NGUYỄN VĂN TUẤN

Một năm nhìn lại

Nguyễn Văn Tuấn

Thấm thoát mà đã 12 tháng trôi qua, và chúng ta đang bước vào năm thứ 8 của thế kỉ 21.  Theo thông lệ, những ngày cuối năm cũng là dịp để chúng ta “tính sổ” hoạt động trong một năm qua, với hi vọng học được những bài học cho năm sắp đến.  Với tôi, trong thời gian 12 tháng qua là những ngày tháng tôi tham gia thảo luận một số đề tài -- nói theo người phương Tây là – "gần trái tim" tôi: đó là những vấn đề liên quan đến y tế, khoa học, giáo dục và đôi khi văn học nữa.  Phần lớn những bài viết, có khi mang tính tranh luận, đều có mặt trên diễn đàn ykhoanet.com trước khi đăng ở các tạp chí và báo đại chúng như Tuổi Trẻ, Tia Sáng, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Hoạt động Khoa học, v.v… Qua theo dõi tin tức trong nước, tôi thấy một số điều mình phát biểu hay đề nghị cũng được các quan chức trong nước hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp chú ý.  Đó là một vinh hạnh cho người viết.  Nhân dịp này, tôi muốn nhìn lại những đề tài nổi cộm trong năm …

Trước hết là vấn đề cổ phần hóa bệnh viện công.  Vấn đề này làm tốn hao biết bao giấy mực báo chí, vì trong quá trình tranh luận lộ rõ hai quan điểm rõ rệt.  Một số người chủ trương cần phải cổ phần hóa bệnh viện, và một số người khác (tương đối ít hơn) có quan điểm ngược lại.  Những người chủ trương cổ phần hóa lí giải rằng bệnh viện công nước ta bây giờ lâm vào tình trạng quá tải, và cần phải cổ phần hóa để giải quyết vấn đề.  Một số người khác, kể cả các nhà quản lí bệnh viện, thì cho rằng cổ phần hóa để cải tiến chất lượng chăm sóc bệnh nhân.  Những người chủ trương không cổ phần hóa bệnh viện lí giải rằng dịch vụ y tế là một trong những dịch vụ cơ bản nhất mà chính phủ có nhiệm vụ phải cung cấp cho người dân

Cũng như nhiều vấn đề khác, tôi thấy một điều rất đáng quan tâm là hầu như những người tranh luận không đưa ra một bằng chứng về mối tương quan giữa cổ phần hóa và chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân, chẳng trình bày một dữ liệu khoa học nào để có thể nói là đáng tin cậy. 

Vấn đề đầu tư cho y tế

Trong quá trình tranh luận tôi không thấy ai nói đến vấn đề đầu tư của Nhà nước cho y tế.  Thế là tôi làm một cuộc khảo sát, và phát hiện nhiều điều thú vị (một cuộc khảo sát nào cũng có kết quả thú vị!)  Qua phân tích số liệu của Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê, tôi phát hiện rằng hiện nay chi tiêu của Nhà nước dành cho ngành y tế chỉ chiếm 6,1% tổng chi tiêu của Nhà nước.  Tỉ lệ này là thấp nhất so với các nước láng giềng như Campuchia (16%), Lào (khoảng 7%), Malaysia (6,5%), Trung Quốc (10%) và Nhật (16,4%).  Một phân tích khác cho thấy trong tổng chi tiêu cho y tế của cả nước, Nhà nước chỉ đóng góp khoảng 28%, phần còn lại (72%) là từ dân hay tư nhân. 

Hơn thế nữa, số liệu của Bộ Y tế cho thấy tổng số giường bệnh trong năm 1997 là khoảng 198.000, nhưng đến năm 2005, con số này giảm xuống còn 197.000!  Trong cùng thời gian cả nước, tổng số cơ sở y tế giảm từ 13.269 vào năm 1997 xuống còn 13.243 vào năm 2005. Vì gia tăng dân số, cho nên số giường bệnh tính trên 10.000 dân số giảm từ 26,6 năm 1997 xuống còn 23,7 năm 2005.  Do đó, không ngạc nhiên khi thấy tất cả bệnh viện đều quá tải.  Nhiều bệnh viện, hai thậm chí ba bệnh nhân phải nằm cùng một giường!

Một số chỉ tiêu cơ sở y tế giữa 1997 và 2005 cho toàn quốc

 

Chỉ tiêu

1997

2005

Phần trăm thay đổi 1997-2005

Số bác sĩ

32.900

51.500

+56%

Số y sĩ

47.900

49.700

+3.8%

Số y tá + hộ sinh

59.000

69.700

+18%

Số cơ sở y tế

13.269

13.243

-0,20%

Số giường bệnh

197.900

197.200

-0,35%

Dân số cả nước

74.307

83.106

+12%

Số giường bệnh trên 1000 dân số

26,6

23,7

-11%

Chú thích: Số liệu cơ sở y tế và giường bệnh chỉ giới hạn trong số nhà nước quản lí, chưa tính đến cơ sở tư nhân.  Nguồn: Tổng cục thống kê: www.gso.gov.vn.  Ở Thái Lan, theo số liệu năm 2002, cả nước có 134.453 giường bệnh, và số giường bệnh trên 100 dân số là 22. Vẫn theo số liệu trên, cả nước Thái Lan có 18.987 bác sĩ (chỉ bằng 43% số bác sĩ Việt Nam trong cùng năm).  Ở Thái Lan cứ 3295 dân số có 1 bác sĩ, còn ở nước ta con số này là 1791.

Thành ra, viết trên Tuổi Trẻ, tôi cho rằng vấn đề là Nhà nước chưa đầu tư thích đáng vào ngành y tế, chứ không phải cổ phần hóa.  Vấn đề là bệnh viện cần tự trị (hay tự chủ), chất lượng và y đức thay vì cổ phần hóa bệnh viện công. 

Chất lượng y tế là gì? 

Tôi tiếp cận vấn đề qua hai thiếu sót trên.  Trước hết, cần phải định nghĩa thế nào là “chất lượng”.  Trong một bài báo trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Vietnamnet đăng lại), tôi lí giải rằng trong y tế, cụm từ “chất lượng” đề cập đến các khía cạnh chăm sóc sức khỏe liên quan đến: thực phẩm cho bệnh nhân; môi trường bệnh viện (bàn ghế, tủ, giường, độ sạch sẽ, ánh sáng); dịch vụ chuyên môn (y khoa, điều dưỡng, thiết bị); tiện nghi phòng (riêng tư, giờ thăm bệnh, tiện nghi); phục vụ cá nhân (riêng biệt, thông tin, chú ý đến nhu cầu cá nhân); và sự đáp ứng của hệ thống cấp cứu khi có sự cố. Các khía cạnh này có thể phát triển thành những “chỉ tiêu” cụ thể để đo lường chất lượng bệnh viện. Ngoài những chỉ tiêu định tính, còn có một chỉ tiêu quan trọng nhất: đó là đó là tỉ lệ tử vong trong khi nằm bệnh viện hay sau khi xuất viện 30 ngày

Ở nước ngoài người ta đã có nhiều nghiên cứu về chất lượng bệnh viện (xem bảng dưới đây về một nghiên cứu ở Thái Lan, rất gần ta) cho thấy chất lượng bệnh viện không phải tùy thuộc vào cổ phần hóa mà là các yếu tố liên quan đến tiện nghi và thái độ của y bác sĩ.  Bệnh viện tư vì lợi nhuận có chất lượng thấp hơn bệnh viện công và bệnh viện tư không vì lợi nhuận.

Số phần trăm bệnh nhân trả lời "tốt" và "rất tốt" cho các chỉ tiêu chất lượng y tế

 

Chỉ tiêu chất lượng y tế

Bệnh viện công

Bệnh viện tư kinh doanh lấy lời

Bệnh viện tư không lấy lời (từ thiện)

Sạch sẽ

73

70

77

Tiện nghi

70

71

75

Có bàn ghế đầy đủ

39

48

39

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân

76

71

83

Thái độ của điều dưỡng

81

74

84

Bác sĩ khám tổng quát

73

68

79

Khả năng chuyên môn

90

83

96

Bác sĩ thường xuyên đến thăm bệnh

88

79

90

Thái độ của bác sĩ

85

65

82

Thông tin về trước và sau khi giải phẫu

80

73

83

Thông tin về xét nghiệm

70

68

70

Thông tin về thuật điều trị

75

76

73

Thông tin về sử dụng thuốc

69

56

84

Chất lượng tổng quát

88

79

90

 

Nguồn: Tangcharoensathien V, et al. Patient satisfaction in Bangkok: the impact of hospital ownership and patient payment status. Int J Quality Health Care 1999; 11:309-317.

Do đó, vấn đề không phải là cổ phần hóa, mà là chất lượng phục vụ bệnh nhân. 

Đến cuối năm (tháng 12/07), trong Hội nghị của Chính phủ về xã hội hóa y tế, chính phủ đã quyết định không chủ trương “không cổ phần hóa các bệnh viện công”, thay vào đó là  “Nhà nước sẽ tăng đầu tư cho y tế. Vì, theo tính toán với chi phí thực tế cho mỗi học sinh và mỗi người bệnh như hiện nay, phần lớn các hộ dân chưa thể tự trang trải được (do thu nhập còn thấp).”  Đó là phát biểu của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hôm 19/12 vừa qua.  Đọc tin này tôi vui suốt ngày!  Vâng, tăng đầu tư cho y tế, ông phó thủ tương ơi!  Phải tăng đầu tư ở mức sao cho bằng với các nước trong vùng.

Tai nạn y khoa và nhu cầu điều tra chất lượng y tế

Một tin mừng nữa là Phó thủ tướng yêu cầu phải “kiểm định chất lượng điều trị”.  Ông nói “Nếu không [kiểm định chất lượng], có khi người bệnh sang bên kia thế giới rồi mới biết chất lượng điều trị”.  Bài báo cho biết ông Nhân yêu cầu Bộ Y tế trong 6 tháng đầu năm 2008 phải có trách nhiệm xây dựng hệ thống quản lý, đánh giá chất lượng khám chữa bệnh.

Nói ra không phải là kiểu “đấy tôi đã nói thế” (nghe trẻ con quá!) nhưng sự thật là trong một bài báo trên Tuổi Trẻ vào tháng 5 (ykhoanet.com đăng lại), nhân mấy trường hợp “tai nạn y khoa”, tôi có đề nghị rằng cần phải điều tra chất lượng y tế, chất lượng bệnh viện để phòng ngừa các tai nạn trong tương lai.  Vấn đề này đã được nghiên cứu rất chi tiết ở các nước phương Tây, và chính tôi cũng từng tham gia vào các đề án lớn này, nên cũng có vài kinh nghiệm. 

