Về một bản tin ung thư vú:
Đánh giá đúng tầm quan trọng của ung thư vú
Nguyễn Văn Tuấn
Báo VietNamNet hôm 10/9/06 trong một tựa đề “Việt Nam: ung thư vú đứng hàng đầu nữ giới” có trích dẫn phát biểu của một giáo sư rằng “Tại Hà Nội, ung thư vú chiếm 30%, còn TP.HCM, khoảng 20%. Trong khi ung thư cổ tử cung chỉ còn 16,5%”. Nói về tình hình ung thư ở nước ngoài, vị giáo sư dẫn nguồn từ Đại học Vienna cho biết: “ung thư vú là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Cứ 5 phụ nữ thì có một người tử vong vì ung thư vú.” Những con số trên muốn gieo vào người đọc một suy nghĩ rằng bệnh ung thư vú rất phổ biến và nguy hiểm. Cái thông điệp có hậu đằng sau có lẽ là cần phải tập trung tài lực để phòng chống bệnh ung thư vú.
Nhưng rất tiếc là những con số này không đúng so với tình hình ung thư được phản ảnh qua y văn Việt Nam. Ung thư vú ở Việt Nam chưa phổ biến như tình hình ở nước ngoài, và ngay cả ở nước ngoài, ung thư vú cũng không phải là nguyên nhân tử vong hàng đầu.
Theo một báo cáo khoa học từ Việt Nam công bố trên tập san Japanese Journal of Clinical Oncology, ở Hà Nội, tỉ lệ phát sinh các bệnh ung thư hàng năm là 116,8 trên 100.000 dân số. Trong đó, ung thư vú chiếm 22,8% trong tổng số ung thư [1]. Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, ung thư vú chiếm 12,1% trên tổng số ung thư phát sinh năm 1995-1996 [1]. Rất khó mà tin rằng chỉ trong vòng 10 năm mà con số ung thư vú lại tăng 10%!
Một điều đáng chú ý trong nghiên cứu này là số trường hợp ung thư vú ở Thành phố Hồ Chí Minh có vẻ thấp hơn Hà Nội. Ngược lại, ung thư cổ tử cung ở Thành phố Hồ Chí Minh chiếm đến 25,8% trong tổng số ung thư, nhưng ở Hà Nội con số này chỉ 5,4%!
Có thể tỉ lệ phát sinh bệnh ung thư ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thực tế không khác nhau, nhưng vì hệ thống báo cáo thống kê y tế chưa thống nhất hay chưa hoàn chỉnh, cho nên có sự khác biệt rất đáng kể như trình bày trên.
Còn tình hình ở nước ngoài, phát biểu rằng cứ 5 phụ nữ thì có một người tử vong vì ung thư vú lại càng không đúng. Xin lấy số liệu của Mĩ để thấy rõ vấn đề hơn. Trong năm 2002, có tất cả 1.244.123 phụ nữ Mĩ chết, trong số này có 268.503 (hay 21.6%) là do các bệnh ung thư [2]. Ở Mĩ, ung thư vú chiếm khoảng 31% trong tổng số bệnh ung thư. Cho nên, thật là sai lầm khi cho rằng 20% phụ nữ chết vì ung thư vú.
Ung thư vú có phải là nguyên nhân tử vong hàng đầu?
Tuy trong các bệnh ung thư, ung thư vú là một trong những bệnh ung thư đứng đầu bảng, nhưng số trường hợp tử vong vì ung thư vú ở nước ta không phải là nguyên nhân hàng đầu. Thật vậy, theo một nghiên cứu công phu trong phường Thượng Cát (Từ Liêm, Hà Nội) công bố trên tập san Asian Pacific Journal of Cancer Prevention năm 2006 thì trong thời gian 1996 đến 2005 số phụ nữ trong phường chết vì ung thư vú chiếm 12% tổng số tử vong vì ung thư [3]. Các bệnh ung thư khác gây ra tử vong nhiều hơn là ung thư bao tử (chiếm 26% tổng số tử vong vì ung thư) và ung thư phổi (18%). Ngay cả tử vong vì ung thư gan (9%) và ung thư máu (9%) cộng lại cũng cao hơn cả tử vong vì ung thư vú.
Bảng so sánh sau đây (dựa vào thống kê từ Việt Nam) trình bày 5 loại ung thư nguy hiểm nhất, tính theo tần số xuất hiện và số tử vong. Chẳng hạn như ung thư vú, tuy được phát hiện nhiều nhất, nhưng có lẽ được điều trị sớm và khả quan cho nên số ung thư này phải là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ. Ngược lại, ung thư bao tử và phổi (hạng 7 và 8 – không có trong bảng) về số trường hợp, nhưng lại đứng đầu danh sách về số tử vong, vì phần lớn những người bị ung thư bao tử và gan chết sớm (và do đó làm giảm tuổi thọ nhanh nhất).
