Y học hiện đại và những hứa hẹn
Nguyễn Văn Tuấn
Trong phim Sleeper, Woody Allen thủ vai một nhân vật mà sau vài trăm năm ngủ quên anh ta chợt tỉnh dậy và khám phá nhiều điều thú vị. Một trong những điều quan trọng anh khám phá là thuốc lá có lợi ích cho sức khỏe!
Á à! Ở đây, dĩ nhiên là Woody Allen muốn nói đến tương lai, một tương lai xa, chứ không phải thời đại ngày nay. Bây giờ thì không phải vậy, bởi vì thuốc lá được mọi người, ngay cả những người hút thuốc lá, ghi nhận là có hại cho sức khỏe.
Nhưng nếu tác hại của thuốc lá là một chủ đề cần xét lại trong tương lai, thì hiện nay, chúng ta thấy có khá nhiều thông điệp về sức khỏe rất cần được xét lại. Chẳng hạn như trứng gà. Sau nhiều năm bị tố cáo là thứ thức ăn độc hại vì làm tăng độ mỡ trong máu, ngày nay chúng ta biết rằng trứng gà không đến nỗi tệ hại như người ta hay tô vẽ. Sau một thời gian dài, chúng ta được tuyên truyền rằng không nên ăn bơ nhiều quá, và nên thay bơ bằng một loại “bơ nhẹ” khác mà tiếng Anh gọi là margarine. Thế nhưng ngày nay, chúng ta được biết rằng bơ tốt hơn margarine! Hình như cứ mỗi tháng có một hay hai “sự thật” về dinh dưỡng bị đảo lộn.
Những tưởng chỉ có những “sự thật” về thức ăn và dinh dưỡng thay đổi như thời tiết đổi thay theo chu kì xuân hạ thu đông, thế nhưng không phải thế. Mới đây, chúng ta bị một cú sốc lớn về kích thích tố. Các nhà khoa học vừa công bố một loạt nghiên cứu lớn (những nghiên cứu trên cả triệu tình nguyện viên) cho thấy phụ nữ mãn kinh dùng kích thích tố nữ và progestin (hormone replacement therapy, hay HRT) có nguy cơ bị ung thư vú, nghẽn máu, đột quị, và đau tim cao hơn là những người không dùng HRT.
Phát hiện này thực ra cũng không phải là mới, bởi vì trước đó cũng đã có vài nghiên cứu cho thấy HRT quả có thể gây ra ung thư vú, và dùng HRT lâu năm có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú trong các phụ nữ mãn kinh. Thế nhưng với phát hiện này, cái chân lí lâu đời về lợi ích của HRT mà giới y tế quảng bá bấy lâu nay bị đánh đổ một cách ngoạn mục. Phản ứng trước phát hiện này cực kì nhanh và quyết liệt. Công ti sản xuất HRT, Wyeth Pharmaceutical, mất 24% giá trị trên thị trường chứng khoáng. Hàng triệu phụ nữ hối hả gọi bác sĩ để hỏi là họ có nên tiếp tục dùng HRT hay không.
Có lẽ điều làm công chúng sốc hơn cả là những cái gọi là chân lí mà y học hiện đại rao giảng. Ngày nay, chúng ta biết rằng trong y học hiện đại, không có chân lí, hay nói cho đúng hơn là không có chân lí tồn tại vĩnh viễn kiểu như định lí Pyathagoras trong toán học. Thực vậy, hầu như bất cứ một “sự thật” nào trong y học cũng đều là những sự thật tạm bợ và mong manh, vì nó tùy thuộc vào thời gian, không gian, và thậm chí tùy thuộc vào cả người sản sinh ra nó. Chúng ta biết rằng y học cổ truyền cũng có khi sai, như việc hút máu bằng đỉa, hay giải phẫu thùy não, hay chữa trị bằng điện sốc, v.v... đã gây ra không biết bao nhiêu đau khổ cho nhiều thế hệ. Nhưng chúng ta tưởng rằng khoa học hiện đại tốt hơn như thế chứ. Lầm to. Y khoa hiện đại không hẳn là một bộ môn khoa học.
Nói y học không thì cũng thiếu công bằng. Ngay cả trong khoa học tự nhiên, chân lí nhiều khi cũng mang tính ... tương đối. Hơn một thế kỉ trước đây, lí thuyết cơ học Newton được tâng bốc tận chín tầng mây, nhưng nay thì nó đã bị lật đổ. Ngay cả hai lí thuyết thay thế lí thuyết cơ học Newton, tức lí thuyết tương đối và cơ học lượng tử (quantum mechanics), cũng chưa hoàn toàn nhất trí với nhau. Ba mươi năm về trước, giới khoa học rùm beng tiên đoán rằng hiện tượng lạnh toàn cầu (global cooling) sẽ xảy ra. Ba muơi năm rồi, lạnh đâu thì chưa thấy, nhưng ngày nay, họ (cũng chính những nhà khoa học đó) lại cảnh báo rằng chúng ta sẽ phải kinh qua một giai đoạn nóng toàn cầu (global warming).
Theo đà “tiến bộ” này, tôi cam đoan rằng trong 30 năm tới chắc chắn chúng ta lại có thêm một lí thuyết – à không, giả thuyết – mới về khí tượng học, về một mối đe dọa mới, một nô lệ mới.
Vấn đề chính là như thế này: ngay cả những lí thuyết khoa học tinh vi nhất cũng không thoát khỏi những hạn chế về phương pháp, khó khăn về mô hình, ràng buộc về chọn mẫu, và không thể nào tránh khỏi những sai sót ngẫu nhiên trong quá trình đo lường. Mà có nhầm lẫn thì phải có xét lại. Đó là đặc tính chính của khoa học.
