Đừng quên melamine trong các thực phẩm khác!
Nguyễn Văn Tuấn
Các giới chức y tế nước ta đang tập trung nhân lực vào việc phát hiện melamine trong sữa. Thông tin này làm cho công chúng hoang mang và thắc mắc là trẻ em có nên uống sữa hay không. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đích thân đến siêu thị để xem xét sữa xem có bị pha trộn melamine hay không. Theo báo chí, Việt Nam đã có 18 hiệu sữa được phát hiện hàm chứa melamine, còn trên trên thế giới đã có hơn 35 sữa bột có vết melamine.
Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng không phải chỉ sữa mới bị pha trộn melamine; còn nhiều thực phẩm nữa cũng đã được phát hiện hàm chứa melamine. Danh sách mà các sản phẩm và thức ăn hàm chứa melamine rất dài, kể cả:
- Các giới chức ở Hồng Kông cho biết họ phát hiện vết melamine trong bánh gạo rang dòn (cereals and crackers) cho trẻ em do một công ti của Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra, melamine còn tìm thấy trong bánh kem do Trung Quốc sản xuất.
- Bánh biscuit cũng chứa melamine ở Hà Lan.
- Cà phê hiệu Brown.
- Trà bán trong siêu thị Unilever, thậm chí kẹo chocolate nổi tiếng Cadbury cũng chứa melamine đã được tìm thấy ở Hồng Kông.
- Hai loại bánh “snacks” hiệu Ritz.
- Kẹo ngọt ở Nhật bị thu hồi.
- Ở Hàn Quốc, có đến 305 sản phẩm từ Trung Quốc bị tẩy chay.
- Ở Nam Dương, cơ quan y tế tìm thấy melamine trong 12 loại thực phẩm từ Trung Quốc, trong số này có bánh biscuit, kẹo, và nước ngọt.
Thật ra, hầu hết các thực phẩm được chế biến bằng qui trình công nghiệp đều không ít thì nhiều hàm chứa hóa chất có thể độc hại cho sức khỏe. Bao bì bằng nhựa và nylon thường hàm chứa một hay nhiều hóa chất như polyethylene (sử dụng cho bình sữa, bao bì chứa nước ngọt, ngũ cốc, v.v…), polyethylene terephthalate (tức PET hay PETE), polypropylene, polyvinyl chloride (PVC). Ớt bột chứa chất sudan, một loại hóa chất có thể gây ung thư. Benzene trong nước ngọt, nước trái cây, nước khoáng có pha mùi trái cây, nước ngọt tạo năng lực (enery drink). Vân vân …
Nhiều người có lẽ không biết rằng rất nhiều thực phẩm bày bán ở các siêu thị như thịt bò, thịt heo, thịt gà, v.v… đều hàm chứa các hormone tăng trưởng nhân tạo (synthesis growth hormone) và một số hóa chất có hại cho sức khỏe. Cũng giống như trường hợp melamine trong sữa, nhiều nhà sản xuất sử dụng hormone tăng trưởng để gia tăng năng suất thịt trong một thời gian ngắn. Thật ra, từ thập niên 1950s, nông dân Âu châu đã sử dụng estrogen nhân tạo tăng trưởng để tăng trọng lượng gà một cách nhanh chóng (hóa chất này có thể gây ung thư).
Những sự thật trên đây cho thấy nếu các giới chức y tế (hay bất cứ ai) chịu khó tìm tòi, xét nghiệm, hay soi rọi thì chắc chắn sẽ phát hiện nhiều hóa chất độc hại khác, chứ không riêng gì melamine. Thật ra, cho đến nay, chưa có thông tin nào cho thấy melamine gây tác hại đến sức khỏe của người dân ở nước ta. Nhưng hàng ngày, người dân phải trực diện với hàng loạt thực phẩm khác có khi còn độc hại hơn cả melamine mặc dù chẳng được báo chí chú ý đến.
