Việc ta, ta cứ làm!
TT - Ngày 25-2-2005, Viện Khoa học về sức khỏe môi trường quốc gia Mỹ (NIEHS) quyết định hủy bỏ hợp tác nghiên cứu theo như văn bản ghi nhớ với VN mà họ ký kết vào ngày 10-3-2002, với lý do là họ “không nhận được sự hợp tác cần thiết từ phía VN” (theo New Scientist).
Người ta không biết "sự hợp tác cần thiết" là hợp tác như thế nào, bởi theo giáo sư Võ Quý cho biết thì "dự án đang ở giai đoạn đầu thực hiện" (Tiền Phong 18-3-2005). Vả lại, nếu có sự hiểu lầm hay thụ động của phía VN thì phía Mỹ vẫn có thể thúc giục và cùng ngồi trao đổi, chứ đâu cần gì phải hối hả tuyên bố như thế!
Rõ ràng lý do để hủy hợp tác xem ra thiếu tính thuyết phục.
Theo tôi, vấn đề đặt ra không phải là có cần hợp tác với các nhà khoa học Mỹ hay không, mà là chúng ta có quyết tâm làm nghiên cứu hay không. Nếu có sự hợp tác và hỗ trợ từ các đồng nghiệp Mỹ thì nghiên cứu sẽ có ý nghĩa và lợi thế kỹ thuật hơn, nhưng đó không phải là điều kiện cần và đủ, bởi vì chúng ta vẫn có thể hợp tác với nhiều chuyên gia từ châu Âu, châu Mỹ và châu Úc.
Do đó, tôi cho rằng quyết định của Viện NIEHS, tuy đáng tiếc ở một góc độ hợp tác quốc tế, nhưng không ảnh hưởng gì đến nghiên cứu ở VN. Một công trình nghiên cứu có chất lượng không tùy thuộc vào sự có mặt (hay không có mặt) của các chuyên gia Mỹ, mà tùy thuộc vào mục đích và phương pháp khoa học. Việc ta, ta cứ làm.
Kinh nghiệm từ Mỹ và Ý cho thấy nghiên cứu tác hại lâu dài của chất độc da cam hay dioxin là một việc hoàn toàn khả thi. Trong cuốn sách mới xuất bản (Chất độc da cam, dioxin và hệ quả, NXB Trẻ, 2004), tôi đã bàn tương đối chi tiết về ba định hướng nghiên cứu, mà tôi xin tóm lược như sau: thứ nhất, phát triển cho được một phương pháp để ước định mức độ phơi nhiễm độc chất cho từng cá nhân trong những vùng từng bị ảnh hưởng độc chất; thứ hai, thiết lập mối liên hệ giữa mức độ phơi nhiễm chất độc da cam và các bệnh như ung thư, dị tật bẩm sinh, tiểu đường và tỉ lệ giới tính; thứ ba, thẩm định tác hại của dioxin hay chất độc da cam đối với cấu trúc di truyền (gen). |
Trong 30 năm qua, chỉ có sáu bài báo khoa học từ VN (nhưng bốn bài là do các nhà khoa học Mỹ đứng tên!) được công bố trên các tập san khoa học quốc tế. Ở đây cần nhấn mạnh hai chữ “công bố” bởi vì trong thực tế VN đã từng thu thập dữ kiện, nhưng các dữ kiện này hình như ít khi nào, thậm chí chưa bao giờ, được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế, thế giới vẫn không biết gì. Đó là một điều rất đáng tiếc, không chỉ trên phương diện khoa học mà còn trên phương diện đạo đức, chúng ta cần công bố những dữ kiện đó để thế giới biết được tác hại của độc chất.
Trong tập sách ảnh Agent orange: collateral damage in Vietnam, tác giả - nhiếp ảnh gia Philip Jones Griffiths viết: “VN là một phòng thí nghiệm nơi mà người ta có thể phát hiện được sự tàn sát của dioxin vẫn còn tiếp diễn một cách chậm chạp”.
Ấy thế mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa thu thập (hay có thu thập mà chưa công bố) những tác hại của độc chất tại VN!
Để đạt được những mục tiêu trên, chúng ta cần phải thiết kế một chương trình nghiên cứu cho có hệ thống khoa học, để kết quả có thể công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế và được đồng nghiệp trên thế giới công nhận. (Hiện nay cũng có một vài công trình nghiên cứu nhỏ trong nước, nhưng kết quả chưa được giới khoa học quốc tế đánh giá đúng mức vì các khiếm khuyết liên quan đến phương pháp khoa học).
Trước mắt, một công trình nghiên cứu có thể tiến hành ngay. Năm 1995, các nhà khoa học Mỹ và VN đã đo nồng độ dioxin trên 3.243 đối tượng khắp ba miền đất nước. Vấn đề đặt ra là sau 10 năm, tình trạng sức khỏe của những đối tượng này ra sao.
Để trả lời câu hỏi này (và cũng là một cách cung cấp bằng chứng về ảnh hưởng của chất da cam trên sức khỏe nạn nhân), có thể thiết kế nghiên cứu rất đơn giản: tái thu thập các thông tin về sức khỏe của những đối tượng này, sau đó tiến hành phân tích mối liên hệ giữa nồng độ dioxin và bệnh tật. Đây là một nghiên cứu hoàn toàn khả thi, bởi vì thông tin ban đầu đã có, chỉ cần thu thập thêm thông tin kế tiếp mà thôi.
Chỉ khi nào chúng ta tiến hành nghiên cứu thì mới có số liệu để công bố, để làm cơ sở cho các đàm phán và phản biện với phía các công ty hóa chất Mỹ. Tôi tin rằng với quyết tâm của lãnh đạo và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, một chương trình nghiên cứu như thế có thể đem lại nhiều kết quả có ích không chỉ cho nạn nhân của chất độc da cam, mà còn cống hiến nhiều tri thức quan trọng cho thế giới y học.
Cái cần thiết ở đây là lòng quyết tâm. Đã có quyết tâm từ các nhà khoa học VN thì sự tham gia của các nhà khoa học Mỹ không phải là một vấn đề nữa.
NGUYỄN VĂN TUẤN (giáo sư y khoa, Viện Garvan - Úc)