Khi bác sĩ trẻ “khoe” quá nhiều
Erin N. Marcus (*)
|
Khoe nhiều quá! Hình minh họa từ New York Times, 20/11/2006 |
Khi tôi còn là giáo sư trẻ, tôi làm việc với một nữ bác sĩ nội trú vừa thông minh, giàu năng lực, vừa tận tụy với việc chăm sóc bệnh nhân. Chỉ có một vấn đề. Mỗi khi cô ta báo cáo bệnh lí trước mặt tôi và các bác sĩ khác, chúng tôi cảm thấy thật khó mà lờ đi bộ quần áo quá ngắn của cô.
“Ông phải nói với cô ấy,” một nam đồng nghiệp nói với tôi như thế. Một nữ đồng nghiệp khác cũng khuyên tôi như thế. Nhưng nếu cô ấy phạm sai sót trong việc điều trị bệnh nhân hay cho thuốc sai, chúng tôi sẽ không ngần ngại khiển trách cô ấy, còn đằng này, phàn nàn về chuyện quần áo, trang điểm thì thật là khó khăn. Chẳng ai trong khoa chúng tôi muốn nói trực tiếp với cô bác sĩ trẻ về chuyện trang phục. Cuối cùng, chẳng ai trong chúng tôi phàn nàn.
Gần một thập niên sau đó, tôi thấy càng ngày càng có nhiều bác sĩ trẻ và sinh viên y khoa ăn mặc giống như cô bác sĩ trẻ của tôi năm nào. Hình như mỗi ngày tôi đều thấy hoặc là một cái rốn bị “khoe” ở nơi này, hoặc là một bộ ngực được “khoa trương” ở nơi khác. Đó là chưa kể đến những đôi giầy sandal để lộ móng chân sơn đỏ choét, những móng tay được mài giũa cẩn thận và sơn son một cách công phu, những chiếc guốc quá cao gót, những chiếc váy ngắn bó sát vào mông, những áo sơ mi mỏng gần như để lộ làn da, v.v…
Có thể quan sát của tôi phản ánh thời trang thành phố tôi đang làm việc. Miami là một thành phố bán nhiệt đới, nơi nổi tiếng với những bộ quần áo thời trang nóng bỏng. Nhưng các đồng nghiệp của tôi ở các thành phố khác cũng cho biết có cùng cảm nhận như tôi. Họ cũng chứng kiến những cảnh sinh viên y khoa và bác sĩ trẻ đi làm với những bộ quần áo quá “tươi mát”, thiếu tính chuyên môn.
Tiến sĩ Pamela A. Rowland, một nhà nghiên cứu về hành vi con người và giám đốc văn phòng phát triển chuyên môn y khoa tại Đại học Dartmouth, từng bỏ ra khá nhiều năm để nghiên cứu về tác động của quần áo bác sĩ đến sự tin tưởng của bệnh nhân, cho biết trong khi giới chuyên môn thuộc các lĩnh vực thương mại và kĩ thuật đều có qui chế về ăn mặc, ngành y không có một qui chế như thế.
Đối với các giáo sư và bác sĩ trung niên (như tôi), những câu chuyện về cách ăn mặc hở hang, nhếch nhác của các bác sĩ trẻ không còn là chuyện quá mới. Một đồng nghiệp cho biết một nữ bác sĩ trẻ đẹp như tiên nọ từng làm cho nhiều bệnh nhân nam nhiều phen bị tai biến mỗi khi cô bước vào phòng khám trong cái váy ngắn cũn cỡn và cái áo bó sát người. Một đồng nghiệp khác phàn nàn về một nam bác sĩ trẻ đi làm với bộ quần áo nhăn nheo như không bao giờ ủi và bộ râu xồm xoàm như chưa bao giờ cạo râu. Một khoa trưởng y khoa thuộc một đại học miền trung tây (Mĩ) cho tôi biết vì tình trạng ăn mặc hở hang và thiếu tính chuyên môn của bác sĩ và sinh viên, khoa của bà phải đề ra điều lệ về ăn mặc quần áo trong khi làm việc.
Cách trang phục có ảnh hưởng đến cảm nhận của bệnh nhân và đồng nghiệp. Nếu bác sĩ mặc quần áo quá tùy tiện hay quá hở hang, bệnh nhân và đồng nghiệp có thể đánh giá thấp kĩ năng và kiến thức của họ, hay ý kiến của họ sẽ không được đánh giá cao. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh cũng là một mối quan tâm. Chẳng hạn như những đôi giầy để hở móng chân có thể phơi nhiễm bác sĩ bị nhiễm từ bệnh nhân, hay râu tóc dài có thể là môi trường cho vi khuẩn sinh sôi nẩy nở gây tác hại đến bệnh nhân.
