Vệ sinh như là một loại hàng hóa
Nguyễn Văn Tuấn
Tình hình sức khỏe nước ta không tương xứng với nhịp độ phát triển kinh tế. Trong khi kinh tế nước ta tăng trưởng khoảng 8% hàng năm, thì “bức tranh” sức khỏe cộng đồng vẫn không có gì thay đổi trong hơn 2 thập niên qua. Các bệnh liên quan đến tiêu chảy cứ “đến hẹn lại lên” như chúng ta chứng kiến gần đây. Các bệnh truyền nhiễm như bệnh viêm phổi, viêm họng và viêm Amidan cấp, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cấp, tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột non có nguồn gốc nhiễm khuẩn, cúm, sốt rét, v.v… vẫn là những nguyên tử vong hàng đầu.
Cái mẫu số chung của các bệnh này là mối liên hệ với 3 yếu tố: nước, rác, và vệ sinh gia đình. Các chuyên gia y tế ước tính rằng khoảng 80% các bệnh ở nông thôn là do nước bị ô nhiễm. Trong quá trình phát triển kinh tế, rác cũng tích lũy nhanh chóng nhưng chưa được xử lí có hệ thống nên hệ quả là nhiều con sông, đặc biệt là các con sông ở thôn quê, đang đứng trước nguy cơ bị “chết” do ô nhiễm quá nặng nề. Ở các thành phố lớn, chỉ có 50% số đường có hệ thống thoát nước, và cũng chưa có hệ thống xử lí hay tái sử dụng nước thải. Ngoài ra, phần lớn các gia đình ở nông thôn không có nhà vệ sinh, nên phân thường thải ra nguồn nước sinh hoạt và làm ô nhiễm môi trường cùng với các vi khuẩn lan bệnh. Trong khi đó, gười dân nói chung cũng chưa có thói quen rửa tay trước và sau khi đi tiêu/tiểu, và mầm bệnh cứ dần tích lũy thành một tiềm năng rất lớn. Không ngạc nhiên khi chúng ta chứng kiến dịch bệnh ở nước ta xảy ra và lan truyền khá nhanh.
Mắc dù một số bệnh liên quan đến tiêu chảy có nguyên nhân những rối loạn nội tiết, đại đa số bệnh là do nhiễm vi khuẩn. Các vi khuẩn này gây bệnh qua bốn đường như mô tả trong Biểu đồ 1. Đường đơn giản nhất là các vi khuẩn gây bệnh theo phân người thoát vào môi trường và người khác bị phơi nhiễm (1a). Một cách nhiễm phức tạp hơn là các vi khuẩn tự nhân lên trong môi trường, và do đó gia tăng xác suất phơi nhiễm bởi con người (1b). Đường thứ ba là vi khuẩn theo phân người thoát ra môi trường, tự nhân lên trong môi trường, động vật bị phơi nhiễm và vi khuẩn tìm được vật kí chủ mới, và kí chủ này thải phân ra môi trường, từ đó vi khuẩn tự nhân lên một lần nữa trước khi nhiễm người (1c). Đường nhiễm thứ tư là động vật bị nhiễm vi khuẩn, và thải vi khuẩn qua phân vào môi trường, từ đó con người bị nhiễm (1d).
Biểu đồ 1. Bốn đường truyền nhiễm của vi khuẩn. Nguồn: Curtis V., et al. Trop Med Int Health 2000; 5:22-32. |
Trong Biểu đồ 1, tất cả 4 con đường truyền nhiễm đều phải thông qua “môi trường”. Nhưng môi trường là gì trong bối cảnh của bệnh truyền nhiễm? Biểu đồ 2 (còn biết đến trong giới dịch tễ học là Biểu đồ F hay “F-diagram”) minh họa các còn đường mà vi khuẩn gây bệnh có thể xuyên qua môi trường để đến một kí sinh chủ (tức con người). Một khi phân được bài thải, phần lớn vi khuẩn chết; nhưng một số nhỏ có thể sống sót và nhiễm các ngón tay, vào thức ăn hay nước và các môi trường này sẽ giúp cho vi khuẩn nhiễm con người. Ruồi nhặng cũng có thể đáp xuống phân hàm chứa vi khuẩn, và đem vi khuẩn đến thực phẩm hay các vật dụng nhà bếp. Chân người hay chân động vật cũng có thể đạp phải phân hàm chứ vi khuẩn và “phát tán” vi khuẩn đến các nơi khác hay người khác.
Tất cả các con đường truyền nhiễm trên có thể ngăn chận bằng những thay đổi đơn giản về thói quen vệ sinh cá nhân hay gia đình. Cải thiện cơ sở vật chất như làm sạch nguồn nước, hệ thống tiêu hủy phân và rác cũng có thể ngăn ngừ truyền nhiễm. Tuy nhiên, bất cứ chiến lược phòng chống nào chỉ có hiệu quả khi được thực hiện cùng với các thay đổi vệ sinh cá nhân và gia đình.
