Chiều cao của người Việt
Nguyễn Văn Tuấn
Tôi cực kì ngạc nhiên khi đọc trên Thanh Niên một phát biểu cho rằng "so với người trưởng thành ở Nhật Bản cùng nhóm tuổi thì người Việt Nam vẫn còn thấp hơn 10 cm" (Thanh Niên Online 13/3/2006 [1]). Thật ra, tôi có lí do để cho rằng có lẽ đây là một phát biểu sai.
Trong một nghiên cứu gần 2500 phụ nữ Nhật [2] trong độ tuổi trưởng thành (từ 18 đến 79 tuổi), chiều cao trung bình được ghi nhận là 153,4 cm. Một nghiên cứu trên 1400 phụ nữ Việt Nam trong cùng độ tuổi (do chúng tôi tiến hành ở Việt Nam) cho thấy chiều cao trung bình là 153,9 cm. Trong nam giới, chiều cao trung bình của người Nhật là 164,5 cm. Nghiên cứu trên gần 700 đàn ông Việt Nam của chúng tôi cho thấy chiều cao trung bình là 164,3 cm [3]. Nếu xem xét đến những dao động về chọn mẫu, chúng ta dễ dàng thấy chiều cao của người Việt Nam tương đương (chứ không thể nói rằng thấp hơn) chiều cao người Nhật.
Thật ra, cũng có thể nói rằng chiều cao người Việt Nam hiện nay cũng tương đương với chiều cao người Thái Lan [4] (165 cm ở nam giới và 155 ở nữ giới), và người Trung Quốc [5] (164 ở nam giới và 155 ở nữ giới).
Trobg một quần thể, mức độ khác biệt về chiều cao giữa các cá nhân khá lớn. Những khác biệt này phần lớn là do di truyền mà ra. Thật vậy, rất nhiều nghiên cứu (kể cả nghiên cứu của người viết bài này) trong hơn 50 năm qua cho thấy các yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến độ khác biệt về chiều cao giữa các cá nhân từ 65% đến 87%. Tôi chưa thấy (xin nhắc lại để nhấn mạnh: “chưa thấy”) nghiên cứu nào cho rằng các yếu tố di truyền chỉ ảnh hưởng đến chiều cao chỉ 23% như bài báo trên phát biểu.
Để chứng minh cho phát biểu đó, tôi xin trình bày kèm theo đây biểu đồ tương quan về chiều cao của các cặp sinh đôi một hợp tử (còn gọi là monozygotic twins, tức là hai người có cùng gen) và các cặp sinh đôi hai hợp tử (dizygotic twins, hai anh em có khác gen) dưới đây. Như thấy trong biểu đồ phía trái, các cặp sinh đôi có cùng gen rất giống nhau về chiều cao; ngược lại, các cặp sinh đôi hai hợp tử không hoàn toàn giống nhau về chiều cao. Điều này cho thấy rõ ràng rằng các yếu tố di truyền đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định chiều cao của một cá nhân.
Biểu đồ chỉ mối tương quan giữa các cặp sinh đôi một hợp tử (monozygotic twins; hình bên trái) và các cặp sinh đôi hai hợp tử (dizygotic twins, hình bên phải). Trong mỗi biểu đồ, trục hoành là chiều cao của người sinh đôi thứ nhất (twin 1), và trục tung là chiều cao của ngừơi sinh đôi thứ hai (twin 2). Chiều cao được tính bằng cm. Hệ số tương quan cho nhóm sinh đôi cùng hợp tử là 0,96, và hai hợp tử là 0,67. Nguồn: số liệu nghiên cứu của tác giả. |
Nhưng gen không thể ảnh hưởng độc lập với các yếu tố môi trường như dinh dưỡng và vận động cơ thể. Nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp ở Thái Lan cũng cho thấy tính trung bình chiều cao người Thái ở nông thôn thấp hơn chiều cao người Thái ở Bangkok khoảng 2,6 cm (nữ giới) đến 4,3 cm (nam giới), một phần lớn là do khác biệt về dinh dưỡng và hệ thống chăm sóc sức khỏe trẻ em trong độ tuổi niên thiếu ở nông thôn còn quá kém so với thành phố [4]. Ngoài ra, phân tích chiều cao của dân số từ 47 huyện và quận ở Nhật trong thời gian 1892 – 1941 cho thấy rõ rằng tình trạng bất bình đẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe chính là một nguyên nhân lớn dẫn đến sự khác biệt về chiều cao của dân số [6].
Nâng cao chiều cao và thể lực của người Việt Nam là một mục tiêu lâu dài. Chúng ta có lí do để tin rằng chiều cao người Việt Nam sẽ còn tăng trong tương lai, nhưng chúng ta không kì vọng đạt cho bằng chiều cao của người Tây phương, vì cấu trúc di truyền của chúng ta khác họ. Nếu kết quả nghiên cứu trong quá khứ là một chỉ đường thì nâng cao hệ thống y tế công cộng ở nông thôn ở nước ta cần phải đặt thành một trọng tâm hàng đầu để cải tiến thể lực của dân tộc.
Nguyễn Văn Tuấn
Viện nghiên cứu y khoa Garvan
Sydney, Australia
Chú thích:
[1] "Nâng cao tầm vóc người VN"
(địa chỉ trang nhà: http://www.thanhnien.com.vn/Chaobuoisang/2006/3/13/141701.tno)
[2] Iki M, et al. Reference database of biochemical markers of bone turnover for the Japanese female population. Japanese population-based osteoporosis study. Osteoporos Int 2004; 15:981-991.
[3] Thuy VT, et al. Assessment of low bone mass in Vietnamese: comparison of QUS calcaneal ultrasonometer and data-derived T-scores. J Bone Miner Metab 2003;21(2):114-9.
[4] Pongchaiyakul C et al. Contribution of lean tissue mass to the urban-rural difference in bone mineral density. Osteoporos Int. 2005;16:1761-8.
[5] Woo J, et al. Population bone mineral density measurements for Chinese women and men in Hong Kong. Osteoporos Int 2001; 12:289-295.
[6] Bassino JP. Inequality in Japan (1892-1941): physical stature, income, and health. Econ Hum Biol. 2006;4(1):62-88.