Cổ phần hóa bệnh viện công và chất lượng
Nguyễn Văn Tuấn
Người viết bài này đã phát biểu 3 lần (trên Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn) về vấn đề cổ phần hóa bệnh viện công. Nhân thấy có người bàn đến vấn đề chất lượng, tôi muốn nói thêm đôi lời để làm sáng tỏ hơn, vì tôi có cảm giác nhiều người nói chuyện chất lượng nhưng không căn cứ vào thực tế khách quan. Bài viết ngắn này trình bày kinh nghiệm ở nước ngoài với hi vọng cung cấp thêm thông tin để thảo luận bớt phần cảm tính.
Trước tình trạng quá tải và thiếu phát triển về cơ sở vật chất do thiếu đầu tư từ Nhà nước, một số người đề nghị nên cổ phần hóa bệnh viện công. Đề nghị này được nhiều người quan tâm, bởi vì nói cho cùng y tế (và giáo dục) là hai dịch vụ liên quan trực tiếp đến người dân và phúc lợi xã hội. Mức độ phát triển của hai dịch vụ này cũng chính là thước đo phát triển xã hội của một quốc gia. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy một số ý kiến phản đối định hướng cổ phần hóa bệnh viện công.
Một số người cho rằng cổ phần hóa là một xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường, và là một giải pháp để tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư vào việc nâng cao cơ sở vật chất y tế nước nhà. Cũng có ý kiến cho rằng nếu không cổ phần hóa thì làm sao có thể nâng cao chất lượng y tế. Vấn đề chất lượng y tế quả là vấn đề nhức nhối và được mọi người quan tâm hiện nay. Nhưng cho rằng phải cổ phần hóa để nâng cao chất lượng có nghĩa là giả định rằng bệnh viện tư nhân có chất lượng cao hơn bệnh viện công. Theo cảm quan thông thường có lẽ giả định này đúng, bởi vì hỏi một bệnh nhân -- nếu có điều kiện và cơ hội cho phép -- chọn giữa bác sĩ tư và bác sĩ công, phần lớn họ đều chọn bác sĩ tư [1]. Nhưng đó chỉ là cảm nhận chủ quan của bệnh nhân, nên cũng khó mà suy luận rộng ra được.
Khó có thể thảo luận về một vấn đề một cách khoa học nếu không có dữ liệu. vấn đề trong thảo luận về cổ phần hóa bệnh viện hiện nay là chúng ta chưa có một nghiên cứu nào có hệ thống để thẩm định chất lượng y tế của bệnh viện công và tư, cho nên rất khó để biết cổ phần hóa có liên quan đến chất lượng y tế hay không. Tuy nhiên, có thể tham khảo và tìm hiểu qua y văn về kinh nghiệm ở nước ngoài và nhất là các nước trong vùng.
Nhưng nói đến chất lượng ở đây là nói đến khía cạnh gì? Trong y tế, cụm từ “chất lượng” đề cập đến các khía cạnh chăm sóc sức khỏe liên quan đến: thực phẩm cho bệnh nhân; môi trường bệnh viện (bàn ghế, tử, giường, sạch sẽ, ánh sáng); dịch vụ chuyên môn (y khoa, điều dưỡng, thiết bị); tiện nghi phòng (riêng tư, giờ thăm bệnh, tiện nghi); phục vụ cá nhân (riêng biệt, thông tin, chú ý đến nhu cầu cá nhân); và sự đáp ứng của hệ thống cấp cứu khi có sự cố. Các khía cạnh này có thể phát triển thành những “chỉ tiêu” cụ thể để đo lường chất lượng bệnh viện. Ngoài những chỉ tiêu mang tính định chất, còn có một chỉ tiêu quan trọng nhất: đó là tỉ lệ tử vong trong vòng hay sau khi xuất viện 30 ngày.
Trong thời gian qua, đã có khá nhiều nghiên cứu so sánh về chất lượng y tế giữa các bệnh viện công và tư bằng cách sử dụng các chỉ tiêu chất lượng và tỉ lệ tử vong. Một nghiên cứu trên 16,9 triệu bệnh nhân nhập viện từ năm 1984-1993 (10 năm) cho thấy bệnh nhân từ các bệnh viện công và bệnh viện tư từ thiện có số ngày nằm viện lâu hơn và tỉ lệ tử vong thấp hơn các bệnh viện tư kinh doanh lấy lời [2].