Biểu đồ 2. Biểu đồ “F”. Nguồn: Curtis V., et al. Trop Med Int Health 2000; 5:22-32. |
Vấn đề nước và vệ sinh
Cội nguồn của các vấn nạn y tế và môi trường là nước. Nhận thức được vấn đề này, năm 2003 tại Kyoto (Nhật) các bộ trưởng y tế trên thế giới họp cùng các chuyên gia Liên hiệp quốc họp để bàn đến một vấn đề duy nhất: nguồn nước sinh hoạt ở các nước đang phát triển, và họ đặt tên cho hội nghị này là Diễn đàn về nước ở thế giới thứ ba -- “Third World Water Forum”.
Bảng số liệu đơn giản sau đây được xem là một phát biểu tổng kết của Diễn đàn. Bảng số liệu cho thấy tạo một nguồn nước sạch đến người dân có thể giảm 16% nguy cơ các bệnh liên quan đến tiêu chảy, nâng cao chất lượng nước giảm 20%, xử lí cống rảnh và rác giảm 36%. Ngay cả giáo dục về vệ sinh cá nhân và gia đình cũng có hiệu quả giảm nguy cơ mắc bệnh tả và tiêu chảy đến 35%. Nhưng biện pháp có hiệu quả nhất là chỉ đơn giản rửa tay bằng xà phòng có thể giảm 47% nguy cớ mắc các bệnh liên quan tiêu chảy.
Hiệu quả của một số can thiệp nhằm giảm các bệnh liên quan đến tiêu chảy |
|
Can thiệp |
Giảm nguy cơ các bệnh liên quan đến tiêu chảy |
Tạo nguồn nước sạch |
16% |
Nâng cao chất lượng nước |
20% |
Xử lí cống rảnh và rác |
36% |
Giáo dục vệ sinh |
35% |
Rửa ray bằng xà phòng |
47% |
Nguồn: Curtis V. BMJ 21003; 327:3-4 |
Dựa trên phát biểu tổng kế trên, các bộ trưởng y tế nhất trí rằng chính phủ các nước đang phát triển (trước khi còn gọi là “các nước thuộc thế giới thứ 3”) cần phải phát triển chiến lược tập trung vào việc cải thiện nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh gia đình, và rửa tay, sao cho đến năm 2015 giảm phân nửa các bệnh liên quan đến tiêu chảy.
Ở nước ta, chiến lược y tế dự phòng, bao gồm vấn để cải thiện nguồn nước, đã từng đặt ra nhưng chưa được thực hiện tốt hay chưa được quan tâm đúng mức. Cho đến nay, có đến 70-80% người dân ở các vùng nông thôn không có nguồn nước sạch cho sinh hoạt. Ngay cả một số địa phương ở các thành phố lớn mà ao hồ cũng bị ô nhiễm trầm trọng. Hệ quả là như chúng ta thấy ngày nay, các làn sóng bệnh tả và tiêu chảy cứ lần lượt xuất hiện. Chỉ trong vòng 6 tháng qua mà bệnh tả đã phát sinh đến 3 lần! Do đó, vấn đề nước và vệ sinh đang được đặt ra rất cấp bách.
Hiện nay, ở thôn quê người dân thường xây giếng và lấy nước đó để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Nhưng ngay cả nguồn nước này cũng không hẳn đảm bảo vệ sinh do thiếu nhà vệ sinh và nước thường bị nhiễm khuẩn từ phân người và phân gia cầm. Chúng ta cần có một chiến dịch chỉ dẫn cách khử trùng làm sạch nước, sao cho người dân có thể có nguồn nước sạch cho nấu ăn và tắm rửa.
Ngoài nguồn nước, có hai cách phòng bệnh hiệu quả nhất là nhà vệ sinh và rửa tay. Hơn một thế kỉ trước đây, nhà vệ sinh giúp thực hiện một cuộc cách mạng về y tế công cộng ở New York, London và Paris. Ngày nay, các quan chức y tế Liên hiệp quốc mới nhận thức rằng cầu xí là một phương tiện phòng chống bệnh rất quan trọng ở các nước đang phát triển.
Rửa tay như đề cập trong phát biểu của Diễn đàn Kyoto 2003 là một biện pháp cực kì thực tế và đơn giản để phòng các bệnh tiêu chảy và truyền nhiễm. Điều này đúng đối với môi trường nước ta. Cần nhắc lại rằng khi phân người và gia cầm thải ra môi trường, phần lớn vi khuẩn chất, nhưng một số sống sót vẫn có thể xâm nhập vào nguồn nước, móng tay, hay thực phẩm. Nhưng ở các nước đang phát triển, không đến 10% người dân có thói quen rửa tay sau khi đi tiêu/tiểu! Rất nhiều nghiên cứu trong quá khứ cho thấy chỉ đơn giản rửa tay cũng có thể giảm 70-90% nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tiêu chảy.
Tiếp thị vệ sinh
Vấn đề đặt ra là: làm thế nào để cải thiện vấn đề vệ sinh? Tôi nghĩ cải thiện vệ sinh phải bắt đầu trước hết ở từng cá nhân và từng hộ gia đình. Từng hộ nên có nhà vệ sinh. Mỗi cá nhân nên tập thói quen rửa tay thường xuyên sau khi đi tiêu/tiểu. Do đó, bất cứ chiến lược y tế phòng bệnh nào cũng phải lấy đây là điểm xuất phát.
Tôi đề nghị một chiến lược có triển vọng cao là qua tiếp thị vệ sinh. Nói cách khác, cần phải tiếp thị vấn đề vệ sinh (như cầu tiêu, thói quen rửa tay, tiêu hủy rác) như là một loại hàng hóa tiêu dùng, như xe gắn máy hay dầu thơm gội đầu. Cần phải làm sao để người dân thấy việc xây dựng một cái cầu tiêu / tiểu như là một hình thức nâng cấp căn nhà, chứ không phải là một can thiệp mang tính y tế công cộng. Theo đó, việc sử dụng xà phòng để rửa tay là một cách làm nâng cao nét đẹp cho bàn tay, làm cho bàn tay thơm tho, chứ không phải là một can thiệp y tế. Tương tự, việc xây dựng một hầm chứa và hủy rác nên được tiếp thị như là một cách làm cho khu nhà sang trọng hơn và văn minh hơn, chứ không phải là một sự đùn đẩy trách nhiệm y tế cho người dân.
Nhà nước nên dành ngân quĩ để tiếp thị vệ sinh, và qua đó tạo ra nhu cầu về vệ sinh gia đình, và doanh nghiệp tư nhân có thể đáp ứng nhu cầu này. Doanh nghiệp tư nhân cũng có thể qua tiếp thị và quảng cáo thúc đẩy thay đổi trong lối sống hàng ngày cho từng gia đình. Một khi nhu cầu vệ sinh đã được tạo ra, ngân sách Nhà nước có thể được “giải phóng” để hỗ trợ các hộ gia đình nghèo khó không có khả năng tài chính để tiếp cận công nghệ vệ sinh mới.
Thật ra, một cách tiếp thị rửa tay khá giống như vừa mô tả trên đã được thử nghiệm tại một số nước ở Phi châu, Nam Mĩ và Á châu, với sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và các cơ quan quốc tế như Ngân hàng Thế giới. Theo vài kết quả sơ khởi, chỉ đơn giản rửa tay thường xuyên cũng có thể giảm tỉ lệ nhiễm trùng và tử vong cho hàng triệu người.
Nước, rác và vệ sinh là những vấn nạn môi trường lớn nhất trong thế kỉ 20, và cũng chính là mối đe dọa đến an sinh và sức khỏe của dân tộc trong thế kỉ 21. Có thống kê cho thấy khi GDP nước ta tăng 1% thì rác thải tăng 3%. Trong định hướng trở thành một nước công nghiệp trong vòng 20 năm tới, chúng ta cần phải dứt khoát giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và từng bước xóa bỏ các bệnh truyền nhiễm. Theo tôi, chúng ta cần tiếp cận và giải quyết vấn đề qua cách tiếp thị vệ sinh. Cần phải xem vệ sinh là một loại “thương hiệu” mang tính bản chất văn hóa, cũng như khi nói đến người Nhật chúng ta nghĩ ngay đến một dân tộc có nền vệ sinh rất cao.
Một số biện pháp phòng chống bệnh tả
|
|
· Che đậy thùng nước · Che đậy thức ăn · Sử dụng lưới chắn ruồi bảo vệ thực phẩm · Hâm nóng thức ăn · Rửa rau cải và trái cây · Sử dụng hóa chất diệt trùng khi rửa rau và trái cây · Nấu chín nước · Khử trùng nước sinh hoạt bằng chlorine · Xịt thuốc chống muỗi · Khử trùng, vệ sinh cầu tiêu thường xuyên · Chôn phân · Đốt rác |
· Không khạt nhổ · Giữ móng tay sạch · Rửa sạch núm vú trước khi cho con bú · Rửa tay bằng xà-phòng · Rửa tay nếu có tiếp xúc với tro và sình bùn · Không bao giờ rửa tay trong nước bùn · Rửa tay trước khi ăn · Rửa tay trước khi làm bếp · Rửa tay trước khi cho con ăn · Rửa tay trẻ em · Rửa tay sau khi đi tiêu hay đi tiểu · Rửa tay sau khi thay tả cho trẻ em · Tóc phải chải cho sạch · Mặc quần áo sạch |