Vắcxin phòng bệnh sởi - quai bị - Rubella: lợi và hại
Nguyễn Văn Tuấn
Viện nghiên cứu y khoa Garvan
Sydney, Australia
Sự kiện một em bé ở Thành phố Hồ Chí Minh bị chết và 6 trẻ em khác bị tai biến sốc nặng sau khi tiêm vắcxin Priorix phòng chống bệnh sởi - quai bị - Rubella là một tai nạn rất đáng tiếc (http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2006/05/569246). Quyết định tạm ngưng sử dụng vắcxin của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh theo tôi là rất đúng và thích hợp. Kinh nghiệm ở các nước Tây phương, một vấn đề như thế, nhất là liên quan đến an toàn của trẻ em, cần phải được điều tra và nghiên cứu cẩn thận để xác định nguyên nhân và hệ quả.
Theo công ti GlaxoSmithKline thì vắcxin Priorix™ nói chung là an toàn và đã được sử dụng trên hàng triệu trẻ em trên thế giới. Điều này đúng, nhưng ở đây tôi muốn lưu ý rằng những phản ứng có tác hại của vắcxin tương tự do công ti Merck sản xuất đã từng được báo cáo trong y văn, và tỉ lệ phản ứng có tác hại không phải thấp 1 trên 1 triệu trường hợp tiêm chủng như có người nhận xét.
Theo một nghiên cứu dịch tễ học công bố vào năm 2000 (1), trong 1,8 triệu người được tiêm vắcxin, có 437 trường hợp báo cáo hiệu ứng tác hại của vắcxin, và trong đó có 137 trường hợp được xem là có nguy hiểm đến mạng sống do vắcxin gây ra. Trong số này có một bé trai 13 tháng tuổi chết sau khi được tiêm vắcxin đúng 8 ngày. Trường hợp tử vong này chưa rõ nguyên nhân, nhưng có thể không liên quan đến vắcxin. Phần còn lại là những tác hại được xem là nguy hiểm như suyễn, động kinh, viêm màng não, viêm phổi, v.v.. (xem bảng dưới đây)
Hiệu ứng có tác hại của vắcxin phòng chống bệnh sởi - quai bị - Rubella | Số trường hợp bị phản ứng có tác hại (adverse events) |
Chết | 1 |
Suyễn | 30 |
Phản vệ (anaphylaxis) | 30 |
Động kinh | 56 |
Viêm não | 4 |
Viêm màng não | 4 |
Hội chứng Guillain-Barré | 2 |
Viêm phổi | 12 |
Trích từ: Annamari P, et al. Serious adverse events after measles-mumps-rubella vaccination during a 14-year prospective follow-up. Pediatr Infect Dis J 2000; 19:1127-34
Trong nghiên cứu trên, ngoài các trường hợp “nguy hiểm” đó, còn có nhiều phản ứng phụ nhưng nhẹ như sốt (180 ca), ngoại ban (132 ca), bệnh hạch máu trằng (lymphadenopathy, 69 ca) , viêm mũi (37 ca), v.v… Phần lớn trường hợp bị phản ứng vắcxin xảy ra trong hai thời điểm: trong vòng 24 giờ, hay sau 7 đến 10 ngày sau khi tiêm.
Ngoài các phản ứng có tác hại trên đây, có người còn nghi ngờ rằng vắcxin phòng chống bệnh sởi - quai bị - Rubella còn gây ra bệnh tự kỉ (tức autism), nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy có mối liên hệ này (2).
Những trường hợp ảnh hưởng xấu của vắcxin đến trẻ em được tiêm chủng đã và đang là một đề tài tranh luận nóng tại các nước như Anh. Vì liên quan đến trẻ em, cho nên nhiều ý kiến chung quan vấn đề này có khi rất cảm tính và khó phân biệt được đâu là thật và đâu là cảm tính cá nhân.
Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận rằng bất cứ một thuật điều trị và biện pháp phòng chống nào cũng có hai mặt tốt-xấu đối chọi nhau. Đứng trên quan điểm một quần thể mà nói, vắcxin phòng chống bệnh sởi - quai bị - Rubella nói chung là an toàn, nhưng đứng trước một cá nhân thì nguy cơ bị ảnh hưởng có tác hại (chứ không phải “ảnh hưởng phụ” như các công ti thuốc vẫn nói) vẫn là một thực tế.
Đối với cha mẹ, cần phải nhận thức rằng mỗi khi đem con mình để tiêm ngừa, chúng ta chấp nhận một rủi ro. Có thể rủi ro đó rất thấp, nhưng vẫn là một rủi ro thực tế có thể xảy ra. Nhưng nếu không tiêm ngừa những bệnh như sởi - quai bị - Rubella thì rủi ro xảy ra có thể còn cao hơn là không tiêm ngừa.
Thành ra, cha mẹ phải cân nhắc giữa lợi và hại khi tiêm ngừa để đi đến một quyết định tối ưu. Để giúp cho việc cân nhắc đó, tôi xin đưa ra vào thông tin liên quan như sau. Vài năm trước đây, ở Hà Lan xảy ra một “đại dịch” bệnh sởi - quai bị - Rubella, mà theo đó hơn 2300 trẻ em phải nhập viện và một số tử vong. Ở Ái Nhĩ Lan, trong số 1220 trường hợp bị nhiễm bệnh sởi - quai bị - Rubella, có 2 trẻ em chết, và tỉ lệ tử vong được ghi nhận là khoảng 1 trên 700 trẻ em bị nhiễm bệnh.
Nhưng quyết định sau cùng về tiêm vắcxin phòng ngừa bệnh vẫn là quyết định của cha mẹ chứ không phải quyết định của giới y tế. Giới y tế có trách nhiệm phải cung cấp thông tin chính xác về lợi và hại cho cha mẹ để giúp họ đi đến một quyết định.
Nếu so sánh nguy cơ trên với nguy cơ bị ảnh hưởng có tác hại (khoảng 3 trên 100.000 trường hợp tiêm ngừa) thì cán cân nghiêng về lợi ích của tiêm chủng. Tuy nhiên mạng sống của con người và đặc biệt là trẻ em phải được xem là ưu tiên số 1. Qua kinh nghiệm từ nước ngoài và qua thảm trạng trên, chúng ta thấy nhu cầu cho một mạn lưới dịch tễ học sâu rộng thật là cấp bách và quan trọng trước khi khởi động phong trào tiêm chủng phòng bệnh. Một mạn lưới như thế không chỉ cung cấp thông tin về ảnh hưởng có tác hại của vắcxin mà còn cho chúng ta biết hiệu quả của vắcxin trên bình diện quần thể.
Chú thích:
(1) Annamari P, et al. Serious adverse events after measles-mumps-rubella vaccination during a 14-year prospective follow-up. Pediatr Infect Dis J 2000; 19:1127-34.
(2) Taylor B, et al. Autism and measles, mumps, and rubella vaccine: no epidemiological evidence for a causal association. Lancet 1999 353: 2026-2029.