Tạo sinh vô tính và cái chết của Thượng đế
Nguyễn Văn Tuấn
Khoa học giải thích các hiện tượng bằng thử nghiệm thực tế. Tuy nhiên, có nhiều hiện tượng vẫn chưa được khoa học giải thích thỏa đáng. Các thần giáo như Ki-tô giáo chẳng hạn chủ trương dùng một Thượng đế để lí giải những gì khoa học chưa phân giải được. Ngày xưa, cái ý tưởng về “linh hồn” làm cho tảng đá rơi được các tay phù thủy rao giảng một thời gian khá dài, cho đến khi Isaac Newton chứng minh rằng tảng đá rơi là vì trọng lực. Ki-tô giáo cũng dạy rằng Thượng đế tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài, đến khi Darwin tuyên bố quá trình tiến hóa tạo nên con người bằng/từ hình ảnh của khỉ. Cho đến nay, đại đa số bằng chứng khoa học phù hợp với thuyết tiến hóa của Darwin.
Trong những ngày tháng cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, tín lí “Thượng đế tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài” càng khó chấp nhận hơn. Gần đây, thế giới trở nên ồn ào xung quanh câu chuyện tạo sinh vô tính, hay còn gọi là cloning. Tạo sinh vô tính là một công nghệ kiến tạo di truyền (genetic engineering). Bằng công nghệ này, từ một tế bào nhỏ, các nhà khoa học có thể tạo ra một con người hoàn chỉnh mà, trên lí thuyết, sẽ giống như người cung cấp cái tế bào. Nói một cách khác, ngày nay, các nhà khoa học có khả năng “photocopy” một con người chỉ từ một tế bào, mà không cần đến tinh trùng của người đàn ông. Cũng bằng kĩ thuật này, các nhà khoa học cũng có thể “vun trồng” các cơ phận của con người cho các mục đích chữa trị bệnh tật, hay cấy ghép cơ phận con người (transplantation).
Kinh ngạc trước công nghệ phi thường này, nhiều người đặt câu hỏi: con người có thể kiểm soát được sự sống và cái chết hay không? Đối với những người này, hàm ý, hay giả định, của câu hỏi là chỉ có Thượng đế mới có quyền kiểm soát sự sống và cái chết của con người. Thực ra, trong quá khứ, những xác quyết thần học như thế cũng từng được đưa ra để phản đối những công nghệ sinh học khác. Kế hoạch hóa sinh đẻ? Chỉ có Thượng đế mới có quyền làm chuyện đó. Kéo dài sự sống? Chỉ có Thượng đế mới có quyền làm chuyện đó. Thụ thai nhân tạo? Chỉ có Thượng đế mới có quyền làm chuyện đó. Trợ tử (euthanasia)? Chỉ có Thượng đế mới có quyền làm chuyện đó. Vân vân.
Thành ra, người ta không ngạc nhiên khi thấy ngày nay, trước những phát triển phi thường của công nghệ sinh học, mà tạo sinh vô tính là một ví dụ, những chống đối cuống cuồng và mù quáng không có gì mới mà chỉ là một sự lặp lại thái độ phủ nhận các công nghệ mới trong quá khứ. Đối với họ, sự ra đời cũng như cái chết của con người là do Thượng đế định đoạt bằng một kế hoạch huyền bí nào đó, và con người không nên can thiệp vào kế hoạch của Thượng đế. Nói thế khác, tạo sinh vô tính là cướp quyền của Thượng đế.
Nhưng trong thực tế, nếu quan điểm “cướp quyền Thượng đế” như trên là đúng, thì con người đã cướp quyền Thượng đế từ lâu rồi! Thực vậy, các thuật giải phẫu, uống thuốc trụ sinh, ghép thận v.v… là những can thiệp của con người vào “kế hoạch” của Thượng đế! Do đó, ý tưởng cho rằng nghiên cứu tạo sinh vô tính (khoan hãy bàn đến lợi hay hại, hay kết quả ra sao, mà chỉ bàn trên vấn đề nguyên tắc) là đóng vai trò Thượng đế có vẻ không phù hợp với thực tế và lí trí. Nghiên cứu dùng tế bào mầm để chữa trị bệnh tật hay tạo sinh vô tính phản ánh khát vọng tri thức của con người, là một sự mở rộng lựa chọn của con người, là mưu cầu tri thức nhằm vào mục tiêu cuối cùng là diệt khổ.
Thực ra, Thượng đế đã “chết” từ lâu rồi. Từ thế kỷ 19. Và chết nhiều lần. Trong cuốn The Joyful Science, Friedrich Nietzsche, một nhà triết học lớn vào thế kỷ 19, kể một câu chuyện về một người điên, một buổi sáng chạy vào chợ la khóc nói: “Tôi tìm Thượng đế!” Khi đám đông bàng quang hỏi anh ta có tưởng tượng rằng Thượng đế đã di cư hay đi đâu mất chưa, anh ta ngơ ngác hỏi: “Thượng đế đi đâu?”. Đám đông trả lời: “Chúng ta, tôi và anh, đã giết chết Thượng đế rồi.” Qua cách nói này, Nietzsche muốn nói rằng Thượng đế không hiện hữu, và vì thế, những giá trị đạo đức hay mục tiêu siêu nghiệm (nằm ngoài giới hạn của thế giới vật chất) cũng không hiện hữu. Những tôn giáo tin vào Thượng đế, như Ki-tô giáo chẳng hạn, sử dụng ý niệm Thượng đế như là một phương tiện quyền lực để kiểm soát con người, làm cho con người yếu đuối, ngăn cản chúng ta tự lực tạo ra những giá trị đạo đức mới, và mục tiêu mới cho cuộc sống. Do đó, Nietzsche kêu gọi con người nên tự giải phóng mình khỏi hệ thống hà khắc của những thần quyền như thế.
