tốt nhất về chất lượng nghiên cứu của thí sinh.
Luận án được soạn thảo dựa vào những bài báo đã công bố. Ở các đại học Âu châu, người ta tổ chức các buổi “bảo vệ luận án”, nơi mà nghiên cứu sinh trình bày luận án và có người phản biện hay chất vấn. Ở Australia, hình thức bảo vệ luận án được xem là thiếu hiệu quả, vì không thể nào đánh giá một luận án tiến sĩ trong vòng một hay hai giờ đồng hồ. Do đó, các đại học Australia không tổ chức những buổi bảo vệ luận án, nhưng trước khi đệ trình luận án và trong quá trình theo học thí sinh phải qua ít nhất là ba lần “khảo thí” trong các buổi seminar chuyên ngành. Ngoài ra, thí sinh còn phải trình bày và bảo vệ nghiên cứu của mình trong các hội nghị quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, ở Australia có điều lệ thẩm định luận án (cho dù luận án dựa vào những bài báo đã công bố), và việc thẩm định này do ba chuyên gia ngoài trường đại học (và ít nhất một trong 3 người này phải từ một đại học ngoại quốc). Thời gian bình duyệt luận án kéo dài từ 3 tháng đến 6 tháng, và thí sinh phải trả lời tất cả các câu hỏi của các chuyên gia trước khi hội đồng khoa bảng quyết định trao học vị tiến sĩ hay không.
Điểm qua phương cách đào tạo trên và đối chiếu với tình trạng trong nước, phải nói rằng chương trình đào tạo tiến sĩ của các trường đại học Việt Nam chưa theo các chuẩn mực quốc tế, nếu không muốn nói là còn quá nhiều bất cập. Có nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Việt Nam sang Australia tự hào tuyên bố rằng anh ta chỉ mướn các công ti tư vấn phân tích và viết luận án cho anh ta, vì anh ta bận bịu với công việc quá! Nếu ai còn nghi ngờ thì chỉ cần đọc qua các bài báo nghiên cứu y học ở trong nước sẽ thấy rất nhiều thiếu sót và sai sót. Rất nhiều nghiên cứu mà ý tưởng thì không mới, phương pháp nghiên cứu quá nhiều sai sót, báo cáo quá sơ sài, và giá trị khoa học chỉ có thể nói là dưới trung bình. Ấy thế mà cũng có nhiều người tốt nghiệp với học vị tiến sĩ từ những bài báo khoa học như thế! Điều đáng ngại hơn là những “tiến sĩ” này sẽ là những người thầy cô tương lai hướng dẫn các nghiên cứu sinh khác.
Có lẽ vì những bất cập mang tính dây chuyền trong thời gian qua mà ngày nay chúng ta có một nhóm [không ít] nhà nghiên cứu chưa có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu mình theo đuổi, chưa am hiểu các tài liệu nghiên cứu cần thiết về lĩnh vực chuyên môn, thiếu kĩ năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu. Chính vì thế mà biết bao nhiêu tiến sĩ ở nước ta không thảo nổi một đề án nghiên cứu (chứ chưa nói đến nghiên cứu).
Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị các cơ quan chức năng (như Bộ Giáo dục, Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ Y tế, v.v…) nên tiến hành một số việc như sau:
Thứ nhất là rà soát lại xem trường đại học hay trung tâm nào hội đủ điều kiện đào tạo tiến sĩ. Hiện nay, rất nhiều trường đại học và viện ở trong nước đều có chương trình đào tạo tiến sĩ, nhưng có nhiều nơi cơ sở vật chất còn quá nghèo nàn, và thậm chí chưa có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học tầm quốc tế. Cho nên, có lẽ chính phủ nên đề ra những tiêu chuẩn cụ thể và dựa vào những tiêu chuẩn đó để trao chức năng đào tạo tiến sĩ. Tôi đoán nếu làm theo các chuẩn mực quốc tế, thì con số trung tâm đào tạo tiến sĩ không quá 20. Tuy nhiên, chúng ta cần chất hơn là cần lượng. Cần phải mạnh dạn ngưng ngay các chương trình đào tạo tại các trung tâm nào không đủ tiêu chuẩn. Cũng có thể hợp tác với các trung tâm nước ngoài, đặc biệt là ở các nước Âu Mĩ, để đào tạo và nghiên cứu.
Thứ hai là nên phát triển hay xem xét các tiêu chuẩn mà các trung tâm đào tạo nước ngoài đã áp dụng để trao quyền cho các giáo sư hay nhà nghiên cứu nào có thể làm hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ. Cần nhấn mạnh đến tiêu chuẩn quốc tế, bởi vì nói cho cùng, học vị tiến sĩ là một “giấy thông hành” làm nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp. Nói đến nghiên cứu khoa học là nói đến tính quốc tế của nó, do giá trị của nghiên cứu khoa học không giới hạn trong một quốc gia nào. Nói đến “giấy thông hành” cũng là nói đến gia trị pháp lí quốc tế của học vị tiến sĩ. Người hướng dẫn phải được công nhận trên trường quốc tế, để cho nghiên cứu sinh của họ có thể tìm cơ hội thực tập hậu tiến sĩ ở bất cứ nước nào, chứ không chỉ tại Việt Nam.
Thứ ba là nên xem xét và đề ra những tiêu chuẩn chung cho một học vị tiến sĩ. Hiện nay, hình như chưa có đại học nào đề ra những tiêu chuẩn cho một học vị tiến sĩ, và do đó, chất lượng nghiên cứu sinh rất khác nhau giữa các trung tâm đào tạo. Thật ra, cũng rất khó mà đề ra những tiêu chuẩn cụ thể, vì tùy thuộc vào ngành nghề chuyên môn, nhưng có thể dựa vào một số tiêu chuẩn ở nước ngoài mà tôi đã trình bày trong một tạp chí khác mới đây để phát triển cho trường hợp ở Việt Nam.
Thứ tư là nên xem xét lại qui trình phản biện. Như phản ảnh của vài đại biểu về tình trạng thiên vị trong việc thẩm định luận án, vấn đề thiên vị ở đâu cũng có, nhưng khác nhau là ở chỗ minh bạch. Ở Australia và Mĩ, người hướng dẫn có trách nhiệm phải đề cử ít nhất là 4 chuyên gia thẩm định luận cho Hội đồng khoa bảng của trường đại học. Nhưng bốn người này phải được sự chấp nhận của nghiên cứu sinh, tức trước khi đề cử người hướng dẫn phải bàn thảo với nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, Hội đồng khoa bảng chọn ai cụ thể thì cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh đều không có quyền biết. Việc làm này đảm bảo tính công bằng cho nghiên cứu sinh. Tôi đề nghị ngoài các giáo sư trong nước, cần mời một hay hai giáo sư hay nhà khoa học nước ngoài tham gia vào hội đồng thẩm định luận án. Sự có mặt của đồng nghiệp nước ngoài còn là một cách phát biểu về sự khách quan của quá trình chấm luận án.
Học vị tiến sĩ là một học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học. Ở các nước phương Tây, xã hội kính trọng những người có học vị tiến sĩ và gọi họ bằng danh xưng “Doctor”. Chương trình huấn luyện tiến sĩ là nhằm mục đích đào tạo một đội ngũ nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao cần thiết cho việc phát triển khoa học và công nghệ của một nước. Những người này đóng vai trò then chốt trong nền khoa học, và là nguồn cung cấp nhân lực khoa bảng cho các trường đại học của nước nhà. Do đó, có một chương trình đào tạo và huấn luyện có chất lượng cao là một bước đầu cực kì quan trọng trong việc chấn chỉnh và phát triển giáo dục đại học ở trong nước. Hi vọng những chia sẻ kinh nghiệm và đề nghị trên đây sẽ góp một phần vào định hướng nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.
Nước ta đang trên đà hội nhập và gia tăng giao dịch, kể cả quan hệ hợp tác khoa học, với thế giới bên ngoài, nhất là thế giới Tây phương. Các nhà khoa học tương lai của ta cần phải được đào tạo và huấn luyện qua một chương trình có qui củ quốc tế, mà trong đó họ được trang bị bằng những tri thức và kĩ năng chuyên môn không những mới nhất, mà còn phải sâu nhất, để sao cho họ không cảm thấy mặc cảm, mà còn tự hào cầm trong tay một học vị tiến sĩ từ Việt Nam.