Dựa vào khoa học, đừng dựa vào niềm tin!
(trả lời ông Nguyễn Văn Dũng)
Nguyễn Văn Tuấn
Tôi xin cảm ơn ông Nguyễn Văn Dũng đã có thư trả lời. Tôi hiểu ông đang chống dịch, một việc làm quan trọng hơn là đi tranh luận những vấn đề mà ông viết là “không đáng tranh cãi”. Tuy nói thế, nhưng ông vẫn … tranh cãi. Và, qua lá thư của ông, tôi mới biết rằng động cơ tranh cãi của ông hoàn toàn mang tính cá nhân. Như ông viết rõ ràng là ông chống tôi (nguyên văn: “tôi chống lại ông”).
Như vậy, ông chống tôi chứ chưa chắc chống lại quan điểm của tôi. Xuất phát từ đó, một lần nữa, ông Nguyễn Văn Dũng lại tự chứng tỏ không kiềm chế cảm xúc của mình. Ông lại một lần nữa tỏ ra thiếu văn hóa tranh luận. Xuyên suốt lá thư của ông, thay vì đi vào luận điểm chính của tôi, ông lại sử dụng những ngụy biện mang tính tấn công cá nhân (ad hominem) và ngụy biện dựa vào quyền thế (ad verecundiam). Ở ngoài này, chúng tôi dạy sinh viên từ những năm đầu đại học cần tránh những sai lầm về logic này. Tôi tin rằng ông chưa được dạy hay học qua về logical fallacy (sai lầm logic) nên ông lại một lần nữa phạm phải những sai lầm này. Xin nhắc lại cho ông rõ: khi tranh luận, không nên tấn công cá nhân người thảo luận, và cũng không nên dựa vào quyền lực, dựa vào đám đông (kiểu như nói “làm cho dân hoang mang”), dựa vào sự vặn vẹo chủ đề (E. coli).
Những câu hỏi chưa có trả lời
Ông vẫn chưa trình bày được một lí luận khoa học nào trong lá thư. Điều này cũng đáng tiếc, vì ông phí thì giờ của chính ông và của tôi (vì tôi phải tốn thì giờ để trả lời). Ví dụ như về câu chuyện E. coli, tôi thấy ông tự dựng nên một hình rơm rồi đánh vào nó, và hỉ hả thấy mình đúng, mình hay, cứ y như là một sự thủ dâm tư tưởng! Tôi đâu có chất vấn ông về kiến thức E. coli! Tôi lặp lại 3 câu hỏi chính để ông biết vấn đề:
- Bằng chứng nào để ông viết là vi khuẩn Staphylococcus và Streptococcus là “chỉ điểm môi trường mới ô nhiễm”?
- Ông chủ trương rằng “Trong khi dịch tiêu chảy cấp đã lan rộng, mầm bệnh gây dịch phát tán khắp nơi trong tất cả các môi trường, các bề mặt của mọi thứ có thể là trung gian truyền bệnh thì mọi biện pháp nhằm ‘bao vây, dập tắt dịch’ trong thời điểm này đều đúng, dù phải trả giá ở khía cạnh nào đó.” Vậy thì trong tình trạng thực phẩm hay tiền bị nhiễm E. coli, ông có cấm dân ăn uống và cấm lưu hành tiền giấy hay không?
- Ý kiến nào của tôi là hồ đồ và tiêu cực, hay “chống đối vô căn cứ”? Những phát biểu nào của tôi mà ông cho là “nắm được phương pháp dịch tễ học” mà “chưa qua chuyên khoa dịch tễ học”? Hình như có gì mâu thuẫn ở đây?
- Ông đòi người thảo luận về dịch tiêu chảy hay dịch tả phải có chuyên khoa về vệ sinh dịch tễ, vậy thì ông có đòi hỏi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay giáo sư Nguyễn Lân Dũng cần có bằng cấp về chuyên khoa đó không?
Ông không cần trả lời tôi (vì đây là trao đổi sau cùng của tôi với ông), mà ông chỉ cần suy nghiệm về những câu hỏi đó, và học những bài học logic từ những câu hỏi đó.
