Miệng nhà quan
http://www.tuoitre.com.vn “Phóng viên: Thưa ông, các xét nghiệm vừa qua cho thấy nhiều mẫu mắm tôm âm tính với vi khuẩn, việc chống dịch có đi... nhầm đường không? Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn: Chúng tôi đã đi đúng hướng. Thời điểm đầu tiên, 100% bệnh nhân có ăn mắm tôm dương tính với bệnh, nhưng nay nguồn bệnh đã lây lan sang nhiều thức ăn khác.” |
Bình luận của người đọc báo:
Phóng viên đặt một câu hỏi rất hay. Tuy nhiên, trong khi phóng viên hỏi ông về tương lai, nhưng ông trả lời về quá khứ (“thời điểm đầu”)!
Công bằng mà nói, cả phóng viên và ông thứ trưởng đều … đúng. Phóng viên dựa vào sự thật rằng có nhiều mẫu mắm tôm không bị nhiễm vi khuẩn V. cholera nên câu hỏi hoàn toàn logic. Và, ông thứ trưởng trả lời cũng không sai: mắm tôm là một yếu tố nguy cơ có liên quan đến bệnh tả, vậy can thiệp vào yếu tố này là hoàn toàn hợp lí.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là thế nào là “nhầm đường” và thế nào là “đúng hướng”. Nhầm đường có phải là tập trung vào sai “thủ phạm”? Đúng hướng có phải là đã ngăn chận được bệnh? Thật ra thì chưa ngăn chận được sự bộc phát của bệnh, vì số bệnh nhân vẫn còn tăng, dù các biện pháp kiểm soát sản xuất và phân phối mắm tôm đã được ban ra và thực thi. Như vậy, có thể nói rằng hướng đi có đúng một phần, nhưng chưa có hiệu quả. Nói cách khác, câu trả lời tuy đúng nhưng chưa đủ.
Điều đáng nói ở đây là ngôn ngữ của ông thứ trưởng rất khó hiểu. Hãy đọc lại một lần nữa: “100% bệnh nhân có ăn mắm tôm dương tính với bệnh”. Phân tích:
·100% các bệnh nhân có ăn mắm tôm: hiểu. Như vậy, tất cả các bệnh nhân đều từng ăn mắm tôm. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là 100% người ăn mắm tôm đều mắc bệnh. Phân biệt được hai câu này rất quan trọng cho chính sách y tế công cộng.
·dương tính với bệnh: không hiểu. Kết quả xét nghiệm hoặc là dương tính, hoặc là âm tính. Tùy trường hợp, nhưng dương tính thường tương quan với khả năng mắc bệnh, và âm tính thường được hiểu là khả năng không mắc bệnh. Cụm từ chủ đạo ở đây là “khả năng”. Không một xét nghiệm nào chính xác 100% để nói rằng hễ kết quả dương tính là tự động mắc bệnh. Vả lại, trong y khoa, không có một xét nghiệm nào viết “dương tính với bệnh” cả. Không có.
·Ghép lại nguyên câu văn: 100% bệnh nhân có ăn mắm tôm dương tính với bệnh: không hiểu! Chịu.
Vấn đề ở đây là ông không cho biết con số 100% bệnh đều từng ăn mắm tôm dựa vào bao nhiêu bệnh nhân? Nếu lúc đầu có 10 bệnh nhân và cả 10 đều ăn mắm tôm thì con số vẫn là 100%. Nhưng nếu con số bệnh nhân là 200/200 hay 500/500 thì tỉ lệ vẫn là 100%. Nhưng trường hợp 10/10 có độ tin cậy thấp hơn 500/500. Không có mẫu số thì làm sao chúng ta biết được mắm tôm có thật sự là “thủ phạm”.
Thật ra, mắm tôm không phải là thủ phạm duy nhất. Chứng minh? Câu kế tiếp của ông cho thấy điều đó: “nhưng nay nguồn bệnh đã lây lan sang nhiều thức ăn khác”. Bệnh đã lan ra nhiều thức ăn khác? Làm sao bệnh có thể lan sang thức ăn? Cái nào là tác nhân và cái nào là hệ quả? Tôi đoán ông muốn nói: các thức ăn khác cũng có khả năng gây bệnh. Ôi, ngôn ngữ chi mà bí hiểm thế!
Nhưng “thức ăn khác” là thức ăn gì? Heo? Gà? Cá? Rau cải? Trái cây? Tôi đoán nếu “nghiên cứu” cho kĩ, 100% bệnh nhân cũng từng … uống nước.
