Những câu hỏi và trả lời về dịch gia cầm
Nguyễn Văn Tuấn
Dịch gia cầm là gì ?
Dịch cúm gia cầm, tiếng Anh gọi là “Bird flu” hay có khi là avian influenza (avian là tính từ tiếng Anh chỉ loài chim), như tên gọi ám chỉ là dịch cúm được phát hiện trong gia cầm như gà, vịt, chim, và gần đây nhất là heo, thậm chí cọp (ở Thái Lan). Có 15 chi (strains) bệnh cúm có thể tác hại đến gia cầm, nhưng chỉ có một chi có tiềm năng ảnh hưởng toàn cầu, đó là loại virút H5N1. Virút này đã lan truyền trong các loài chim rừng trong nhiều năm, và gần đây lan truyền sang có loài gia cầm như gà, vịt, bắt nguồn từ Đông Nam Á, lan truyền sang Nga, Romania, và nay đến Thổ Nhĩ Kì. Đối với gia cầm, virút này rất hại, gần như 100% gia cầm bị nhiễm virút đều chết.
Ý nghĩa của virút H5N1 là gì ?
Các virút cúm thành 3 nhóm: A, B và C. Các virút thuộc nhóm B và C thường tìm thấy trong con người nhưng chúng không có tác hại lớn, ngoại trừ gây ra vài rối loạn cấp tính đường hô hấp, chúng không có khả năng gây tử vong cho bệnh nhân. Nhưng các virút thuộc nhóm A là đáng quan tâm hơn hết, bởi vì chúng có thể đột biến một cách nhanh chóng thành những virút có khả năng kháng nguyên (antigenic), có nghĩa là chúng có thể tiến hóa thành những virút mà hệ thống miễn nhiễm của con người không nhận ra được (và không có khả năng phòng chống chúng).
Virút cúm thuộc nhóm A có cấu trúc gồm hai nhóm protein: hemagglutinin (HA) và neuraminidase (NA). HA có 15 chi với mã danh H1 đến H15. NA có 9 chi với mã danh N1 đến N9. Virút H5N1 là một trong những chi virút này. Virút thuộc chi H1, H2 và H3 đã được biết có lưu truyền trong con người từ 100 năm qua. Nhưng virút H5 thì vẫn còn là một “kẻ thù” xa lạ đối với hệ thống miễn nhiễm của con người.
Cúm gia cầm lan truyền sang con người như thế nào?
Cúm gia cầm được phát hiện từ Italia khoảng 100 năm trước đây. Trong suốt 100 năm qua, không ai nghĩ virút có thể lan truyền sang con người. Nhưng đến năm 1997, tại Hồng Kông, người ta mới phát hiện vài trường hợp mà con người bị nhiễm virút H5N1. Trong vòng 2 năm qua, có khoảng 60 người tử vong vì tình nghi là bị nhiễm virút H5N1, nhưng vì không ai biết có bao nhiêu người bị nhiễm, cho nên không thể xác định độ độc hại của virút H5N1 trên con người. Phần lớn những trường hợp bị nhiễm này là do nạn nhân hay tiếp xúc với gà bị nhiễm, hay thường va chạm với chim (như phân chim, lông chim, v.v…). Cúm gia cầm không phải là virút từ thức ăn; thành ra, khi thịt gà được nấu chín thì nguy cơ cúm gia cầm có thể nói là không hiện hữu.
Cúm gia cầm có lan truyền từ người sang người không?
Cho đến nay, câu trả lời là không. Chúng ta vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy virút H5N1 truyền nhiễm từ người sang người.
Triệu chứng cúm gia cầm là gì?
Triệu chứng của người bị cúm gia cầm cũng giống như triệu chứng người bị cúm thông thông như nóng lạnh, lên cơn sốt, ho, đau cuống họng, và đau nhức bắp thịt, viêm phổi, và vài triệu chứng nghiêm trọng liên quan đến hệ thống hô hấp. diseases.
Tại sao lại quan tâm?
Các giới chức y tế rất quan tâm đến cúm gia cầm bởi vì virút H5N1 có thể thu nhập gien từ các loại cúm thông thường, rồi đột biến thành một virút nguy hiểm có khả năng gây ra tử vong cho nạn nhân. Nếu virút H5N1 có khả năng thu nhập gien như thế, hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta không có khả năng nhận dạng chúng và do đó không có khả năng phòng vệ. Nhưng cho đến nay, như đề cập trên, chưa có bằng chứng nào cho thấy virút H5N1 có khả năng “làm chuyện” này.
Các nạn dịch trong quá khứ?
Trong thế kỉ 20, đã có 3 nạn dịch lớn, đó là: dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra vào năm 1918-19, dịch cúm Singapore xảy ra vào năm 1957-58, và sau cùng là dịch Hồng Kông xảy ra vào năm 1968-69. Đại dịch Tây Ban Nha tiêu diệt gần 50 triệu người; tuy nhiên, con số tử vong này chỉ 3.2% so với con số người bị nhiễm.
Làm gì để phòng chống?
