Béo phì ở trẻ em và virus
Nguyễn Văn Tuấn
Béo phì đang là một trong những vấn nạn y tế toàn cầu. Không chỉ ở các nước đã phát triển, mà ngay cả tại các nước phát triển như nước ta, số người béo phì càng ngày càng tăng một cách đáng ngại. Theo thống kê ở Mĩ, cứ 3 người dân trên 20 tuổi thì có 1 người béo phì. Ở nước ta, theo tiêu chuẩn cho người Á châu, tỉ lệ người béo phì trong cộng đồng là khoảng 25% (1 phần 4). Lần đầu tiên trên thế giới, số người béo phì đã vượt qua số người thiếu dinh dưỡng.
Béo phì là một hội chứng phức tạp, vì nguy cơ béo phì chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố môi trường và di truyền. Một trong những “yếu tố nguy cơ” của béo phì là thức ăn nhiều chất béo và thiếu vận động cơ thể. Khoảng 3 năm trước, các nhà khoa học khám phá một số gen có liên quan đến béo phì, đặc biệt là gen FTO. Nhưng ảnh hưởng của gen cũng chỉ “giải thích” được khoảng 10% tỷ lệ béo phì. Nói cách khác, các yếu tố môi trường có ảnh hưởng đến béo phì cao hơn các yếu tố di truyền. Nhưng thời gian gần đây, nhiều nghiên cứu chỉ đến một yếu tố khá bất ngờ: đó là nhiễm vi khuẩn. Những nghiên cứu này đã mở ra một định hướng khoa học mới và giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về hội chứng bèo phì.
Cấu trúc của andenovirus-36, một virus gây cảm cúm, nhưng cũng có liên quan đến béo phì. |
Một trong những virus có liên quan đến béo phì là Andenovirus-36 (viết tắt là Ad-36). Ad-36 là một trong 55 dạng virus thuộc chủng Adenovirus. Ad-36 được phát hiện từ thập niên 1970, là một virus có số phận khá đặc biệt, vì chúng ta biết rằng Ad-36 là thủ phạm của cảm cúm, và nhiễm mắt. Nhưng đến năm 2000, một nhóm nhà khoa học Mĩ để ý thấy khi chuột, gà và khỉ bị nhiễm Ad-36 chúng trở nên béo phì, nhưng nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu lại suy giảm (1). Điều đáng chú ý là những động vật này có chế độ ăn uống giống nhau và vận động thể lực cũng tương đương nhau.
Trong một loạt thí nghiệm kế tiếp, các nhà khoa học ghi nhận rằng ở gà và chuột bị nhiễm Ad-36, tỉ lệ béo phì tăng lên khoảng 60-70%, nhưng ở khỉ thì tỉ lệ có khi lên đến 100%. Và, một lần nữa, trong khi béo phì tăng thì nồng độ cholesterol và triglyceride giảm (2-3).
Mối liên quan giữa virus Ad-36 và béo phì cũng được phát hiện ở người. Hai nghiên cứu tiếp theo vào năm 2005 trên 500 người cho thấy ở người béo phì, tỉ lệ nhiễm Ad-36 là 30%, cao gần 3 lần so với tỉ lệ ở nhóm bình thường (11%) (4).
Một nghiên cứu mới công bố vào tuần qua cung cấp cho chúng ta bằng chứng về mối liên quan giữa Ad-36 và béo phì ở trẻ em (5). Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà nghiên cứu chọn 67 em béo phì và 57 em có trọng lượng bình thường, tất cả trong độ tuổi 8 đến 18. Trong nhóm béo phì, có 15 em (hay tỉ lệ 22%) nhiễm Ad-36, trong nhóm bình thường chỉ có 4 em (hay 7%) nhiễm Ad-36. Nói cách khác, tỉ lệ nhiễm Ad-36 trong nhóm béo phì cao gấp 3 lần so với nhóm bình thường. Nhóm béo phì có trọng lượng cao hơn nhóm bình thường khoảng 6.8 kg. Nghiên cứu mới nhất một lần nữa cung cấp chứng cứ cho thấy virus Ad-36 có ảnh hưởng đến béo phì.
Tuy nhiên, cơ chế của mối liên hệ giữa Ad-36 và béo phì vẫn chưa được hiểu thấu đáo. Theo mô hình sinh học hiện hành, cơ chế mà Ad-36 gây nên béo phì là thông qua trung gian một gen có tên là E4orf1. Gen E4orf1 nhiễm nhân của các tế bào kí chủ, kích hoạt enzyme sản xuất mỡ và các yếu tố biệt hóa có thể làm tăng dự trữ triglyceride và biệt hóa các tế bào mỡ. Một mô hình khác giải thích rằng khi tế bào gốc bị nhiễm Ad-36 sản sinh ra nhiều tế bào mỡ, và các tế bào mỡ này trữ nhiều mỡ, dẫn đến béo phì. Tuy nhiên, dù cơ chế của mối liên hệ ra sao, cho đến nay chúng ta đã có khá nhiều chứng cứ thuyết phục cho thấy Ad-36 có liên quan đến béo phì.
Cần nói thêm rằng những nghiên cứu trên đây chưa chứng minh được Ad-36 là nguyên nhân gây nên béo phì, mà chỉ nói lên mối tương quan giữa virus và béo phì. Để chứng minh mối liên hệ nhân quả cần phải có thêm nghiên cứu, và những nghiên cứu này là những chứng cứ để chúng ta có lí do nghiên cứu thêm về hội chứng phức tạp như béo phì. Phát hiện mối liên hệ giữa Ad-36 và béo phì cũng không có nghĩa rằng béo phì là một bệnh truyền nhiễm, hay béo phì sẽ được điều trị bằng vaccine.
Những phát hiện mới nhất còn có thể giải thích tại sao béo phì đang gia tăng khá nhanh ở các nước trong vùng Đông Nam Á. Theo thống kê, hiện nay chỉ riêng Thái Lan, tỉ lệ béo phì ở thanh thiếu niên là 15%. Ở nước ta, theo nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng, tại TP. Hồ Chí Minh tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em là 12%, và tỉ lệ này cũng ghi nhận ở các thành phố lớn của nước ta. Đó là một tỉ lệ đáng báo động. Tình trạng game, thức ăn “junk” ở Đông Nam Á chưa lan tràn như ở các nước phương Tây, nhưng tỉ lệ béo phì ở thiếu niên có xu hướng gần bằng các nước phương Tây. Chưa ai biết nguyên nhân cho xu hướng này, nhưng khám phá mối liên quan giữa virus Ad-36 và béo phì có thể là một lời giải thích khả tín.
Chú thích
(1) Dhurandhar NV et al. 2000. Increased adiposity in animals due to a human virus. Int J Obes Relat Metab Disord 24:989-96.
(2) Kolesar JM et al. 2000. Direct quantification of
AD-36 adenovirus DNA by capillary
electrophoresis with laser-induced fluorescence. Journal of
chromatography. 744:1-8.
(3) Dhurandhar NV et al. 2001. Transmissibility of adenovirus-induced adiposity in a chicken model. Int J Obes Relat Metab Disord. 25:990-6.
(4) Atkinson RL et al. 2005. Human adenovirus-36 is associated with increased body weight and paradoxical reduction of serum lipids. Int J Obes (Lond). 29(3):281-6.
(5) Gabbert C, et al. Adenovirus 36 and Obesity in Children and Adolescents. PEDIATRICS (doi:10.1542/peds.2009-3362) Published online September 20, 2010