Vấn đề sinh tố: kẽm và đồng
Lisa Sanders (*)
1. Triệu chứng
Bác sĩ Lisa bước vào phòng khám của bệnh viện, một phòng nhỏ với đèn điện sáng choang, và trong phòng đã có 5 người chào đón bà. Bệnh nhân là một trung niên với khuôn mặt dễ nhìn đang ngồi trên xe lăn, đưa tay mời bà vào. Vợ ông ngồi bên cạnh và 3 con ông đang bận rộn với sách vở, có lẽ chúng đang làm bài tập gì đó. Đối với gia đình này, cũng như bao nhiêu gia đình khác có bệnh nhân mãn tính, việc nằm bệnh viện đã trở thành một … sinh hoạt gia đình bình thường.
Bệnh nhân vươn mình bắt tay bác sĩ Lisa. Cái bắt tay chặt nịch, và bàn tay ấm áp, không đượm mồ hôi – bác sĩ Lisa thầm ghi nhận. Ông có vẻ mệt và đau đớn, Chính ông cũng nói thế. Ông cho biết khi bị sốt, ông không thể bắt tay. Cho đến khoảng 10 ngày trước đây, ông luôn khỏe mạnh – “khỏe mạnh” ở đây phải được hiểu theo nghĩa ông đang ở trong tình trạng không mấy gì khỏe khoắn nhưng khá hơn hiện nay. Khi lên cơn sốt ông đi khám bác sĩ, và bác sĩ đề nghị ông nhập viện. Sốt mà nhập viện là một điều không mấy bình thường, nhưng bệnh nhân này không chỉ bị sốt bình thường, mà hệ thống miễn dịch trong cơ thể ông bị suy giảm, và việc điều trị bằng thuốc trụ sinh cùng với xét nghiệm theo dõi liên tục là một điều rất cần thiết. Chính vì thế mà ông nhập viện với cái chẩn đoán “sốt”.
Bệnh nhân 47 tuổi. Bốn năm trước đây, ông trải qua một cuộc giải phẫu dạ dày. Cuộc giải phẫu thành công, và ông mất khoảng 100 pounds. Trước khi giải phẫu, ông bị tiểu đường, cholesterol tăng cao, và chứng ngưng thở ngẫu nhiên trong khi ngủ (sleep apnea), nhưng tất cả các bệnh này đều được khống chế khi ông giảm cân sau cuộc phẫu thuật.
Hai năm sau khi giải phẫu, ông bị chứng sa ruột (hernia), một biến chứng khá phổ biến xảy ra ở các bệnh nhân sau giải phẫu dạ dày. Ông lại trải qua một phẫu thuật khác để điều trị chứng sa ruột, và đó cũng chính là thời điểm bắt đầu cho những vấn đề sức khỏe sau này. Sau cuộc giải phẫu, ông bị nhiễm trùng khá nặng, và phải nhập viện để được tiêm thuốc trụ sinh, và từ đó ông phải sống với hệ quả của cuộc giải phẫu: dấu mổ mà bác sĩ mổ để điều trị chứng sa ruột không lành. Không ai biết tại sao. Nhưng đó không phải là điều bí ẩn duy nhất: 6 tháng trước đây, trong một xét nghiệm máu theo định kì, các bác sĩ phát hiện ông mắc chứng thiếu máu (anemia – tức có quá ít tế bào máu đỏ) và chứng thiếu bạch cầu (neutropenia – tức quá ít tế bào máu trắng để chống viêm). Sau đó ông trải qua hàng chục xét nghiệm khác, nhưng chẳng ai giải thích được tại sao các triệu chứng mới này lại xuất hiện.
2. Điều tra
Bác sĩ Lisa không phát hiện một dấu hiệu viêm nào khi bà khám bệnh nhân. Vết thương do giải phẫu ở bụng dài gần bằng một gang tay. Các mô chung quanh vết mổ không cung cấp một manh mối hay dấu hiệu nào tại sao vết mổ không lành. Xét nghiệm máu cho thấy cơ thể có 2,000 tế bào máu trắng (WBC) trên mỗi ml máu — tức không tới 50% so với mức độ bình thường, ngay cả trong tình trạng không bị nhiễm trùng. Còn neutrophils — tức các tế bào máu trắng phục vụ như là đội quân tiền phong của hệ thống miễn dịch — chỉ 500 tế bào trên mỗi ml, quá ít để chống trả nhiễm trùng.