Người thứ hai “giết” chết Thượng đế là Charles Darwin, một trong những người nổi tiếng nhất trong thế kỷ 19 và 20. Trong Thuyết Tuyển Trạch Tự Nhiên, Darwin giải thích tính đa dạng của sự sống mà không cần phải dùng đến một kiến thức khoa học tinh vi nào: trật tự sinh học có thể tự phát, chứ chẳng phải do một mệnh lệnh thiêng liêng thánh thần nào cả. Darwin còn dẫn chứng cho thấy con người là một động vật được tiến hóa từ động vật có tay (primates), tức là giống như loài khỉ. Nói một cách khác, chủ thuyết của Darwin là một thách thức lớn với thần quyền thời bấy giờ, nhưng theo thời gian, khoa học thực nghiệm cho thấy suy nghĩ của Darwin là đúng, và sách Genesis – Sáng Thế Ký cho rằng Chúa sáng tạo ra thế giới là sai.
Trên đây chỉ là hai trường hợp tiêu biểu về cái chết của Thượng đế. Những người nổi tiếng khác như Arthur Schopenhauer, Karl Marx, Sigmund Freud, Charles Lyall, Elie Weisel, Fryodor Dostoievsky, Jean-Paul Sartre, Albert Camus, v.v… cũng từng hoặc phủ nhận sự hiện hữu, hoặc báo tử, hoặc tiên đoán, cái chết của Thượng đế.
Freud lí giải rằng Thượng đế không là gì cả, mà chỉ là một hình ảnh được con người cá nhân hóa và tâng bốc lên thành một người cha tượng trưng. Con người muốn có một ngừơi cha tượng trưng này để bảo vệ họ, và để đem lại công lí và cuộc sống trường cửu cho họ. Ý niệm về Thượng đế, do đó, chỉ đơn giản phản ánh sự thiếu tự tin của con người trong thời kỳ ban sơ.
Camus chủ trương chủ nghĩa vô thần, và kêu gọi con người nên từ bỏ Thượng đế để dành tình cảm cho đồng loại. Sartre cho rằng ngay cả Thượng đế hiện hữu thì con người cần phải loại bỏ Ngài, vì cái ý niệm về Thượng đế phủ nhận sự tự do của con người.
Ngay cả những nạn nhân của Đức quốc xã cũng từng tuyên bố Thượng đế đã chết. Có một câu chuyện xảy ra trong trại tập trung của Đức quốc xã thường được người Do Thái kể lại, rằng một hôm một nhóm tù nhân người Do Thái bắt Thượng đế ra tòa. Họ kết tội Thượng đế là tàn ác và phản bội. Sau khi xem xét các lời buộc tội và bào chữa, người ta kết luận là Ngài có tội, và xử tử hình.
Tuy nhiên, nói cho công bằng, ý niệm Thượng đế đã có một vài ảnh hưởng tích cực trong việc đề xướng một số giá trị đạo đức trong một thời gian. Nhưng như một nghịch lí, cũng chính cái ý niệm Thượng đế này đã từng được giới tôn giáo sử dụng để ngăn chận phát triển khoa học trong một thời gian dài. Ngày nay, con người đã trưởng thành, vai trò của một Thượng đế uy quyền vô hạn tưởng tượng đó không còn phù hợp nữa. Hay nói một cách ví von hơn: Thượng đế đã chết rồi!
Ngày nay, tiến bộ của khoa học thực nghiệm, mà đặc biệt là công nghệ tạo sinh vô tính, cung cấp thêm một bằng hùng hồn về cái chết của Thượng đế mà các nhà tư tưởng và trí thức Tây phương đã từng nói trong thế kỷ 19.
Cố nhiên, khoa học thực nghiệm không huyênh hoang tuyên bố sẽ giải thích mọi sự việc trên thế giới. Có thể khoa học chưa giải thích tất cả những phức tạp của con người? Nhưng điều đó có đồng nghĩa với “ý đồ của Thượng đế” như nhiều người suy nghĩ không? Có lẽ. Nhưng có phải Thượng đế ngày nay có thể giải thích hơn những gì Thượng đế ngày xưa của các giáo sĩ và phù thủy từng giải thích? Có lẽ, một ngày nào đó trong tương lai, khoa học sẽ giải thích những gì mà ngày nay khoa học chưa làm được mà không cần đến một giả thuyết về Thượng đế. Nhưng ngay cả trong trường hợp vẫn còn những điều khoa học chưa phân giải được thì con người cũng không cần phải vì đó mà chấp nhận những lí giải thích ngược với lí trí, với tự do tâm linh và chức năng tự lực tiến bộ của con người.
Khoa học có thể vì con người mà trở thành ác quỷ, khoa học cũng có thể nhờ con người mà trở thành thiện thần. Con người làm được chuyện đó vì con người không nô lệ thần quyền và cũng không tất yếu phải đầu hàng khoa học.