Để phòng chống cúm gà, cần phải nhận thức rằng thực phẩm từ gia cầm (kể cả trứng gà và trứng vịt) dễ bị lây nhiễm bởi virút và vi khuẩn. Do đó, đối với cá nhân và gia đình, biện pháp phòng chống tốt nhất là:
(a) Nên nấu chín thức ăn. Khi thịt gà, vịt hay heo được nấu chín thì nguy cơ bị nhiễm cúm gia cầm cực thấp nếu không muốn nói là không hiện hữu. Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy virút có thể lây truyền khi thức ăn được nấu chín.
(b) Thức ăn chưa nấu nên để kín trong hộp và giữ trong tủ lạnh (nếu có) ở ngăn trên (ngăn đá) để phòng chống virút lan truyền.
(c) Tránh không ăn những món không nấu chín như tiết canh vịt, tiết canh heo, trứng vịt lộn.
(d) Cũng nên tránh tiếp xúc với những gia cầm có dấu hiệu bị nhiễm cúm gia cầm. Tránh tiếp xúc với phân gà, phân gia cầm nói chung, vì phân gia cầm là một nguồn lan truyền virút.
(e) Nếu đã tiếp súc gia cầm thì nên làm vệ sinh cá nhân cẩn thận. Một khi đã tiếp xúc với gia cầm, nên rửa tay chân bằng xà bông hay các chất alcohol diệt khuẩn.
(f) Trong nhà bếp, nên áp dụng biện pháp vệ sinh triệt để, như rửa thớt, dao, và nồi niêu thường xuyên.
Ở mức độ cộng đồng, hiện nay các giới chức y tế khắp nơi trên thế giới, kể cả Tổ chức y tế thế giới, đang tích cực đề ra biện pháp nhằm phòng chống cúm gia cầm. Trong thời đại du lịch toàn cầu bằng máy bay, việc phòng chống cúm gia cầm mang một ý nghĩa lớn và qui mô lớn. Các biện pháp phòng chống này có thể tóm lược như sau:
Thứ nhất là nhận diện vùng nguy hiểm cao. Việc đầu tiên là nhận dạng các cơ sở nông nghiệp nơi có gia cầm bị nhiễm virút H5N1, cách li cơ sở, hủy diệt toàn bộ gia cầm, xịt thuốc tẩy uế, cấm buôn bán gia cầm trong những vùng bị ảnh hưởng. Một trong những khía cạnh quan trọng của biện pháp này là bồi thường một cách thích đáng cho những thiệt hại kinh tế cho chủ nhân của cơ sở nông nghiệp có gia cầm bị nhiễm.
Thứ hai là chuẩn bị vắc-xin. Phần lớn các nước bị ảnh hưởng cúm gia cầm, kể cả nước ta, đang tích cực chuẩn bị dự trữ thuốc chống virút để đối phó với nạn dịch khi xảy ra. Một số nước như Úc thì đang cân nhắc xem có nên chích ngừa toàn bộ dân số để phòng ngừa hay không.
Thứ ba tôi đề nghị nên tăng cường truy tìm các trường hợp bị nhiễm virút H5N1. Một biện pháp ngăn chận cúm nhanh nhất là phát hiện bệnh nhân sớm để tách li bệnh nhân trước khi lan truyền sang người khác. Một chương trình thử nghiệm nước bọt hay thử máu của các bệnh nhân có những triệu chứng liên quan đến nhiễm virút cúm tại tất cả các bệnh viện trong cả nước có lẽ phải nên phát động.
Hiệu quả của vắc-xin ra sao ?
Chưa có vắc-xin nào có hiệu quả phòng chống cúm gia cầm H5N1 cả. Lí do là chúng ta chưa có kinh nghiệm qua virút này và vì thế không ai biết cơ chế đột biến của virút ra sao. Ngay cả các vắc-xin hiện tại cũng chỉ có hiệu nghiệm tương đối thấp, làm giảm triệu chứng vài giờ hay vài ngày.
Có thuốc nào điều trị cúm gia cầm không?
Thuốc chống virút không nhiều trên thị trường, bởi vì các công ti dược không có lợi ích thương mại để sản xuất các thuốc này. Hiện nay có thể kể đến 4 loại thuốc chống virút thường hay sử dụng để điều trị cúm thuộc nhóm A (mà H5N1 là một virút trong nhóm này), trong đó 2 loại thông thường là amantadine và rimantadine chẳng có hiệu nghiệm gì để chống lại virút H5N1. hai loại thuốc khác là zanamavir (tên ngoài thị trường là Relenza) và oseltamivir (tên thị trường là Tamiflu) có khả năng ngăn chận không cho virút đột biến và tái sản sinh. Nếu uống trong vòng vài ngày sau khi bị bệnh, hai thuốc này có thể làm giảm triệu chứng và giảm thời gian bị bệnh. Hiện nay, chúng ta chỉ có thể nói hai thuốc này (Relenza và Tamiflu) “có thể” có hiệu nghiệm phòng chống virút H5N1, nhưng cần phải có nhiều nghiên cứu tiếp để xác định.