Những sai sót nguy hiểm trong toa thuốc
Nguyễn Văn Tuấn
Hình 1. Một toa thuốc từ một bác sĩ ở Việt Nam (nguồn: www.ykhoa.net) | Hình 2. Một kiểu viết của bác sĩ ở Anh (nguồn: British Medical Journal, 21/12/1996) |
Trích dẫn trên đây là một toa thuốc thật mà tôi tìm thấy trên trang nhà www.ykhoa.net và một kiểu viết tiêu biểu của một bác sĩ ở Anh. Bạn có đọc được toa thuốc trên đây không? Có lẽ không. Ngay cả người qua huấn luyện y khoa chưa chắc đã đọc được toa thuốc viết gì. Ngay cả tên của bệnh nhân cũng không rõ ràng. Nếu mục tiêu của một toa thuốc là cung cấp tên thuốc và chỉ dẫn cách sử dụng thuốc thì e rằng toa thuốc trên đây chưa đạt mục tiêu.
Hãy xem dòng chữ này: "Sig: I tab po qid pc & hs"
Có bạn nào hiểu dòng chữ trên đây không? Nếu bạn đọc chưa từng được huấn luyện trong trường y hay chưa có kinh nghiệm y học, dòng chữ lạ lùng đó là một mật mã ... vô nghĩa. Thật vậy, đó là viết tắt từ những chữ Latin viết tắt trong một toa thuốc. Trong trường hợp này, “câu văn” trên có nghĩa là: "Ghi trên lọ thuốc với những chỉ dẫn sau đây: Dùng thuốc 4 lần một ngày, mỗi lần một viên thuốc, sau bữa ăn và khi đi ngủ." [1]
Những ai từng ghé qua phòng mạch bác sĩ hay bệnh viện có lẽ thấy ngay một cảnh quan quen mắt: bác sĩ hay viết toa thuốc bằng tay. Có gì sai ở đây? Trong thời đại thông tin và vi tính ngày nay, sau nhiều thập niên nghiên cứu về yếu tố con người, chúng ta biết rằng cách ra toa thuốc như thế rất dễ dẫn đến sai sót. Trong một nghiên cứu trên 1800 toa thuốc, các nhà nghiên cứu phát hiện một số sai sót như thông tin không đầy đủ (6%), chỉ dẫn không đầy đủ (1%), chỉ dẫn sai hay liều lượng thuốc sai (3%) và lượng thuốc phân phối không rõ ràng (3%).
Trong một nghiên cứu qui mô khác trên 37.821 toa thuốc do các bác sĩ gia đình ra toa, các nhà nghiên cứu Anh phát hiện tỉ lệ sai sót trong toa thuốc lên đến con số 7,5%. Một số toa thuốc viết tay của bác sĩ không thể nào đọc được!
Nhiều khi sai sót chẳng đưa đến hậu quả lớn, nhưng có nhiều trường hợp sai sót dẫn đến tử vong. Viện hàn lâm khoa học Hoa Kì ước tính rằng hàng năm ở Mĩ có khoảng 98.000 bệnh nhân chết vì những nhầm lẫn y khoa. Ở Việt Nam chúng ta chưa có nghiên cứu về hệ quả của những sai sót chuyên môn trong ngành y tế, nhưng chắc chắn vấn đề này tồn tại và không nhỏ.
Vấn đề viết theo trí nhớ
Phần đông bác sĩ vẫn viết tay với những tên thuốc thuộc lòng. Cả hai thói quen này có khả năng sai sót rất cao. Rất nhiều nghiên cứu đã đi đến một kết luận như thế. Điều này có thể hiểu được bởi vì có mặt trên thị trường thuốc Tây ngày nay là 13.000 loại thuốc và dược phẩm, kể cả các thuốc “nhái” (generic drugs). Có nhiều thuốc có tên giông giống nhau nhưng mục tiêu dùng lại rất khác nhau, và chỉ một sai sót đánh vần cũng có thể gây nên những tai hại nghiêm trọng cho bệnh nhân. Chẳng hạn như thuốc Norvasc (amiodipine besylate) dùng điều trị cao huyết áp, có tên từa tựa với thuốc Navane (thiothixene) dùng điều trị chứng rối loạn tâm thần. Levoxine (levothyroxine) dùng cho rối loạn tuyến giáp, và Lanoxin (digoxin) dùng cho chứng suy tim; hay Prilosec (omeprazole) dùng cho chứng loét tá tràng, và Prozac (fluoxetine) dùng cho chứng trầm cảm, cũng là những tên thuốc hay dễ nhầm lẫn.