Thú thật, tôi thấy quá khôi hài khi đọc những giải thích “chuyên sâu” của ông về E. coli và khái niệm “chỉ điểm”. Đối với ông đó là chuyên sâu, nhưng với tôi thì những câu chữ đó chẳng khác gì học sinh đang trả bài cho thầy giáo. Một loại học sinh xoàng, vì chỉ tụng niệm được câu chữ đã được ai đó lên lớp trước đây (kiểu thầy giảng, trò chép, và trò trả bài), mà không “tiêu hóa” được để sáng tạo ra một ý tưởng hay một cách giải thích mới. Chuyên sâu của một chuyên gia vệ sinh dịch tễ mà xoàng như thế ư? Đó là câu chữ của một người tốt nghiệp trường y ư? (Tôi muốn hỏi trường nào thế, nhưng thấy không cần thiết). Tôi phải dùng chữ “xoàng” vì không còn chữ nào khác. Thật tội nghiệp cho hai chữ “chuyên khoa” quá! Xin nói cho ông rõ: trong phát biểu khoa học, ông phải nói rõ ràng, phải có những “cân, đo, đong, đếm” chứ không phải nói chung chung như câu sau “Chẳng ai chống nó, diệt nó trong vụ dịch cả. Nhưng người ta tận dụng nó để nhận diện, chỉ điểm môi trường và từ đó tìm cách để phòng ngừa nguy cơ.” Chẳng ai chống E. coli? Thế thì chúng ta kêu gọi vệ sinh là để làm gì? Tại sao các nước phương Tây chống nó? Phòng ngừa nguy cơ (risk prevention)? Làm sao ông phòng ngừa được nguy cơ? Ông có phòng ngừa ông khỏi nguy cơ mắc bệnh tả không? Ông không phân biệt được bệnh và nguy cơ mắc bệnh. Tôi không tin mắt mình khi thấy phát biểu đó xuất phát từ một chuyên gia “vệ sinh dịch tễ”!
Đọc những gì ông viết tôi càng liên tưởng đến tình trạng bằng cấp giả, học vị dỏm, và các chức danh vàng thau lẫn lộn hiện nay ở trong nước. Có lẽ tình trạng này sản xuất ra những “chuyên gia” dỏm, những người mà chỉ viết ra vài dòng mà sai từ tên vi khuẩn đến sai về khái niệm, và chẳng biết đến văn hóa khoa học là gì. Đây cũng chính là “những con sâu làm rầu nồi canh”, những người làm cho nước ta mất uy tín trên trường khoa học quốc tế.
Vấn đề khoa học và niềm tin
Y khoa là một ngành nghề mang tính khoa học. Khoa học khác với niềm tin tôn giáo, bởi vì nền tảng của khoa học là thử nghiệm và tái thử nghiệm những giả thuyết, những thực nghiệm tiền thân, những lí giải hiện hành. Do đó, các lời giải thích khoa học thường được đúc kết hay cải tiến từ các thông tin mới hay một phương pháp mới để thẩm định một thông tin cũ. Đây là một hoạt động rất khác biệt với niềm tin tôn giáo.
Tôi thấy cách nói lan man, lảm nhảm này (“Mọi hiện tượng, quá trình trong vũ trụ vẫn diễn ra như nó vẫn thế từ hàng tỷ năm nay. Khoa học mới chỉ chứng minh được phần nào nhỏ nhoi. Cái mà các nhà khoa học và cả nền khoa học thế giới ngày nay giải thích được thì họ gọi là biện chứng khoa học, là duy vật. Cái mà họ chưa giải thích được thì đầy rẫy và họ quy nó là duy tâm, là mê tín, dị đoan.”) là biểu hiện của triệu chứng lúng túng rất tội nghiệp. Ông hãy giải thích dữ liệu sau đây về mối liên hệ giữa E. coli và tiêu chảy xem, và sau đó ông sẽ thấy những gì tôi viết trên báo Người lao động có tiêu cực không.
