Có thể xảy ra đại dịch cúm gia cầm?
05-11-2005 08:23:33 GMT +7
Các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về bệnh truyền nhiễm, virus học nhấn mạnh rằng một đại dịch do virus H5N1 gây ra khó có khả năng xảy ra. Và nhận định: Một đại dịch xảy ra vào năm nay hay năm tới là không tưởng
"Dịch cúm gà” đã trở thành một danh từ phổ biến ở nước ta, nhưng sự thật thì con gà bị “oan” ở đây bởi vì bệnh cúm không chỉ tìm thấy ở gà, mà còn ở chim, vịt, heo, thậm chí cọp (như vừa phát hiện bên Thái Lan). Giới khoa học Tây phương gọi là “avian flu”, có nghĩa là “cúm chim”. Theo tôi có lẽ nên dùng một danh từ chính xác hơn: dịch cúm gia cầm.
Ba nhóm virus cúm
Thời gian gần đây, thông tin về dịch gia cầm càng ngày càng lan rộng và gây ra không ít hoang mang trong quần chúng. Đầu năm nay, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Chúng ta không biết con số tử vong sẽ là bao nhiêu, nhưng chúng ta có thể tiên đoán rằng con số sẽ rất cao, và có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Thị trường chứng khoán có thể sẽ bị đóng cửa. Việc đi lại giữa các nước sẽ bị hạn chế”. Hai tuần trước, Tổng thống George W. Bush, một người chẳng mấy mặn mà gì với khoa học, cũng cố gắng thu xếp thì giờ họp với một nhóm khoa học gia để thảo luận kế hoạch sản xuất vắc-xin phòng chống cúm gia cầm.
Thực hư của vấn đề dịch cúm gia cầm phải dựa vào sự thật khoa học, chứ chắc chắn không thể tìm thấy trong các bản tin trên các hệ thống truyền thông quốc tế, dù là trích dẫn ý kiến từ các chuyên gia hay giáo sư đại học. Thật ra, những ý kiến của chuyên gia, dù là chuyên gia hàng đầu, có giá trị khoa học thấp nhất trong các loại bằng chứng y học. Thành ra, trước những hoang mang và bất định như trên, có lẽ chúng ta cần bình tĩnh xem qua vài sự thật khoa học để đi đến nhìn vấn đề một cách - hy vọng là - hợp lý hơn.
Có 3 nhóm virus cúm được gọi tắt là nhóm A, B và C. Các virus thuộc nhóm C thường tìm thấy trong con người nhưng chúng không có tác hại lớn, ngoại trừ gây ra vài rối loạn cấp tính đường hô hấp, khả năng gây tử vong cho bệnh nhân cực thấp. Các virus trong nhóm B (cũng hay thấy trong con người) có thể nguy hiểm hơn, vì thỉnh thoảng chúng có thể gây nên một nạn dịch, và nạn nhân thường là trẻ em. Nhưng các virus thuộc nhóm A là đáng gờm hơn hết, bởi vì chúng có thể đột biến một cách nhanh chóng thành những virus có khả năng kháng nguyên (antigenic), có nghĩa là chúng có thể tiến hóa thành những virus mà hệ thống miễn nhiễm của con người không nhận ra được (và không có khả năng phòng chống).
Virus đang lan hành hiện nay là H5N1 thuộc nhóm virus A. Sở dĩ có mẫu tự H và N là vì cấu trúc sinh học của virus gồm có 2 nhóm protein: hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). H có 15 chi với mã danh H1 đến H15. N có 9 chi với mã danh N1 đến N9. Virus H5N1 là một trong tất cả 45 virus thuộc nhóm này. Virus H5N1 có thể biến hóa thành virus khác cùng nhóm, nhưng khả năng biến hóa đó chúng ta vẫn chưa biết ra sao.
Virus thuộc chi H1, H2 và H3 đã được biết có lưu truyền trong con người từ 100 năm qua, và do đó chúng ta có thuốc phòng chống chúng. Nhưng virus H5 thì vẫn còn là một “kẻ thù” xa lạ đối với hệ thống miễn nhiễm của con người, và hiện nay chúng ta chưa có thuốc phòng chống cụ thể. Những thuốc như tamiflu chỉ phòng chống cúm nhóm H2 và H3 là chủ yếu, và nghiên cứu lâm sàng cho thấy hiệu quả của thuốc này - nói một cách thành thật - cũng chẳng mấy cao.
Ba điều kiện để xảy ra đại dịch cúm
Dư luận quần chúng hoang mang xoay quanh câu hỏi trên, vì một cơn đại dịch cúm do virus nhóm A gây ra có thể làm chết hàng triệu người. Chẳng những làm chết người mà dịch cúm trong bối cảnh toàn cầu hóa còn làm tổn hại đến kinh tế quốc gia và kinh tế thế giới.
Có 3 điều kiện để một virus có thể gây ra một đại dịch toàn cầu: điều kiện thứ nhất là virus đó phải có khả năng đột biến thành một virus mới; điều kiện thứ hai là virus phải có khả năng tái tạo hay đột biến một khi xâm nhập vào cơ thể con người; và điều kiện thứ ba là virus phải có khả năng truyền nhiễm giữa con người.
