Tuổi thọ của người dân giảm 10 năm ?
Nguyễn Văn Tuấn
Chẳng hiểu đây có phải là chiêu quảng cáo bài báo hay không, nhưng ít ra là nó đã gây sự chú ý của tôi. Thấy tiêu đề tuổi thọ giảm 10 năm là tôi không thể nào bỏ qua được. Thật ra, dù có giảm 1 năm tôi cũng phải đọc, phải tìm hiểu, phải suy xét cho kĩ, bởi vì tuổi thọ ở nước ta chỉ tăng chứ chưa bao giờ giảm cả. Sau khi đọc kĩ bài này, tôi mới biết là họ nói về tuổi thọ của cư dân ở các làng nghề đang bị ô nhiễm trầm trọng. Đoạn này có lẽ liên quan: “Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi, hiện đã thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc; và so với làng không làm nghề, tuổi thọ này cũng thấp hơn từ 5 - 10 năm”.
Tuổi thọ trung bình của người Việt là bao nhiêu? Câu hỏi cực kì
đơn giản, cực kì cơ bản, nhưng tìm số liệu này không dễ chút
nào. Hầu hết các website của các cơ quan chính phủ trong nước
(như Tổng cục Thống kê, Bộ Y tế) không có thông tin này! Các
website này cung cấp nhiều thông tin hành chính mà chúng ta
không cần/muốn biết, nhưng những thông tin chúng ta cần thì họ
không cung cấp!
Một điều khá thú vị (hay khôi hài?) là trong khi các website của Nhà nước không có thông tin cơ bản này thì các website nước ngoài hay cơ quan nước ngoài ở VN thì có khá đầy đủ. Thậm chí giới truyền thông còn có thông tin có ích hơn là các website chính thức của Nhà nước!
Theo website của CIA thì tuổi thọ trung bình cho nam là 68.8 và nữ là 74.6 tuổi. Không hiểu tại sao lại có sự khác biệt khá lớn giữa nam và nữ như thế này? Cũng không hiểu nguồn gốc số liệu ở đâu. Tôi nghĩ số liệu này chắc cũng xưa rồi, vì thấy họ đề dân số Việt Nam là 71.6 triệu. Nói tóm lại là khó tin các con số này.
Số liệu của Việt Nam (năm 2005) thì nói rằng tuổi thọ trung bình của dân số (nam và nữ tính chung) là 71.3, và còn nói rõ là tăng 6 tuổi kể từ năm 1998. Số liệu của UN ở Việt Nam cho biết: “Tuổi thọ trung bình là 71,7 đối với nam giới và 75 đối với nữ giới.” Những người trong UN làm việc cẩn thận và có phương pháp, tôi nghĩ họ trích dẫn số liệu này từ các cơ quan chức năng của VN, và vì thế tôi thấy số liệu này đáng tin cậy hơn.
Quay lại bản tin trên, phản ứng đầu tiên của tôi là: khó tin. Nếu giảm 10 năm thì tuổi thọ trung bình của các làng nghề này chỉ 61,7 tuổi ở nam giới và 65 tuổi ở nữ giới, tức là còn thấp hơn cả 15 năm trước! Làm sao có thể tin được?
Có thể Bộ Tài nguyên và Môi trường có vấn đề trong tính toán. Muốn tính tuổi thọ, cần phải có số liệu về tỉ suất sinh và tử vong cho từng nhóm tuổi của các làng nghề này, rồi sau đó mới xây dựng một bản tuổi thọ (thuật ngữ dịch tễ học tiếng Anh gọi là life-table) thì mới ước tính được. Nếu họ có số liệu này thì chúng tôi sẵn sàng giúp cho họ một tay để phân tích lại cho chính xác hơn.
NVT
http://www.laodong.com.vn/Home/Tuoi-tho-cua-nguoi-dan-giam-10-nam/20094/135380.laodong
Tuổi thọ của người dân giảm 10 năm
Lao Động số 88 Ngày 22/04/2009 Cập nhật: 7:33 AM, 22/04/2009
Đó là công bố báo cáo môi trường quốc gia 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình môi trường làng nghề Việt Nam. Với các số liệu được công bố, tình hình môi trường ở các làng nghề đang suy giảm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân.