Nhiễm vi khuẩn E. coli trong nhóm tiêu chảy và không tiêu chảy |
|||
Vi khuẩn |
Nhóm tiêu chảy (n = 163) |
Nhóm không tiêu chảy (n = 163) |
Tỉ số nguy cơ (odds ratio; ước tính) |
DEC |
22 (13,5) |
16 (9,8) |
1,6 (0,8 – 3,2) |
EAEC |
6 (3,7) |
7 (4,3) |
0,9 (0,3 – 2,6) |
AEEC & EPEC |
9 (5,5) |
5 (3,1) |
2,3 (0,8 – 7,1) |
ETEC |
2 (1,2) |
1 (0,6) |
2,0 (0,2 – 20,8) |
VTEC |
2 (1,2) |
1 (0,6) |
2,7 (0,2 – 33,1) |
EIEC |
3 (1,8) |
2 (1,2) |
1,4 (0,2 – 8,2) |
Chú thích: Số ngoài ngoặc là số ca; số trong ngoặc là phần trăm. DEC (Disease-causing E. coli); EAEC (Enteroaggregative E. coli); AEEC (Attaching and effacing E. coli); EPEC (Enteropathogenic E. coli); ETEC (Enterotoxigenic E. coli); VTEC (Verocytotoxin-producing E. coli); EIEC (Enteroinvasive E. coli). Nguồn: Do Thuy Trang, et al. Tropical Medicine and International Health 2007; 12 (Suppl): 2 23-33 |
Thái độ và suy nghĩ của ông Nguyễn Văn Dũng là người hành động theo niềm tin. Ông cho rằng Bộ Y tế lúc nào cũng đúng, hiệu quả, và ủng hộ “những bài bản, biện pháp, thông điệp phòng chống dịch vẫn luôn hiệu quả của Bộ Y tế”. Điều này thì tôi nghĩ ông là một người quá xa rời thực tế. Ông phải hỏi người dân, các cán bộ y tế để biết họ nghĩ gì về các biện pháp của Bộ Y tế trong thời gian chống dịch tả vừa qua. Phát biểu trên còn cho thấy ông là một “tín đồ”, và tôn giáo của ông là “đạo Bộ Y tế”. Một người trí thức phải biết suy nghĩ và tìm tòi, chứ không vận hành như một cỗ máy được.
Con ngỗng không bao giờ đẻ ra quả trứng vàng. Nếu điều gì đó nghe có vẻ quá hay, quá tốt, có lẽ chúng ta cần phải xem xét kĩ lại, vì có thể nó không tốt như chúng ta tưởng. Nhà văn H. L. Mencken từng nói, "Mỗi một vấn đề phức tạp đều có một giải pháp đơn giản, trực tiếp, và khéo léo, nhưng giải pháp đó thường sai."
Nếu biện pháp của Bộ Y tế luôn có hiệu quả thì tại sao trong vòng 6 tháng qua chúng ta chứng kiến ba trận dịch tả? Nếu bài bản của Bộ Y tế lúc nào cũng đúng thì tại sao sau khi cấm mắm tôm rồi lại minh oan cho mắm tôm? Nếu thông điệp của Bộ Y tế lúc nào cũng đúng thì tại sao có cụm từ “tiêu chảy cấp nguy hiểm” mà không có trong danh mục bệnh ICD? Nếu thông điệp của Bộ Y tế lúc nào cũng đúng thì tại sao Bộ ra qui định về bệnh danh xong, mà lại có quan chức nói trước công chúng là chưa có qui định? Nếu các quan chức y tế đúng tại sao họ vẫn cứ lặp lại trước công luận rằng “nguyên nhân chủ yếu của bệnh dịch lần này là do thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm”?
Ông Nguyễn Văn Dũng còn tỏ ra một người rất duy ý chí và quá tự mãn. Đối với ông những cơ quan như WHO hay Bộ Y tế là chân lí, những gì họ nói không có gì phải bàn cãi nữa. Ông viết: “Việt Nam không thiếu các giáo sư giỏi về dịch tễ học lâm sàng cùng với sự sát cánh của các chuyên gia y khoa quốc tế đang làm việc trong các cơ quan của ngành y tế và sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới khi cần thiết. Các chính sách quản lý nguy cơ và truyền thông của ngành y tế có gì khiếm khuyết thì họ đã góp ý hoặc lên tiếng. Ông không có quyền nhận định đó là sai lầm!”
Tôi xin hỏi ông thế nào là “giỏi”? Lấy cái gì để đo là “giỏi”? Dựa vào tiêu chuẩn nào và so với ai để gọi là giỏi? Theo tôi đây là một nhận định hết sức chủ quan. Lúc nào cũng tự khen là ta giỏi, ta hay, cứ như “mèo khen mèo dài đuôi”. Cái lối “tự ru ngủ” hay “tự nhồi sọ” này làm cho chúng ta tụt hậu, làm cho chúng ta thua kém người khác mà không biết. Đó là một kiểu suy nghĩ trong ao tù hay nói như một bạn đọc là “ếch ngồi đáy giếng”.
