“Sẽ” và “có thể”
Bài đã đăng trên Vietnamnet
Một tiêu đề khó có thể bỏ qua: “Thuốc là sẽ giết chết 1 tỷ người trong thế kỷ 21”. Tuy nhiên, đọc kĩ bản tin và đối chiếu lại với tài liệu gốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tôi e rằng có một vài chi tiết nhỏ không chính xác nhưng có ý nghĩa lớn trong khoa học.
Trong báo cáo của WHO, các tác giả viết rằng “In the 20th century, the tobacco epidemic killed 100 million people worldwide. During the 21st century, it could kill one billion” (tạm dịch: trong thế kỉ 20, nạn dịch thuốc lá giết chết 100 triệu người trên thế giới. Trong thế kỉ 21, nạn dịch này có thể giết chết một tỉ người.)
Xin chú ý rằng các tác giả sử dụng động từ “có thể” (could), chứ không phải “sẽ” (will). Thật ra, ngay cả bản tin trên Sciencedaily mà bài báo được dịch sang tiếng Việt, người viết cũng dùng “Tobacco could kill one billion by 2100” (đến năm 2100 thuốc lá có thể giết chết một tỉ người).
Có lẽ bạn đọc sẽ nói nhầm lẫn trên nhỏ quá, và viết ra thì chẳng khác gì “vạch lá tìm sâu”. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa “có thể” và “sẽ” có ý nghĩa quan trọng trong suy luận khoa học. Khoa học không cho phép chúng ta phát biểu ra ngoài phạm vi của dữ liệu, và viết “sẽ” tôi e rằng bài báo đã vượt ra ngoài phạm vi của báo cáo.
Trong y học, rất khó mà xác định nguyên nhân của tử vong vì bệnh tật (không phải do tai nạn hay bắn súng), bởi vì tử vong là hệ quả của một quá trình tích lũy rối loạn sinh học trong cơ thể. Nếu một bệnh nhân chết vì bệnh tim mạch, và hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, chúng ta vẫn chưa đủ bằng chứng để nói rằng bệnh nhân chết vì hút thuốc lá. Lí do đơn giản là bệnh tim mạch có nhiều yếu tố nguy cơ, mà hút thuốc lá có thể chỉ là một trong những yếu tố nguy cơ. Nhiều người mắc bệnh tim mạch có tiền sử hút thuốc lá, nhưng không phải 100% người hút thuốc lá đều mắc bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, đứng trên phương diện dịch tễ học, với một số giả định, người ta có thể ước tính bao nhiêu trường hợp bệnh hay bao nhiêu trường hợp tử vong là có liên hệ với hút thuốc lá. Xin nhấn mạnh rằng “có liên hệ” không có nghĩa là “nguyên nhân”. Chính vì những giả định, vì mối liên hệ bất định, và vì những khó khăn trong việc suy luận khoa học, cho nên các nhà khoa học chỉ dám nói “thuốc lá có thể …” chứ không ai dám nói “thuốc lá sẽ …”.
Bài báo còn cho biết “Tổng giám đốc WHO, giáo sư Chan …”, tuy nhiên chi tiết này không đúng với thực tế. Bà Margaret Chan chưa bao giờ là giáo sư. Bà Margaret Chan (sinh năm 1947), người gốc Hồng Kông, học y khoa và tiến sĩ khoa học ở Đại học Western Ontario (Canada); sau khi về Hồng Kông bà làm trong Nha Y tế Hồng Kông (trong đó 9 năm là giám đốc Nha), và đến năm 2006 thì được bổ nhiệm làm tổng giám đốc WHO. Bà là công chức chứ không phải là nhà khoa bảng.
Nhân đây cũng xin nói luôn là biểu đồ có nguồn www.quitsmokinglv.com (một website quảng cáo cách ngưng hút thuốc bằng … thôi miên) trong bài báo hoàn toàn chẳng có liên quan gì đến báo cáo của WHO. Tôi ngạc nhiên là Vietnamnet lại gián tiếp quảng bá cho một website phi chính thống về y khoa như thế! Báo cáo của WHO có rất nhiều dữ liệu hay và thích hợp, nhưng rất tiếc lại không có trong bản tin! Hi vọng một dịp tới, tôi sẽ bàn về vấn đề tác hại của thuốc lá ở nước ta.
Nguyễn Văn Tuấn
Viết thêm: Xin thành thật khai báo rằng người viết bài này không hút thuốc lá.