Chất keo xã hội: hormones
Nguyễn Văn Tuấn
Thi hào Nguyễn Du từng viết: “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e” để mô tả tình trạng ngập ngừng của người con gái. Đó là cảm nhận của phần lớn nam giới khi đối diện với bạn gái của mình, cứ tưởng là bạn mình đồng thuận, nhưng hình như vẫn có gì lấn cấn. Không ai biết tại sao. Người ta chỉ đoán mò rằng đó là cá tính phức tạp của phụ nữ. Nhưng một vài nghiên cứu gần đây cho thấy cá tính đó có thể giải thích bằng 2 hormones hay kích thích tố.
Lòng tin và kích thích tố
Con người được ví von là những động vật xã hội (social animals), hiểu theo nghĩa chúng ta tồn tại dựa vào sự tương tác và tin tưởng lẫn nhau. Nếu không tin tưởng nhau, xã hội khó có thể vận hành và tồn tại như chúng ta biết. Con người có mức độ tin tưởng vào -- và hợp tác với -- người ngoài gia tộc cao hơn các động vật khác. Nhưng cũng như bất cứ lĩnh vực sinh hoạt xã hội nào cũng có 2 khía cạnh tích cực và tiêu cực, sự tin tưởng ngoài tác động tích cực cũng có nguy cơ tiêu cực. Nếu quá tin vào người khác, chúng ta dễ bị lầm lạc và lường gạt. Ảnh hưởng tiêu cực điển hình của sự tin tưởng mù quáng là nhiều người mất tiền qua vụ Madoff!
Rất ít ai nghĩ rằng niềm tin chịu sự chi phối của … hormone (kích thích tố). Nhiều nghiên cứu rất thú vị gần đây cho thấy có 2 kích thích tố có ảnh hưởng đến lòng tin cậy là oxytoxin và testosterone. Trong một nghiên cứu độc đáo khoảng 5 năm trước, các nhà tâm lí học Thụy Sĩ đo mức độ tin tưởng ở 178 nam tình nguyện; phân nửa nhóm được tiêm oxytoxin, và phân nửa chỉ tiêm giả dược (placebo). Các tình nguyện viên nghiên cứu sau đó được cho tiền để họ đầu tư vào một ngân hàng không biết ai lảm chủ. Kết quả cho thấy 45% người trong nhóm oxytoxin sẵn sàng đầu tư vào ngân hàng, nhưng chỉ 21% người trong nhóm giả dược chịu đầu tư.
Nhưng như đề cập trên, tin tưởng mù quáng vào người khác có thể gây tác hại nguy hiểm. Câu hỏi đặt ra là kích thích tố nào đóng vai trò đối trọng với oxytoxin. Một nghiên cứu mới công bố vào tuần qua cho thấy testosterone chính là kích thích tố đó. Trong nghiên cứu này, 28 nữ tình nguyện viên (tuổi trung bình 20) được cho uống một liều lượng thuốc chứa testosterone chỉ 5 mg hoặc chỉ nước lạnh; sau đó, họ cho tình nguyện viên xem hình của 150 đàn ông và cho điểm “tin cậy”. Kết quả cho thấy nhóm uống testosterone ít tin tưởng vào đàn ông hơn là nhóm uống giả dược. Điều thú vị là khi phân tích nhóm đối tượng có độ tin tưởng thấp thì không có khác biệt nào giữa 2 testosterone và giả dược, nhưng ở những đối tượng có độ tin tưởng cao thì rõ ràng nhóm được uống testosterone suy giảm độ tin tưởng nhanh hơn nhóm giả dược.
Ảnh hưởng đối nghịch
Oxytoxin và testosterone là 2 kích thích tố tác động đến lòng tin của chúng ta một cách đối nghịch nhau. Oxytocin là một kích thích tố được tiết ra từ não trong quá trình giao hợp và trong khi sinh nở. Oxytoxin được xem là kích thích tố gắn kết giữa những cặp tình nhân, cũng như giữa cha mẹ và con cái. Chính vì ảnh hưởng này mà oxytoxin được bào chế để sử dụng trong giúp việc sinh đẻ của các bà mẹ dễ dàng hơn.
Testosterone thường được giới nội tiết học ví von là một “kích thích tố cá tính”. Testosterone được xem là kích thích tố nam tính, vì nó có liên quan đến những hành vi như hung hãn, ngực rộng, lông ngực, v.v… Testosterone suy giảm theo độ tuổi. Nhưng nữ cũng có testosterone, dù nồng độ trong máu rất ít so với nam. Ở động vật như chuột, tăng testosterone làm tăng tính hung hãn và hay gây hấn. Nhưng ở người, testosterone có vẻ đóng vai trò giúp cho chúng ta đi đến những quyết định sáng suốt và giàu lí tính, cẩn thận, thậm chí thông minh. Có nghiên cứu còn cho thấy người có nồng độ testosterone cao thường hay thành công trong thị trường chứng khoán, có lẽ vì những người này sẵn sàng đối đầu với nguy cơ cao. Nói chung, testosterone là một kích thích tố có ích, một phương tiện để tồn tại và thành công trong xã hội hiện đại.
Ở nữ, testosterone còn có vai trò nâng cao dục tính và “sinh lực”. Nồng độ testosterone ở nữ thường tăng cao trước thời kì rụng trứng. Do đó, đứng trên quan điểm tiến hóa, phụ nữ chỉ có động cơ quan hệ tình dục khi khả năng thai nghén ở mức độ cao nhất. Nhưng trong “bối cảnh” đó, mối liên hệ giữa testosterone và tin tưởng đóng vai trò gì? Trong khi oxytoxin tăng thì testosterone cũng tăng theo; do đó khi người phụ nữ tỏ tình với người yêu cũng chính là lúc testosterone cảnh giác người phụ nữ không nên quá tin tưởng vào người tình.
Do đó, vần thơ “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” của Nguyễn Du có thể giải thích bằng sự ảnh hưởng đối nghịch của oxytoxin và testosterone đến niềm tin tưởng vào người lạ mặt. Phụ nữ có thể rất phức tạp, sự phức tạp đó có thể tiên lượng được qua những hiểu biết sơ khởi về hormones.