Xin nói ngay cho ông biết rằng ta không giỏi như ông tưởng đâu. Hãy lấy số ấn phẩm khoa học mà giới khoa học quốc tế sử dụng để đo lường trình độ khoa học của một quốc gia ra dẫn chứng. Mỗi năm con số ấn phẩm y sinh học của nước ta còn thua một trường đại học ở Singapore. Tính toàn quốc, số ấn phẩm y sinh học nước ta chỉ bằng 1/5 của Thái Lan, 1/3 của Mã Lai, và 1/10 của Singapore. Chúng ta còn thua cả Nam Dương. Chỉ có 2% các công trình y sinh học của ta là do nội lực, phần 98% còn lại là do học hay hợp tác với nước ngoài. Công trình nội lực của Thái Lan là 30%, gấp 15 lần Việt Nam. Các tác giả hàng đầu của các bài báo y sinh học ở Việt Nam là người nước ngoài! Ông Nguyễn Văn Dũng có cảm thấy xấu hổ khi đọc các con số đó không? Riêng tôi, tôi cảm thấy nhục khi đọc mấy con số thống kê này, và vì cảm thấy nhục tôi mới lên tiếng và góp ý cũng như hành động để cho nước ta khá hơn, vì tôi cũng là người Việt nam.
Phát biểu trên còn là một loại ngụy biện nguy hiểm: ngụy biện núp vào bóng uy tín của một cá nhân hay tổ chức. Dựa vào bằng chứng nào để tin rằng những các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là đúng? Có lẽ ông chưa biết đến y học thực chứng (evidence-based medicine) trong y khoa mà bất cứ chuyên ngành nào cũng lấy làm nguyên lí để hành động. Y học thực chứng không xem các ý kiến của chuyên gia, bất kể chuyên gia đó mang học vị hay học hàm gì, vì các ý kiến đó được xếp loại có giá trị khoa học thấp nhất. Vạch định chính sách y tế cộng đồng phải dựa vào bằng chứng từ nghiên cứu khoa học và kiến thức thực địa, chứ không phải dựa vào ý kiến của chuyên gia hoặc một chỉ đạo duy ý chí nào.
Chẳng hạn như một chuyên gia của WHO hôm qua giả thiết rằng vi khuẩn V. cholerae El Tor có thể xuất phát từ Ấn Độ và xâm nhập vào Việt Nam vài năm trước đây. Báo chí đưa tin rầm rộ. Các quan chức ta cũng lặp lại ý này. Nhưng thực tế thì sao? Y văn cho thấy chủng khuẩn này đã có mặt ở nước ta từ năm 1964, sau trận dịch tả năm 1961 xảy ra ở Nam Dương (năm 1964 miền Nam trải qua một trận dịch tả với 20.009 bệnh nhân và 821 người chết). Đến năm 1976, V. cholerae O1 El Tor lại gây ra một trận dịch ở Hải Phòng và Quảng Ninh. Bao nhiêu đó cũng để thấy rằng không phải bất cứ cái gì chuyên gia WHO phát biểu cũng đúng. Theo tôi, chuyện của ta thì ta phải lo; nghe lời và trông cậy vào người ta là biểu hiện của một tư duy nô lệ, thiếu tự tin.
Tôi chú ý câu viết “Ông không có quyền nhận định đó là sai lầm”, vì tôi thấy đây là một tư duy nguy hiểm, ngụy biện, và phản dân chủ. Nguy hiểm là vì nó biểu hiện thái độ của một kẻ độc tài, bịt miệng người khác, và tư duy này không có vị trí cho học thuật của thế kỉ 21. Một người đang làm công tác phòng dịch mà có tư duy này thì rất nguy hiểm. Không biết đã có bao nhiêu người là nạn nhân của cách suy nghĩ này và bao nhiêu doanh nghiệp là nạn nhân của ông? Ngụy biện là vì dựa vào đám đông và núp bóng của cơ quan quyền thế. Ngụy biện không nên có mặt trong tranh luận, ngoại trừ người phạm lỗi lầm này chưa được dạy về logic học và suy luận khoa học. Phản dân chủ là vì một xã hội dân chủ và văn minh là môi trường của những tranh luận cởi mở, những câu hỏi, và đặt vấn đề. Ông có quyền tin vào những phát biểu của WHO hay của quan chức nào đó, nhưng ông không nên bắt mọi người phải đồng ý với cách làm của ngành ông. Ông cũng không nên cấm người ta không được phát biểu hay phản hồi. Ông nên học văn hóa tranh luận và câu nói của Voltaire: “Tôi không đồng ý với những gì ông nói, nhưng tôi bảo vệ đến chết quyền ông được nói”.