Nhưng quay lại với nội dung: chúng ta có thể hiểu câu nói của ông rằng không phải ai ăn mắm tôm cũng đều mắc bệnh tả, mà ăn “thức ăn khác” cũng mắc bệnh tả. Nhưng tiếc thay, ông không cho biết tỉ lệ mắc bệnh là bao nhiêu. Một lần nữa, chúng ta vẫn chưa biết đường đâu mà lần mò.
Rất tiếc là phóng viên không hỏi thêm cho có phần logic: “Vậy đối với các ‘thức ăn khác’ ông có yêu cầu các địa phương và cơ sở sản xuất tạm ngưng việc vận chuyển ra ngoài tỉnh, niêm phong, hay tạm sản xuất hay không?” Sử dụng logic của ông thứ trường đối với món mắm tôm, thì câu trả lời phải là “có”. Cái khó là nếu “có” thì người dân phải ăn gì? Nếu “không” thì hóa ra ông không nhất quán trong quyết định. Có lẽ biết rằng câu hỏi sẽ rất khó cho ông thứ trưởng, nên phóng viên không hỏi chăng.
Nói tóm lại, chỉ một câu hỏi mà khơi dậy nhiều vấn đề. Thay vì trả lời rõ ràng cho bạn đọc biết, thì tiếc thay, ông thứ trưởng lại loanh quanh vấn đề và rất khó hiểu ông muốn nói gì. Thật ra, trách như thế cũng không công bằng, vì ông trả lời sau buổi họp và có lẽ thiếu chuẩn bị. Nếu ai đó mà trong tình huống của ông thì chắc cũng lúng túng thôi.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là tình huống, mà là chính sách, là biện pháp đối phó với một bệnh có khả năng lan truyền nhanh. Đối với những người đã mắc bệnh, cần điều trị cho họ. Đương nhiên. Nhưng vấn đề là phải làm gì với những người chưa mắc bệnh nhưng có nguy cơ mắc bệnh. Có hai nhóm cụ thể: những người sống tại những vùng chịu ảnh hưởng bệnh tả, và những người ở xa vùng ảnh hưởng nhưng có nguy cơ bệnh lan truyền xuống (cụ thể là những người đang phải đối phó với lũ lụt ở miền Trung). Theo tôi, đối với nhóm thứ nhất có thể phát động một chiến dịch làm sạch nguồn nước ở qui mô cộng đồng, hướng dẫn nấu nướng thực phẩm thích hợp, kể cả mắm tôm, và xử lí vệ sinh nhà xí. Đối với nhóm thứ hai, ngoài các biện pháp trên, cần phải tiêm ngừa cho các trẻ em và người có tuổi.
Mấy bình luận này không trách gì ông thứ trưởng (như tôi viết lúc đầu, ông hoàn toàn có lí), mà chỉ muốn nói rằng qua câu trả lời của ông có nhiều vấn đề đáng quan tâm hơn là mắm tôm. Hãy cứ nghi rằng mắm tôm là yếu tố quan trọng và cần kiểm soát, nhưng đâu phải 100% người dân đều ăn mắm tôm hàng ngày; thức ăn mà 100% người dân ăn hàng ngày là cơm hay bánh, và nấu cơm là cần đến nước. Sinh hoạt mà 100% người dân làm hàng ngày là tắm rửa, và tắm rửa cũng cần đến nước. Nước quan trọng hơn mắm tôm. Quan trọng hơn là vì chúng ta phơi nhiễm (exposed) với nước nhiều hơn là với mắm tôm. Quan trọng hơn là vì mối liên hệ giữa nước và bệnh đã được chứng minh hơn 100 năm qua, còn mắm tôm thì chỉ mới nghe qua chứ cũng chưa có số liệu khoa học nào để phát biểu. Thử xem qua hai tính toán dịch tễ học để hiểu câu phát biểu đó:
Nếu chúng ta can thiệp vào nguồn nước (làm sạch, nấu chín) thì chúng ta ngăn chận được bao nhiêu trường hợp bệnh? Trả lời: khoảng 94%.
Nếu chúng ta can thiệp vào mắm tôm (cấm sản xuất, cấm phân phối, cấm ăn) thì chúng ta ngăn chận được bao nhiêu trường hợp bệnh? Trả lời: tối đa 25%.
Các tính toán đơn giản trên cho thấy can thiệp làm sạch nước có hiệu quả hơn là tập trung “đánh” vào mắm tôm. Nếu chúng ta hành động dựa vào bằng chứng khoa học thì cái nào cần can thiệp ở đây?
Chúng ta không có cái xa xỉ để chơi chữ với bệnh tật và với công chúng.