Theo nghiên cứu ở Mĩ, Úc và Âu châu, sai lầm và “tai nạn” y khoa xảy ra ở các bệnh viện Úc, Canada và Âu châu dao động từ 7% đến 17% trong số những bệnh nhân nằm viện.  Trong số này, một phần ba là do cẩu thả trong khi điều trị và 70% là do lỗi lầm của bác sĩ, dược sĩ, và điều dưỡng.  Đó là một con số cực kì lớn, nếu chúng ta tính đến hàng trăm ngàn bệnh nhân nhập viện mỗi năm. 

Vẫn theo kinh nghiệm từ nước ngoài, khoảng 13% đến 16% các sai lầm y khoa dẫn đến tử vong, và 3% dẫn đến thương tật vĩnh viễn.  Ở Mĩ, các nhà nghiên cứu ước tính rằng mỗi năm có khoảng 120.000 người chết vì sai lầm và tai nạn y khoa, cao gấp 3 lần số tai nạn xe hơi.  Chi phí hàng năm liên quan tới những trường hợp thương vong này được ước tính khoảng 8,8 USD.  Ở Úc, mỗi năm có đến 14.000 người bị thiệt mạng và 50.000 người bị thương tật vĩnh viễn do những lỗi lầm trong bệnh viện (dân số Úc khoảng 20 triệu).

Trong đoạn cuối của bài viết tôi rất tâm đắc này, tôi có viết: “Ở nước ta, chưa có những nghiên cứu tương tự để biết qui mô của vấn đề.  Tuy nhiên, nếu chấp nhận tỉ lệ tai nạn 7% (tần số trung bình ở Mĩ, Úc, Canada và Âu châu), với tổng số bệnh nhân điều trị nội trú 7.050.000 (số liệu Bộ Y tế năm 2003), có thể ước tính rằng mỗi năm ở nước ta có 493.500 bệnh nhân bị “tai nạn” y khoa trong các bệnh viện.  Và, vẫn theo kinh nghiệm ở Mĩ (khoảng 14% “tai nạn” y khoa dẫn đến tử vong) có thể ước tính rằng nước ta có khoảng 67.000 bệnh nhân bị chết “oan” hàng năm.  Đó là một con số tử vong rất lớn, cao gấp 3 lần số tử vong vì tai nạn giao thông, và chiếm khoảng 13% tổng số tử vong của cả nước (khoảng 515.000 tử vong, số liệu năm 2002).”

Thật vậy, tôi cho rằng tai nạn y khoa ở nước ta rất lớn, vì tình trạng quá tải và tình trạng thiếu thốn thiết bị, thuốc men.  Nhưng cần phải nghiên cứu kĩ càng để tìm cách khắc phục.  Xin nhắc lại rằng nghiên cứu không phải để chỉ ai sai ai đúng, bởi vì lỗi lầm trong y tế trước hết là lỗi lầm của hệ thống chứ không phải cá nhân.  Trong cuốn sách “Hai mặt sáng tối của y học hiện đại” xuất bản năm 2004, tôi có một chương dài dành cho vấn đề tai nạn y khoa và cũng nói chuyện về vấn đề này trong mỗi lần về nước. 

Thành ra, tôi rất vui khi biết rằng Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Y tế phải tiến hành kiểm định chất lượng y tế.  Nhưng với kinh nghiệm tôi e rằng ông Phó thủ tướng đòi hỏi Bộ Y tế cao quá (ông yêu cầu Bộ Y tế phải xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng y tế trong vòng 6 tháng).  Tôi có kinh nghiệm trong vấn đề này và có thề nói thế này: ở Mĩ, Úc và Canada, các chuyên gia đã tiêu ra gần 15 năm trời để phát triển các chuẩn mực về chất lượng y tế nhưng chỉ mới hoàn tất vài chỉ tiêu sơ khởi mà thôi.  Hi vọng rằng trong năm tới (2008) tôi sẽ giới thiệu các chỉ tiêu này để các bạn trong nước biết thêm và cách thực hiện ra sao.

Thật ra, tôi đã gợi ý về điều tra chất lượng y tế với hai giám đốc của hai bệnh viện lớn ở phía Nam, và có thể triển khai nay mai để Bộ Y tế rút kinh nghiệm và học hỏi.  Đây là vấn đề hết sức quan trọng nên cần phải làm cẩn thận và có hệ thống, có bài bản, chứ không nên làm vội vã như ông Phó thủ tướng nóng lòng muốn làm.

Vắcxin viêm gan B – nhiễu thông tin!

Ở nước ta, khoảng 13% trẻ em mới sinh (9 đến 18 tháng) và 18% trẻ em tuổi từ 4 đến 16 bị nhiễm viêm gan B.  Ngay cả ở độ tuổi vị thành niên và trưởng thành (trên 25 tuổi), tỉ lệ viêm gan B cũng khoảng 20%.  Các tỉ lệ này khá cao so với các nước đã phát triển, nhưng tương đương với tỉ lệ ở các nước Đông Nam Á và Nam Mĩ.  Do đó, chính sách tiêm chủng vắcxin phòng chống viêm gan B là cần thiết. 

Nhưng với 4 trường hợp trẻ em mới sinh bị tử vong sau khi tiêm vắcxin ngừa viêm gan B làm cho nhiều người chất vấn chính sách này.  Một bài báo trên Tuổi Trẻ cho rằng “Hàng trăm ca tử vong sau khi tiêm văcxin viêm gan B ở Mỹ, nhưng rất tiếc đây là một thông tin rất sai lầm, vì phóng viên dựa vào một nguồn tin không đáng tin cậy.  Phóng viên dựa vào thông tin trên website của ông Joseph Mercola ở bang Illinois (Mĩ), một bác sĩ vật lí trị liệu (osteopathic doctor) có nhiều ý kiến “phi chính thống” và nổi tiếng chống đối các chương trình tiêm chủng ngừa.  Ông này đã bị các cơ quan y tế Mĩ cảnh cáo vài lần về việc đưa tin … ẩu.  Tôi có viết một bài cảnh báo trên ykhoanet.com và gửi cho các bạn trong Tuổi Trẻ chỉ ra rằng nguồn tin đó rất sai.  Bài báo trên website Tuổi Trẻ sau đó đã được rút xuống ngay.  Hoan hô các bạn trong Tuổi Trẻ!

Trong một bài trên ykhoanet.com (và đăng lại trên Tuổi Trẻ) tôi phát trình bày một vài kinh nghiệm từ nước ngoài về chương trình tiêm vắcxin ngừa viêm gan B cho thấy tiêm vắcxin đem lại lợi ích nhiều hơn là tác hại. 

Qua bài học này, tôi thấy việc xử lí thông tin y khoa của các phóng viên báo chí nói chung có vấn đề.  Nhưng đây là vấn đề chung trên thế giới, chứ cũng chẳng riêng gì với giáo báo chi trong nước.

Bưởi và ung thư vú – lại nhiễu thông tin!

Nói về nhiễu thông tin, chúng ta không thể bỏ qua bản tin về bưởi và ung thư vú đã được một số báo trong nước rầm rộ đưa tin.  Số là vào tháng 7 năm 2007 một nhóm nhà nghiên cứu bên Mĩ công bố một nghiên cứu quan sát (observational study) trên tập san British Journal of Cancer, mà theo đó họ kết luận rằng ăn bưởi có thể liên quan đến ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh.  Bản tin này được các báo chí Tây phương như BBC và Daily Mail truyền đi gây chấn động giới sản xuất và phân phối bưởi.

Ở trong nước, các báo như Thanh Niên, Khuyến học, Dân trí, Netnam, và Khoa học phổ thông năng nổ dịch lại.  Chỉ trong vòng mấy ngày sau khi bản tin xuất hiện trên báo chí Việt Nam, giá bưởi ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 10.000-16.000đ/kg xuống còn chỉ 8.000đ/kg, thậm chí 1000đ/kg.  Nhiều nông dân điêu đứng.  Tôi cũng là người xuất thân trong quê nên biết thế nào là nỗi khổ của nông dân, không có tiếng nói trong mấy vụ “khoa học” này. 

Tôi bỏ ra ngay đêm đó để viết hai bài phân tích về những khiếm khuyết của nghiên cứu trên và phân tích số liệu lại để chứng minh rằng sự khác biệt giữa tỉ lệ ung thư trong nhóm ăn bưởi và không ăn bưởi chỉ có 0,4%, tức chẳng có ý nghĩa lâm sàng gì cả.  Bài ngắn đăng trên Tuổi Trẻ và được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, tuy nhiên bản gốc có đầy đủ thông tin thì (dĩ nhiên) là trên ykhoanet.com.  Bài dài hơn tôi phân tích chi tiết về những sai lầm trong nghiên cứu đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn.  Nhân việc hai bài này, mấy anh trong Kinh tế Sài Gòn phàn nàn gián tiếp là tại sao tôi đăng 2 báo.  Xin thưa là hai bài không giống nhau.  Tôi không bao giờ đăng một bài trên hai báo, lúc nào cũng có cái khác chứ không “ăn gian” đâu.  Vả lại, đây là vấn đề quan trọng, nên cần phải đưa thông tin đến càng nhiều người càng tốt, và hai bài đó tôi nghĩ đã giúp ích, trấn an cho nhiều người nghiền bưởi như … tôi.

Vụ bưởi và ung thư có một kết thúc không hay.  Tuy trong bài viết tôi có nói rằng các phóng viên trong nước là nạn nhân của bài báo trên BBC, nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn xử phạt hành chính các báo Khuyến học, Dân trí, Thanh Niên, Netnam, và Khoa học phổ thông.  Đây là một bài học truyền thông khoa học rất quan trọng, mà tôi hi vọng sẽ có dịp quay lại trong một workshop về khoa học và truyền thông sắp tổ chức ở TPHCM trong năm 2008.  Tôi hi vọng sẽ sử dụng workshop này để giải thích cho các phóng viên biết về qui trình của một nghiên cứu y học như thế nào, và cách diễn giải dữ liệu khoa học sao cho chính xác. 

Bệnh tả và mắm tôm

Những tháng cuối năm 2007 xảy ra nạn dịch tiêu chảy.  Ykhoanet.com vào cuộc với hàng chục tham luận và bài viết chung quanh đề tài này.  Ban đầu, các giới chức y tế gọi nạn dịch này bằng một bệnh danh dài dòng và khó hiểu: “Dịch tiêu chảy cấp”.  Thế rồi vài ngày sau, bệnh được gắn thêm tính từ “nguy hiểm” thành “tiêu chảy cấp nguy hiểm”. Nhưng cho đến nay, thì tên bệnh thành “dịch tiêu chảy cấp có nguyên nhân từ vi khuẩn tả”!  Khi được phóng viên hỏi, các quan chức y tế nước ta lúng túng nói “Dùng từ tiêu chảy cấp trước hay tả trước thì cũng vậy thôi”!  Từ đó, theo họ, cảnh báo tiêu chảy và tả thì biện pháp phòng chống như nhau!

