Ước vọng 200 ?
Nguyễn Văn Tuấn
Tôi gọi ý định đến năm 2020 đưa một đại học Việt Nam nằm trong danh sách top 200 trên thế giới mà ngành giáo dục nước ta nói đến là “Ước vọng 200”. Ước vọng là vì mục tiêu này thiếu tính thực tế. Nhưng quan trọng hơn là phấn đấu để có trong danh sách top 200 của ai? Thật ra, chẳng có danh sách nào và chẳng có tiêu chí nào trong các danh sách đó được xem là mang tính khoa học và hợp lí. Do đó, không cần và không nên chạy theo những mục tiêu mơ hồ như thế; thay vào đó, nên tập trung đầu tư vào những việc thực tế hơn để nâng cao tiêu chuẩn đào tạo ở trình độ quốc tế, sao cho sinh viên khi tốt nghiệp có thể hội nhập với cộng đồng quốc tế dễ dàng.
Ước vọng thiếu thực tế
Không phải chỉ riêng nước ta có ước vọng 200, mà ngay tại Úc, một số đại học cũng từng có ước vọng này, nhưng nay thì họ đang xét lại mục tiêu đó có xứng đáng để tập trung tài lực hay không. Trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, bất cứ ai có quan tâm đến giáo dục đại học nước nhà đều có thể nói rằng ước vọng 200 vẫn chỉ là ước mơ và nguyện vọng vì nó rất khó thành hiện thực.
Có nhiều nhóm truyền thông đứng ra lập những danh sách “top 200” và “top 500” cho các trường đại học trên thế giới nhằm mục tiêu hướng dẫn “khách hàng” và sinh viên. Trong số này phải kể đến nhóm Phụ trang giáo dục đại học của tờ Thời báo (THES – Times Higher Education Supplement) và nhóm thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải (GTTH) được nhiều người biết đến từ 2003. Hai nhóm này sử dụng những tiêu chí khác nhau để đánh giá và xếp hạng đại học. Các tiêu chí mà THES sử dụng là: đánh giá của giới khoa bảng từ các trường khác ; số sinh viên tốt nghiệp làm việc trong các công ti toàn cầu ; phần trăm giáo sư là người nước ngoài ; phần trăm sinh viên là người nước ngoài ; tỉ số sinh viên / giáo sư ; và số lần trích dẫn tính trên đầu mỗi giáo sư. Nhóm GTTH dựa vào một số tiêu chí chính như số nhà khoa học đoạt giải Nobel và giải Fields; số nhà khoa học có công trình được trích dẫn nhiều; số bài báo nguyên thủy trên các tập san Science và Nature; tổng số bài báo công bố trên các tập san quốc tế.
Trong những tiêu chí trên, chúng ta thấy tiêu chí quan trọng nhất của một đại học top 200 hay “đẳng cấp quốc tế” là nghiên cứu khoa học. Một thước đo chính về nghiên cứu khoa học là số lượng và chất lượng bài báo khoa học được công bố trên các tập san quốc tế. Tính đến tháng 10 năm 2008, các nhà khoa học Việt Nam công bố được 910 bài báo khoa học. Con số này chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/5 của Singapore. Tôi ước tính rằng nếu sự tăng trưởng như hiện nay được duy trì, thì đến năm 2020, con số bài báo khoa học của Việt Nam còn thấp hơn con số của Thái Lan hay chỉ bằng 1/3 của Singapore năm 2008. Cả Thái Lan và Singapore chưa có đại học nào được xem là đẳng cấp quốc tế.
Thật ra, có đến 60% những công trình khoa học Việt Nam được công bố trên các tập san quốc tế là do hợp tác hay làm việc chung với các nhà khoa học ngoại quốc. Nói cách khác, chỉ có khoảng 40% công trình nghiên cứu là “thuần Việt”, tức do các nhà khoa học Việt Nam chủ trì và thực hiện. Do đó, trong thực tế, thực lực khoa học nước ta còn rất thấp, chưa đủ để cạnh tranh trên trường quốc tế.