Vấn đề, do đó, không phải là thực phẩm hay sữa có hay không có hàm chứa melamine (hay hóa chất khác); mà là liều lượng an toàn là bao nhiêu. Theo các chuyên gia ở New Zealand và Âu châu thì nồng độ melamine an toàn trong sữa và thực phẩm là 5 ppm (5 phần triệu). Nồng độ này được đưa ra với tinh thần bảo thủ (tức thấp hơn 100 lần cho phép). Cần nói thêm rằng 5 ppm có nghĩa tương đương với 1 giọt mực trong một bồn 52 lít nước. Cho đến nay, chưa có sữa nào từ Việt Nam được xét nghiệm hàm chứa nồng độ đó.
Vấn đề cũng không phải là melamine, mà còn là các hóa chất độc hại khác. Thật vậy, theo báo Đất Việt trích dẫn nguồn Tổ chức y tế thế giới thì hàng năm có hàng triệu người Việt bị nhiễm độc chất qua thực phẩm, phơi nhiễm hàng hóa độc hại và môi trường. Vẫn theo nguồn tin này, có gần 1 phần 4 rau quả nhập vào Việt Nam có chất bảo quản độc hại. Nhìn như thế để thấy rằng vấn đề melamine chỉ là vấn đề nhỏ trong một tổng thể gồm nhiều hóa chất độc hại hơn mà người tiêu dùng phải tiếp nhận hàng ngày.
Ấy thế mà hiện nay người ta cố công truy tìm melamine trong sữa, nhưng lại chẳng quan tâm đến các nguồn độc hại khác. Đọc qua những phản ứng liên quan đến sự việc melamine tôi có cảm giác như đọc lại những câu chuyện mà giới trí thức thời Byzantine bận rộn với câu hỏi có bao nhiêu thiên thần có thể nhảy nhót trên một cây kim!
Cũng có thể lí giải rằng người ta lấy trường hợp melamine để làm gương, để gây phong trào. Nếu đó là một phong trào thì tôi e rằng cũng như bao nhiêu phong trào khác, mọi việc đâu cũng sẽ vào đấy khi phong trào đi vào giai đoạn kết thúc như bong bóng bị xẹp vì không còn không khí.
Trong cuộc sống đa chiều và chịu nhiều phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta khó mà đòi hỏi một sự an toàn tuyệt đối. Nguy cơ là một thực tế mà chúng ta phải đương đầu trong cuộc sống, bởi vì không có một sản phẩm nào, kể cả sản phẩm thiên nhiên, có độ an toàn tuyệt đối. Ngay cả thuốc để điều trị bệnh cũng không phải hoàn toàn an toàn. Bên cạnh những lợi ích là những rủi ro và nguy cơ. Nhận thức về những nguy cơ trong cuộc sống hàng ngày là một điều cần thiết. Nhưng nhận thức như thế là để chúng ta biết những điều không nên hành động, chứ không phải để thụ động và đòi hỏi thế giới phải tuyệt đối an toàn.
Vấn đề không phải là tránh nguy cơ, mà là cân bằng giữa lợi và hại. Sự cân bằng này tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Một người 80 tuổi có thể không quan tâm đến việc thưởng thức một trái táo dù biết biết rằng hóa chất bảo quản trái táo có vết hóa chất có thể gây độc hại. Nhưng một trẻ em thì không có cái xa xỉ để ăn loại táo đó trong suốt quãng đời của mình.
Theo dõi phản ứng của giới báo chí trong thời gian gần đây, tôi thấy nước ta dần dần có xu hướng phản ứng hoảng loạn như ở Mĩ, Anh, Úc, v.v… Trong khi đó, trong các xã hội như Pháp, Bỉ, Đức, và Nhật, người dân tỏ ra bình tĩnh, và có chừng mực, có cân nhắc. Có lẽ cách hay nhất là chúng ta nên tìm thêm thông tin và bằng chứng để hiểu rõ vấn đề. Không nên đặt niềm tin vào các “chuyên gia”, bởi vì cách hiểu và diễn giải của các chuyên gia đôi khi cũng không khách quan, không đầy đủ, thậm chí sai. Một khi có đầy đủ thông tin, chúng ta mới có thể ở một vị trí quyết định hành động. Nói chung, thái độ khoan dung tăng theo tỉ số thuận với lượng thông tin chúng ta có được: khi chúng ta có đầy đủ thông tin, chúng ta sẽ trở nên kiên nhẫn và bình tĩnh hơn, và tránh phản ứng theo hoảng loạn theo kiểu Mĩ, Anh, hay Úc.