Liên quan đến bệnh danh, tôi có phát biểu trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (“Sao không gọi là bệnh tả?”) và Tuổi Trẻ (“Gọi tên đúng bệnh để phòng ngừa hiệu quả”).  Sau hai bài này và nhiều ý kiến của các đồng nghiệp khác trong nước, các quan chức y tế bắt đầu sử dụng từ “bệnh tả”, tuy họ vẫn còn khá quanh co và … khó hiểu.

Bệnh tả và tiêu chảy xảy ra vào ngày 30/10.  Chỉ ba ngày sau, ngày 2/11 Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết “Nghi phạm số một hiện nay gây ra dịch tiêu chảy cấp là mắm tôm” và sau đó ban hành “Quy trình xử lý dịch tả”.  Phán quyết này dựa vào cơ sở rằng phần lớn bệnh nhân từng ăn mắm tôm.  Ngày 8/11 tôi có nhận xét trên Tuổi Trẻ rằng “Chúng ta chưa có dữ liệu này. Do đó, chúng ta không thể nói mắm tôm là nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, có thể nói mắm tôm là một yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tả.  Ăn thịt chó hay mắm tôm là yếu tố nguy cơ chứ không phải  là thủ phạm, bởi vì thủ phạm là vi khuẩn V. cholerae. Vì thế, tôi e rằng đặt trọng tâm vào một loại thực phẩm như thế có thể làm xao lãng (hay đánh giá thấp) một tác nhân nguy hiểm hơn và qui mô hơn: nguồn nước.”

Câu chuyện mắm tôm và dịch tả kéo dài sau đó với nhiều ý kiến trái ngược nhau từ các chuyên gia trong Bộ Y tế.  Tôi và Ts Nguyễn Đình Nguyên truy tìm trong y văn và phát hiện nhiều thông tin quan trọng về sự tồn tại và phát triển của vi khuẩn tả.  Tôi có viết hai bài để minh oan cho mắm tôm.  Bài thứ nhất “Mắm tôm có phải là ‘thủ phạm’ gây bệnh tả? Xét lại bằng chứng khoa học” và bài kế tiếp là “Năm lí do cho mắm tôm vô tội” nhưng không báo nào dám đăng!  Chỉ có báo Diễn Đàn bên Pháp đăng bài thứ hai, và bài này được lưu truyền khá rộng rãi. 

Khi hàng trăm mẫu mắm tôm được đem đi xét nghiệm và kết quả hoàn toàn âm tính với vi khuẩn tả, thì lúc đó báo chí mới vào cuộc minh oan cho mắm tôm.  Thậm chí, trong Quốc hội, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng chất vấn về mối liên hệ giữa mắm tôm và dịch tả, nhưng rất tiếc là trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế không mấy rõ ràng. 

Đến ngày 21/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn kết luận: “Thịt chó, mắm tôm không phải là nguyên nhân gây bệnh trong vụ dịch này nữa. Mà nguyên nhân là thực phẩm tươi sống, thực phẩm nguội và nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng nề”.  Các nhà sản xuất mắm tôm được phép hoạt động trở lại. 

Nhưng khổ thay cho mắm tôm!  PGS TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, khi trả lời phỏng vấn báo Người lao động, nói: “Mắm tôm là nguyên nhân đầu tiên gây bệnh tả ...”  

Trước tuyên bố này, Tạp chí Tia Sáng có hỏi tôi có ý kiến gì không.  Tôi chỉ thấy phân vân với chữ “nguyên nhân” của ông cục trưởng, và điều này làm tôi có cảm hứng viết tiếp một bài tản mạn cho Tia Sáng, và như thường lệ, bản đầy đủ hơn vẫn trên ykhoanet.com qua bài “Mắm tôm, nguyên nhân và hệ quả”.  Qua bài viết này, tôi giải thích cụ thể thế nào là nguyên nhân và thế nào là yếu tố nguy cơ.  Làm y tế cần phải phân biệt được hai khái niệm này.  Nhưng mọi lí thuyết mang màu xám xịt / chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi (mượn thơ Xuân Diệu) nên tôi phải nhắc nhở các quan chức rằng thực tế còn quan trọng hơn.  Chính vì thế mà trong phần cuối của bài đó tôi viết (và xin trích lại như sau):

Các lí giải trên tuy quan trọng, nhưng mang tính… hàn lâm. Hệ quả thực tế còn đáng quan tâm hơn.  Do những phán xét vội vã của Bộ Y tế về mắm tôm trong thời gian qua, một bộ phận doanh nghiệp mắm tôm đã bị tổn thất về kinh tế. Theo Người lao động, ngày 19/12, 13 tấn mắm tôm lấy từ Thành phố Hồ Chí Minh đã được thiêu hủy.  Điều đáng nói là việc làm này xảy ra sau khi các quan chức của Bộ Y tế xác nhận mắm tôm không phải là nguyên nhân gây bệnh tả.  Điều đáng chú ý hơn nữa là các mẫu mắm tôm bị tịch thu này đã được xét nghiệm, về kết quả không thấy có mầm bệnh

Do đó, việc thiêu hủy số lượng lớn mắm tôm như thế chẳng những không phù hợp với công văn của Bộ Y tế (trong đó có giải thích rõ rằng thiêu hủy chỉ áp dụng đối với sản phẩm mắm tôm đã được xác định ô nhiễm mầm bệnh, có liên quan đến truyền bệnh), mà còn thiếu nhất quán với các kết luận mới nhất của Bộ Y tế.  Ai đứng ra bồi thường cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng?  Và, cũng không một lời xin lỗi từ bất cứ một giới chức y tế nào.”

Vấn đề xin lỗi các doanh nghiệp bị tổn thất vì lệnh cấm mắm tôm được báo chí nêu lên.  Nhưng Bộ Y tế … làm thinh.  Thậm chí có quan chức nói không đặt vấn đề xin lỗi hay bồi thường.  Bức xúc trước phát biểu này, tôi có viết một bài có thể xem là cuối cùng về sự việc, mà trong đó tôi nói về văn hóa xin lỗi trong y khoa.  Bản ngắn thì trên Tuổi Trẻ (“Mắm tôm và chuyện xin lỗi”), còn bàn đầy đủ hơn thì trên ykhoanet.com.  Bài viết cũng được nhiều bạn đọc đón nhận nồng nhiệt và khen ngợi.  Cựu thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh cũng lên tiếng trên Tuổi Trẻ, nhưng Bộ Y tế vẫn … không xin lỗi!  

Nhìn lại sự việc chung quanh bệnh tả và mắm tôm tôi rút ra một số bài học quí báu.  Đó là những bài học mà báo Vietnamnet có đề nghị tôi làm một bài tổng kết.  Loại bài viết đó tôi sử dụng các dữ liệu công bố trên ykhoanet.com để viết dưới ba tiêu đề: “Câu chuyện John Snow và bài học thông tin bệnh tả”, “Bệnh tả: Thông tin càng đưa, càng rối!”, và “Bệnh tả: Cần một thái độ khoa học”.  Trong ba bài đó tôi muốn mượn câu chuyện của ông tổ ngành dịch tễ học (John Snow) để bàn về kinh nghiệm phát hiện nguyên nhân và phòng chống bệnh tả trong thời nay.  Tôi cũng phê bình Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chẳng có thông tin gì liên quan đến bệnh, vì trang nhà trống trơn.  Tuy nhiên, cho đến nay, trang nhà của Viện vẫn chẳng có thông tin khoa học nào liên quan đến bệnh tả vừa qua!

Lâm sàng thống kê

Qua đọc một nghiên cứu của một bác sĩ ở Đại học Y Dược TPHCM, tôi có viết bài “Về một sự hiểu lầm thuật ngữ ‘prospective’.  Điều làm tôi bất ngờ là bài viết thu hút rất nhiều phản hồi của bạn bè và đồng nghiệp.  Đại khái họ nói qua bài đó họ mới rõ những thuật ngữ liên quan đến thiết kế nghiên cứu.  Tôi đã có ý định mở một mục Lâm sàng thống kê từ đó.  Nhưng vì thời gian eo hẹp trong những tháng đầu năm nên ý định không thành hiện thực. 

            Đến khi Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật in và phát hành cuốn sách “Phân tích số liệu và tạo biểu đồ bằng R” vào đầu năm 2007 thì ý định đã manh nha.  Cuốn sách đã được các bạn đọc đón tiếp nồng hậu, với hàng trăm cuốn được bán ngay trong những ngày đầu xuất bản.  Rất tiếc là hệ thống phân phối còn nhiều bất cập (theo tôi) nên sách không về đến các tỉnh lẻ và vùng cao sâu.  Khi liên lạc để hỏi tại sao có tình trạng sách không đến các nhà sách tỉnh lẻ, Nhà xuất bản trả lời rằng họ chỉ gửi sách đến các tỉnh khi có nhu cầu!!  Tôi phải sử dụng đến 2 dấu chấm thang ở đây để bày tỏ sự ngạc nhiên đến tột độ về cách kinh doanh này.

            Rất nhiều bạn đọc gửi email hỏi đủ thứ vấn đề liên quan đến phân tích số liệu.  Tôi cố gắng giải thích dần dần, nhưng thấy có một số câu hỏi trùng nhau, nên quyết định biến ý định mục Lâm sàng thống kê thành hiện thực.  Tính từ tháng 3 cho đến nay mới có 9 tháng trời, như các bạn biết, đã có 20 bài trong đề tài này.  Tôi viết các bài này với tâm huyết giúp đỡ các đồng nghiệp trong nước.  Xin nói rằng ngay cả với các đồng nghiệp phương Tây, tôi chưa và không bao giờ giải thích tường tận như trong các bài đó.  Mục này sẽ còn kéo dài và hi vọng sẽ in thành sách để truyền bá rộng rãi hơn. 

            Điều làm tôi đôi lúc chạnh lòng là nhiều khi mình tiêu ra khá nhiều thì giờ (phần lớn là ban đêm) giải thích, giúp đỡ, thậm chí viết cả codes phân tích cho nhiều bạn ở trong nước (những việc mà tôi không bao giờ làm cho đồng nghiệp Tây phương), nhưng khi thư gửi đi rồi tôi không hề nhận được một thư báo là đã nhận được, chứ chưa nói đến hai chữ “cám ơn”!  (Cũng có thể “phe ta” chưa quen với cách nói cám ơn).  Thậm chí, có người còn gửi email cho tôi cứ như là … ra lệnh.  Với những email như thế tôi vẫn trả lời, nhưng thầm cười méo mặt vì nghĩ người gửi có vấn đề trong giao tiếp nên thông cảm.  Tuy chạnh lòng, nhưng tôi cố an ủi mình làm hết mình, để sau này không ân hận với lương tâm và cũng không hỗ thẹn rằng mình đã trải lòng với mọi người. 

