Cần điều tra về chất lượng bệnh viện
Nguyễn Văn Tuấn - YKHOANET 03/5/2007
Tiêm văcxin, hai trẻ sơ sinh thiệt mạng. Cắt a-mi-đan, một cháu gái 14 tuổi thiệt mạng. Gây mê nhầm bệnh nhân xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch. Răng bị sâu không được nhổ, răng lành bị nhổ. Có thai ngoài tử cung, chẩn đoán viêm dạ dày. Đó là những tiêu đề về “tai nạn” và sự cố y khoa được Tuổi Trẻ và các báo khác liên tiếp đưa tin trong suốt vài tuần qua. Không ngạc nhiên chút nào khi những bản tin như thế làm cho dư luận quần chúng càng ngày càng quan tâm đến chất lượng chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện trên toàn quốc, vì những sự cố này liên quan đến tử vong, thảm cảnh cho gia đình nạn nhân.
Nhưng sẽ không công bằng nếu cho rằng những tai nạn như thế chỉ xảy ra ở nước ta, trong điều kiện cơ sở vật chất y tế còn nhiều thiếu thốn. Ngay cả ở những nước tiên tiến, có nền y tế hiện đại nhất thế giới như Mĩ cũng xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Cách đây vài năm, một danh hài người Mĩ, Dana Carvey, cũng kinh qua một nhầm lẫn y khoa nguy hiểm. Hai tháng sau khi Carvey trải qua một cuộc giải phẫu cơ tim nhân tạo, ông được bác sĩ cho biết rằng họ đã thay nhầm động mạch! Thế là người nghệ sĩ danh tiếng 45 tuổi này phải một lần nữa trải qua một cuộc giải phẫu khẩn cấp để cứu mạng. Trước đó, một trường hợp nhầm lẫn được báo chí phanh phui làm chấn động dư luận: đó là trường hợp của ông Morson Tarason, 79 tuổi, được vào bệnh viện Đại học Pennsylvania (bang Philadelphia) để giải phẫu chữa trị lá phổi bên trái; nhưng thay vì chữa trị lá phổi bị bệnh đó, các bác sĩ đã cắt nhầm lá phổi tốt bên phải! Đau lòng hơn, sau khi các bác sĩ đã biết được sự nhầm lẫn của mình, họ bèn âm thầm và thản nhiên hẹn cụ trở lại bệnh viện để làm một ca giải phẫu thứ hai để chữa trị lá phổi trái! Tháng 11 năm 1994, hai bệnh nhân nữ được điều trị tại Viện ung thư Dana-Farber (một trung tâm y tế danh tiếng của Mĩ ở Boston) và do tính toán sai, cả hai bệnh nhân “bị” đầu độc với liều lượng hóa chất quá cao, và hậu quả là cả hai bệnh nhân đều qua đời vì độc chất.
Đó là những “tai nạn” và sự cố y khoa nổi tiếng được báo chí nhắc đến, nhưng trong thực tế có đến hàng triệu trường hợp khác không hề được công bố, thậm chí bệnh nhân (hay nạn nhân) chẳng hề hay biết. Theo một nghiên cứu qui mô ở Mĩ, khoảng 4% bệnh nhân được điều trị trong các bệnh viện Mĩ là nạn nhân của các sai lầm y khoa. Sai lầm và “tai nạn” y khoa xảy ra ở các bệnh viện Úc, Canada và Âu châu dao động từ 7% đến 17%. Trong số này, một phần ba là do cẩu thả trong khi điều trị và 70% là do lỗi lầm của bác sĩ, dược sĩ, và điều dưỡng.
Hệ quả của sai lầm y khoa mới là điều đáng quan tâm. Vẫn theo nghiên cứu ở Mĩ, Úc và Âu châu, khoảng 13% đến 16% các sai lầm y khoa dẫn đến tử vong, và 3% dẫn đến thương tật vĩnh viễn. Ở Mĩ, các nhà nghiên cứu ước tính rằng mỗi năm có khoảng 120.000 người chết vì sai lầm và tai nạn y khoa, cao gấp 3 lần số tai nạn xe hơi. Chi phí hàng năm liên quan tới những trường hợp thương vong này được ước tính khoảng 8,8 USD. Ở Úc, mỗi năm có đến 14.000 người bị thiệt mạng và 50.000 người bị thương tật vĩnh viễn do những lỗi lầm trong bệnh viện (dân số Úc khoảng 20 triệu).
