Ghen tuông dưới cái nhìn của tâm lí y khoa
Nguyễn Văn Tuấn
Ghen tuông là một đề tài tâm sinh lí quan trọng. Biết bao nhiêu sách vở và nghiên cứu đã và đang đề cập tới chuyện này. Ngày xưa, Nguyễn Bính viết bài thơ nổi tiếng Ghen, mà trong đó thi sĩ chỉ muốn người yêu của mình cười những lúc thi sĩ có mặt (Cô nhân tình bé của tôi ơi / Tôi muốn cô chỉ mỉm cười / Những lúc có tôi và mắt chỉ / nhìn tôi những lúc tôi xa xôi). Thi sĩ yêu đến nỗi không muốn người yêu mình hôn hoa, xức nước hoa, đi tắm biển và thậm chí không muốn người yêu "Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ." Ghen như vậy thì quả là hết ý! Nhà thơ Vũ Thành Chương cũng từng viết một bài thơ về ghen, mà tôi chỉ nhớ lõm bõm như sau:
Giấc Mơ Tái Tạo
[…]
Một lời không ngỏ nhớ thương đâu
Mà giận mà ghen lặng lẽ sầu
Lắm buổi anh ghen từng đến khóc
Một ngày em giận quá chừng lâu
Giận bước chân mây dạo trước lầu
Em giận anh ghen là thế đấy
Yêu nhau là thế, khổ vì nhau
Anh ghen nhiều đến đấy em ơi !
Lại đến em ghen mới chết người
Sao được say nghe bài hát ngọt ?
Sao đành mải ngắm sắc hoa tươi ?
Sao còn khen kẻ trong tranh đẹp ?
Sao dám nhìn ai giữa phố cười ?
Tệ nhất cung Hằng _ em đã cấm
Mà anh vẫn cứ mộng lên chơi
[…]
Cách đây không lâu có một vụ đánh ghen dã man của một nhóm đàn bà ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vụ này làm tôi nhớ đến một vụ đánh ghen nổi tiếng cũng ở Sài Gòn xảy ra vào thập niên 70s (hay cuối 60s) mà trong đó nạn nhân là một ca sĩ khả ái bị tạt axít làm cho khuôn mặt của chị ta xấu đi vĩnh viễn, và người gây ra tội này là vợ của một sĩ quan cao cấp thời đó. Tất nhiên, còn nhiều vụ kinh hoàng khác nữa mà tôi không biết, nhưng qua vài trường hợp này cũng cho ta thấy giới phụ nữ ghen cũng rất nguy hiểm, chứ chẳng đùa chút nào!
Trong một bài báo khoa học đăng trên Tập san y khoa Lancet, tác giả nói về hình thức "phản công" của vợ/chồng khi biết người "bạn trăm năm" của mình có "adultery", tức là "ngoại tình". Theo như bài báo này thì các ông chồng trên quần đảo Kiribati (được biết đến là Gilbert Islands ngày nay) phạt người vợ ngoại tình bằng cách cắn cho sứt một phần cái mũi (tiếng Anh gọi là nose-biting, hay nói theo danh từ khoa học tiếng Anh là nasal imputation). Nếu người đàn ông mà ngoại tình thì hình phạt cũng tương tự, do người vợ thi hành. Cũng đau đớn chẳng kém gì tạt axít. Nhưng thực ra, hình thức cắn mũi này không phải là mới và chỉ giới hạn trong nhóm dân ở đảo Gilbert, mà còn là một thông lệ của dân Ấn Độ ngày xưa và còn thành luật La Mã nữa. Ở Ấn Độ, người nào ngoại tình, ăn trộm, và tù nhân chiến tranh thường bị cắt mũi. Thành ra, người Ấn Độ có mộ trình độ nghệ / kĩ thuật ghép mũi rất tinh vi từ 1000 trước Công nguyên, và dân Ý cũng khá về nghành này từ thế kỷ thứ 15.