Đến chuyện đào tạo tiến sĩ

            Một trong những vấn đề tôi rất quan tâm là đào tạo tiến sĩ ở trong nước.  Đây là vấn đề xã hội rất bức xúc, với không biết bao nhiêu bài báo phản ảnh tình trạng lạm dụng học vị này.  Có phóng viên còn mỉa mai viết rằng ở nước ta ra đường là đụng tiến sĩ!  Năm 2006 tôi viết khoảng 10 bài về chủ đề này, và nghĩ chắc mình không có gì để nói thêm nữa.  Nhưng đến năm 2007, một số sự kiện nhức nhối xảy ra nên tôi lại phát biểu.  Nhìn lại trong năm tôi viết đến 15 bài góp ý và đề nghị trong lĩnh vực này.  Hầu hết các bài đều đăng trên Tia Sáng, Hoạt động Khoa học, và Người viễn xứ, nhưng một số nhỏ đăng trên Tuổi Trẻ Vietnamnet.  Đôi khi nhìn lại tôi không ngờ mình có nhiều ý kiến như thế! 

            Năm ngoái tôi viết một bài báo mà tôi tự cho là quan trọng: đó là bài đề ra 7 tiêu chuẩn cho một học vị tiến sĩ.  Bài này đăng trêm tạp chí Hoạt động khoa học số 8/2006.  Bài viết được đón nhận rất nồng nhhiệt và được in lại trên không biết bao nhiêu báo mà tôi thể đếm hết nổi!  Bảy tiêu chuẩn này là:

  • Tiêu chuẩn 1: Thí sinh phải chứng tỏ mình có những kiến thức cơ bản về khoa học trong các lĩnh vực vật lí, hóa học, sinh học, di truyền học, kinh tế học, toán học và những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu mà thí sinh theo đuổi.
  • Tiêu chuẩn 2: Thí sinh phải am hiểu các tài liệu nghiên cứu cần thiết về lĩnh vực chuyên môn mình theo đuổi và phải có khả năng cập nhật hóa kiến thức cũng như tất cả những phát triển mới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.
  • Tiêu chuẩn 3:  Thí sinh phải chứng tỏ kĩ  năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu chuyên ngành của mình.
  • Tiêu chuẩn 4: Thí sinh phải làm chủ được kĩ thuật thử nghiệm khoa học hay kĩ thuật thí nghiệm cơ bản.
  • Tiêu chuẩn 5:  Thí sinh phải chứng tỏ đã đạt được những kĩ năng về truyền đạt thông tin.
  • Tiêu chuẩn 6: Thí sinh phải chứng tỏ mình đã nắm vững kĩ năng thiết kế một công trình nghiên cứu và độc lập trong nghiên cứu.
  • Tiêu chuẩn 7: Thí sinh phải chứng tỏ mình am hiểu tiếng Anh, có khả năng sử dụng hay ứng dụng các kĩ thuật trong công nghệ thông tin.

Một trong những tiêu chuẩn tôi nhấn mạnh là phải nghiên cứu sinh phải có ít nhất là một bài báo công bố trên các tập san khoa học quốc tế trước khi viết luận án.  Vài người không thích tiêu chuẩn này và có vài lời dèm pha, nhưng tôi thấy họ không có cơ sở gì đáng nói nên tôi không cần tranh luận. 

Điều đáng mừng là sau khi bài này đăng vài tháng, các quan chức trong Bộ Giáo dục bắt đầu có chuyển hướng.  Trong bài “2007 - năm chấn chỉnh đào tạo tiến sĩ”, bà Trần Thị Hà (Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH) cho biết: “Để được công nhận là tiến sĩ, các NCS cũng phải có ít nhất một bài đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu của hội nghị khoa học chuyên ngành nước ngoài, một bài đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trong nước do cơ sở đào tạo quy định ….”

            Nhưng một quan chức trong Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng công bố bài báo khoa học là một thách thức lớn, tôi có viết bài “Công bố bài báo khoa học: Thử lửa với nghiên cứu sinh?”  Trong đó, tôi lí giải rằng công bố bài báo khoa học không phải là một thách thức lớn gì cả, nếu đầu vào, tức là tuyển nghiên cứu sinh, ta làm cho tốt và có người hướng dẫn có tư cách khoa học.  Có điều làm tôi hơi “bực mình” là ban biên tập đề cái chữ “TS” (tiến sĩ) trước tên tôi, và hình nhữ vẫn chưa đủ, họ còn dán cái nhãn hiệu “Việt kiều Australia” sau tên tôi.  Tôi rất ghét và không bao giờ sử dụng mấy danh xưng hay chức danh mà tôi hay nói đùa là “sĩ sư” trước tên mình khi viết báo, và càng bực mình hơn với cái chữ “Việt kiều” nghe rất khó lọt tai.  Cái chữ “kiều” nghe rất xa lạ, trong khi đó tôi là người Việt thì làm sao xa lạ với Việt Nam được?  Nếu có nhu cầu, tại sao không viết đại khái là “Người Việt sống ở ABC” thay vì cái chữ khó ưa “Việt kiều” đó? 

Và chuyện đại học đẳng cấp quốc tế

            Khi cựu Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Mĩ ông có đặt vấn đề Mĩ giúp ta thành lập một đại học đẳng cấp quốc tế.  Dự án được một giáo sư Đại học Harvard soạn thảo, và một cuộc tranh luận (hay nói đúng ra là thảo luận) diễn ra khá sôi nổi trên báo chí.  Tôi đóng góp 3 bài bình luận trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tia Sáng, và Vietnamnet.  Trong ba bài đó tôi bàn đến thế nào là một đại học đẳng cấp quốc tế, và bàn luận những khía cạnh cần tiên lượng trước khi một trường như thế ra đời. 

            Đến năm 2007, chủ đề này lại xuất hiện trên báo chí.  Tôi không có ý gì mới để nói, nhưng khi Tia Sáng đề nghị phỏng vấn thì tôi cho ý kiến.  Bài phỏng vấn chỉ được đăng có một phần.  Bây giờ nhân dịp cuối năm tôi trích bài đó để bạn đọc theo dõi câu chuyện:

Trả lời phỏng vấn của tạp chí Tia Sáng

Tia Sáng: Anh suy nghĩ như thế nào về thực trạng khoa học của đất nước hiện nay trên cơ sở những gì mà các anh thu lượm được?

NVT: Những gì tôi biết được qua quan sát và làm việc thực tế cho thấy tình hình hoạt động khoa học ở nước ta còn quá kém so với các nước trong vùng.  Ở bất cứ chỉ tiêu khoa học nào (như số lượng ấn phẩm khoa học, số chuyên gia có uy tín trên trường quốc tế, vị thế, v.v…) thì nước ta kém xa so với Thái Lan, Singapore, Mã Lai và thậm chí kém hơn cả Indonesia.  Chỉ tính riêng trong ngành y sinh học, trong thời gian 5 năm (2002-2006), số lượng ấn phẩm khoa học từ nước ta chỉ bằng 9% so với Singapore,  22% so với Thái Lan, 36% so với Mã Lai, v.v…

Tình hình khoa học ở nước ta có vẻ “ảm đạm” như thế là hệ quả của những bất cập và hạn chế trong khâu tổ chức và lãnh đạo, trình độ nghiên cứu và thiếu thông tin của các nhà khoa học.  Thứ nhất là kinh phí cho nghiên cứu khoa học hiện nay còn khá khiêm tốn, nhưng việc phân phối kinh phí đó đến tay các nhà khoa học lại là một vấn đề nổi cộm.  Cách tổ chức cung cấp kinh phí cho nghiên cứu hiện nay giống như một qui trình đấu thầu trong kinh doanh, và nó không thích hợp cho hoạt động nghiên cứu khoa học.  Chẳng hạn như Bộ y tế ra đề tài nghiên cứu cụ thể, kêu gọi nhà nghiên cứu đệ đơn, rồi họ xét duyệt và cấp kinh phí cho nghiên cứu.  Trong thực tế, nhu cầu nghiên cứu phải xuất phát từ thực tế lâm sàng, và chỉ có bác sĩ hay nhà khoa học trực tiếp với bệnh nhân, với quần thể cộng đồng mới biết những nhu cầu này, và chính họ mới là người trực tiếp giải quyết vấn đề.  Bộ chỉ nên đóng vai trò quản lí và đề ra định hướng (chứ không phải đề tài) nghiên cứu.

            Thứ hai là vấn đề qui trình xét duyệt đơn xin tài trợ.  Đã có quá nhiều nhà khoa học than phiền rằng qui trình xét duyệt thiếu tính minh bạch, thậm chí thiếu công bằng, và hệ quả là kinh phí nghiên cứu tập trung vào một số nhóm gồm những “cây đa cây đề”.  Các nhà khoa học trẻ hay mới từ nước ngoài về không có cơ hội thực hiện những hoài bảo khoa học của mình, và tình trạng này gây ra nhiều bất mãn, tiêu cực, và thui chột tài năng của giới trẻ. Chúng ta cần xem xét hệ thống bình duyệt và cung cấp kinh phí khoa học của Mĩ, Úc hay Canada để tiến đến một hệ thống công bằng hơn và minh bạch hơn.

            Thứ ba là vấn đề thiếu thông tin và kĩ năng.  Vì thiếu thông tin, cho nên rất nhiều nghiên cứu ở trong nước không mang tính đột phá, không có “cái mới”, mà thường chỉ lặp lại những gì người khác đã làm cả 50 năm trước.  Chính vì thế mà rất nhiều công trình nghiên cứu (tôi chỉ nói trong ngành y sinh học) không có giá trị khoa học cao, và chẳng gây chú ý của đồng nghiệp.  Có người nói thẳng rằng nhiều nghiên cứu y sinh học trong nước chỉ đơn thuần giả số liệu! 

            Quay trở lại với tình hình khoa học nước ta, tôi thấy chúng ta thường tự hào (và có lẽ cũng có lí do để tự hào) về ngành toán và vật lí, nhưng trong thực tế, phải nói thẳng đây là những ngành có đóng góp khiêm tốn cho việc phát triển kinh tế và công nghiệp hóa đất nước.  Chúng ta có quyền tự hào về những học sinh đoạt những giải thưởng quốc tế về thi toán, vật lí, hóa học, tin học, v.v… nhưng tính trung bình thì sinh viên đại học của ta vẫn còn kém về trình độ học hành và kĩ năng làm việc sau khi ra trường.  Chúng ta quá chú tâm vào một thiểu số nổi bật mà bỏ qua phần đa số lu mờ.

 

Tia Sáng: Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có phát biểu: đến 2020 Việt Nam sẽ xây dựng được một trường đại học lọt vào top 200 trường đại học thế giới  Theo ý kiến cá nhân của các anh, để đạt được mục tiêu trên chúng ta phải làm gì?