Tiến sĩ Rowland cho biết: “Bệnh nhân không có bản sơ yếu lí lịch của bác sĩ; do đó, diện mạo rất quan trọng vì đó là cái mà họ có thể thấy trực tiếp.” Nếu bác sĩ không đáp ứng được kì vọng của bệnh nhân, mối băn khoăn của bệnh nhân sẽ gia tăng.
Theo một nghiên cứu vừa công bố trên tờ Tập san của Hiệp hội Y khoa Hoa Kì (Journal of the American Journal of Medical Association), khi được hỏi về cách trang phục, đại đa số bệnh nhân đều cho biết họ thích bác sĩ mặc áo blouse trắng, hơn là áo veston, hay quần jean, hay váy. Theo nghiên cứu trên, bệnh nhân còn có xu hướng tâm sự và tiết lộ những mối lo âu về xã hội, tâm lí, tình dục với các bác sĩ trong chiếc áo blouse trắng hơn là các bác sĩ trong các bộ quần áo khác.
Khi bác sĩ bị tố tụng trước pháp đình, luật sư và quan tòa thỉnh thoảng đòi hỏi những thông tin về cách ăn mặc của bác sĩ như là những chi tiết về bằng chứng. Nghiên cứu của Tiến sĩ Rowland còn cho thấy cách ăn mặc của bác sĩ có ảnh hưởng đến số điểm trong các kì thi chuyên môn. Trong các kì thi này, bác sĩ thường chịu sự chi phối và quan sát của các bác sĩ trung niên cao tuổi hơn, và họ thường quan tâm đến vấn đề ăn mặc của đồng nghiệp trẻ.
Ai cũng muốn mình đẹp và hấp dẫn, nhưng không bác sĩ nào muốn ý kiến chuyên môn của mình bị xem thường chỉ vì quần áo mình mặc không nghiêm chỉnh. Thành ra, đối với bác sĩ, duy trì một phong cách bảo thủ trong ăn mặc khi làm việc có thể giúp đỡ bác sĩ ít nhiều trong chuyên môn.
Đứng trên phương diện lịch sử mà nói, trang phục của bác sĩ khác với trang phục của quần chúng nói chung. Ở các nước Tây phương, trang phục của bác sĩ vẫn tiến hóa không ngừng. Ông tổ y khoa Tây phương, Hippocrates, khuyên các bác sĩ nên sạch sẽ và mặc “quần áo phong lưu”. Ông còn khuyên bác sĩ nên “tròn trĩnh” (plump) và xức dầu có “mùi ngọt”. Chiếc áo blouse trắng chỉ trở thành trang phục của ngành y vào thế kỉ 20. Gần đây, Hiệp hội Y khoa Anh khuyên bác sĩ làm việc trong bệnh viện không nên đeo cà vạt, bởi vì họ ít khi nào giặt cà vạt và vì thế có thể đem vi khuẩn "kháng kháng sinh" vào bệnh viện!
Nhiều trường y trên thế giới có qui định về trang phục (trường Miami nơi tôi đang làm việc còn có điều lệ cụ thể như sinh viên nên giữ màu tóc tự nhiên – ý nói không nên nhuộm tóc). Nhưng thực thi các qui định này thường không dễ chút nào, vì còn tùy thuộc vào cá tính của giáo sư từng trường, từng bộ môn.
Năm ngoái, tôi bắt buộc phải cho một nữ sinh viên xuất sắc về nhà thay đồ, chỉ vì cô ta mang giầy kiểu “flip flop” (dù cô ta cho biết đó là một đôi giầy rất đắt tiền!) Tôi cảm thấy có tội về quyết định của tôi lúc đó, vì cô ta phải trễ buổi thực hành lâm sàng chiều hôm đó. Nhưng tôi nghĩ chắc cô ta chẳng bao giờ dám mang giầy như thế vào bệnh viện lần thứ hai.
Và, tôi vẫn còn kinh ngạc về cô bác sĩ nội trú từng làm việc với tôi mười năm về trước. Bệnh nhân và đồng nghiệp có đánh giá thấp khả năng của cô không? Nói cho cùng, việc chúng tôi phớt lờ cách trang phục của cô lúc đó cũng đồng nghĩa là chúng tôi đã không làm ơn cho cô.
(*) Nguyễn Văn Tuấn lược dịch từ tiểu luận “When Young Doctors Strut Too Much of Their Stuff” của Erin N. Marcus, đăng trên tờ New York Times 20/11/2006. Bác sĩ Marcus là “giáo sư dự khuyết” (assistant professor) y khoa thuộc Đại học Miami, Florida.