Hạng | Số trường hợp ung thư mới phát hiện hàng năm Hà Nội (nữ) | Số tử vong vì ung thư ở Hà Nội (nũ) |
1 | Vú | Bao tử |
2 | Bao tử | Phổi |
3 | Ruột | Vú |
4 | Gan | Gan |
5 | Cổ tử cung | Máu |
Cần chú trọng các bệnh ung thư khác
Cố nhiên, ở đây chúng ta cũng không loại trừ khả năng “thiên vị” trong việc phát hiện và chẩn đoán ung thư. Bởi vì ung thư vú được giới truyền thông (cộng với sự phụ họa của vài người trong giới y tế) chú ý nhiều, cho nên số phụ nữ đi khám để truy tìm ung thư vú nhiều hơn các bệnh ung thư khác như ung thư bao tử, ruột, gan và cổ tử cung. Người mắc các bệnh này thường được phát hiện hay chẩn đoán quá trễ cho nên khó cứu sống, và trong thực tế con số bệnh nhân trong dân số có thể còn cao hơn cả ung thư vú.
Ngay cả trong tình hình “thiên vị” hiện nay, số bệnh nhân mắc bệnh ung thư bao tử, ruột, cổ tử cung, và phổi còn cao gấp 2 lần số trường hợp ung thư vú. Do đó, song song với tuyên truyền về ung thư vú, thiết nghĩ không nên xem nhẹ giáo dục cộng đồng về nguy cơ các bệnh ung thư nguy hiểm khác trong bảng trên.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Đứng trên quan điểm y tế công cộng, nguyên nhân tử vong theo bệnh tật tuy có ích, nhưng không thiết thực cho mục tiêu phòng bệnh. Mục tiêu của y tế dự phòng và phòng ngừa các yếu tố mang tính “mầm móng” gây bệnh. Ai cũng biết số đàn ông hút thuốc lá và uống bia rượu ở nước ta rất cao. Theo một báo cáo trên tập san JAMA khoảng 10 năm trước, con số đàn ông trên 18 tuổi hút thuốc lá lên đến gần 80%, cao hơn cả Trung Quốc và Nhật Bản vốn từng đứng đầu bảng về hút thuốc lá trên thế giới! Không ai biết hàng năm ở nước ta có bao nhiêu người chết vì hút thuốc lá, nhưng chắc chắn con số đó không ít. Xin dẫn ra đây một nghiên cứu ở Mĩ về nguyên nhân tử vong trong dân số Mĩ tính từ 1999-2000:
Hạng | Nguyên nhân chết | Số người chết |
1 | Hút thuốc lá | 435.000 |
2 | Thiếu dinh dưỡng hay thiếu vận động | 400.000 |
3 | Rượu bia | 85.000 |
4 | Vi khuẩn | 75.000 |
5 | Độc tố, trúng độc | 55.000 |
6 | Tai nạn xe hơi | 43.000 |
7 | Súng | 29.000 |
8 | Sex | 20.000 |
9 | Ma túy | 17.000 |
Nguồn: Mokdad AH, et al. Actual causes of death in the United States, 2000. JAMA 2004; 291:1238-1245.
Nếu kinh nghiệm ở Mĩ là một bài học, có lẽ việc ngăn ngừa chống hút thuốc lá, chống bia rượu, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao vận động, an toàn thực phẩm, giảm thiểu tai nạn xe hơi là những ưu tiên hàng đầu.
Ung thư vú là một bệnh nguy hiểm, nhưng không phải là nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết cho dân số. Trong khi phòng ngừa ung thư vú, chúng ta cũng không nên quên các bệnh ung thư khác, và nhất là không bỏ qua các yếu tố nguy cơ gây nên ung thư và các bệnh tim mạch.
Tài liệu tham khảo:
[1] Anh PT, Duc NB. The situation with cancer control in Vietnam. Jpn J Clin Oncol. 2002 Mar;32 Suppl:S92-7.
[2] National Vital Statistics Report: Deaths – leading causes for 2002. Centers for Disease Control and Prevention, NVSS 2005; 53:17, March 7, 2005.
[3] Ngoan le T. Cancer mortality in a Hanoi population, Viet Nam, 1996-2005. Asian Pac J Cancer Prev. 2006 Jan-Mar;7(1):127-30
NVT 11/9/2006