Bình luận
Đại dịch H1N1
Nguyễn Văn Tuấn
Sau nhiều tuần xem xét và cân nhắc, Tổ chức y tế thế giới (WHO) hôm qua (11/6/09) đã chính thức tuyên bố cúm H1N1 là một đại dịch (họ nói nguyên văn: “The world is now at the start of the 2009 influenza pandemic.”) Như tôi từng dự đoán, WHO qua phát biểu của tổng giám đốc Margaret Chan cũng thêm rằng đại dịch này chỉ ở mức độ nghiêm trọng trung bình (“moderate severity.”). Nói cách khác, không có gì phải cuống cuồng lên, mọi sinh hoạt vẫn nên diễn ra bình thường.
Kể từ khi cúm H1N1 được phát hiện ở Mexico vào giữa tháng 2/2009 cho đến nay đã có 74 nước trên thế giới báo cáo trên 30,000 ca cúm H1N1, với hơn 200 tử vong. Con số tử vong thực tế có thể thấp hơn.
Để hiểu con số đó có ý nghĩa gì, chúng ta nên so sánh với cúm thông thường. Nên nhớ rằng cúm mùa (xảy ra hàng năm chủ yếu vào mùa đông) gây tử vong cho khoảng 400,000 người mỗi năm. Tuy nhiên, khác với cúm mùa thường gây tử vong cho người cao tuổi, cúm H1N1 xảy ra ở người dưới 25 tuổi. Theo WHO, chỉ có 2% các ca cúm H1N1 là nghiêm trọng.
Việc tuyên bố “đại dịch” của WHO là cả một quá trình cân nhắc cẩn thận đến tác động đến kinh tế xã hội. Ngày 27/4/09, WHO tuyên bố cúm H1N1 ở giai đoạn 4 (tức lây truyền từ người sang người ở một cộng đồng). Ngay từ đó, các quan chức WHO đã cho biết một đại dịch khó tránh khỏi. Chỉ 2 ngày sau, với nhiều bằng chứng lan truyền qua nhiều nước, WHO “nâng cấp” lên cấp 5. Phải đợi đến hơn 1 tháng sau, WHO mới chính thức tuyên bố cấp 6 (tức cao nhất).
Tại sao WHO lại chậm trễ trong tuyên bố đại dịch? Bởi vì WHO phải “tham vấn” các nước thành viên để xem ý kiến của họ ra sao, và một số nước này phản đối cụm từ đại dịch. Nước nào phản đối? Xin thưa đó là nước Anh, Trung Quốc, và Nhật là những “kẻ” phản đối vì họ … sợ. Trong khi đó ở Mĩ các quan chức y tế không sử dụng hệ thống phân cấp như WHO, nhưng trong thực tế họ đã xem đó là một đại dịch.
Thật ra, đứng trên phương diện dịch tễ học, không ai ngạc nhiên đây là một đại dịch cả. Còn nhớ vào ngày 28/4/09, qua phân tích các điều kiện của một đại dịch, người viết bài này có viết rằng “Nói tóm lại, trong 3 điều kiện cho một đại dịch, virút H1N1 đã hội đủ cả 3 điều kiện. […]đây là một vấn đề toàn cầu, với tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với dịch cúm do H5N1 gây ra trong thời gian gần đây.”
Liên quan đến tuyên bố của WHO là một nghiên cứu mới nhất và rất thú vị về quá trình tiến hóa của virút H1N1 từ heo sang người như thế nào, và kể từ đó đã phát triển thành một “đại dịch”. Tôi nghĩ ý nghĩa lớn nhất của nghiên cứu này là nó bác bỏ những luận điệu lan truyền trong vài tuần qua cho rằng virút H1N1 là do con người cố tình (hay vô ý) gây ra.
Biểu đồ cho thấy các virút khác nhau kết hợp với nhau như thế nào qua nhiều thập niên để sản sinh H1N1. Màu xanh chỉ virút tìm thấy từ chim, đỏ là virút trong heo, và xám là virút từ người.
Diễn giải một cách tổng quan, nghiên cứu này một lần nữa khẳng định rằng vấn đề bệnh truyền nhiễm không còn giới hạn trong một quốc gia. Việc đi lại bằng máy bay đã trở thành một “phương tiện” lan truyền virút cúm một cách nhanh chóng. Thế giới này quả thật chỉ là một.
Quay lại tuyên bố “đại dịch” của WHO, câu hỏi đặt ra là nó có nghĩa gì? Theo tôi, nó chẳng có ý nghĩa gì trong thực tế cả, ngoài tác động làm cho một số người hoảng hốt. (Hi vọng rằng chính phủ Úc không dở trò bế quan tỏa cảng như 2 tuần trước). Tôi nghĩ dù có gọi là đại dịch hay danh từ gì đi nữa thì sự việc đang xảy ra, và điều mà chúng ta cần biết là tốc độ lan truyền và mức độ nguy hiểm của virút. Do đó, cách hay nhất là thông báo số ca hàng ngày trên internet để thế giới biết mà phòng ngừa.