NVT: Chẳng riêng gì nước ta, hầu như nước nào cũng mong muốn có một đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng ít ai bàn cụ thể một đại học như thế đòi hỏi những gì và phải vận hành ra sao.  Có người đề nghị không nên gọi là “đẳng cấp quốc tế” mà chỉ gọi là “chất lượng cao”.  Riêng tôi thì thích cụm từ “đẳng cấp quốc tế” (world class) hơn, vì chưa bao giờ nghe hay thấy đại học nào tự xưng là có “chất lượng cao” (high quality) cả và thấy cụm từ này không thích hợp để mô tả uy tín một đại học.  Một trường đại học đẳng cấp quốc tế, theo tôi, phải đạt được những tiêu chuẩn hay điều kiện sau đây:

  • phải có những giáo sư đẳng cấp quốc tế. Đây là những giáo sư có uy tín cao, có “tên tuổi” trong chuyên ngành, có lượng ấn phẩm khoa học lớn với chất lượng tốt (có nhiều cách để đánh giá), có ảnh hưởng trong chuyên ngành, v.v… Có nhiều người hiểu lầm rằng hễ người nào đang giữ chức giáo sư bên Mĩ hay Âu châu là “đẳng cấp quốc tế”.  Không phải như thế.  Chỉ có một số (có lẽ 10-20%) các giáo sư Âu Mĩ xứng đáng với tầm cỡ quốc tế mà thôi, phần còn lại thì chỉ tầm trung bình.  Rất nhiều giáo sư ở Âu Mĩ chỉ là những công tư chức khoa bảng, chứ chẳng có nghiên cứu gì đáng kể; vì thế, không nên nhầm lẫn giữa giáo sư đẳng cấp quốc tế và giáo sư đại học tại các nước Âu Mĩ.
  • phải là nơi nuôi dưỡng những tài năng đẳng cấp quốc tế tương lai.  Những ai từng quen thuộc với cơ chế tuyển dụng của các trường đại học lớn ở Mĩ đều biết rằng các giáo sư và nhà nghiên cứu cấp thấp thường được nâng đỡ trong vòng 3 đến 5 năm để họ tự chứng minh khả năng của mình, sau đó họ phải trải qua một quá trình bình duyệt từ bên ngoài, và chỉ có những người xuất sắc với những nghiên cứu đẳng cấp quốc tế mới được giữ lại làm việc.
  • phải có (hay tạo ra) một môi trường nghiên cứu với những cơ sở vật chất nghiên cứu đầy đủ.  Một đại học ngày nay, cho dù là đại học không phải đẳng cấp quốc tế, khó mà vận hành một cách hữu hiệu nếu không có một hệ thống thư viện và internet hoàn chỉnh.  Do đó, nhu cầu cho một thư viện đẳng cấp quốc tế với hàng triệu sách tham khảo và tạp chí khoa học là một điều kiện hàng đầu.
  • phải có ngân sách nghiên cứu dồi dào.  Một đại học đẳng cấp quốc tế mà không có nghiên cứu khoa học thì không xứng đáng với danh xưng đó.  Đại học Mahidol của Thái Lan được xem là có đẳng cấp, vì trên 50% các bài báo khoa học từ Thái Lan xuất phát từ trường này.  Nghiên cứu phải là những nghiên cứu mang tính khám phá, bởi vì phần lớn những tiến bộ khoa học gần đây đều xuất phát từ những công trình nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là công nghệ sinh học.  Một công trình nghiên cứu khoa học khám phá trung bình có thể tốn đến một triệu USD trong một năm.  Thành ra, không ngạc nhiên khi thấy ngân sách dành cho nghiên cứu tại các trường đại học lớn của Mĩ có khi lên đến con số một tỉ USD.  Tại nhiều trường đại học Tây phương ngày nay, trường đại học chỉ cung ứng cho nghiên cứu và trả lương giáo sư trong vòng 3 hay 5 năm, sau thời gian này giáo sư phải tự tìm lấy nguồn tài trợ cho nghiên cứu. Thành ra, dù rằng một phần ngân sách nghiên cứu (có thể là 60%) do nhà nghiên cứu tìm được từ nước ngoài, nhưng trường đại học vẫn phải sẵn sàng cung ứng khi nguồn tài trợ từ nước ngoài gặp khó khăn.
  • lương bổng cho giáo sư.  Không thể kì vọng một giáo sư đẳng cấp quốc tế với hàng trăm công trình khoa học và đang hưởng lương hàng trăm ngàn USD hàng năm lại chịu làm việc tại một đại học đẳng cấp quốc tế Việt Nam với số lương 50 ngàn USD.  Còn nhớ khi Hồng Kông được Anh trao trả về Trung Quốc, rất nhiều giáo sư ngoại quốc rời bỏ các đại học Hồng Kông vì họ không thể sống với lương bổng mới và cách quản lí mới.  Phải cần đến 5 năm các đại học Hồng Kông mới mời các giáo sư này quay lại làm việc.
  • phải cần thời gian. Cần phải nhận thức rằng không phải một sớm một chiều chúng ta sẽ xây dựng được một đại học đẳng cấp quốc tế, một đại học mà nói đến tên, người ta có thể đánh giá ngang cỡ với các đại học danh tiếng khác ở Tây phương.  Các đại học danh tiếng như Harvard, Yale, Stanford, Oxford, Cambridge, v.v… phải trải qua hàng trăm năm để đạt được vị thế như ngày nay.  Ngay cả các đại học mới và danh tiếng “khiêm tốn” hơn như University of Tokyo, Australian National University, National Singapore University, v.v… cũng phải phấn đấu qua nhiều thập niên để được xếp hạng trong danh sách các đại học đẳng cấp quốc tế.

Những điều kiện và tiêu chuẩn trên không phải dễ đạt được.  Trước những yêu cầu này có lẽ nhiều bạn đọc sẽ hỏi trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay liệu bao giờ chúng ta mới có một đại học đẳng cấp quốc tế.  Vào cuối thế kỉ 19 ở Mĩ, cũng có người đặt câu hỏi đó.  John D. Rockefeller từng hỏi Charles W. Eliot (lúc đó là hiệu trưởng Đại học Harvard suốt 40 năm liền) nếu muốn thành lập một đại học đẳng cấp quốc tế cần những điều kiện gì.  Eliot trả lời rằng cần 50 triệu USD và 200 năm!  Nhưng Eliot đã sai lầm to.  Trường Đại học Chicago được thành lập vào đầu thế kỉ 20, với trên 50 USD (do chính Rockefeller trao tặng) nhưng chỉ sau 20 năm hoạt động, đã trở thành một đại học đẳng cấp quốc tế.  Hiện nay, chúng ta bàn về đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng tôi thấy đang có xu hướng “chìm” sau một thời gian bàn thảo sôi nổi. Chúng ta cần quyết tâm để biến lời nói thành hiện thực. 

 

Tia Sáng: Vừa rồi Bộ KHCN có bàn về vấn đề nghiệm thu các đề tài khoa học và có nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến của GS Hoàng Tụy cho rằng, đã nghiên cứu khoa học cơ bản thì phải có công bố quốc tế. Nhưng cũng có nhiều ý kiến khác lại nói, trong hoàn cảnh hiện tại ở Việt Nam chưa thể làm như thế được. Ý kiến nào các anh cho là đúng?

NVT: Tiêu chuẩn số 1 để đánh giá thành tựu nghiên cứu khoa học -- bất kể là khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng -- là ấn phẩm khoa học và bằng sáng chế. Ấn phẩm khoa học thường phải là những bài báo được công bố trên các tập san chuyên ngành có hệ thống bình duyệt (peer-review) và có uy tín (tức là nằm trong danh bạ của ISI hay cơ quan tương tự) với hệ số ảnh hưởng (impact factor). 

            Tôi cũng biết có ý kiến cho rằng việc công bố nghiên cứu trên các tập san quốc tế là không thực tế.  Tuy nhiên, tôi thấy ý kiến đó không đúng và mang tính … ngụy biện.  Tôi không hiểu “hoàn cảnh” nào mà các nhà khoa học nước ta không công bố được, nếu những công trình của họ có giá trị và được thực hiện theo những tiêu chuẩn chung.  Thật ra, các tập san quốc tế có xu hướng tạo điều điệu thuận lợi như không lấy chi phí in bài, dành ưu tiên đăng bài, châm chước vấn đề ngôn ngữ … cho các nhà khoa học ở các nước đang phát triển như ở nước ta để công bố ấn phẩm khoa học.

Tia Sáng: Đối với những ngành mà hoạt động nghiên cứu cơ bản còn thấp như vật lý địa cầu, môi trường,…rất khó có thể có công bố quốc tế. Như vậy, có nên tiến hành nghiên cứu cơ bản không?

NVT: Tôi không xem các hoạt động khoa học theo thang chuẩn thấp hay cao, cho nên tôi không xem khoa học vật lí địa cầu hay khoa học môi trường là thấp.  Tôi nghĩ ở bất cứ lĩnh vực nào, nếu chúng ta chịu khó làm việc, tìm tòi và suy nghiệm vấn đề cho đến nơi đến chốn thì vẫn có thể đi đến những đề tài để công bố.  Cần phải nói thêm rằng một nghiên cứu khoa học không chỉ đánh giá qua một phát kiến mới về ý tưởng hay kết quả mới, mà một phương pháp hay cách làm mới vẫn có thể xem là có giá trị khoa học.  Chẳng hạn như chọn một quần thể độc đáo làm mô hình để nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố di truyền đến một bệnh vẫn có thể xem là mới, và vẫn có thể công bố bài báo khoa học.

Tia Sáng: Anh có thể cho biết cụ thể ranh giới giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trên thế giới hiện nay như thế nào?

NVT: Hoạt động khoa học ngày nay mang tính liên ngành (inter-discipline), và vì thế, rất khó tìm một lằn ranh để xếp loại thế nào là khoa học cơ bản và thế nào là khoa học ứng dụng.  Theo tôi, cách phân chia khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng là không cần thiết và phản tác dụng.  Nhìn chung, có nhiều người nghĩ rằng nghiên cứu toán học là cơ bản, còn y học là ứng dụng.  Nhưng trong ngành y sinh học, người ta nghĩ rằng (hay xem) nghiên cứu di truyền học và nghiên cứu trên tế bào là cơ bản, còn nghiên cứu lâm sàng là ứng dụng.  Nói như thế để thấy tất cả các nổ lực đi tìm một lằn ranh phân biệt hoạt động khoa học còn tùy thuộc vào ngành nghề nghiên cứu.