Đó là số lượng, còn chất lượng thì vẫn còn quá thấp. Đại đa số những nghiên cứu khoa học của Việt Nam chỉ công bố trên những tập san có hệ số ảnh hưởng rất thấp. Ở bất cứ lĩnh vực khoa học nào, chỉ số trích dẫn của các nghiên cứu Việt Nam thuộc vào hàng thấp nhất. Nhiều công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực "mạnh" của Việt Nam có số lần trích dẫn không cao và có thể chẳng có ảnh hưởng gì lớn trên thế giới. Khoảng 20 đến 30% các bài báo về toán và vật lí Việt Nam chưa bao giờ được ai trích dẫn. Tỉ lệ không trích dẫn này trong ngành kĩ thuật lên đến 41% ! Nói cách khác, có nhiều nghiên cứu từ Việt Nam chẳng ai quan tâm.
Chúng ta chưa có nhà khoa học nào được trao giải Nobel hay giải Fields. Chúng ta chưa có những công trình khoa học thuần Việt trên các tập san khoa học hàng đầu như Nature, Cell, Science, v.v… Chúng ta chưa có những nhà khoa học có trích dẫn cao (highly cited researchers). Nói tóm lại, trong bất cứ tiêu chí nào, khoa học Việt Nam nói chung và trường đại học Việt Nam nói riêng xuất phát từ một vị thế rất bất lợi để phấn đấu vào danh sách "Top 200".
Do đó, những ai qun tâm đến giáo dục đại học đều biết rằng ước vọng 200 khó thành hiện thực, chứ không không phải đợi đến một nhà khoa học giáo dục người Úc lịch sự nói “Việt Nam chưa sẵn sàng cạnh tranh được một cách nghiêm túc trên cơ sở công bố công trình và khối lượng được trích dẫn" và “Tóm lại con đường dẫn đến bảng xếp hạng 200 trường ĐH hàng đầu do Trường ĐH Giao thông Thượng Hải công bố đối với ĐH Quốc gia Hà Nội hay một trường ĐH nào khác của VN là một con đường dài và việc đạt được nó vào năm 2020 là nằm ngoài khả năng hiện thực.” (Tuổi Trẻ, 14/11/2008).
Những tiêu chí thiếu tính khoa học
Như nói trên, có nhiều nhóm lập ra những danh sách top 200, nhưng chẳng có danh sách nào, kể cả danh sách của GTTH, được xem là có cơ sở khoa học vững vàng cả; đó chỉ là những danh sách phục vụ cho mục tiêu thương mại, chứ không phải khoa học.
Xin lấy các tiêu chí của GTTH để phân tích. Thứ nhất là đếm số nhà khoa học chiếm giải Nobel hay giải Fields, tuy phản ảnh một phần nào về chất lượng nghiên cứu khoa học của trường, nhưng trong thực tế thì không hẳn như thế, bởi vì nhiều nhà khoa học đang tại chức tại một đại học từng chiếm giải Nobel nhờ các công trình nghiên cứu thực hiện ở trường khác. Trong số 22 nhà khoa học chiếm giải Nobel y học 1997-2006, có đến 15 người là nhờ công trình nghiên cứu từ trường khác trước khi tham gia trường hiện tại. Do đó, tiêu chí này phản ảnh khả năng thu hút nhân tài, chứ không hẳn phản ảnh chất lượng nghiên cứu khoa học.
Thứ hai là số nhà khoa học có nhiều trích dẫn tuy trên lí thuyết thì có vẻ phản ảnh chất lượng khoa học, nhưng trong thực tế thì không đơn giản như nhóm GTTH làm. Lí do đơn giản là chỉ số trích dẫn tùy thuộc vào cơ sở dữ liệu sử dụng. Ngoài ra, còn có vấn đề tác giả. Chẳng hạn như một bài báo với 1 tác giả được trích dẫn 100 lần và một bài báo với 865 tác giả (và nhà khoa học đứng tên tác giả số 342) cũng được trích dẫn 100 lần không thể xem tương đương, nhưng cách làm của GTTH thì lại xem là tương đương! Thêm vào đó là chỉ số trích dẫn thường tính cho 2 thập niên trước, như vậy không phản ảnh chất lượng hiện tại. Trong số 10 tác giả có chỉ số trích dẫn cao trong thời gian 1996-1999, 5 người đã chuyển chỗ làm hay qua đời.