Ngoài ra, hủ tục nose-biting để phạt ngoại tình còn có trong các bộ lạc Indian Americans như Apache, Blackfeet và Mesquakie. Dân Pakistani, Serbs, Caucasus, v.v. đều có hủ tục này trong thời xa xưa. Ngay cả Thomas Jefferson cũng có viết trong luật là những kẻ nào phạm tội hãm hiếp, đa thê, kê gian (sodomy) ... thì hình thức phạt là: nếu là đàn ông thì sẽ bị thiến; nếu là đàn bà thì khoét một lỗ qua sụn của mũi với đường kính tối thiểu là nửa inch.
Nhưng tại sao lại cắt mũi mà không là những chổ khác nhẹ và kín đáo hơn? Câu trả lời cũng khá thú vị. Theo một thuyết xa xưa, người La Mã tin rằng những người có mũi to và cao là những người có bộ sinh dục cũng ... to và dài. Vào thế kỷ 16, ở Anh, người ta quan niệm rằng phụ nữ có mũi to là người có nhiều nhục dục. Khoảng 100 năm trước, Bác sĩ John Mackenzie tin rằng tế bào của xương cuốn mũi và tế bào của dương vật cương (penile erectile) chỉ là một, hay rất giống nhau. Tức là có sự liên hệ giữa kích thước của mũi và nhục dục của đàn ông. Do đó, có thuyết cho rằng, tục cắn mũi là nhằm mục đích làm xấu đi cái phần hấp dẫn dục tính của người phụ nữ hay người đàn ông.
Nhưng dĩ nhiên, hình phạt ngoại tình không chỉ giới hạn trong việc cắn mũi, mà còn nhiều hình thức kinh khủng khác nữa. Theo như bài báo, vào thập niên 70, phụ nữ Thái Lan thường phạt các ông chồng ngoại tình bằng cách dùng dao nhà bếp cắt bỏ dương vật của ông chồng trong lúc ông ta ngủ! Thành ra, vụ Bobbitt ở Mĩ (cô vợ cắt dương vật ông chồng là Bobbitt, làm cho tiếng Anh có thêm một động từ mới là “bobbitt”) không phải là một hiện tượng mới.
Nhưng ghen là gì? Từ điển Tiếng Việt (TĐTV) định nghĩa ghen là "khó chịu, bực dọc với người được hưởng cái gì đó (thường là về tinh thần tình cảm) hơn mình, có được cái mình muốn cho mình mà không có; khó chịu, tức tối, thường để biểu lộ ra, vì biết hoặc ngờ sự thiếu chung thủy của vợ, chồng hay người yêu." Thế còn ghen tuông thì sao? TĐTV giải thích là "ghen trong tình yêu nam nữ (nói khái quát)."
Tiếng Anh định nghĩa chữ jealous (một tính từ có gốc từ tiếng La-tin zelosus) là "trạng thái không khoan dung kình địch hay sự không chung thủy" (intolerant of rivalry or unfaithfulness); "căm ghét đối với một kẻ kình địch hay một người nào đó bị nghi là được hưởng lợi thế" (hostile toward a rival or one believed to enjoy an advantage); "cảnh giác giữ gìn một sự chiếm hữu" (vigilant in guarding a possession).
Ghen tuông là một chủ đề làm hao tốn giấy mực của nhiều bác sĩ và nhà (kể cả tâm lí học và toán học) v.v... Có khá nhiều loại ghen, nhưng cái ghen được chú ý nhiều nhất là cái ghen mà tôi tạm gọi là ghen lãng mạn (romantic jealousy), tức là ghen có dính dáng tới tình cảm lứa đôi, vợ chồng. Theo như một nhà nghiên cứu hàng đầu về ghen, Paul Mullen, viết trên tờ tạp chí nghiên cứu tâm thần của Anh (British Journal Psychiatry), ghen lãng mạn là những tư duy, cảm xúc, hành động phức tạp sau sự mất mát hay sự đe dọa về tính cách hay một quan hệ tình cảm.