"Kinh hoàng" môi trường làng nghề
Kết quả khảo sát các làng nghề điển hình trong cả nước đã cho
thấy: 46% số làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng và 27% bị ô
nhiễm ở mức vừa. Cũng theo báo cáo của Bộ TNMT, các kết quả quan
trắc trong thời gian gần đây đang cho thấy, mức độ ô nhiễm của
các làng nghề chẳng những không giảm mà còn có xu hướng gia
tăng.
Tại các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, môi trường xung
quanh khu vực sản xuất có hàm lượng bụi đều vượt TCVN từ 3-8
lần, hàm lượng SO2 có nơi vượt đến 6,5 lần. Ở các làng nghề chế
biến lương thực - thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, không khí ô
nhiễm do các chất hữu cơ trong nước thải, chất thải rắn phân huỷ
tạo nên các chất khí SO2, NO2, H2S,
CH2 cùng các mùi hôi thối khó chịu...
Hầu hết các loại nước thải từ những làng nghề đều không qua xử
lý mà xả thải thẳng ra môi trường. Hàm lượng các chất ô nhiễm
trong nước thải sản xuất của các làng nghề đều rất cao. Đặc
biệt, các loại CDO, BOD5, SS... vượt TCVN hàng chục lần. Riêng
nước thải từ khâu lọc tách bã và bột đen của quá trình sản xuất
tinh bột từ sắn và dong riềng có độ PH thấp, còn độ ô nhiễm về
BOD5, COD vượt TCVN mức B tới 200 lần...
Ô nhiễm môi trường làng nghề đã làm cho thời gian gần đây, tỉ lệ
người ở trong các vùng làng nghề mắc bệnh có xu hướng tăng cao.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, tuổi thọ trung bình của người
dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi, hiện đã thấp hơn 10 năm
so với tuổi thọ trung bình toàn quốc; và so với làng không làm
nghề, tuổi thọ này cũng thấp hơn từ 5 - 10 năm...
Ở làng nghề tái chế kim loại, người dân phổ biến mắc các bệnh về
đường hô hấp, bụi phổi và bệnh về thần kinh. Làng nghề tái chế
giấy, tỉ lệ người mắc chứng bệnh hô hấp, bệnh ngoài da, đường
ruột có xu hướng tăng cao...
Chưa có giải pháp khắc phục
Theo Bộ TNMT, dù đã có nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, nhưng
môi trường tại các làng nghề vẫn tiếp tục suy thoái. Để xảy ra
tình trạng này, Bộ TNMT đã chỉ ra hàng loạt điểm yếu mà thời
gian qua chưa thực hiện được, cụ thể: Chức năng, nhiệm vụ và tổ
chức quản lý môi trường làng nghề còn chưa rõ ràng, thiếu các
quy định pháp luật đặc thù cho bảo vệ môi trường làng nghề.
Việc quy hoạch không gian gắn với bảo vệ môi trường làng nghề
còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng ô nhiễm lan rộng. Các loại
phí bảo vệ môi trường đối với chất thải còn chưa thu được đối
với các cơ sở sản xuất làng nghề; xử phạt hành chính đối với các
hành vi gây ô nhiễm môi trường còn chưa được thực hiện nghiêm.
Công tác thanh tra, giám sát, quan trắc môi trường còn yếu
kém...
Bộ TNMT đã kiến nghị sớm hoàn chỉnh hệ thống chính sách văn bản
quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề; hoàn thiện bộ
máy quản lý môi trường cấp cơ sở để thực hiện trách nhiệm bảo vệ
môi trường từ cơ sở; tăng cường tổ chức thực thi pháp luật bảo
vệ môi trường làng nghề; tăng cường áp dụng các công nghệ xử lý
chất thải làng nghề; khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn, các
công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý các chất thải
làng nghề...
Tuy nhiên, những ý kiến nêu trên mới chỉ là những lời đề nghị
khẩn thiết từ phía cơ quan bảo vệ môi trường. Còn để những ý
kiến này trở thành hiện thực, cần phải được sự ủng hộ từ các cấp
chính quyền địa phương.