Tiêu chuẩn đề bạt giáo sư: Có nên căn cứ vào số lượng bài báo ?
Nguyễn Văn Tuấn
Theo cách hiểu thông thường, giáo sư và phó giáo sư đại học (tôi sẽ gọi chung là “giáo sư”) là những nhà khoa học có uy tín cao trong lĩnh vực chuyên môn. Uy tín ở đây thường được đo lường bằng những công trình nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng lớn trong chuyên ngành. Do đó, thành quả nghiên cứu khoa học được xem là một tiêu chuẩn quan trọng số 1 trong việc đề bạt chức vụ giáo sư và phó giáo sư đại học.
Thành quả nghiên cứu khoa học có thể đánh giá qua số lượng và chất lượng bài báo khoa học, và bằng sáng chế (patents). Trong thời gian qua, đã có khá nhiều tranh cãi chung quanh con số và cách tính điểm bài báo khoa học trong qui trình đề bạt chức vụ giáo sư, nhưng chưa ai bàn đến cách đánh giá chất lượng bài báo khoa học. Chẳng hạn như phát biểu trên VietNamNet về tiêu chuẩn tiến phong giáo sư, Giáo sư Đỗ Trần Cát, Thư ký Hội đồng Nhà nước về Chức danh Giáo sư, cho biết: "Mỗi ứng viên cho chức danh giáo sư phải có 2 điểm - tương đương với hai công trình - đăng trong các tạp chí uy tín", và mỗi ngành chỉ có hai "tạp chí uy tín" ở trong nước, hiểu theo nghĩa "nếu đăng ở đấy thì nó khó, chất lượng cao hơn. Còn việc chọn đâu là hai tạp chí uy tín của mỗi ngành thì do hội đồng ngành đề xuất, hội đồng thường trực sẽ thông qua. Còn các bài báo đăng ở tạp chí khoa học ngoài nước tất nhiên là không hạn chế rồi." Tôi thấy cách đánh giá này cần phải được xem xét lại.
Hiện nay, có hơn 108.000 tập san khoa học trên thế giới với đủ thứ chất lượng “thượng vàng hạ cám”. Con số này chưa kể đến các tập san trực tuyến (online journals). Thành ra, một công trình nghiên cứu dù có chất lượng thấp cỡ nào đi nữa, và nếu tác giả kiên trì theo đuổi, thì công trình sẽ được in trong một tập san nào đó. Do đó, tôi cho rằng thật là sai lầm nếu chỉ chú trọng vào số lượng bài báo khoa học trong việc phong chức giáo sư đại học.
Vì có quá nhiều tập san khoa học với chất lượng quá khác biệt, Viện Thông tin Khoa học (ISI – Institute of Scientific Information) đã phát triển một hệ số có tên là hệ số tác dụng (impact factor) để đánh giá chất lượng các tập san khoa học. Cách tính hệ số tác dụng của ISI rất đơn giản, và có thể minh họa bằng một ví dụ cụ thể. Để tính hệ số tác dụng cho năm 2005, ISI tiến hành hai bước: trước hết họ đếm tổng số lần mà các bài báo của năm 2005 (gọi số này là A) đã trích dẫn hay đề cập đến tất cả bài báo công bố trong 2 năm trước đó, tức là 2003 và 2004 (gọi số này là B). Hệ số tác dụng được tính bằng cách lấy A chia cho B. Mỗi năm ISI đánh giá cho khoảng 7.500 tập san trên thế giới. Các tập san có uy tín cao như Science, Nature, Cell, New England Journal of Medicine, Physics Reports, v.v. thường có hệ số tác dụng từ 10 đến 52. Các tập san trung bình có hệ số tác dụng từ 3 đến 10. Còn các tập san không có uy tín cao, hệ số tác dụng chỉ trên dưới 0 hay 1.
Do đó, tại các đại học trên thế giới, khi đánh giá chất lượng nghiên cứu của giáo sư, người ta cũng phải xem xét tập san mà họ từng công bố. Tuy hệ số tác dụng như mô tả trên chưa phải là thước đo hoàn chỉnh về chất lượng nghiên cứu, tại nhiều nước Tây phương, hệ số tác dụng được sử dụng như là một chỉ tiêu để tài trợ cho nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, hệ số tác dụng của tập san cũng tùy thuộc vào bộ môn khoa học (chẳng hạn như các tập san thuộc bộ môn khoa học thực nghiệm thường có hệ số tác dụng cao hơn các tập san trong các ngành khoa học tự nhiên và toán học). Vả lại, hệ số tác dụng chỉ phản ánh uy tín của tập san chứ không hẳn phản ánh ảnh hưởng của bài báo trên tập san. Trong lịch sử khoa học, không ít công trình có ảnh hưởng lớn (hiểu theo nghĩa được nhiều người trích dẫn và tham khảo) nhưng chỉ xuất hiện trên các tập san với hệ số tác dụng thấp, hay thậm chí chưa bao giờ công bố chính thức trên một tập san ! Cho nên một cách đánh giá chất lượng khác là tính số lần các nhà khoa học khác trích dẫn bài báo mà nhà khoa học đã công bố (thuật ngữ tiếng Anh là citations). Có thể nói ví von rằng số lần trích dẫn là âm vang của một công trình nghiên cứu. Tần số trích dẫn càng cao thì giá trị của công trình và uy danh nhà khoa học càng cao theo.
Số lần trích dẫn bao nhiêu là cao? Nói một cách ngắn gọn, không có câu trả lời cho câu hỏi này. Nhưng theo phân tích của ISI, trong tất cả các bài báo khoa học công bố trên thế giới, có khoảng 55% các bài không bao giờ được ai (kể cả chính tác giả) trích dẫn, không bao giờ được ai tham khảo sau 5 năm công bố ! (Trong các ngành như kĩ thuật tần số không trích dẫn lên đến 70%). Ngay cả được trích dẫn và tham khảo, con số cũng rất khiêm tốn : chỉ có trên dưới 1% bài báo khoa học được trích dẫn hơn 6 lần mà thôi (trong vòng 5 năm). Do đó, có người đề nghị là một bài báo được trích dẫn một cách độc lập (tức không phải chính tác giả tự trích dẫn) hơn 5 lần được xem là "có ảnh hưởng". Những công trình có ảnh hưởng lớn thường có số lần trích dẫn 100 lần trở lên.
Bất cứ thời nào, bất cứ ở đâu, bất cứ ngành nào đều có những nghiên cứu -- nói thẳng ra là -- rác rưởi. Một nhà khoa học có thể có hàng trăm bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế, nhưng có thể đó chỉ là những công trình nghiên cứu chất lượng thấp, hiểu theo nghĩa những công trình này chẳng đem lại tri thức gì mới cho khoa học, chẳng có ảnh hưởng gì đến chuyên ngành, hay chẳng đem lại lợi ích gì cho quốc gia.
Điều này có nghĩa là không không thể nào đánh giá khả năng của nhà khoa học qua con số lượng bài báo, và càng không đánh giá chất lượng công trình khoa học chỉ vì công trình đã được công bố trên một tập san "quốc tế". Khi duyệt xét tiến phong giáo sư, các cơ quan có trách nhiệm như Hội đồng Nhà nước về Chức danh Giáo sư nên xem xét đến hệ số tác dụng và số lần trích dẫn của các công trình nghiên cứu khoa học mà ứng viên đã công bố.