Phân biệt giữa khoa học cơ bản và ứng dụng là quan điểm của mấy thập niên trước, và không còn thích hợp cho khoa học thời nay nữa.  Xin dẫn một ví dụ đơn giản: nếu tôi nghiên cứu về cách sử dụng gen để chẩn đoán bệnh béo phì, thì công trình này nên xếp là cơ bản hay ứng dụng?  Tôi phải phân tích một mãng DNA để biết được thể gen và phải thử nghiệm xem nó có liên quan đến béo phì hay không (đó là một hoạt động nghiên cứu cơ bản), nhưng béo phì là một vấn đề lâm sàng (một lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng), và phải sử dụng các thuật toán thống kê để phát triển mô hình chẩn đoán (một lĩnh vực vừa cơ bản vừa ứng dụng).  Nói tóm lại, công trình của tôi có tất cả các hoạt động khoa học ứng dụng và cơ bản.  Không có chuyện phân cấp đó là khoa học cơ bản hay ứng dụng.

Ví dụ mà tôi trình bày cho thấy xu hướng nghiên cứu khoa học bây giờ mang tính liên ngành, bởi vì tôi cần đến các chuyên gia về sinh học phân tử, di truyền học, thống kê học, và chuyên gia lâm sàng.  Sự hợp tác liên ngành đó chính là động cơ thúc đẩy phát triển khoa học.  Đi tìm một lằn ranh để phân chia ranh giới giữa cơ bản và ứng dụng là một hình thức làm cho khoa học không theo kịp trào lưu quốc tế. 

 

Tia Sáng: Theo đánh giá chủ quan của anh thì mối quan hệ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam ra sao? Nhà nước nên ưu tiên chú trọng đầu tư cho lĩnh vực trọng điểm nào cho tương lai?

NVT: Theo tôi, không nên phân biệt giữa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng.  Các cơ quan tài trợ cho nghiên cứu ngày nay thường khuyến khích các nghiên cứu mà thuật ngữ tiếng Anh gọi là “Translational research”, tức là chuyển giao những thành tựu trong nghiên cứu khoa học cơ bản đến người tiêu dùng.  Trong nghiên cứu y học, “người tiêu dùng” (consumer) đây chính là bệnh nhân.  Bất cứ công trình hay dự án nghiên cứu y sinh học nào, tác giả phải nêu cho được tiềm năng chuyển giao thành tựu để nâng cao chất lượng chăm sóc cho bệnh nhân. 

Theo tôi, nước ta nên tập trung vào những nghiên cứu ở dạng này, thay vì theo đuổi những nghiên cứu mang tính khám phá (discovery) mà chúng ta chưa thể có điều kiện và kinh phí để theo đuổi.  Xin lấy một ví dụ đơn giản để minh họa cho ý này.  Các nhà khoa học Anh mới đây nghiên cứu trên 2000 bệnh nhân, mỗi bệnh nhân họ phân tích 500.000 SNP, và mỗi SNP tốn khoảng 0,5 USD, tức công trình này tốn khoảng nửa tỉ USD.  Với số tiền đó, họ chỉ phát hiện một gen duy nhất có liên quan!  Nước ta chưa thể làm những nghiên cứu đó, nhưng có thể ứng dụng thành tựu từ những nghiên cứu như thế cho tình hình thực tế ở trong nước.

 

Tia Sáng: Tầm nhìn phát triển khoa học công nghệ ở nước ta trong tương lai, theo các anh, chúng ta có nên đi theo mô hình của một số nước đi trước như Nhật, Hàn Quốc Singapore,…hay chúng ta phải vạch ra con đường riêng?

NVT: Tôi không rõ mô hình của Hàn Quốc hay Singapore ra sao, nhưng tôi nghĩ mỗi nước đều có một bối cảnh lịch sử riêng biệt, và do đó, sẽ không có “mô hình” nào hoàn toàn thích hợp cho nước ta cả.  Chẳng hạn như chúng ta chưa thể đòi hỏi tất cả các giáo sư đại học trong nước phải hội đủ những tiêu chuẩn như giáo sư ở Mĩ, bởi vì một đòi hỏi như thế không thực tế.  (Thật ra, ở Mĩ tiêu chuẩn giáo sư cũng rất khác nhau giữa các trường). 

Nước Pháp tự hào rằng Pháp đã, đang và sẽ không bao giờ trở thành một phiên bản của bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng các hoạt động nghiên cứu khoa học của Pháp cũng dựa vào các chuẩn mực quốc tế. Chúng ta cần phải có một “con đường” riêng cho chính chúng ta, nhưng con đường đó phải phù hợp với trào lưu của thời đại, phải tuân thủ theo những chuẩn mực quốc tế mà chúng ta là một thành viên.  Chẳng hạn như chúng ta không thể biện minh rằng vì “hoàn cảnh” mà không công bố ấn phẩm nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế, trong khi đó chính là một chuẩn mực mà đại đa số các nước trên thế giới chấp nhận.

            Hiện nay, chúng ta có quá nhiều viện nghiên cứu từ các bộ và tổng cục với chức năng nhiều khi chồng chéo nhau và thành phẩm cũng không rõ ràng mấy.  Theo tôi, một trong những việc làm hàng đầu là chấn chỉnh (kể cả nhập lại) các viện nghiên cứu từ đó và các đại học thành những trung tâm nghiên cứu và đào tạo theo chuẩn mực quốc tế (cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một viện nghiên cứu y khoa có uy tín).  Chúng ta cũng cần phải kiện toàn lại hệ thống bình duyệt và cung cấp kinh phí nghiên cứu sao cho đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của đồng tiền.  Chúng ta có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Mĩ hay Âu châu trong công tác quản lí khoa học và ngân sách khoa học.  Việc này cũng không khó, không cần đến việc tốn tiền phải gửi hàng chục phái đoàn quan chức ra nước ngoài để tìm hiểu; chỉ cần hỏi các nhà khoa học gốc Việt có kinh nghiệm ở nước ngoài là họ có thể cung cấp thông tin cụ thể cho các giới chức trong nước.

 

Ấn phẩm khoa học Việt Nam

            Sự có mặt của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế còn quá khiêm tốn.  Tôi đã dành khá nhiều thì giờ và công sức để viết và kiến nghị cách cải tiến nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu y học, ở Việt Nam.  Bạn đọc có thể tham khảo bài viết “Nghiên cứu y học ở Việt Nam: Đặc điểm, thiếu sót, và sai sót” đăng trên tạp chí Thông tin Y học TPHCM hai số vào đầu năm nay để biết thêm chi tiết.  Trong bài này, tôi chỉ ra hàng loạt thiếu sót và sai sót về nghiên cứu y học ở Việt Nam.  Bài này có thể “đụng chạm” đến nhiều đồng nghiệp, nhưng đó là những điều tôi thấy cần phải nhìn thẳng và học hỏi.

            Mới đây, tôi và đồng nghiệp tôi (Nguyễn Đình Nguyên) đã làm một phân tích chi tiết so sánh số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học Việt Nam với các nước trong vùng Đông Nam Á.  Bài viết sẽ đưa lên ykhoanet.com nay mai.  Có lẽ các bạn sẽ ngạc nhiên thấy khoa học của ta còn kém quá.  Nhưng phải nhìn nhận cái kém của mình để vươn lên, nên trong bài này tôi nói thật và nói thẳng. 

            Nói ngắn gọn, trong thời gian từ 1996 đến 2005 (10 năm), các nhà khoa học Việt Nam công bố được khoảng 3500 bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế. Con số này thoạt đầu thì khá đấy, nhưng sự thật là thấp nhất trong vùng, thấp hơn cả Indonesia và Phi Luật Tân. Con số công trình khoa học của Việt Nam chỉ bằng 1/5 số bài báo từ Thái Lan, 1/3 so với Mã Lai, 1/14 so với Singapore (n = 45.633) ! Tôi cũng ước tính rằng nếu tốc độ tăng trưởng chậm như hiện nay thì phải cần đến 60 năm sau chúng ta mới bắt kịp số lượng bài báo của Thái Lan vào năm 2005 !

            Đó là mới nói về số lượng. Còn chất lượng cũng kém lắm. Nhưng điều đáng quan tâm nhất với tôi là chỉ có 20% các công trình nghiên cứu khoa học từ Việt Nam là do nội lực, phần 80% còn lại là do hợp tác hay giúp đỡ từ nước ngoài. Trong khoa học, chúng ta chưa đứng vững bằng đôi chân mình. Hợp tác khoa học là xu hướng tất yếu trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, nhưng điều tôi quan tâm là các hợp tác khoa học từ Việt Nam là theo kiểu "khoa học nhảy dù", tức nhà khoa học ngoại quốc vào Việt Nam hợp tác nhưng họ dành công trạng về họ !

            Nếu chúng ta không sớm chấn chỉnh hệ thống hoạt động khoa học, kể cả hệ thống cung cấp tài trợ và xây dựng các chuẩn mực khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế, tôi sợ chúng ta sẽ tụt hậu và trượt dài trên trường quốc tế.

            Đầu năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề án đào tạo 20 ngàn tiến sĩ và thu hút người Việt ở nước ngoài về Việt Nam.  Theo đó, Trong 10 năm tới, cố gắng thu hút vài trăm, thậm chí 1.000 nhà khoa học Việt kiều về làm việc tại các cơ sở giáo dục VN.”  Tôi có viết hai bài bàn về dự án này và cũng gây ra vài tai tiếng.  Có người nói rằng tôi đánh giá thấp tiềm năng Việt kiều!  Tôi vẫn cho rằng khó mà thu hút 1000 giáo sư “Việt kiều”, đơn giản vì con số giáo sư người Việt ở nước ngoài không nhiều đến như thế. 

Theo sau các phát biểu mang tính chính sách của lãnh đạo Nhà nước, đã có nhiều bàn luận về phương cách thu hút các giáo sư và nhà khoa học gốc Việt (tôi sẽ gọi tắt là “Việt kiều”) về làm việc ở quê nhà. Có thể nói đại đa số các nhà khoa học Việt kiều, dù có vài khác biệt về chính kiến với nhau, ai cũng đau đáu nhìn về quê nhà, và mong muốn “làm một cái gì đó” đưa góp phần đưa Việt Nam vào hàng ngũ các nước tiên tiến, hay ít ra là giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thế nhưng, cho đến nay, mặc dù đã có vài Hiệp hội doanh nhân và khoa học Việt kiều được thành lập, nhưng con số nhà khoa học Việt kiều thực sự về nước làm việc chỉ “đếm đầu ngón tay”.

Vấn đề đặt ra là tại sao?  Theo tôi (và nhiều đồng nghiệp khác cũng có cùng ý kiến), lý do chính là Nhà nước vẫn chỉ … nói, chứ chưa có một cơ chế hay chính sách gì cụ thể để các giáo sư và nhà khoa học Việt kiều dựa vào đó mà đi đến một quyết định quan trọng “về hay ở”.  Hiện nay, phần lớn các giáo sư và nhà khoa học Việt kiều về nước tham gia làm việc ngắn hạn chỉ là hoàn toàn thiện nguyện và từ … tiền túi, chứ chẳng có ai tài trợ.  Dù làm việc không lương như thế, nhưng họ đôi khi còn bị những thủ tục “hành là chính” từ các cơ quan như hàng không, hải quan, công an, và chính quyền địa phương.  Đôi khi (chỉ “đôi khi” thôi) mang theo một máy tính sách tay, một vài đĩa CD chuyên môn, hay vài thiết bị y khoa cũng là đồng nghĩa với việc chuốc lấy phiền phức vào thân cho các nhà khoa học có lòng với đất nước!