Về điều kiện thứ nhất, có thể nói virus H5N1 đã hội đủ điều kiện. Virus này đã gây bệnh cho hàng triệu chim và gia cầm trong vùng Đông Nam Á. Thoạt đầu H5N1 gây ra vài triệu chứng không mấy nghiêm trọng cho gia cầm, nhưng sau đó virus tiến hóa nhanh chóng và trở nên nguy hiểm hơn và tỉ lệ tử vong trong gà bị nhiễm lên đến 100%! Cũng có khả năng virus H5N1 lây truyền từ gia cầm sang con người, nhất là những người trực tiếp tiếp xúc với gia cầm. Đại đa số nạn nhân chết vì bị nhiễm (hay nghi ngờ bị nhiễm) virus H5N1 thường là những nông dân trong các nông trại hay thường xuyên đụng chạm với gà, vịt hằng ngày. Cũng cần nhắc lại rằng nạn dịch năm 1918 ở Tây Ban Nha cho thấy virus H1N1 cũng bắt đầu nhiễm gia cầm và từ đó lây truyền sang con người.
Về điều kiện thứ hai, hiện nay chúng ta đã có bằng chứng sơ khởi cho thấy virus H5N1 có thể gây tử vong cho con người. Theo thống kê của WHO, cho đến nay, đã có 117 trường hợp bệnh nhân bị nhiễm virus H5N1, và trong số này 60 người đã không may chết vì tiếp xúc (hay tình nghi có tiếp xúc) với virus. Tuy số liệu trên cho thấy nguy cơ tử vong từ virus H5N1 khá cao, nhưng trong thực tế nguy cơ có lẽ thấp hơn nhiều, bởi vì có thể có nhiều trường hợp tử vong vì vi khuẩn và thiếu thuốc kháng sinh (chứ không phải do H5N1 trực tiếp gây ra), và cũng không thể loại trừ khả năng có nhiều trường hợp bị nhiễm nhẹ nhưng không được báo cáo.
Về điều kiện thứ ba, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có bằng chứng gì cho thấy virus H5N1 truyền từ người sang người. Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm vẫn chưa thể kết luận gì về nguy cơ truyền nhiễm giữa con người có xảy ra hay không, và nếu xảy ra thì tần suất sẽ là bao nhiêu.
Nói tóm lại, trong 3 điều kiện cho một nạn dịch lớn, virus H5N1 chỉ mới hội đủ 1,5 điều kiện. Do đó, có thể nói rằng những tiên đoán về một nạn dịch lớn xảy ra trong năm nay hay năm tới với hàng triệu người sẽ chết xem ra không có cơ sở khoa học vững vàng. Các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm và virus học hàng đầu thế giới nhấn mạnh rằng một nạn dịch H5N1 sẽ khó có khả năng xảy ra trong năm nay. Họ cũng nhất trí rằng một cơn đại dịch xảy ra vào năm nay hay năm tới là không tưởng.
Ngừa bệnh hơn chữa bệnh
Tuy khả năng về một cơn đại dịch xảy ra trong năm tới rất thấp, nhưng trong thực tế, không ai có thể tiên đoán chính xác được tương lai, và sự thật về khả năng đột biến của H5N1 là một mối quan tâm lớn. Có thể nghĩ đến 3 tình huống trong tương lai: một là H5N1 sẽ tiến hóa (hay đột biến) để có khả năng lan truyền từ người sang người qua hòa nhập với các virus khác trong con người; hai là qua đường truyền nhiễm (khi con người bị bệnh truyền nhiễm, virus H5N1 có thể đột biến để thích nghi với cơ thể con người); và ba là H5N1 có thể trở nên trung hòa với cơ thể con người. Trong 3 tình huống, virus H5N1 đều có thể trở nên một tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Thành ra, đứng trên quan điểm y tế công cộng, phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh. Vì thế một số chiến lược sau đây cần phải được đề ra và thảo luận.
Thứ nhất là vắc-xin. Bản chất của cúm gia cầm là truyền nhiễm, do đó, vắc-xin là một biện pháp hàng đầu và hữu hiệu nhất ở mức độ cộng đồng. Trong quá khứ, chính vì thiếu vắc-xin, cho nên con số tử vong vì các nạn dịch lên đến hàng triệu. Tuần vừa qua, các nhà khoa học Việt Nam tuyên bố đã sản xuất thành công vắc-xin phòng chống H5N1, và đó là một tin mừng, một phát triển rất tích cực. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực theo chiều hướng phòng ngừa bằng vắc-xin, và đó là một đường hướng hoàn toàn hợp lý. Ở Úc, các giới chức y tế đang có kế hoạch chích ngừa vắc-xin cho toàn dân (20 triệu người), nhưng ở nước ta, một kế hoạch quy mô như thế tốn kém rất nhiều, do đó có thể tập trung công tác vắc-xin phòng ngừa ở các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em và người có tuổi.