Ở Mĩ, trước hệ quả nghiêm trọng của sai lầm và “tai nạn” trong các bệnh viện, Tổng thống Bill Clinton cho thành lập và trực tiếp chỉ đạo một ủy ban tiến hành điều tra toàn quốc về những sai lầm y khoa và thẩm định chất lượng y tế tại các bệnh viện.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai lầm y khoa và gây tử vong cho bệnh nhân. Chẩn đoán sai, điều trị không đúng với qui trình, tai nạn hay sự cố trong khi và sau phẫu thuật, cho thuốc sai liều lượng, vấn đề kĩ năng, v.v… là những nguyên nhân phổ biến nhất. Nhưng những yếu tố an toàn cho bệnh nhân rất khác biệt giữa các địa phương và bệnh viện. Một nghiên cứu qui mô khác ở Mĩ cho thấy tỉ lệ tử vong sau phẫu thuật tim can thiệp ở bệnh nhân tại các bệnh viện thuộc bang Texas cao hơn tỉ lệ ở các bệnh viện bang new York khoảng 55%. Tương tự, tỉ lệ tử vong bệnh tai biến mạch máu não ở các bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện thuộc bang Mississippi cao hơn tỉ lệ ở bệnh nhân bang Colorado khoảng 50%. Một nghiên cứu ở Anh trong ba nhóm bệnh viện đại học, bệnh viện vùng và bệnh viện đại phương cho thấy tỉ lệ tử vong ở các bệnh nhân suy tim cấp tính rất khác khau giữa các bệnh viện trong cùng một nhóm: tỉ lệ tử vong trong khi nằm viện và trong vòng 1 năm sau khi xuất viện trong các bệnh viện dao động từ 8% đến 24%!
Thật vậy, trong y tế, nhiều khi địa phương đồng nghĩa với định mệnh. Chẳng hạn như ở bang Vermont (Mĩ), tỉ lệ trẻ em cắt a-mi-đan dao động từ 8% ở một số thành phố đến 70% ở vài thành phố khác. Ở bang Maine (Mĩ), tỉ lệ phụ nữ ở độ tuổi 70 giải phẫu cắt bỏ tử cung dao động từ 20% ở vài thành phố đến 70% ở các thành phố khác. Ở bang Iowa, tỉ lệ đàn ông [tính đến độ tuổi 85] giải phẫu tuyến tiền liệt khác nhau giữa các thành phố từ 15% đến 60%.
Tại sao mức độ khác biệt về chữa trị lại lớn như thế? Theo các nhà nghiên cứu, “tập quán” là yếu tố chính có thể giải thích cho sự khác biệt về chữa trị giữa các địa phương. Ngoài ra, sự chuyên khoa hóa trong y học cũng là một yếu tố đáng kể. Chẳng hạn như chữa trị ung thư tuyến tiền liệt tùy thuộc vào bác sĩ nào mà bệnh nhân đến khám. Ở Mĩ, một nghiên cứu cho thấy 80% các bác sĩ niệu khuyên bệnh nhân nên giải phẫu tuyến tiền liệt, nhưng 90% các bác sĩ ung thư và quang tuyến đề nghị chữa trị bằng quang tuyến.
Thông thường, khi tai nạn hay sự cố y khoa xảy ra, người ta tìm một “thủ phạm” để đổ lỗi. Đối với nạn nhân hay thân nhân của nạn nhân, việc tìm nhân tố gây ra sự cố có thể làm cho họ hài lòng vì xem như đã giải quyết một câu hỏi. Nhưng sự thật là tất cả các bác sĩ đều hết lòng vì bệnh nhân; không một bác sĩ và nhân viên y tế nào muốn gây tai nạn. Vấn đề là hệ thống và môi trường làm việc. Thật vậy, đứng trên quan điểm giải quyết vấn đề ở qui mô quốc gia, tai nạn y khoa không đơn giản là vấn đề cá nhân, mà là vấn đề của hệ thống: hệ thống điều hành bệnh viện, phân phối thuốc, an toàn lâm sàng, hệ thống báo động, v.v… Đó chính là những vấn đề cần điều nghiên để tiến đến một giải pháp hệ thống nhằm giảm sự cố và tai nạn trong các bệnh viện.
Ở nước ta, chưa có những nghiên cứu tương tự để biết qui mô của vấn đề. Tuy nhiên, nếu chấp nhận tỉ lệ tai nạn 7% (tần số trung bình ở Mĩ, Úc, Canada và Âu châu), với tổng số bệnh nhân điều trị nội trú 7.050.000 (số liệu Bộ Y tế năm 2003), có thể ước tính rằng mỗi năm ở nước ta có 493.500 bệnh nhân bị “tai nạn” y khoa trong các bệnh viện. Và, vẫn theo kinh nghiệm ở Mĩ (khoảng 14% “tai nạn” y khoa dẫn đến tử vong) có thể ước tính rằng nước ta có khoảng 67.000 bệnh nhân bị chết “oan” hàng năm. Đó là một con số tử vong rất lớn, cao gấp 3 lần số tử vong vì tai nạn giao thông, và chiếm khoảng 13% tổng số tử vong của cả nước (khoảng 515.000 tử vong, số liệu năm 2002).
Mỗi cái chết là một thảm cảnh. