Nhân câu chuyện điện não đồ xét nghiệm nghiện ma túy:
Hiểu kết quả xét nghiệm
Nguyễn Văn Tuấn
Vấn đề sử dụng điện não đồ để “chẩn đoán” nghiện ma túy đang được xã hội quan tâm, vì hệ quả khôn lường của nó. Người viết bài này không phải là một chuyên gia về vấn đề nghiện ma túy hay điện biểu đồ, nên sẽ không dám lạm bàn sự thích hợp của phương pháp xét nghiệm, mà chỉ muốn nhân cơ hội để bàn về một khía cạnh gần gũi với bệnh nhân (và bác sĩ) hơn: cách hiểu kết quả một xét nghiệm, và diễn dịch nó như thế nào.
Giới y học Tây phương thường ví chẩn đoán như là một bản án (a diagnosis is a sentence). Trong khi bác sĩ có thể hài lòng vì đã tìm được bệnh và đặt tên cho căn bệnh, nhưng bệnh nhân phải sống suốt đời với “bản án” đó, và trong nhiều trường hợp bệnh nhân có thể tìm đến cái chết. Câu nói ví von đó đã thành sự thật bi thảm qua trường hợp một giáo viên ở Sơn La đã tự vẫn vì bị chẩn đoán là nghiện ma túy (Lao Động 28/8/2006) và nhiều trường hợp công chức mất việc chỉ vì xét nghiệm điện não đồ cho ra kết quả dương tính.
Tất cả những trường hợp trên xảy ra chỉ vì một số bác sĩ và giới chức y tế và chính quyền địa phương tin rằng một kết quả xét nghiệm điện não đồ dương tính có nghĩa là đối tượng nghiện ma túy hay đang sử dụng ma túy. Nhưng rất tiếc đó là một hiểu lầm rất tai hại. Nói một cách ngắn gọn: một kết quả dương tính của bất cứ một phương pháp xét nghiệm nào, kể cả điện não đồ, không có nghĩa là nghiện ma túy hay đang sử dụng ma túy.
Để giải thích cho phát biểu trên rõ ràng hơn, chúng ta có thể xem xét các tình huống sau đây. Trong thực tế, một cá nhân hoặc là bị nghiện (hay đang sử dụng ma túy), hoặc là không nghiện (không sử dụng ma túy). Kĩ thuật xét nghiệm chỉ là một phương pháp gián tiếp mà thôi, chứ không thể phản ảnh chính xác tình trạng của một đối tượng. Ở mức độ đơn giản một phương pháp xét nghiệm cho ra kết quả dương tính hoặc âm tính. Do đó, chúng ta có 4 tình huống có thể xảy ra trong thực tế:
- Đối tượng sử dụng ma túy, và kết quả xét nghiệm là dương tính. Đây là tình huống dương tính thật;
- Đối tượng sử dụng ma túy, và kết quả thử nghiệm là âm tính. Đây là tình huống âm tính thật;
- Đối tượng không sử dụng ma túy, nhưng kết quả xét nghiệm là dương tính. Đây là tình huống dương tính giả; và
- Đối tượng sử dụng ma túy, nhưng kết quả xét nghiệm là âm tính. Đây là tình huống âm tính giả.
Nếu một phương pháp xét nghiệm hoàn hảo thì tình huống 3 và 4 sẽ không xảy ra. Nhưng trong thực tế, không có một phương pháp xét nghiệm nào, dù tinh vi đến đâu đi nữa, là hoàn hảo và chính xác tuyệt đối cả. Ngay cả kĩ thuật quang tuyến X để chẩn đoán ung thư vú (mammography) và xét nghiệm bệnh SIDA cũng không chính xác tuyệt đối! Do đó, người ta buộc phải chấp nhận một số sai sót. Chẳng hạn như một phương pháp xét nghiệm có triển vọng ứng dụng trong lâm sàng phải có tỉ lệ dương tính thật và âm tích thật trên 85%. Nếu ứng dụng trong một quần thể rộng hơn thì hai tỉ lệ này phải trên 90%. Thông thường, một phương pháp xét nghiệm trước khi đem vào ứng dụng cho một quần thể lớn, các tỉ lệ này cần phải được xác định trên nhiều quần thể độc lập, chứ không phải một nghiên cứu đơn lẻ được.
Trong tình huống 1 và 2, kết quả xét nghiệm phù hợp với thực tế, cho nên không có vấn đề gì. Tuy nhiên tình huống 3 có lẽ là tình trạng mà một số người ở Sơn La đang bị hàm oan. Còn tình huống 4 thì chúng ta chưa biết bao nhiêu, vì có thể người có kết quả âm tính nhưng trong thực tế có sử dụng ma túy sẽ chẳng bao giờ phàn nàn với các cơ quan chức năng!
Đối với đối tượng được xét nghiệm và bác sĩ, câu hỏi đặt ra là nếu kết quả là dương tính thì xác suất mà đối tượng sử dụng ma túy là bao nhiêu? Hỏi cách khác: trong số những người có kết quả xét nghiệm dương tính, bao nhiêu người thật sự nghiện ma túy. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải biết ba thông số: thứ nhất là tỉ lệ sử dụng ma túy trong một cộng đồng; thứ hai là tỉ lệ dương tính thật; và thứ ba là tỉ lệ dương tính giả.
Chúng ta biết rằng Sơn La hiện nay có khoảng 1% người nghiện ma túy (Lao Động 28/08/2006).
Nhưng chúng ta chưa biết độ chính xác của phương pháp điện não đồ là bao nhiêu. Nói cách khác, chúng ta chưa biết bao nhiêu phần trăm kết quả xét nghiệm là dương tính thật và bao nhiêu phầm trăm là dương tính giả? Kinh nghiệm từ các phương pháp xét nghiệm tinh vi như quang tuyến X để truy tìm ung thư vú cho thấy tỉ lệ dương tính thật là khoảng 95% và tỉ lệ dương tính giả khoảng 4%.
Nếu kĩ thuật điện não đồ đạt được độ chính xác như trên, chúng ta có thể trả lời câu hỏi trên khá dễ dàng qua một ví dụ như sau:
- Giả dụ như một cộng đồng với 10.000 người, và với tỉ lệ sử dụng ma túy 1%, chúng ta biết rằng có 100 người thật sự sử dụng ma túy và 9.900 người không sử dụng ma túy;
- Nếu 100 người sử dụng ma túy đó đi xét nghiệm điện não đồ, sẽ có 95 người có kết quả dương tính (vì tỉ lệ dương tính thật là 95%);
- Nếu 9.900 người không sử dụng ma túy đi xét nghiệm điện não đồ, sẽ có 396 người có kết quả dương tính (vì tỉ lệ dương tính giả là 4%);
- Vì thế trong cộng đồng sẽ có 491 người (tức 95 + 396) có kết quả dương tính. Nhưng trong số này chỉ có 95 người là thật sự sử dụng ma túy, còn 396 người kia là do sai sót của kĩ thuật xét nghiệm. Do đó, xác suất mà một đối tượng có kết quả xét nghiệm dương tính và thật sự sử dụng ma túy là 95/491 = 0,193 hay 19,3%.
Kết quả tính toán trên đây có nghĩa là, trong một cộng đồng dân số như ở Sơn La với 1% người nghiện ma túy và nếu phương pháp xét nghiệm điện não đồ chính xác như quang tuyến X, chỉ có 1 trong số 5 người có kết quả xét nghiệm dương tính thật sự nghiện ma túy (4 người còn lại là bị hàm oan).
Giả dụ như một đối tượng đi xét nghiệm và có kết quả dương tính, bác sĩ nên nói gì với đối tượng? (Chắc chắn không phải là “Anh nên vào trung tâm cai nghiện”). Theo các chuyên gia về thông tin, cách truyền đạt thông tin tốt nhất là nói thật với đối tượng: “Cứ 100 người như anh đi xét nghiệm và có kết quả dương tính thì khoảng 20 người bị nghiện ma túy; tuy nhiên tôi không biết anh có nằm trong 20 người đó hay không. Tôi cần phải xem xét đến các yếu tố khác nữa”.
Xin nhấn mạnh một lần nữa kết quả trên chỉ đúng với điều kiện kĩ thuật xét nghiệm có độ chính xác tương đương với độ chính xác của kĩ thuật xét nghiệm X quang (95% dương tính thật và 4% dương tính giả). Trong thực tế, rất ít kĩ thuật xét nghiệm đạt được độ chính xác đó. Ngay cả kĩ thuật xét nghiệm hiện đại như GC-MS (gas chromatography – mass spectrometry) để truy tìm sử dụng ma túy cũng chỉ có độ dương tính thật khoảng 60% đến 95%, và dương tính giả khoảng 1-2%). Nếu kĩ thuật điện não đồ có độ chính xác thấp và dương tính giả cao thì xác suất mà đối tượng thật sự sử dụng ma túy còn thấp hơn con số 19%.
Với một xác suất 19% (hay thấp hơn), đối tượng có nên được gửi đi điều trị cai nghiện hay không? Theo tôi, vì xác suất quá thấp, cho nên chẩn đoán còn quá nhiều bất định, và việc gửi đối tượng đi điều trị hay can thiệp vào đời sống và sự nghiệp của đối tượng là quá vội vàng.
Thật ra, theo các chuyên gia nghiên cứu về nghiện, “hội chứng” nghiện ma túy là một tình trạng phức tạp chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường và sinh lí. Vì thế, việc xác định một đối tượng nghiện hay không nghiện ma túy rất phức tạp, chứ không đơn thuần bằng một xét nghiệm như điện não đồ. Ngay cả các phương pháp xét nghiệm “cổ điển” như thử máu và phân tích nước tiểu cũng không hoàn hảo vì tỉ lệ dương tính giả còn khá cao (hơn 10%!) Ngoài ra, các yếu tố lâm sàng đặc thù cho từng cá nhân còn phải xem xét cẩn thận. Nói cho cùng chẩn đoán là 50% nghệ thuật và 50% là khoa học.
Điện não đồ (electroencephalogram hay thường viết tắt là EEG), như tên gọi, là một kĩ thuật ghi hoạt động điện của các phần não. Kĩ thuật này thường được sử dụng để giúp tìm hiểu và chẩn đoán các bệnh liên quan đến hệ thống thần kinh như bệnh co giật, chấn thương sọ não, nhức đầu, rối loạn tâm thần, v.v… Rất khó mà phân biệt độ đặc hiệu của các tín hiệu này là hệ quả của nghiện ma túy hay các bệnh vừa kể. Đây là lần đầu tiên người viết nghe đến việc ứng dụng kĩ thuật điện não đồ trong việc chẩn đoán nghiện ma túy. Tìm trong y văn thế giới cũng chưa thấy một ứng dụng như thế.
Tuy nhiên, theo một giáo sư thì kĩ thuật xét nghiệm điện não đồ đã được nghiên cứu và kết quả đã “được duyệt từ cấp Bộ đến cấp nhà nước. […] Đề tài này được đánh giá xuất sắc, phổ cập trên toàn quốc”. Có thể nghiên cứu này xuất sắc qua thẩm định của các quan chức y tế, nhưng vì kết quả của công trình nghiên cứu này chưa được công bố trên một tập san y học có bình duyệt, nên rất mà khó biết giá trị khoa học của công trình nghiên cứu ra sao.
Nếu có thể, tác giả của công trình nghiên cứu điện não đồ và nghiện ma túy nên công bố kết quả trên một diễn đàn nào đó, như ykhoa.net chẳng hạn, để các đồng nghiệp và công chúng có thể xem xét. Việc công bố công trình nghiên cứu rất quan trọng, bởi vì nghiên cứu đó do chính phủ tài trợ (tức từ thuế của dân), và do đó người dân có quyền biết các nhà nghiên cứu làm ra sao và kết quả như thế nào.
Trước những sự cố đáng tiếc xảy ra gần đây, có lẽ phương pháp xét nghiệm điện não đồ trong việc chẩn đoán nghiện ma túy cần phải được thẩm định (bởi các chuyên gia dịch tễ học độc lập) lại để tránh những sai sót chết người có thể xảy ra trong tương lai.
Ghi thêm:
Hiểu lầm kết quả chẩn đoán, rất tiếc, đây không phải là những trường hợp duy nhất xảy ra ở nước ta, mà đã từng xảy ra trên khắp thế giới, ngay cả ở Mĩ nơi có hệ thống xét nghiệm hiện đại và tinh vi. Hậu quả của những sai sót này có khi rất tốn kém. Câu chuyện sau đây là một trường hợp khá tiêu biểu. Bệnh nhân (tạm gọi là Betty) là một góa phụ 45 tuổi, với ba con, sống ở bang Florida (Mĩ). Một hôm vào tháng 11 năm 1990, Betty nhận điện thoại từ văn phòng y tế địa phương yêu cầu chị đến trụ sở văn phòng, nơi mà chị từng đến khám bệnh tuyến giáp và thử máu. Khi chị ghé sở y tế, bác sĩ cho chị biết rằng chị bị bệnh SIDA. Bác sĩ không chắc là chị sẽ sống được bao lâu. Những tháng sau hung tin đó là những chuỗi ngày buồn rầu và lo lắng. Chị xem ti-vi liên tục để cố tình xua đuổi cái ý tưởng chị bị bệnh AIDS ra khỏi tâm trí. Nhưng oái oăm thay, cái ý tưởng đó cứ đeo đuổi chị mãi: chị sẽ mặc áo gì khi chết, con cái chị sẽ sống ra sao sau khi chị qua đời, và bạn bè chúng sẽ nhìn chúng như thế nào?
Năm 1992, bác sĩ cho chị dùng thuốc didanosine (một loại thuốc kháng HIV). Biến chứng của thuốc làm cho chị bị ói mửa thường xuyên, hay mệt mỏi, và vài vấn đề khác. Khi chị tham gia vào hội những người bị bệnh SIDA ở địa phương, người cố vấn ở đó nhận thấy hàm lượng tế bào T của chị khá cao. Họ đề nghị chị nên đi tái khám. Tháng 11 năm 1992, Betty lại nhận một cú điện thoại từ sở y tế địa phương, yêu cầu chị ghé văn phòng sở sớm. Khi chị ghé văn phòng sở, chị được cho biết rằng kết quả thử nghiệm AIDS của chị là âm tính (tức là chị có thể không bị AIDS)!
Betty kiện bác sĩ, trung tâm thử nghiệm HIV, và sở y tế Florida ra tòa. Bồi thẩm đoàn bồi thường cho Betty 600.000 Mĩ kim vì đã phải chịu qua hai năm trời đau khổ với bản án y khoa không có thật (Trích từ sách: AIDS update 1999: An annual overview of acquired immune deficiency syndrome của tác giả GJ Stine (trang 359), Nxb Upper Saddle River, NJ: Prentice-Hall, 1999).