Một vài "chuyển động" gần đây (như việc “Bộ Ngoại giao và Ban Dân vận Trung ương xây dựng Đề án về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2007 – 2010 và những năm tiếp theo”) là một tín hiệu tích cực.  Nhưng với những bàn luận tương tự như thế trong thời gian qua, giới khoa học người Việt ở nước ngoài vẫn có lí do để chờ đợi xem một đề án như thế có thật sự thành hiện thực hay chỉ lại là … lời nói. 

Thật ra, như tôi nói ở trên, người Việt ở nước ngoài không cần phải được “vận động” hay “tuyên truyền” hay “ưu đãi” để tham gia góp phần vào việc phát triển quê hương. Đã là người Việt, ai cũng muốn - không ít thì nhiều - đóng góp cho quê nhà.  Không cần đến những động thái mang tính áp đặt tâm lí hay ban phát ơn nghĩa.  Cái mà người Việt ở nước ngoài cần là điều kiện và môi trường làm việc, kể cả thủ tục hành chính gọn nhẹ và minh bạch.  Không có gì nãn lòng hơn là dù được sự mời gọi của Nhà nước về đóng góp cho quê hương, nhưng mới vào cảng hàng không đã phải vướng víu những thủ tục rườm rà, những việc làm quan liêu, những thái độ vô cảm... Nhưng rất tiếc đó lại là một kinh nghiệm thực tế mà tôi nghĩ không ít người Việt ở nước ngoài về quê đều có lần kinh qua.  

Thử tưởng tượng một trường hợp tiêu biểu: một giáo sư Việt kiều đã thành danh, đang lãnh đạo một nhóm nghiên cứu với ngân sách hàng triệu USD, mức lương 120.000 USD /năm,  có cuộc sống gia đình ổn định ở Mĩ.  Dù yêu quê hương cỡ nào đi nữa, vị giáo sư đó rất khó mà rời trường đại học để về Việt Nam làm việc trong một điều kiện còn nhiều khó khăn và khó đoán trước được với một mức lương 10.000 hay 20.000 USD/năm.  Đó là chưa kể đến chuyện nơi ở có ổn định hay không (giá cả nhà đất ở TPHCM ngày nay thậm chí còn đắt hơn cả giá nhà ở nước ngoài).  Thật ra, nếu lãnh đạo trường nghe tin vị giáo sư này sắp rời trường, họ sẽ tìm cách nâng lương hay nâng vị thế để giữ vị giáo sư này lại ở trường (trong thực tế chuyện này rất phổ biến ở các đại học Tây phương vì họ không muốn mất những giáo sư có tài).  Có lẽ chính vì lí do này mà Hàn Quốc và Trung Quốc can đảm có hẳn một thang bậc lương riêng cho giới khoa học Hàn Kiều và Hoa Kiều và thậm chí ở trường hợp Hàn Quốc họ còn xây hẳn một khu cư trú cho giới khoa học kiều bào của họ.

Do đó, để thu hút được các chuyên gia nước ngoài, kể cả chuyên gia gốc Việt, vấn đề không chỉ là những lời kêu gọi chung chung cảm tính như yêu nước, thương quê, và cũng không phải là những con số mang tính chỉ tiêu duy ý chí, mà là một tầm nhìn xa và rộng hơn.  Vấn đề không chỉ là lương bổng, mà là tạo ra một môi trường làm việc thông thoáng và minh bạch, và nhất là trao quyền tự chủ cho nhà khoa học.

Theo tôi, không nên đưa ra những con số mang tính chỉ tiêu hay những lời mời gọi chung chung khi chưa có một chương trình làm việc cụ thể hay một cơ chế khả thi.  Thật ra, bài toán 1000 giáo sư Việt kiều sẽ không có đáp số, không phải giới khoa học người Việt ở nước ngoài không muốn hợp tác, mà vì trong thực tế lực lượng khoa học gia gốc Việt ở nước ngoài không hùng hậu đến như thế.

Ở một khía cạnh khác, theo tôi, không nhất thiết Việt kiều phải về Việt Nam, vì trong nhiều ngành nghề, người Việt ở nước ngoài vẫn có thể đóng góp cho quê hương dù ở ngoại quốc.  Trong thời đại viễn thông và internet ngày nay, nơi chốn làm việc không còn là một vấn đề lớn nữa.  Nhưng vấn đề là làm sao tập trung và nối kết được trí thức Việt và các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân.  Hiện nay, có thể nói, các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài dù có cố gắng nhưng vẫn chưa phải là cầu nối thân mật giữa Việt kiều và Việt Nam.  Trong thực tế, mối liên hệ giữa Việt kiều và các sứ quán vẫn còn một khoảng cách dè dặt đáng kể, cho nên việc huy động nguồn lực Việt ở nước ngoài vẫn chưa được thực hiện có hệ thống.

Một vài lời kết

Dù sống xa quê nhà, nhưng tôi vẫn đau đáu theo dõi tình hình ở trong nước, nhất là những vấn đề liên quan đến y tế, giáo dục, và khoa học.  Thú thật, tôi không nhớ hết đã viết bao nhiêu bài liên quan đến các chủ đề này trong vòng 12 tháng qua, nhưng chỉ biết là khá nhiều lần tôi đóng góp trên các tạp chí như Tia Sáng, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tuổi Trẻ, Hoạt động Khoa học, Sức khỏe và Đời sống, Thời sự Y học TPHCM, v.v...  Phần lớn những ý kiến trên các diễn đàn này đều xuất hiện trên ykhoanet.com. 

Năm nay kỉ niệm 7 năm ykhoanet.com chào đời và góp tiếng nói y khoa ở Việt Nam.  Mối thâm tình giữa tôi và các anh em trong ykhoanet.com chỉ mới vài năm gần đây, nhưng đã ghi được nhiều dấu ấn quan trọng.  Có nhiều bạn thắc mắc chẳng biết những gì chúng tôi làm trên ykhoanet.com có đem lại lợi ích cá nhân gì không.  Đôi khi chúng tôi thấy câu hỏi hơi … xúc phạm.  Câu trả lời đơn giản và thằng thắn là: không.  Chúng tôi làm việc hoàn toàn tự nguyện.  Ở ngoài này, trong giờ làm việc chúng tôi là người của cơ quan, của đại học, của viện nghiên cứu, nhưng sau giờ làm việc (phần lớn là ban đêm và ngày cuối tuần) chúng tôi làm việc vì Việt Nam, vì bạn bè, vì đồng nghiệp, và vì lợi ích cộng đồng.  Nhìn lại một năm làm việc tôi thấy mình đã nói được những điều mình muốn nói, và rất vui khi biết ý kiến mình có người chú ý theo dõi hay lắng nghe.

Nhân dịp cuối năm dương lịch, và cũng là lúc năm con chuột sắp đến, tôi chân thành kính chúc các bạn và các đồng nghiệp một năm mới nhiều an lành và nhiều may mắn.

TB.  Cuối cùng, xin các bạn thông cảm trong bài ê a này tôi sử dụng nhiều “tôi” – cái tôi đáng ghét.  Nhưng biết sao đây, khi đó là ý kiến cá nhân, tức là ý kiến của … tôi.

 

Uploaded: 12 December, 2020

 