Kết luận
Nói tóm lại, đọc xong lá thư của ông Nguyễn Văn Dũng tôi thấy vẫn chưa có lí do gì tôi thay đổi ý kiến trong các bài viết của mình. Tôi cũng không cần thay đổi ý kiến mình về tư cách khoa học (nếu ông có tư cách) của ông Nguyễn Văn Dũng.
Những điều ông viết về quá trình biên tập của giới báo chí chứng tỏ ông chưa rành cách làm việc của họ, và tôi không trách ông. Những gì ông tra hỏi lí lịch tôi nó nói nhiều về cá nhân ông hơn là khả năng của ông. Thật ra, ngay cách hỏi của ông tôi cũng có thể đánh giá là ông chưa quen với việc xử lí thông tin. (Nhưng tôi không có thì giờ chỉ ông về vấn đề này). Phải là một người thiếu tự tin mới đi tìm những cái danh xưng hảo huyền để làm chỗ dựa. Phải là một người có tư duy nhược và nô lệ mới đi núp dưới cái bóng của chuyên gia hay các cơ quan hành chính.
Đây là trao đổi sau cùng của tôi với ông. Vì ông mang nặng cá nhân tính quá, nên tôi không còn muốn bàn với ông nữa. Tôi nghĩ một số bạn đọc nói đúng là bàn luận với ông thì chỉ tốn thì giờ và mắc lõm. Tôi xin lỗi phải nói ra điều đó. Nhưng nghĩ lại một điều, tôi còn mắc nợ nhiều đối với quê hương nơi dung dưỡng tôi; tôi còn mắc nợ với nhiều người dân quê chất phát, chỉ biết cúi đầu trước quan hống hách (như ông vậy) mà không dám lên tiếng phản đối khi có chuyện bất bình; tôi còn mắc nợ nhiều bạn trẻ có triển vọng và khao khát học hỏi, cống hiến, nên những lời dù là để trả lời cho ông, nhưng là để tâm sự với họ.
Chú thích thêm:
[1] Ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng “Bỏ qua những chi tiết vụn vặt, sai lỗi in ấn mà ông đã ‘phản pháo’ tôi rất công phu”. Ông lầm nữa rồi! Những chi tiết đó không phải vụn vặt đâu, vì nó phản ảnh trình độ y khoa của ông. Ở ngoài này, những chi tiết đó có thể làm cho ông rớt thi như bỡn. Công phu? Không. Tôi viết bài phản hồi đó chỉ 2 giờ đồng hồ. Cũng như tôi viết bài này chỉ 1 giờ mà thôi.
[2] Tôi thấy những phát biểu mang màu sắc triết lí như “Trường đời là một trường học lớn!” và những câu lải nhải mang màu sắc bao cấp như “nếu ông xin lỗi nhân dân và ngành y tế vì sự diễn giải ‘bút sa, gà chết’ đã dấn đến sự hiểu lầm thì sẽ được bỏ qua và lấy lại uy tín để tập trung vào chuyên môn sâu của mình” nó mang tính đạo đức giả. Tôi diễn giải dữ liệu khoa học hoàn toàn đúng, bởi vì tôi biết tôi nói và viết cái gì. Tôi chịu trách nhiệm những gì tôi viết ra và phát biểu. Ngược lại, ông phát biểu chỉ dựa niềm tin, mà không có bằng chứng, và đó mới là nguy hiểm. Tôi không ngạc nhiên nếu trong quá khứ ông với lối suy nghĩ và hành động theo niềm tin đó (như thể hiện trong câu “… mọi biện pháp nhằm ‘bao vây, dập tắt dịch’ trong thời điểm này đều đúng, dù phải trả giá ở khía cạnh nào đó.” đã gây tác hại đến người dân, đến doanh nghiệp. Có lẽ câu “xin lỗi nhân dân” nó thích hợp và được dành cho ông.
Lần này thì tôi không đòi ông phải xin lỗi tôi nữa, bởi vì tôi nghĩ ông không có cái văn hóa xin lỗi đó.