Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường (diabetes mellitus)
Một bạn đọc ykhoa.net hỏi về tiêu chuẩn mới chẩn đoán bệnh đái tháo đường rằng có phải ngưỡng đường nhịn ăn uống đã giảm xuống thấp hơn 126 mg/dL hay không. Nhận thấy qua câu hỏi có thể cung cấp vài thông liên quan đến căn bệnh đang khá phổ biến ở nước ta, chúng tôi có vài lời bàn ngắn như sau.
Tháng 1 năm 2006, Hiệp hội nghiên cứu bệnh đái tháo đường (American Diabetes Association, hay ADA) công bố một tài liệu về tiêu chuẩn mời cho việc chẩn đoán bệnh đái tháo đường (xem tài liệu pdf dưới đây). Theo tiêu chuẩn mới này thì một cá nhân được xem là bị bệnh đái tháo đường nếu cá nhân đó:
1. Có triệu chứng đái tháo đường (như khát nước thường xuyên, hay đi đái, và mất cân không có lí do) và kết quả xét nghiệm ngẫu nhiên lượng đường trong máu bằng hoặc cao hơn 200 mg/dL. Xin nhấn mạnh, lượng đường trong máu là từ kết quả xét nghiệm ngẫu nhiên đó (random plasma glucose test), tức bất cứ lúc nào trong ngày. hoặc
2. Lượng đường trong máu 8 giờ sau khi nhịn ăn uống (fasting plasma sugar - FPG) bằng hoặc cao hơn 126 mg/dL;
hoặc
3. Lượng đường trong máu sau bữa ăn (postprandial blood sugar) bằng hoặc cao hơn 200 mg/dL.
Ngoài ra, chẩn đoán tiểu đường cần phải xác định bằng cách lặp lại xét nghiệm một lần nữa một ngày khác (dĩ nhiên!) để nâng cao độ tin cậy của chẩn đoán.
Các chuyên gia ADA nhận định rằng một nhóm đối tượng khác tuy không đáp ứng các tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường, nhưng nguy cơ bị bệnh thì rất cao, và họ gọi nhóm này là suy yếu khả năng dung nạp đường – “impaired glucose tolerance” (IGT) và lượng đường trong máu tăng bất bình thường – “impaired fasting glucose” (IFG). Tiêu chuẩn để chẩn đoán IGT hay IFG là: FPG trong khoảng 110 đến 125 mg/dL. Nói cách khác, khi FPG thấp hơn 110 thì lượng đường trong máu được xem là “bình thường”.
NVT
Tài liệu tham khảo: American Diabetes Association. Diagnosis and classification of diabetes mellitus. Diabetes Care 2006; 29: Supplement 1 January 2006, S43-S48.