Mỗi loại thuốc có thể có hàng chục tác động phụ và hàng chục liều lượng khác nhau. Tất cả các thông tin này thay đổi liên tục theo thời gian. Cơ quan quản lí thực phẩm và dược phẩm của Mĩ (Food and Drug Administration hay FDA) hàng tháng ra thông báo về thay đổi liều lượng và thông tin an toàn của trên 20 loại thuốc.
Thành ra, khi bác sĩ dựa vào trí nhớ để ra toa thuốc, những thay đổi này và những nguy cơ đi theo có thể bị ... quên. Thế nhưng thực tế cho thấy sai sót xảy ra hàng ngày. Một loại thuốc gây mê được ra toa với liều lượng 0,5 mg thay vì 5 mg. Thuốc Viagra được viết 10 mg thay vì 100 mg. Thử tưởng tượng nếu bệnh nhân là trẻ em, một liều lượng có khả năng gây tử vong chỉ bằng phân nửa liều lượng tối đa dành cho bệnh nhân lớn tuổi, và một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến hậu quả kinh khủng. Trong thực tế, đã có rất nhiều bệnh nhân chết vì nhận thuốc với liều lượng cao gấp 10 lần cho phép chỉ vì viết toa sai con số phẩy thập phân!
Vấn đề tương tác giữa các thuốc
Ngoài những sai sót về liều lượng thuốc, những mối tương tác giữa các loại thuốc (drug interactions) còn là một vấn đề lớn khác. Ấy thế mà có nhiều bác sĩ không hay ít khi nào xem xét đến những mối tương tác này khi ra toa. Đó cũng là một sai sót nghiêm trọng. Chẳng hạn như thuốc Coumadin, một loại thuốc giúp chống lại chứng đông máu (blood clots), là một trong những thuốc rất thông dụng ở người lớn tuổi. Nhưng thuốc này có thể tương tác với hơn 60 loại thuốc khác, và bất cứ một tương tác nào cũng có thể gây ra một hậu quả nghiêm trọng. Thành ra, không ai ngạc nhiên khi biết được hàng năm có khoảng 3% bệnh nhân dùng Coumadin phải nhập viện chỉ vì chứng chảy máu!
Tương tự, thuốc Lanoxin hay digoxin (dùng để điều trị bệnh tim), cũng có thể tương tác với hàng tá loại thuốc khác, và một liều lượng độc hại có thể không khác mấy với liều lượng điều trị. Một nghiên cứu của FDA phát hiện rằng hàng năm có khoảng 200.000 người phải nhập viện vì tác động của thuốc digoxin.
Hỗ trợ từ computer
Trước tình trạng sai sót nguy hiểm trong toa thuốc, một số bác sĩ và nhà nghiên cứu tìm cách phát triển một phương pháp ra toa rõ ràng hơn nhằm bảo đảm an toàn cho bệnh nhân. Một nhóm dược sĩ và bác sĩ thuộc Đại học Vanderbilt (Mĩ) phát triển một phần mềm vi tính rất đơn giản mà bác sĩ chỉ cần dùng con chuột để ra toa thuốc. Các toa thuốc từ phần mềm này dĩ nhiên là được in ra với kiểu chữ ai cũng có thể đọc được.
Một điểm mạnh đáng kể của phần mềm này là hệ thống tự động kiểm tra và đối chiếu loại thuốc ra toa với chẩn đoán bệnh của bệnh nhân, và chỉ ra những phản ứng thuốc cũng như những mối tương tác của thuốc. Ngoài ra, phần mềm còn tự động tính toán liều lượng của thuốc dựa vào độ tuổi và trọng lượng của bệnh nhân. Khi thuốc có vẻ không đúng với chẩn đoán, hay liều lượng không thích hợp, phần mềm sẽ tự động cảnh báo cho bác sĩ xem xét lại một lần nữa trước khi ra toa.