Bác sĩ Lisa làm thủ tục nhập viện cho bệnh nhân, đề nghị chụp X quang để tìm xem có dấu hiệu nào liên quan đến viêm phổi không, xét nghiệm máu và nước tiểu để tìm xem có bị nhiễm trùng nào khác và giúp cho quyết định sử dụng thuốc trụ sinh. Bác sĩ Lisa nghĩ cho dù không có nhiễm trùng, việc điều trị bằng thuốc trụ sinh có thể giúp làm tăng số lượng tế bào máu trắng để tăng cường khả năng miễn dịch.
Sau đó, bác sĩ xem xét kĩ hồ sơ bệnh lí. Bà cảm thấy tò mò về tình trạng thiếu máu trắng của bệnh nhân. Bà có nhiều kinh nghiệm với các bệnh nhân sốt do thiếu tế bào máu trắng, nhưng thông thường nguyên nhân cho tình trạng này khá hiển nhiên. Một bệnh nhân trải qua hóa học trị liệu (chemotherapy) hay sử dụng thuốc điều trị khả năng miễn dịch thường có lượng tế bào máu trắng giảm thấp. Nhưng với bệnh nhân này, tình trạng thiếu tế bào máu trắng được mô tả là “idiopathic” – tức không rõ nguyên nhân; sau hàng loạt xét nghiệm, các bác sĩ vẫn không biết tại sao. Tất cả các xét nghiệm để phát hiện bệnh viêm gan, bệnh HIV, và ngay cả các bệnh miễn dịch và bệnh tuyến giáp đều âm tính. Xét nghiệm bằng sinh thiết cho thấy bệnh nhân thiếu tế bào máu trắng và tế bào máu đỏ. Bà bắt đầu truy tìm trong y văn về tình trạng thiếu tế bào máu trắng ...
Sau khi xem xét bệnh lí và đọc y văn, bác sĩ Lisa có thể đặt ra một số giả thiết khả dĩ. Bệnh nhân uống hàng chục loại thuốc. Có khả năng một trong những loại thuốc này là nguyên nhân làm giảm tế bào máu trắng? Ngoài ra, trong vài nghiên cứu, tình trạng suy dinh dưỡng sau khi giải phẫu dạ dày có thể liên quan hay ảnh hưởng đến quá trình sản suất tế bào máu trắng. Nhưng bệnh nhân đã được xét nghiệm rồi: sắt, sinh tố B12, folate. Tuy nhiên, bệnh nhân chưa được xét nghiệm xem có suy giảm đồng hay không, nhưng suy giảm đồng trong máu là tình huống rất hiếm. Trong khoảng 1/3 trường hợp thiếu tế bào máu trắng, không ai bị chứng giảm đồng trong máu cả.
Chiều hôm đó, vợ bệnh nhân đến gặp bác sĩ, và cho bà xem một danh sách sinh tố mà bệnh nhân đang dùng. Bà dặn bác sĩ “Bác sĩ nhớ cho ông ấy uống mấy sinh tố này nhé, vì ông ấy rất cần chúng.” Bác sĩ Lisa nhìn qua danh sách sinh tố: sắt, can-xi, và đa sinh tố (multivitamin) — những loại “thuốc” phổ biến thường được cho bệnh nhân dùng sau khi phẫu thuật dạ dày, để hạn chế khả năng của cơ thể hấp thụ một số chất dinh dưỡng. Nhưng rồi bác sĩ Lisa để ý đến hai loại sinh bổ sung mà bà ít thấy: sinh tố A và kẽm. Có thể các chất dinh dưỡng bổ sung này dính dáng đến tình trạng thiếu tế bào máu trắng của bệnh nhân?
Sinh tố A nếu dùng ở liều lượng cao có thể độc hại. Ấy thế mà bệnh nhân đang dùng liều lượng cao gấp 10 lần cho phép. Truy tìm trong y văn chẳng thấy tài liệu nào nói đến ảnh hưởng của sinh tố A đến tế bào máu trắng.