Thứ ba là số bài báo trên tập san Science và Nature không hẳn phản ảnh chất lượng nghiên cứu khoa học, bởi vì trong thực tế có nhiều tập san khác có hệ số ảnh hưởng (impact factor) cao hơn Science và Nature rất nhiều. Nên nhớ rằng trong số những bài báo được trích dẫn nhiều, chỉ có 22% được công bố trên hai tập san này. Do đó, tính hợp lí (validity) của số bài báo trên Science và Nature có vấn đề nghiêm trọng.
Thứ tư là số lượng bài báo trên các tập san cũng tùy thuộc vào cơ sở dữ liệu sử dụng. Số lượng bài báo chắc chắn không nói lên ảnh hưởng của các bài báo này. Đó là chưa tính đến tình trạng “salami publication” (kiểu cắt nem chua ra từng miếng nhỏ), tức là công bố nhiều bài báo để nâng số lượng mà chẳng quan tâm đến chất lượng.
Nói tóm lại, không có một tiêu chí nào có tính hợp lí cao, và cũng chẳng có một cách làm nào của GTTH và THES được xem là mang tính khoa học. Đó là sự thật. Chính vì thế mà hai danh sách này không nhất quán với nhau. Một số trường xuất hiện trên danh sách top 200 của THES thì lại vắng mặt trong danh sách của GTTH (và ngược lại). Theo xếp hạng năm 2006, 4 trong số 50 trường hàng đầu của GTTH không nằm trong top 500 của THES. Có thể xem qua danh sách trong bảng sau để thấy sự bất hợp lí của cách xếp hạng.
Một số đại học trong danh sách top 70 của GTTH nhưng không có trong top 500 của THES |
Một số đại học trong danh sách top 70 của GTTH nhưng không có trong top 500 của THES |
· University of California, San Francisco (GTTH hạng 18) · ĐH Rockefeller (GTTH hạng 30) · ĐH Paris 6 (GTTH hạng 45) · Viện Karolinska (GTTH hạng 48)
|
· Fondation des Scienes Politique (THES hạng 52) · Ecole Polytech fed Lausanne (THES hạng 64) · Indian Institutes of Management (THES hạng 68) · School of Oritental and African Studies (THES hạng 70) |
Biểu đồ sau đây cho thấy chẳng có mối tương quan nào giữa xếp hạng của THES và GTTH. Một số trường trong danh sách top 50 của GTTH thậm chí không nằm trong danh sách top 500 của THES. Tính tổng cộng, chỉ có 133 trường nằm trong cả hai danh sách! Phân tích này một lần nữa cho thấy cách xếp hạng của cả hai nhóm không đáng tin cậy.
Biểu đồ về mối tương quan giữa xếp hạng top 500 của THES (trục hoành) và xếp hạng top 500 của Đại học GTTH (trục tung). Nguồn: Ioannidis JAP, et al. BMC Medicine 2007;5:30. |
Chính vì tính phi khoa học này nên trong thực tế đã xảy ra chuyện khôi hài. Năm 2004, Đại học Malaya (một đại học lâu đời nhất của Mã Lai) được THES xếp hạng 89. Trước “tin vui” này, hiệu trưởng trường ra chỉ thị treo biển to tướng ở cổng trường với hàng chữ “University of Malaya a world’s top 100 university”. Nhưng chỉ một năm sau, khi THES xếp hạng lại thì Đại học Malaya tụt xuống hạng 169, dù trong thời gian ngắn đó đại học này chẳng có thay đổi gì về nghiên cứu khoa học hay nhân sự! Hệ quả là sau đó vị hiệu trưởng này mất chức.
Chính vì những bất cập và phi khoa học này mà có tác giả đã nghiêm khắc cảnh báo rằng cách xếp hạng hiện nay có thể gây tác hại cho khoa học và giáo dục.
Có cần xem trọng danh sách top 200 ?