Trong y khoa, những lời công bố long trọng về khám phá thường được phổ biến rộng rãi, bởi vì nó dính dáng đến mạng sống con người, và cũng vì thế mà những xét lại thường làm cho người ta phải sốc. Thế nhưng xét lại trong y khoa là một hiện tượng rất thông thường. Hồi tôi còn nhỏ, tôi nghe nói trẻ con như tôi phải cắt a-mi-đan (tức là tonsillectomy). Nó giống như là một cái nghi thức trong quá trình trưởng thành vậy. Ấy thế mà bây giờ tôi mới biết việc cắt a-miđan là việc không cần thiết. Chẳng những không cần thiết, vô dụng, mà có khi còn làm tổn hại đến sức khỏe trẻ em. Cũng thời đó, mỗi khi bị cảm lạnh là người thầy thuốc cho thuốc trụ sinh uống. Rồi ngày nay, chúng ta biết rằng đối với những chứng bệnh cảm lạnh như thế, thuốc trụ sinh là không cần thiết. Chẳng những không cần thiết mà nó còn làm cho một thế hệ dân số nói chung trở nên đề kháng với thuốc trụ sinh.
Suốt mấy chục năm trời, phụ nữ không may bị ung thư vú được chữa trị bằng cách cắt bỏ cả hai vú, một phẫu thuật rất xâm phạm và gây biến dạng cơ thể của người phụ nữ. Lúc đó có người đề nghị một ý là nên chữa trị phụ nữ với ung thư vú bằng cách cắt bỏ vùng vú bị ảnh hưởng mà thôi (tức là lumpectomy), và đề nghị này bị đem ra chế giễu mấy mươi năm liền; nhưng ngày nay đó là một phương pháp chữa trị thông dụng nhất.
Một trong những huyền thoại mà tôi thích nhất là con số 98.6. Đó là nhiệt độ trung bình của cơ thể con người, 98.6 độ F. Đó là một con số mà sinh viên y khoa nào cũng phải biết ngay từ năm đầu vào trường y. Thế rồi, vào năm 1992 Tập san của Hiệp hội Y học Hoa Kỳ (Journal of the American Medical Association) công bố một nghiên cứu cho thấy nhiệt độ trung bình của con người thực sự là 98.2 độ F. Thế thì con số 98.6 từ đâu mà ra? Trả lời: nó xuất phát từ một ông y sĩ người Đức tên là Carl Wunderlich. Năm 1868, ông Wunderlich phán rằng nhiệt độ trung bình của con người là 98.6, và suốt hơn 100 năm trời, chẳng ai buồn tình đặt câu hỏi cách tính toán hay thu thập số liệu của ông ta ra sao!
Huyền thoại trong y khoa vẫn tiếp tục, và sẽ còn tiếp tục. Chúng ta từng nghe tuyên bố như đinh đóng cột rằng bệnh truyền nhiễm đã bị chinh phục. Thế rồi HIV đến với chúng ta. Chúng ta từng nghe rằng bệnh suyễn là một bệnh tâm lí, rằng loét bao tử là do thần kinh căng thẳng hay a-xít bao tử gây ra, v.v... Có thời, lúc mà phân tâm học đang trong thời lên như diều gặp gió, giới thượng lưu ở New York thường gửi con cái họ trong tình trạng khỏe mạnh đi … phân tâm trị liệu!
Biết bao nhiêu điều vô duyên. Biết bao nhiêu tổn hại. Nỗi đam mê ngày nay là một bộ môn y học mà tôi tạm gọi là y học tái sinh, hay “regenerative medicine”. Đó là tế bào mầm, là tạo sinh vô tính. Cứ theo như những người đang mê với thời trang y học tái sinh này, mai kia mốt nọ, bất cứ cơ phận nào trong cơ thể chúng ta cũng đều có thể trồng, cấy, và thay đổi, y như thay đổi các bộ phận trong cái xe già nua vậy. Mới nghe qua, ai trong chúng ta chẳng thốt lên: “Tuyệt”. Mà cũng có thể tuyệt vời đấy. Nhưng cũng có thể chỉ là một huyền thoại, như bao nhiêu huyền thoại khác trong thời gian qua.
Tôi nói như thế không phải là quá đáng đâu nhé. Chúng ta còn nhớ rằng đây không phải là lần đầu chúng ta nghe đến một phương pháp chữa trị bách bệnh đâu. Chúng ta từng nghe qua về việc cấy các tế bào thai để chữa các bệnh suy thoái theo tuổi già, từng nghe đến những kĩ thuật tái sản xuất tế bào (angiogenesis) để chữa trị ung thư ... Tất cả những cái đó đều rất tuyệt vời trên giấy, trên làng sóng phát thanh, truyền hình, nhưng chưa có cái nào trở thành thực tế cả.
Nói như thế không có nghĩa là việc nghiên cứu tế bào mầm là vô dụng. Nhưng nói như thế để nhắc nhở bạn đọc rằng mỗi khi nghe hay đọc một bản tin về một phát hiện huyền diệu trong y khoa, bạn nên cảnh giác, nên đặt câu hỏi một cách nghiêm túc. Điều cần nhớ là đại đa số những lợi ích mà giới y tế quảng bá về khám phá khoa học là những suy đoán, đoán già, đoán non, trong cái thời đại mà cỉ mới hôm qua đây thôi, họ vẫn chưa thể nói cho công chúng biết được những ảnh hưởng thực của HRT.
Không chừng trong Sleeper, cái thông điệp về sự tương đối trong các chân lí khoa học mà Woddy Allen muốn gửi gắm đến chúng ta cũng đáng để ý đấy.