200 năm Darwin
Agent Orange: collateral damage
Alexandre Yersin và Việt Nam
Bàn về hiệu quả vắcxin: lâm sàng và kinh tế
Bàn về vấn đề dịch thuật và đánh giá năng suất khoa học
Béo phì ở người Á châu
Béo phì ở trẻ em và virus
Bình luận từ Dr. Yến
Bưởi không gây ung thư vú
Bảo hiểm y tế cộng đồng
Bảo tồn môi sinh: Chiến tranh giữa hai thế giới
Bằng chứng khoa học thay vì lên lớp
Bệnh tả: không để Việt Nam thành Bangladesh thứ hai
Bệnh tật nhìn từ quan điểm của thuyết tiến hóa
Bệnh xơ hóa cơ delta qua y văn thế giới
Bổ sung kẽm và điều trị bệnh tả
Bộ gen trong cây lúa và triển vọng
Bộ Y tế phản ứng chậm với rét đậm
Chiều cao của người Việt
Chiều cao và tổng thống Mĩ
Cholesterol và bệnh Tim
Cholesterol: hung thần hay bạn?
Chuột và... các nhà khoa học
Chính sách y tế cần dựa vào bằng chứng khoa học
Chạy đua vũ khí và … dịch cúm
Chất béo, cholesterol, bệnh tim và statins: xét lại bằng chứng
Chất keo xã hội: hormones
Chất lượng nghiên cứu dịch tễ học và y tế cộng đồng của Việt Nam qua chỉ số H
Chất lượng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam qua chỉ số trích dẫn
Chất vấn chuẩn chẩn đoán béo phì
Chế độ ăn uống với nhiều thịt động vật và nguy cơ tử vong
Chủng vi khuẩn tả hiện nay ở nước ta có phải mới xuất hiện?
Cuộc chiến hóa học phi pháp lớn nhất trong lịch sử chiến tranh
Câu chuyện y học: Leptin và béo phì
Có bao nhiêu bác sĩ viết chữ khó đọc
Có nên tập trung vào vi khuẩn E. coli ?
Có thể xảy ra đại dịch cúm gia cầm?
Công cụ đơn giản để chẩn đoán tiểu đường ở người Đông Nam Á
Cúm gia cầm và nhiễu thông tin
Cúm H1N1: biết và chưa biết
Cơ hội để khép lại một chương lịch sử đau lòng
Cần hiểu đúng về Ung thư và nguy cơ ung thư
Cần qui ước đạo đức cho kĩ nghệ thực phẩm
Cần tiêm chủng ngừa bệnh tả vùng có nguy cơ cao
Cần điều tra về chất lượng bệnh viện
Cổ phần hóa bệnh viện công và chất lượng
Cổ phần hóa: chưa phải cách duy nhất
DDT và vấn đề cân đối giữa lợi ích và nguy hiểm
Dinh dưỡng: một nguồn thuốc quí giá
DNA không nói dối, nhưng DNA có thể nói … sai
Dịch cúm gà: hoang mang và sự thật khoa học
Dịch cúm heo và tác hại kinh tế
Dịch tay-chân-miệng
Dịch tả: gọi đúng tên để phòng ngừa
Dựa vào khoa học, đừng dựa vào niềm tin!
E. coli – vài câu hỏi thông thường
Gen và bệnh tật
Ghen tuông dưới cái nhìn của tâm lí y khoa
Gian lận trong nghiên cứu khoa học: áp lực kinh tế và cơ chế bình duyệt
GIÁO DỤC ĐẠI HỌC: KHƠI DẬY VÀ NUÔI DƯỠNG TÍNH HAM HỌC
Giải nobel y học hay sinh lí học 2007 và lợi ích cho người bệnh
Giải Nobel Y sinh học 2008 và những tranh chấp khoa học
Giải Nobel y sinh học 2010 vinh danh người đem niềm vui cho người vô sinh
Giải Nobel y sinh học năm 2005: Một cõi đi về với vi khuẩn
Giải Nobel y sinh học: Nhìn lại quãng đường 100 năm
Giải phẫu ghép mặt và vấn đề y đức
Gout ở xương sống
Gãy xương và tử vong: một vấn nạn y tế cộng đồng
Hiệu quả vắcxin có nghĩa gì?
Hoa vàng mấy độc
Hàm lượng đạm trong sữa “siêu thấp” hay “siêu cao”?
Hóa chất khai hoang trong cuộc chiến Viện Nam: Qui mô và tầm ảnh hưởng
Hướng đi nào để giải quyết vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam
Hậu “mắm tôm được minh oan”: bằng chứng khoa học, nhà xí và nghiên cứu
Hệ Thống Học Vị Và Học Hàm Khoa Học Ở Vài Nước Tây Phương
Hợp tác khoa học kiểu nhảy dù - Nguyễn Văn Tuấn
Khi bác sĩ trẻ “khoe” quá nhiều
Khoa học và ngụy khoa học: một vài đặc điểm và khác biệt cần biết
Khoa học, xã hội, và rủi ro
Không thể thành Phù Đổng trong 20 năm!
Khẩu trang và phòng chống cúm A/H1N1
Kiểm định giả thuyết mắm tôm và vi khuẩn tả
Liều lượng melamine bao nhiêu là an toàn?
Lí lịch sinh học của heo và dấu vết văn minh nông nghiệp Đông Nam Á
Lượng giá mạng sống con người
Lợi ích của vitamin D
Miệng nhà quan
Mắm tôm có phải là “thủ phạm” gây bệnh tả? Xét lại bằng chứng khoa học
Mắm tôm và chuyện xin lỗi
Mắm tôm và dịch tả: phân biệt yếu tố nguy cơ và nguyên nhân
Mắm tôm vô tội!
Mắm tôm, nguyên nhân và hệ quả
Mối quan hệ giữa giới y khoa và kĩ nghệ dược
Mối quan hệ giữa giới y khoa và kĩ nghệ dược
Một bệnh hiếm X-linked recessive hypoparathyroidism
Một lần đi phỏng vấn
Một năm nhìn lại
Một phán quyết thiếu cơ sở khoa học
Một vài hiểu lầm tai hại
Một vài ngộ nhận về nghiên cứu khoa học
Một vài vấn đề về qui định chức danh giáo sư ở Việt Nam
Một vụ Madoff trong y khoa: Lại một ngôi sao y khoa rơi rụng!
Mỡ trắng, mỡ nâu
Mỡ  trong máu, huyết áp, và  tiểu đường
Nghiên cứu y học ở Việt Nam: Đặc điểm, thiếu sót, và sai sót
Nghiên cứu y học ở Việt Nam: Đặc điểm, thiếu sót, và sai sót
Nguyên nhân bệnh tiêu chảy
Ngó trên tay điếu thuốc đã lụi dần
Người cao tuổi và sự hạn chế của y khoa
Người ăn chay có mật độ xương như người ăn mặn
Người ăn chay có mật độ xương như người ăn mặn
Nhân chuyện dịch tả nhớ lại John Snow
Nhân câu chuyện điện não đồ xét nghiệm nghiện ma túy:
Nhân năm khỉ_nguồn gốc con người hiện đại
Nhân năm Tý bàn chuyện thí nghiệm trên chuột
Nhìn lại khoa học Việt Nam năm 2008 qua công bố quốc tế
Nhầm lẫn trong y khoa: Khá phổ biến, nhưng ít ai biết!
Những câu hỏi và trả lời về dịch gia cầm
Những sai sót khó tin nhưng có thật
Những sai sót nguy hiểm trong toa thuốc
Những điều khó tin về “Bảy điều khó tin nhất trong y học”
Năm lí do cho mắm tôm “vô tội”
Phán quyết sau cùng: Chất béo không ảnh hưởng đến ung thư và bệnh tim
Phát hiện gien kiểm soát ráy tai: vài bài học về mò kim đáy biển
Phòng chống bệnh phải dựa vào bằng chứng khoa học!
Phòng chống H1N1 bằng rửa tay và khẩu trang: Biện pháp nào hiệu quả hơn?
Qui định cấp giấy phép lái xe dựa vào chiều cao và cân nặng: thiếu cơ sở khoa học và kì thị giới tính
Qui định cấp giấy phép lái xe dựa vào chiều cao: vấn đề giả định và bằng chứng khoa học
Quyền phê phán và trí thức
Quyền được tiếp cận hồ sơ bệnh án
Quản lý chất lượng: Thuốc phòng "tai nạn y khoa"
Rửa tay bằng xà phòng và tiêu chảy
Serotonin có liên quan đến chứng đột tử
Suy dinh dưỡng ở trẻ em: vấn đề của kinh tế
Sàng lọc trẻ sơ sinh trên phạm vi toàn quốc
Tai nạn y khoa trong bệnh viện
Thế nào là một "bài báo khoa học"
Thế nào là “Cơ sở khoa học” ?
Thịt chó là nguyên nhân của bệnh tiêu chảy cấp tính?
Thịt chó và bệnh tả: nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tiên lượng bệnh Alzheimer bằng protein expression ?
Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học
Tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì cho người Việt - Nguyễn Văn Tuấn
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường (diabetes mellitus)
Tiêu chuẩn đề bạt giáo sư: Có nên căn cứ vào số lượng bài báo ?
Tiêu chảy cấp tính và bệnh tả: Định danh cho đúng
Truy tìm ung thư bằng mammography từ tuổi 50
Truyền thông và khoa học: Qui ước Ingelfinger
Truyền thông và y tế
Truyền thông, khoa học và … doanh nghiệp
Trà xanh và sức khỏe
Trách nhiệm và nhân đạo trong vấn đề chất độc da cam
Trái chanh và phòng chống bệnh tả
Trả lời những câu hỏi liên quan đến loãng xương
Trọng lượng cơ thể và tử vong ở người Trung Quốc: Ý nghĩa về việc xác định tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì
Tuổi thọ của người dân giảm 10 năm ?
Tác dụng Placebo trong y học: Tâm lí và ý nghĩa
Tình yêu, sắc đẹp nhìn dưới quan điểm di truyền học
Tín hiệu môi trường từ những “làng ung thư”
Tính khoa học và minh bạch đằng sau xét nghiệm doping
Tại sao không phát biểu về nguyên nhân và hệ quả ?
Tại sao uống rượu gây đỏ mặt và nguy cơ ung thư thực quản
Tạo sinh vô tính và cái chết của Thượng đế
Tạo sinh vô tính và vấn đề sinh đạo đức
Tản mạn về SARS
Tỉ lệ tử vong do cúm heo là bao nhiêu ?
Tự trị, chất lượng và y đức thay vì cổ phần hóa bệnh viện công
Ung thư vú và vấn đề thông tin y khoa
Uống bia hấp dẫn muỗi
Vaccine phòng chống AIDS hiệu quả đến đâu ?
Vaccine phòng chống cúm A/H1N1
Vi khuẩn gây tiêu chảy và ý nghĩa tiêm chủng
Vi khuẩn tả trong chó ?
Viết văn có thể chữa nhiều loại bệnh
Viết văn và trị liệu
Việc ta, ta cứ làm!
Vài nhận xét về 12 điều lệ y đức của Việt Nam
Vài thông tin cần biết về các chương trình truy tìm ung thư vú
Vài đóng góp quan trọng của người Việt khoa học thống kê
Văn hóa khoa học
Văn hóa tranh luận và vấn đề ngụy biện
Vấn đề sinh tố: kẽm và đồng
Vấn đề truy tìm ung thư phổi và hiệu quả 
Vấn đề y đức trong nghiên cứu tế bào mầm (stem cells)
Vấn đề đo lường melamine
Vấn đề đào tạo tiến sĩ: kinh nghiệm từ Australia
Vắc-xin phòng chống ung thư cổ tử cung
Vắcxin ngừa viêm gan B: cẩn thận với “nhiễu thông tin”
Vắcxin ngừa viêm gan B: kinh nghiệm từ nước ngoài
Vắcxin phòng bệnh sởi - quai bị - Rubella: lợi và hại
Vắcxin phòng chống ung thư cổ tử cung: hiệu quả lâm sàng và kinh tế
Vắcxin phòng ngừa bệnh tả: rất cần thiết
Về chấn chỉnh đào tạo tiến sĩ: Công bố bài báo khoa học là một thách thức lớn ?
Về học vị tiến sĩ
Về một sự hiểu lầm thuật ngữ "prospective"
Về phản ứng phụ của bisphosphonates liên quan đến hoại tử xương hàm và rung nhĩ
Vệ sinh như là một loại hàng hóa
Vị thế của nền khoa học Việt Nam
Xung quang xì căng đan về nghiên cứu tế bào mầm
Xã hội hóa và an toàn thực phẩm
Xếp hạng đại học: cần minh bạch hóa phương pháp
Y học hiện đại và những hứa hẹn
Y học thực chứng: vài nét khái quát
Y Khoa và những nhầm lẫn chết người
Y tế dự phòng: nền tảng của y khoa hiện đại
Y đức và nghiên cứu y học
Ói mửa, cao huyết áp và hôn mê
Ăn chay như là một trị liệu
Ăn chay và loãng xương
Điều trị bệnh dựa vào màu da ?
Điều trị đau dây thần kinh tọa bằng phẫu thuật: không có hiệu quả
Đo lường hiệu suất khoa học
Đánh giá đúng tầm quan trọng của ung thư vú 
Đại dịch H1N1
Đại dịch và đại dịch ảo
Đại dịch đã đến ?
Đạo văn trong hoạt động khoa học
Đậu nành và sức khỏe: đâu là thực và đâu là giả
Đậu nành và sức khỏe: đâu là thực và đâu là giả
Đằng sau những con số hàm lượng đạm trong sữa
Đế quốc Trà
Đề bạt các chức danh khoa bảng: vài kinh nghiệm từ Úc
Đọc lại 12 điều y đức của Việt Nam
Đồi điều về sữa nhiễm melamine
Đừng quên melamine trong các thực phẩm khác!
Ước vọng 200 ?
“Kỹ năng mềm” cho nhà khoa học
“Sẽ” và “có thể”


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn