Dịch cúm gà: hoang mang và sự thật khoa học
Nguyễn Văn
Một tựa đề giật gân: “Bird flu experts warn of pandemic” (đại nạn dịch cúm gà – các chuyên gia cảnh báo). Đó là tựa đề của một bản tin do đài BBC truyền đi, nhân dịp tường trình về một hội thảo y khoa ở Singapore. Trong vài năm qua chúng ta chứng kiến một loại virus cúm có tên là H5N1 xuất hiện và gây bệnh cho hàng triệu chim và gia cầm trong vùng Đông Nam Á. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có 54 bệnh nhân chết vì tiếp xúc (hay tình nghi có tiếp xúc) với virus. Một số chuyên gia y tế lo ngại rằng virus H5N1 có thể tiến hóa nhanh chóng để biến thành nhiều virus mới nguy hiểm cho con người.
Bởi vì tiềm năng biến hóa thành virus mới chưa thành thực tế, chưa có vắc-xin nào được bào chế để phòng chống bệnh. Chúng ta cũng chẳng biết nếu vắc-xin được bào chế thì hiệu quả của nó như thế nào. Người phát ngôn của WHO cho BBC biết rằng các nước giàu có (ý nói Mĩ và Tây phương) có vẻ tự mãn và xem thường tiềm năng tác hại của dịch cúm gà trên qui mô toàn cầu. Người phát ngôn của WHO còn dọa rằng “Chúng ta không biết con số tử vong sẽ là bao nhiêu, nhưng chúng ta có thể tiên đoán rằng con số sẽ rất cao. Rồi ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Thị trường chứng khoáng sẽ bị đóng cửa. Việc đi lại giữa các nước sẽ bị hạn chế.” Đúng là một viễn ảnh đáng lo ngại!
Hãy tạm bỏ qua những tiên đoán rùng rợn đó, và bỏ ra vài phút suy nghĩ về vấn đề này. Trong khi chưa ai dám nói nạn đại dịch sẽ không xảy ra trong tương lai (có ai dám xác quyết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai?), chúng ta hãy xem xét sự thật khoa học về H5N1 mà y khoa biết được. Tính từ tháng 12 năm 2003 đến tháng 6 năm 2005 có 108 trường hợp nhiễm (hay bị nghi nhiễm) H5NA được báo cáo lên WHO, trong số này 54 tử vong. Trong khi H5N1 là một mối đe dọa đối với giới nông dân, và trong thực tế họ đã chịu những thất thoát lớn về thu nhập và mất đi hàng triệu gà vịt, nó chỉ là một “đóm” đối với bệnh tật con người. Những trường hợp tử vong xảy ra thường là những người tiếp xúc trực tiếp với gia cầm ở nông thôn.
Những tiên đoán rùng rợn về một nạn đại dịch sự thật chỉ là những suy đoán dựa vào một giả định quan trọng là một virus mới sẽ xuất hiện. Đúng là thỉnh thoảng có vài virus mới xuất hiện, nhưng chưa lần nào chúng gây ra những cơn đại dịch kể từ nạn dịch Hồng Kông vào năm 1968-69. Thành ra, cho rằng sẽ có một nạn đại dịch khác xảy ra trong tương lai có vẻ thiếu cơ sở khoa học, nếu không muốn nói là vô lí. Còn việc so sánh với nạn dịch năm 1918 mà trong đó 50 triệu người chết thì có vẻ gượng ép vì không đúng chỗ. Vào thời đó (1918) Âu châu đang bị suy yếu kinh tế sau 4 năm chiến tranh, và việc phát triển các phương tiện cấp cứu cũng như vắc-xin chống cúm rất hạn chế. Y học của năm 2005 khác với y học của đầu thế kỉ 20.
Cũng như vài hoảng hốt gần đây về những bệnh mới, nhất là SARS, nỗi sợ hãi về hủy diệt thường đi trước những sự thật khoa học. Nhưng cuối cùng thì chưa đến 1000 người không may bị chết vì SARS. Những “thảm họa kinh tế” mà WHO cảnh báo đã, may mắn thay, không thành sự thật. Nói trắng ra là WHO đã sai lầm. Trong thời đại chúng ta đang sống, cảm giác mập mờ về một tai họa nào đó lúc nào cũng canh cánh trong đầu óc chúng ta – cái hiện tượng mà Susan Sontag từng gọi là “Khải huyền từ hôm nay” (Apocalypse From Now On). Khả năng một bệnh mới, một virus mới xuất hiện cứ như là cái chìa khóa mở cánh cửa sợ hãi và làm cho công chúng mất bình tĩnh suy nghĩ. Mỉa mai thay, hiện tượng này lại rất phổ biến tại các nước Tây phương, nơi mà những bệnh truyền nhiễm rất hiếm vì chúng đã được khống chế từ lâu.
Người viết bài này có lần nhận xét rằng chưa ai biết cái gọi là “dịch cúm gà” (hay cúm vịt) đe dọa như thế nào, và tình trạng bất định của khoa học có lẽ là nguồn gốc của những câu chuyện giật gân, hoang tưởng được giới báo chí khai thác tối đa. Nhưng nỗi ám ảnh với những cái rủi ro nhỏ nhất như dịch cúm gà đã dần dà tích lũy thành một mối đe dọa cho xã hội nói chung. Giới truyền thông và giới trí thức, nhất là những người xuất hiện dưới danh nghĩa khoa học (hay ngụy khoa học) đóng một vai trò không nhỏ trong việc sản xuất ra nỗi ám ảnh trong người dân. Đã đến lúc chúng ta phải dùng lí trí, bởi vì mọi phán xét theo cảm tính đều có xác suất sai rất cao. Nhận thức về những rủi ro như dịch cúm gà là một điều cần thiết, nhưng nhận thức như thế là để chúng ta biết những điều không nên hành động, chứ không phải để hốt hoảng.
virus và bệnh tật đã, đang và sẽ tồn tại cùng chúng ta trong cuộc sống; chúng ta không có cách nào loại trừ chúng hoàn toàn. Vấn đề không phải là tìm cách loại trừ chúng (vì không thể làm được), nhưng phải học cách sống với chúng một cách sáng suốt. Có khi chúng ta phải chấp nhận một mức độ nguy hiểm của cuộc sống đa chiều. Mức độ nguy hiểm có thể chấp nhận được tùy thuộc vào nhận thức của từng cá nhân, và trong trường hợp này, lí trí là một phương tiện không thể thiếu được trong cuộc sống mới.