Nhưng một câu hỏi nghiêm túc cần đặt ra là chúng ta có cần tập trung công sức tài lực để chỉ có tên trong danh sách top 200? Theo tôi thì không, chúng ta không cần phải có tên trong danh sách đó. Chúng ta không cần quá bận tâm với những danh sách đó, vì như tôi trình bày trên, chẳng có danh sách nào mang tính khoa học và đáng tin cậy.
Thế thì chúng ta cần tập trung vào vấn đề gì ? Giáo dục đại học bao gồm việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập. Có thể xem ba khía cạnh đó của giáo dục đại học là một hệ thống đặc trưng bởi ba khía cạnh trên. Vì là hệ thống nên phải có đầu vào (input), qui trình (process), và đầu ra (output). Do đó, chất lượng giáo dục đại học là tập hợp một số nguyên tố liên quan đến đầu vào, qui trình đào tạo, và đầu ra. Chúng ta nên tập trung để nâng cao tiêu chuẩn cho ba khía cạnh trên.
Đầu vào là những tiêu chuẩn liên quan đến sinh viên được nhận vào học tại trường đại học. Hiện nay chúng ta có quá nhiều đại học nhưng chất lượng đầu vào là một câu hỏi lớn. Một số nghiên cứu cho thấy số điểm trung bình của thí sinh được nhận vào đại học có tương quan đến số điểm tốt nghiệp: sinh viên với số điểm cao lúc nhập học đại học thường là những sinh viên có xác suất tốt nghiệp đại học cao. Nếu xem điểm thi tốt nghiệp hay điểm tuyển sinh đại học phản ảnh trình độ của học sinh, thì trường có nhiều học sinh giỏi cũng có nghĩa là môi trường học tập được nâng cao, và qua đó tác động tích cực đến chất lượng giáo dục của trường.
Qui trình ở đây bao gồm các tiêu chuẩn liên quan đến người thầy, giảng dạy, cơ sở vật chất cho học tập, nghiên cứu khoa học, và cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ dành cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Giáo dục đại học bao gồm giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Có thể nói chung rằng "sức khỏe tài chính" của một trường được phản ảnh qua sự tài trợ hay thu hút tài trợ từ Nhà nước và các nguồn tư nhân. Nhưng sử dụng tài chính vì lợi ích của sinh viên cần được quan tâm đặc biệt; vì thế, các tiêu chuẩn như chi tiêu, dịch vụ, cơ vật chất, v.v…
Ở bậc đại học, người thầy (hay cô) không chỉ đơn giản là một người giảng bài, mà còn là một chuyên gia về một lĩnh vực chuyên môn (khác với bậc trung học, người thầy không phải là một chuyên gia). Để truyền đạt hữu hiệu đến sinh viên, ngoài những kĩ năng sư phạm, người thầy cần phải có kiến thức về chuyên ngành để có thể khai triển những lí thuyết và ý tưởng từ nội dung của giáo trình. Những kiến thức này có thể tiếp thu qua nghiên cứu khoa học. Nhưng “hộ chiếu” để làm nghiên cứu khoa học là học vị tiến sĩ. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy các trường đại học Tây phương xem văn bằng tiến sĩ như là một tiêu chuẩn tối thiểu để được bổ nhiệm làm giảng viên hay giáo sư đại học. Một phần lớn các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục đại học xoay quanh trình độ của người thầy và nghiên cứu khoa học.
Sản phẩm chính của nghiên cứu khoa học là những bài báo khoa học công bố trên các tập san quốc tế. Những bài bào hay công trình có chất lượng cao thường được công bố trên các tập san có chỉ số ảnh hưởng (impact factor) cao, hoặc có số lần trích dẫn (citations) cao. Do đó, một tiêu chuẩn được đa số chuyên gia chấp nhận là chuẩn mực để đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học là số bài báo khoa học được công bố trên các tập san quốc tế tính trên mỗi GV/GS và số lần trích dẫn các bài báo khoa học từ trường trong vòng 2 năm qua tính trên mỗi GV/GS. Ngoài ra, một số tiêu chuẩn khác cũng phản ảnh uy tín của trường là số bằng sáng chế (patent) đã được công nhận và đăng kí với một cơ quan bản quyền quốc tế, số giáo sư và sinh viên nước ngoài theo học tại trường, và số bằng khen hay số lần các giáo sư được mời làm chủ tọa các hội nghị quốc tế.
Nhưng nghiên cứu khoa học đòi hỏi cơ sở vật chất, và đặc biệt là thông tin (thư viện) và các thiết bị để sử dụng, kể cả công nghệ thông tin. Một đại học có chất lượng tối thiểu cũng phải có đủ không gian (kể cả bàn, ghế) cho giảng dạy, có phòng labo với thiết bị đầy đủ cho thí nghiệm và thực tập, có hệ thống hỗ trợ bằng công nghệ thông tin để giảng viên và học sinh có thể truy cập internet miễn phí, và nhất là hệ thống thư viện. Có thể nói không ngoa rằng thư viện và công nghệ thông tin là bộ mặt của một trường đại học. Cho dù một đại học có 100% giảng viên với trình độ tiến sĩ, mà không có thư viện tốt hay thiết bị công nghệ thông tin dồi dào thì cũng trường đại học không thể nào làm nghiên cứu khoa học tốt, không thể nào giảng dạy tốt được. Đề cập đến chất lượng giáo dục đại học nhất định phải đề cập đến các chỉ tiêu quan trọng về đầu tư cho thư viện và công nghệ thông tin.
Đầu ra là những tiêu chuẩn phản ảnh tình trạng của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Giáo dục bậc cao có bốn chức năng chính: một là đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cá nhân về tri thức, để họ có thể tự khai thác tiềm năng của mình và cống hiến lại cho xã hội; hai là cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, cần thiết cho sự tăng trưởng và giàu mạnh của một nền kinh tế hiện đại; ba là khai hóa xã hội, hướng dẫn dư luận, góp ý về đường lối và chính sách của nhà nước; và bốn là thu thập hay sáng tạo ra kiến thức qua nghiên cứu và chuyển giao những kiến thức này đến xã hội. vì thế, “sản phẩm” chính của giáo dục đại học là sinh viên tốt nghiệp với trình độ chuyên môn cao. Đây cũng là những tiêu chuẩn khó định lượng chính xác, vì các chuyên gia vẫn chưa nhất trí cách đánh giá. Tuy nhiên, người ta ghi nhận rằng danh tiếng (phản ảnh gián tiếp chất lượng giáo dục) của một trường đại học thường gắn liền sự sự thành đạt của sinh viết nghiệp từ trường đó. Các đại học như Harvard, Yale, Princeton, v.v… sở dĩ có tiếng trên thế giới là vì những sinh viên tốt nghiệp từ các trường này thường giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy kinh tế hay Nhà nước. Do đó, các tiêu chuẩn trong phần “đầu ra” cụ thể là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp, có việc làm, sự hài lòng của doanh nghiệp hay cơ quan tuyển dụng, sinh viên quay lại theo học tiếp cấp thạc sĩ hay tiến sĩ, v.v…
Do đó, theo tôi, thay vì chạy theo một mục tiêu mơ hồ mang tính truyền thông như có trong danh sách top 200 hay top 500 như ngành giáo dục đề ra, chúng ta cần và nên phát triển những tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đầu vào, qui trình đào tạo, và đầu ra. Mục tiêu hàng đầu và thật sự của đại học là đào tạo những chuyên gia có kiến thức và kĩ năng đóng góp vào phát triển kinh tế và hội nhập khoa học quốc tế, chứ không phải có tên trong danh sách top 200. Do đó, cần nên tập trung sức lực vào những việc thực tế hơn để dần dần nâng cao tiêu chuẩn đào tạo ở trình độ quốc tế, sao cho sinh viên khi tốt nghiệp có thể hội nhập với cộng đồng quốc tế dễ dàng (chứ không phải như hiện nay chúng ta bị xem thường). Một khi tiêu chuẩn đã đạt chuẩn quốc tế thì mục tiêu top 200 hay top 500 không còn là vấn đề nữa.