Thế còn kẽm? Bác sĩ Lisa không biết nhiều về chất khoáng này, nhưng bệnh nhân đang dùng với liều lượng cao gấp 15 lần so với liều lượng cho phép. Bác sĩ Lisa lại truy tìm trong y văn và … đây rồi! Gần chục báo cáo trong y văn cho biết dùng kẽm ở liều lượng cao làm suy giảm tế bào máu trắng trong máu và thỉnh thoảng gây ra tình trạng thiếu máu. Tìm hiểu thêm thì biết rằng kẽm tự nó không phải là vấn đề; vấn đề là khi cơ thể hấp thụ kẽm và đồng qua thụ bào (receptor). Nếu một cá nhân dùng quá nhiều chất kẽm, cơ thể sẽ giảm khả năng hấp thụ chất đồng. Đồng là một chất khoáng đóng vai trò quan trọng để điều chế máu và mô. Vậy thì bệnh nhân có thể có quá ít chất đồng trong máu và đây chính là nguyên nhân cho tình trạng thiếu tế bào máu trắng?
3. Liệu pháp
Bác sĩ đề nghị bệnh nhân ngưng sử dụng tất cả các sinh tố và xét nghiệm máu để đo nồng độ đồng trong máu. Trước khi nhận được kết quả, hiệu quả đã khá hiển nhiên. Trong vòng vài ngày ngưng sử dụng sinh tố, tế bào máu trắng trở lại mức độ bình thường. Bệnh nhân được cho xuất viện, với một toa thuốc duy nhất: tăng cường chất đồng trong vòng 6 tháng. Khi xét nghiệm đồng xong, kết quả xác định tiên đoán của bác sĩ Lisa là đúng: bệnh nhân thiếu chất đồng trong máu. Vài tháng sau đó, tình trạng thiếu máu cũng được giải quyết xong. Và, quan trọng hơn, vết thương giải phẫu cũng lành lại.
Tại sao bệnh nhân dùng liều lượng sinh tố quá cao? Bác sĩ giải phẫu cho bệnh nhân dùng sau phẫu thuật điều trị chứng sa ruột để làm rút ngắn thời gian lành vết mổ; và suy nghĩ này cũng phù hợp với y văn, nhưng chỉ trong thời gian đầu sau giải phẫu mà thôi. Tuy nhiên, vết mổ chưa lành, và bệnh nhân tiếp tục dùng các sinh tố này. Ngoài ra, bệnh nhân đã từng ra vào bệnh viện nhiều lần sau giải phẫu. Mỗi lần ông nhập viện, bác sĩ bệnh viện lại tiếp tục cho ông uống sinh tố. Cả hai phía, bác sĩ và bệnh nhân, đều không biết được hệ quả của việc uống sinh tố quá nhiều.
Trong y khoa, có thông lệ rằng những chẩn đoán khó nhất thường do các bác sĩ ít kinh nghiệm nhất và các bác sĩ kinh nghiệm lâu năm tìm ra. Bác sĩ kinh nghiệm lâu năm có thể chẩn đoán nhanh vì họ đã quá “quen” với các trường hợp tương tự, cũng giống như thám tử Sherlock Holmes. Bác sĩ trẻ ít kinh nghiệm có thể chẩn đoán các bệnh khó khăn nhất vì họ mới ra khỏi sách vở và có thể theo dõi các đầu mối mà không có một định kiến chủ quan nào, cũng giống như một nhà khoa học trẻ trên hành trình khám phá, không vướng bận với “trường phái” và “lập trường”.
Bác sĩ Lisa nghĩ trong trường hợp này thật là không công bằng cho bệnh nhân chút nào vì bệnh nhân cố gắng làm tất cả những gì ông được khuyên nên làm để chóng hết bệnh, nhưng những gì ông được bác sĩ khuyên lại làm hại ông. Đơn giản là vì chúng ta không nghĩ rằng sinh tố có khi cũng gây tác hại.
(*) Nguyễn Văn Tuấn lược dịch từ bài viết “The Healing Problem” của Lisa Sanders đăng trên New York Times ngày 12/11/2006.