Thứ hai là tăng cường trữ lượng thuốc chống virus. Hiện nay, có 2 loại thuốc được xem là có khả năng phòng chống virus hữu hiệu: đó là M2 ion channel blockers (tức amatadine và rimantadine), và NA inhibitors (như zanamivir và oseltamivir). Thuốc amatadine và rimantadine có hiệu năng ngăn chặn hoạt động protein M2 trong hầu hết virus cúm. Còn thuốc zanamivir và oseltamivir thì có hiệu năng làm vô hiệu hóa khả năng tái biến của virus cúm trong khi bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm, và qua đó làm cho virus không có cơ hội xâm nhập vào các tế bào khác của cơ thể.
Thứ ba là cần phải tăng cường truy tìm các trường hợp bị nhiễm virus H5N1. Một biện pháp có lẽ hữu hiệu nhất là phát hiện bệnh nhân kịp thời để cách ly bệnh nhân trước khi lan truyền sang người khác. Theo tôi, nên phát động một chương trình thử nghiệm nước bọt hay thử máu của các bệnh nhân có những triệu chứng liên quan đến nhiễm virus cúm tại tất cả các bệnh viện trong cả nước.
Thứ tư là tăng cường hợp tác quốc tế. Thật ra các trung tâm y tế ở nước ta đã và đang hợp tác với các tổ chức y tế thế giới. Nhưng cũng cần tăng cường hợp tác nghiên cứu với các nước có kinh nghiệm về phòng chống dịch cúm như Thụy Sĩ, Úc, Mỹ và Pháp. Vấn đề phòng chống cúm gia cầm, do đó, không chỉ hạn chế trong các nước Á châu hay nước ta, mà các nước Tây phương cũng phải chứng tỏ họ nên có trách nhiệm hợp tác và giúp đỡ các nước nghèo khó như nước ta.
Không nên hoảng hốt ! Xu hướng đưa tin về dịch cúm gia cầm làm cho thế giới hốt hoảng. Một số người đã vội vàng tuyên bố một cơn đại dịch sẽ xảy ra nay mai với hàng trăm triệu người chết. Theo tôi, đó là một tiên đoán quá vội vàng và thiếu cơ sở khoa học, bởi vì không ai biết trước nạn dịch sẽ bùng phát hay được khống chế như thế nào; không ai biết được có bao nhiêu người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng y học thế kỷ 21 khác với y học đầu thế kỷ 20. Việc so sánh về khả năng dịch cúm gia cầm H5N1 với nạn dịch năm 1918 ở Tây Ban Nha có vẻ gượng ép vì không đúng chỗ. Vào thời đó (năm 1918) Âu châu đang bị suy yếu kinh tế sau 4 năm chiến tranh, và việc phát triển các phương tiện cấp cứu cũng như vắc-xin chống cúm rất hạn chế. Trường hợp bệnh SARS là một ví dụ gần nhất nhưng mang tính cổ điển nhất. Khi bệnh SARS được phát hiện vào năm ngoái, WHO và một số chính phủ Tây phương tiên đoán sẽ có hàng triệu người chết và nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng cho đến nay, thống kê cho thấy chưa đến 800 người không may bị chết trong số 8.400 người bị bệnh SARS. Con số tử vong tuy thấp nhưng vẫn là một sự mất mát lớn, nhưng không thể nói đó là một đại dịch được. Nên nhớ rằng dịch cúm gia cầm chưa phải là một vấn nạn, bởi vì so với các cúm khác thì cúm gia cầm chỉ là một vấn đề nhỏ. Mỗi năm có khoảng 250.000 đến 500.000 người chết vì bệnh cúm trên thế giới; khoảng 1 triệu đến 2,7 triệu người, phần lớn ở Phi châu, chết vì bệnh sốt rét; ngay cả bệnh lao (vâng, bệnh lao) vẫn giết chết gần 2 triệu người hằng năm, và 98% những người chết vì lao sống trong các nước đang phát triển; tai nạn giao thông (kể cả tai nạn xe, tàu) giết chết 300.000 người Á châu hằng năm, v.v... Phải đặt vấn đề cúm gia cầm trong bối cảnh như thế để chúng ta nhận thức rằng chúng ta còn nhiều vấn đề lớn và nghiêm trọng khác. Virus và bệnh tật đã, đang và sẽ tồn tại cùng chúng ta trong cuộc sống; chúng ta không có cách nào loại trừ chúng hoàn toàn. Vấn đề không phải là tìm cách loại trừ chúng (vì không thể làm được), nhưng phải học cách sống với chúng một cách sáng suốt. Có khi chúng ta phải chấp nhận một mức độ nguy hiểm của cuộc sống đa chiều. Mức độ nguy hiểm có thể chấp nhận được tùy thuộc vào nhận thức của từng cá nhân, và trong trường hợp này, lý trí là một phương tiện không thể thiếu được trong cuộc sống mới. Nhận thức về những rủi ro như dịch cúm gia cầm là một điều cần thiết. Nhưng nhận thức như thế là để chúng ta biết những điều không nên hành động, chứ không phải để hốt hoảng. N.V.T |