Như vậy, ghen không phải chỉ thuần túy là chuyện yêu đâu. Thứ nhất, ghen là một tập hợp những suy nghĩ, tình cảm và hành động. Nói nôm na là vừa đánh đấm bằng tay chân, mà còn vừa có suy nghĩ và yêu thương nữa! Thứ hai, có hai khía cạnh tâm lí ở đây là do sự mất đi cái tự chủ (chẳng hạn như người phụ nữ thấy mình già đi, mất đẹp, không còn hấp dẫn người khác phái), và sự mất mát (hay bị đe dọa) về một quan hệ mới (như ông chồng bắt đầu đi sớm về khuya, gọi điện ít khi gặp, tính tình thay đổi, hay dấu diếm ...)
Đặc tính ghen tuông là gì? Theo một bài báo trên tờ Psychological Report, những tình huống sau đây thường dẫn đến ghen: (a) hay dính dáng vào một sở thích nào đó như chơi tenis, đi thư viện đọc sách, đi dạo phố, đi chơi cuối tuần; (b) hội họp hàng tuần ở cơ quan làm việc hay các nơi làm ngoài giờ; (c) có quen biết, liên lạc với đồng nghiệp trong sở làm; và (d) ngoại tình một cách "lâm thời".
Sau khi nghiên cứu, đánh giá bằng cách scoring thì các nhà nghiên cứu này kết luận rằng tình huống (a) (với chỉ số trung bình là 3.5) và (b) (chỉ số trung bình = 5.6) không dẫn đến ghen bằng tình huống (c) (chỉ số trung bình = 9.6) và nhất là (d) với chỉ số nguy cơ ghen tuông lên đến 10.6. Trong tình huống (a), đàn ông ghen hơn đàn bà (chỉ số ghen: 4.1 so với 2.8); người chưa hay không có con ghen hơn người đã có con (3.7 so với 3.2); người ở thành thị ghen hơn người ở nông thôn (3.7 so với 3.2).
Trong tình huống hội họp, tức tình huống (b), đàn ông cũng ghen hơn đàn bà (6.2 so với 4.6); người chưa không có con ghen hơn người đã có con (5.9 so với 5.3); nhưng không có sự khác nhau giữa dân thành thị và nông thôn.
Khi ở trong tình huống "nguy hiểm" (c) và (d) thì cả hai phái nam nữ đều ghen như nhau và không có sự ảnh hưởng của có con (hay không có con), của nơi ở (thành thị hay nông thôn).
Động cơ nào làm cho người ta ghen? Người ghen thường cảm thấy mình có uy thế thấp hơn đố phương. Nhưng sự hấp dẫn của đối phương là yếu tố số 1 làm cho họ ghen. Nhưng ngạc nhiên thay, người ghen không quan tâm gì tới sự giàu có của đối phương. Có lẽ vì người có sắc đẹp, hay hấp dẫn, thường được chiều chuộng tình cảm hơn người kém hấp dẫn, nên một khi người ta cảm thấy mình mất cái độ hấp dẫn người khác phái thì cái chỉ số về ghen lại tăng một cách đáng kể. (Có lẽ đây là lí do tại sao phụ nữ thường là khách hàng của các thẩm mỹ viện!)
Chuyện ghen tuông là chuyện nên bàn và nghiên cứu thêm. Nên nghiên cứu thêm là vì nó là đề tài khoa học rất hấp dẫn. Nhưng quan trọng hơn nữa là nó có ý nghĩa thực tiễn là làm sao chữa trị tính ghen tuông để đàn ông con trai (và đàn bà phụ nữ) được sống vui vẻ hơn, an toàn hơn, không phải nơm nớp lo sợ bị bạo hành một cách không cần thiết.