Không thể thành Phù Đổng trong 20 năm!
Nguyễn Văn Tuấn
Viện nghiên cứu y khoa Garvan
Sydney, Austrlia
Khi mới nghe qua công trình nghiên cứu “Nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam” do Tổng cục Thể dục Thể thao chủ xướng tôi mừng, nhưng khi tìm hiểu về mục tiêu và phương pháp của qua công trình này tôi thấy có lẽ cần phải xem xét lại tính khả thi và nhất là ý nghĩa thực tiễn đối với người dân. Nói một cách ngắn gọn, tôi cho rằng không nên chi tiêu đến 444 tỉ đồng của dân để tiến hành một nghiên cứu không có cơ sở khoa học vững vàng, và không đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân.
Một trong những lí do mà các nhóm chủ xướng công trình nghiên cứu đề ra là chiều cao của thanh niên Việt Nam trong thời gian qua phát triển chậm, cho nên phải tìm cách can thiệp làm cho mức độ phát triển nhanh hơn. Tôi không đồng ý với phát biểu này, nếu không muốn nói rằng đó là một phát biểu thiếu cơ sở khoa học. Công trình nghiên cứu nổi tiếng mang tên Fels của Mĩ theo dõi chiều cao của một cộng đồng ổn định tại bang Ohio cho thấy ở nam giới chiều cao trung bình trong độ tuổi 20s vào năm 1886-1920 là 177 cm, đến năm 1921-1949 tăng lên 180,9 cm, và đến năm 1950-1968 thì đạt đỉnh cao là 181,8 cm. Nói cách khác, sau gần nửa thế kỉ chiều cao chỉ tăng 4,8 cm. Trong cùng thời gian này, chiều cao nữ giới phát triển khoảng 3,1 cm. Ở Phần Lan, nghiên cứu dịch tễ học cho thấy chiều cao thanh niên (nam và nữ) sinh vào thế hệ sinh năm 1975-1979 cao hơn thế hệ sinh năm 1938-1949 khoảng 2,4 cm. Còn ở nước ta, theo các nhà khoa học chủ trương đề án, chiều cao của thanh niên Việt Nam hiện nay so với năm 1975 cao hơn 4,7 cm. Như vậy chiều cao thanh niên Việt Nam phát triển rất nhanh, chứ không thể nói là chậm được. Do đó, cơ sở cho nghiên cứu không vững vàng.
Nếu so với các nước trong vùng, tầm vóc của người Việt Nam cũng không phải là quá thấp. Thật vậy, chiều cao trung bình hiện nay ở nam giới Việt Nam (trong độ tuổi 25-35) là 165 cm và nữ giới là 156 cm, tương đương với chiều cao của người Thái Lan (165 cm ở nam giới và 155 ở nữ giới) và người Nhật (167 cm cm ở nam giới và 155 cm ở nữ giới).
Một lí do khác mà nhóm đề xướng dự án lí giải là ảnh hưởng của dinh dưỡng cao hơn ảnh hưởng của di truyền. Tôi có lí do cho rằng đây là một lí giải sai. Đề án “Nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam” viết rằng: “Kết luận của GS-TS Kawabata Aiyoshi (Nhật Bản) cho thấy mức độ ảnh hưởng lớn nhất đối với sự phát triển chiều cao thân thể là chế độ dinh dưỡng (31%), tiếp đến là di truyền (23%), tiếp đến là luyện tập thể dục thể thao (20%), và cuối cùng là các yếu tố môi trường (16%), tâm lí-xã hội (10%) …” Tôi đã tìm trong y văn nhưng không thấy công trình nghiên cứu về chiều cao nào của ông Giáo sư tiến sĩ “Kawabata Aiyoshi” cả. Tôi là người làm nghiên cứu về di truyền học nhưng chưa thấy một nghiên cứu nào mà yếu tố di truyền chỉ ảnh hưởng có 23% đến sự khác biệt về chiều cao của một dân tộc cả. Trong vòng 50 năm qua, đã có hàng trăm nghiên cứu di truyền (kể cả nghiên cứu của chính tôi) đều cho thấy gien có ảnh hưởng rất lớn đến chiều cao: khoảng 65% đến 87% khác biệt về chiều cao giữa các cá nhân là do gien quyết định.
Trong y sinh học, một phát hiện rằng yếu tố X có liên hệ với bệnh Y không có nghĩa là can thiệp thay đổi X sẽ làm thay đổi Y. Chẳng hạn như nghiên cứu cơ bản cho thấy ăn uống nhiều chất béo làm tăng nguy cơ bị bệnh tim và ung thư, nhưng khi các nhà nghiên cứu Mĩ tiêu ra 415 triệu USD để can thiệp làm giảm chất béo trong chế độ ăn uống trong suốt 15 năm họ chẳng ghi nhận một sự suy giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư chút nào cả. Lí do đơn giản cho sự thất bại này là họ bỏ qua mối tương tác giữa chất béo và các yếu tố nguy cơ khác, kể cả gien.
Ai cũng biết rằng chiều cao cơ thể của một dân tộc là hệ quả của sự tương tác của ba yếu tố: gien, dinh dưỡng, và hoạt động thể lực. Không thể kì vọng vào việc can thiệp bằng dinh dưỡng và TDTT mà không xem xét đến yếu tố di truyền. Chúng ta không thể phát triển chiều cao tương đương với người Âu Mĩ trong vòng 20 năm, bởi vì cấu trúc gien của chúng ta không tương đương với cấu trúc gien của người Âu Mĩ. Ngay cả giữa các sắc dân người Âu Mĩ cũng có khác biệt về chiều cao, như người Hà Lan thường cao hơn người Mĩ và người Pháp khoảng 3-6 cm, dù chế độ dinh dưỡng chẳng khác nhau giữa các sắc dân này. Chúng ta không thể thành Phù Đổng thiên vương trong vòng vài mươi năm được.
Dinh dưỡng tùy thuộc vào mức độ phát triển kinh tế của quốc gia. Do đó, những khác biệt và thay đổi chiều cao của một quần thể gián tiếp tùy thuộc vào phát triển kinh tế. Nghiên cứu trên 47 huyện và quận ở Nhật trong thời gian 1892 – 1941 cho thấy rõ rằng tình trạng bất bình đẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe chính là một nguyên nhân lớn dẫn đến sự khác biệt về chiều cao của dân số. Nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp ở Thái Lan cũng cho thấy tính trung bình chiều cao người Thái ở nông thôn thấp hơn chiều cao người Thái ở Bangkok khoảng 2,6 cm (nữ giới) đến 4,3 cm (nam giới), một phần lớn là do khác biệt về dinh dưỡng và hệ thống chăm sóc sức khỏe trẻ em trong độ tuổi niên thiếu ở nông thôn còn quá kém so với thành phố.
Trong y tế công cộng, cái mục tiêu hàng đầu và tối hậu là nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ người dân. Để đạt mục tiêu đó, phát triển mạng lưới y tế và chăm sóc sức khỏe tại các vùng nông thôn là một việc làm cấp bách, nhất là trong điều kiện kinh tế đang phát triển như ở nước ta, song song với khâu cơ bản là giải quyết nạn đói nghèo – một nhân tố đóng vai trò quan trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe. Chúng ta không thể có cái xa xí phải làm nghiên cứu đến 20 năm và tốn đến 444 tỉ đồng để biết được dinh dưỡng và TDTT tăng bao nhiêu cm chiều cao. Một nghiên cứu như thế, nhìn dưới khía cạnh y đức, tôi có thể nói là có vấn đề. Thay vì dành ra 444 tỉ đồng để nghiên cứu, tôi đề nghị dành số tiền đó để phát triển và nâng cao hệ thống y tế công cộng tại các vùng nông thôn.
Chú thích: Bạn đọc nào muốn có các tài liệu nghiên cứu và nguồn gốc những con số tôi phát biểu trong bài viết này có thể liên lạc tôi qua Tòa soạn Tuổi trẻ.