Hiệu quả của phần mềm này đã được nghiên cứu và kết quả thật khả quan. Trong một nghiên cứu, trước khi triển khai hệ thống viết toa thuốc bằng computer, tỉ lệ toa thuốc cần kiểm tra lại là 3,9%; nhưng sau khi bác sĩ dùng computer để ra toa thuốc, tỉ lệ này chỉ còn 0,8%. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn cho thấy sau khi dùng phần mềm để ra toa thuốc, sai sót không còn tồn tại nữa (so với trước đó tỉ lệ sai sót trong các toa thuốc viết tay là 2,3%).
Ở nước ta, không ai biết được tỉ lệ sai sót trong các toa thuốc là bao nhiêu, cũng như chưa có nghiên cứu về hệ quả của những sai sót này. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là sai sót đã xảy ra và sẽ còn xảy ra. Trong thời đại công nghệ thông tin, máy vi tính có thể giúp cho giới thầy thuốc giảm thiểu những sai sót có khi rất nguy hiểm này. Ngày nay, mỗi khi khách hàng đến siêu thị mua sắm đồ gia dụng tên của khách hàng có thể được lưu trữ trong máy computer và siêu thị có thể biết sở thích của khách hàng là gì. Mỗi khi bác sĩ ra toa một thuốc mới, không có lí do gì thông tin này không được lưu trữ trong computer để lần sau bệnh nhân ghé thăm phòng mạch bác sĩ có thể biết ngay những tương tác mà thuốc có thể gây ra. Ai trong chúng ta, kể cả giới thầy thuốc, cũng mong muốn được điều trị an toàn. Chúng ta đã có những người thầy thuốc giỏi. Chúng ta cần một hệ thống ra toa thuốc an toàn để giúp cho công việc của giới thầy thuốc hữu hiệu hơn.
Để kết thúc bài viết ngắn này tôi muốn trích dẫn lời nói của Khổng Tử liên quan đến viết lách: “Nếu dùng ngôn ngữ không đúng, thì những gì được phát biểu sẽ bị hiểu sai; nếu những gì phát biểu bị hiểu sai, thì những gì cần phải làm sẽ không thực hiện được; và những gì không thực hiện được, đạo đức và nghệ thuật sẽ trở nên tồi tệ hơn.” Một toa thuốc mà bệnh nhân và dược sĩ không đọc được thì toa thuốc đó chẳng có giá trị cho người bệnh.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Chữ Latin "Sig," (viết tắt từ signa) có nghĩa là “viết”. Một số danh từ Latin hay dùng trong toa thuốc có thể được liệt kê như sau:
Latin | Viết tắt | Nghĩa |
ante cibum | ac | trước khi ăn |
bis in die | bid | hai lần một ngày |
gutta | gt | gọt |
hora somni | hs | lúc đi ngủ |
oculus dexter | od | mắt mặt |
oculus sinister | os | mắt trái |
per os | po | bằng miệng |
post cibum | pc | sau bữa ăn |
pro re nata | prn | khi cần thiết |
quaque | q 3 h | cứ ba giờ một lần |
quaque die | qd | mỗi ngày |
quarter in die | qid | bốn lần một ngày |
ter in die | tid | ba lần một ngày |
[2] Shah SN, et al. A survey of prescription errors in general practice. Pharmaceutical Journal 2001; 267: 860-2.
[3] Shaughnessy AF, Nickel RO. Prescription-writing patterns and errors in a family medicine residency program. J Fam Pract. 1989;29(3):290-5.
[4] Howell RR, Jones KW. Prescription-writing errors and markers: the value of knowing the diagnosis. Fam Med. 1993;25(2):104-6.
[5] Bizovi KE, Beckley BE, McDade MC, Adams AL, Lowe RA, Zechnich AD, Hedges JR. The effect of computer-assisted prescription writing on emergency department prescription errors. Acad Emerg Med. 2002;9(11):1168-75.
[6] Francois P, Chirpaz E, Bontemps H, Labarere J, Bosson JL, Calop J. Evaluation of prescription-writing quality in a French university hospital. Clin Perform Qual Health Care. 1997;5(3):111-5.