Ghi chú: Bài này đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn vào tuần qua. Các số liệu trích dẫn trong bài và diễn tiến của WHO chỉ áp dụng cho thời điểm đó. Tuy nhiên, các nhận xét vẫn còn mang tính thời sự.
Ykhoanet
Cúm H1N1: biết và chưa biết
Nguyễn Văn Tuấn
Sự bộc phát của cúm H1N1 được dư luận báo chí chú ý một thời gian, với nhiều tiên đoán rùng rợn và hoảng hốt, rồi cũng như bao nhiêu vấn đề khác, sự việc có vẻ lắng xuống. Nhưng mấy ngày qua, trước sự lan rộng của cúm trên nhiều nước, Tổ chức y tế thế giới cho biết họ đang bàn thảo có nên tuyên bố đây là một đại dịch (pandemic) hay không thì dư luận báo chí cũng có xu hướng ồn áo trở lại. Vậy chúng ta nên đánh giá và hiểu diễn biến của cúm như thế nào? Bài này sẽ bàn qua vài khía cạnh trên cái nhìn của dịch tễ học.
Một công trình nghiên cứu của một nhóm bên Mĩ được ưu tiên cho công bố trên tập san Science tiên đoán rằng cúm sẽ lan truyền không nghiêm trọng. Công trình này sử dụng mô hình toán học phức tạp để tiên đoán. Nhưng chỉ vài ngày sau khi công bố mô hình tiên đoán này, số liệu thực tế cho thấy những tiên đoán si be bét (số người bị nhiễm cao hơn rất nhiều so với tiên đoán của mô hình), sai đến nỗi có người nói Science đã công bố một bài báo rất ư là vô dụng! Tại sao sai ? Theo một chuyên gia của CDC (Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh của Mĩ), vì các nhà nghiên cứu là kĩ sư và toán học, nên không hiểu thấu đáo các nguyên lí của dịch tễ học và dịch bệnh, nên những giả định họ sử dụng trong việc phát triển mô hình rất ư là phi thực tế. Có thể họ làm toán giỏi (các tác giả toàn là giáo sư) nhưng ứng dụng vào y khoa đòi hỏi một trình độ và hiểu biết sâu hơn.
Diễn biến của cúm H1N1 hiện nay rất ư là bất định, rất khó tiên đoán. Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt đầu với những gì chúng ta biết (từ những gì chúng ta quan sát được) và những gì chúng ta chưa biết (vì thiếu thông tin).
Những gì chúng ta biết là thế giới đang đương đầu với một virút cúm đan lan truyền một cách dễ dàng. Phần lớn trường hợp cúm xảy ra vào mùa đông, nhưng cúm H1N1 lần này lan truyền ở những mùa hè và thu! Chúng ta biết rằng những đối tượng bị nhiễm virút H1N1 thường ở độ tuổi 5 đến 24, mà không phải người cao tuổi hay trẻ em. Cần nhắc lại rằng cúm thường tấn công những người cao tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi. Chúng ta biết rằng virút H1N1 không độc hại và nguy hiểm như lúc đầu tưởng. Tính đến nay, đã có 64 nước báo cáo trên 17,000 ca bệnh, và 117 ca tử vong, một tỉ lệ tương đối thấp (và trong thực tế có thể còn thấp hơn nhiều do số ca mắc bệnh chưa được báo cáo đầy đủ).
Chúng ta cũng biết rằng tiêm vắcxin chống cúm thông thường không có hiệu quả chống cúm H1N1. Một báo cáo từ Nhật cho biết trong số 43 ca được xác nhận nhiễm virút H1N1, những bệnh nhân trước đây được tiêm chủng vắcxin cũng có nguy cơ như bệnh nhân chưa tiêm chủng vắcxin.
Nhưng còn một số khía cạnh chúng ta không (hay chưa) biết. Một ấn tượng lâm sàng chung là các ca bệnh nhiễm virút H1N1 chẳng khác gì so với những ca bệnh cúm thông thường, trong nhiều trường hợp các triệu chứng cũng nhẹ và không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, chúng ta không biết chính xác số ca nghiêm trọng, và ngay cả số ca báo cáo cho WHO chưa chắc gì đã chính xác. Chẳng hạn như ở Anh, dư luận công chúng cho rằng số ca bệnh rất nhiều (vài ngàn) hơn những gì các quan chức y tế báo cáo (chỉ vài trăm ca). Theo suy luận của giới báo chí, chính phủ Anh không muốn cho công chúng biết số ca bệnh nhiều, vì lo ngại con số sẽ làm ảnh hưởng đến kinh tế vốn đang trong thời kì suy thoái.
Dù chúng ta biết rằng virút H1N1 không độc hại, nhưng chúng ta không biết chúng sẽ làm gì tiếp. Hiện nay, ở các nước phía bắc bán cầu đã vào mùa hè (tức là mùa cúm đã qua) và các nước phía nam bán cầu đang vào mùa đông (mùa của cúm), nhưng virút H1N1 vẫn lan truyền ở qui mô toàn cầu. Rất có thể cũng như các virút khác, virút H1N1 có khả năng thích ứng với môi trường mới bằng cách tự thay đổi cấu trúc DNA để có thể lan truyền trong các quần thể khác nhau, và cũng có thể tự kết hợp với các kí chủ khác (ngoài con người). Với những bất định này, các chuyên gia đang gặp khó khăn để đưa ra một thông điệp nhất quán cho công chúng. Nói trắng ra, các chuyên gia thiếu những bằng chứng khoa học để có thể phát biểu một cách tự tin.
Chính vì thế mà các chuyên gia của WHO cho biết họ đang xem xét có nên tuyên bố đây là một pandemic (đại dịch) hay không. Có vài dấu hiệu cho thấy họ sẽ tuyên bố là pandemic, nhưng kèm theo lời trấn an “dịch cúm không nguy hiểm”. Nhưng thực tế thì sao? Như đề cập trên, tính đến ngày thứ Ba tuần rồi (2/6/09), đã có trên 17 ngàn ca bệnh nhiễm H1N1 ở 64 nước.
Đứng trên phương diện dịch tễ học mà nói, và theo qui ước phân cấp của WHO, trước những gì chúng ta biết và chưa biết, thì đây là một đại dịch, cho dù WHO nói rằng họ đang xem xét có nên gọi là pandemic (cấp 6) hay không. Tuy nhiên, theo tôi, hệ thống phân cấp dịch bệnh của WHO không còn thích hợp trong thời đại internet nữa, và thay vì phân cấp dịch bệnh theo 6 cấp, WHO có thể cập nhật hóa số ca bệnh hàng ngày để thế giới biết sự lan truyền bệnh ra sao.
Nhưng nếu WHO tuyên bố đây là một đại dịch thì chúng ta sẽ làm gì? Điều tệ hại nhất là người ta thực hiện những biện pháp “ngăn sông cấm chợ”, công nhân viên đóng cửa ở nhà không đi làm, cách li bệnh nhân như là người đến từ hành tinh khác, xua đuổi khách du lịch (như Úc đã làm).
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chiến lược ở các nước phương Tây là phòng ngừa từ cơ sở. Mỗi cơ quan của toàn bộ đều có những kế hoạch phòng chống cúm H1N1 và họ chỉ dẫn nhân viên rất kĩ cách giảm nguy cơ nhiễm H1N1. Tôi thấy cách làm này có thể đem lại hiệu quả vì dù sao phòng chống bệnh phải xuất phát từ người dân. Có lẽ Việt Nam mình cũng nên tham khảo cách làm này để phòng chống nhiễm H1N1 hiệu quả hơn.