Một nghiên cứu thú vị khác ở Thái Lan [3] mà trong đó các nhà nghiên cứu tìm hiểu và so sánh sự hài lòng của bệnh nhân giữa các bệnh viện công và tư. Họ chia các bệnh viện tư thành hai nhóm: bệnh viện tư kinh doanh vì lợi nhuận, và bệnh viện tư không vì lợi nhuận (non-profit). Họ hỏi bệnh nhân về các chỉ tiêu chất lượng y tế (Bảng dưới đây), và kết quả cho thấy bệnh nhân có khuynh hướng đánh giá cao các bệnh viện tư không lấy lời, kế đến là các bệnh viện công, và sau cùng là các bệnh viện tư kinh doanh lấy lời. Chỉ có 55% bệnh nhân bệnh viện tư vì lợi nhuận cho biết họ sẽ sử dụng dịch vụ một lần nữa, so với tỉ lệ 62% ở bệnh viện công và 68% ở bệnh viện tư không vì lợi nhuận.
Số phần trăm bệnh nhân trả lời “tốt” và “rất tốt” cho các chỉ tiêu chất lượng y tế
Chỉ tiêu chất lượng y tế |
Bệnh viện công |
Bệnh viện tư kinh doanh lấy lời |
Bệnh viện tư không lấy lời (từ thiện) |
Sạch sẽ |
73 |
70 |
77 |
Tiện nghi |
70 |
71 |
75 |
Có bàn ghế đầy đủ |
39 |
48 |
39 |
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân |
76 |
71 |
83 |
Thái độ của điều dưỡng |
81 |
74 |
84 |
Bác sĩ khám tổng quát |
73 |
68 |
79 |
Khả năng chuyên môn |
90 |
83 |
96 |
Bác sĩ thường xuyên đến thăm bệnh |
88 |
79 |
90 |
Thái độ của bác sĩ |
85 |
65 |
82 |
Thông tin về trước và sau khi giải phẫu |
80 |
73 |
83 |
Thông tin về xét nghiệm |
70 |
68 |
70 |
Thông tin về thuật điều trị |
75 |
76 |
73 |
Thông tin về sử dụng thuốc |
69 |
56 |
84 |
Chất lượng tổng quát |
88 |
79 |
90 |
Nguồn: Tangcharoensathien V, et al. Patient satisfaction in Bangkok: the impact of hospital ownership and patient payment status. Int J Quality Health Care 1999; 11:309-317.
Nói chung, kết quả các nghiên cứu ở Âu châu cũng cho thấy một xu hướng chung là về mặt thực phẩm, tiện nghi, và môi trường bệnh viện, bệnh viện tư có chất lượng cao hơn bệnh viện công; nhưng về các khía cạnh lâm sàng như điều trị, khả năng chuyên môn, thời gian chăm sóc, thậm chí ngay cả thái độ bác sĩ và điều dưỡng, các bệnh viện công và bệnh viện từ thiện có chất lượng vượt xa các bệnh viện tư vì lợi nhuận [4-5].
Nói tóm lại, kinh nghiệm từ các nước khác và trong vùng cho thấy chất lượng chăm sóc sức khỏe từ bệnh viện tư vì lợi nhuận thấp hơn các bệnh viện công và bệnh viện tư không vì lợi nhuận. Tất nhiên, bệnh nhân ở các bệnh viện công thường là những bệnh nhân nặng và có nhu cầu y tế cao hơn các bệnh nhân ở bệnh viện tư. Dựa vào các kinh nghiệm này, có thể nói rằng tư hữu hóa bệnh viện công khó có thể nâng cao chất lượng y tế cho bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo
[1] Mulu N, et al. The rise of private practice: a growing disquiet with public services. PNG Medical Journal 1992; 35:171-8.
[2] Yuan Z, et al. The association between hospital type and mortality and length of stay: a study of 16.9 million hospitalized Medicare beneficiaries. Medical Care 2/2000; 38:231-245.
[3] Tangcharoensathien V, et al. Patient satisfaction in Bangkok: the impact of hospital ownership and patient payment status. Int J Quality Health Care 1999; 11:309-317.
[4] Camilleri D, et al. Comparing public and private hospital care service. Int J Health Care Quality Assurance 1998; 11:127-33.
[5] Pongsupap Y, et al. Choosing between public and private or between hospital and primary care: responsiveness, patient-centredness, and prescribing patterns in outpatient consultation in Bangkok. Tropical Medicine and International Health 2006; 11:81-9.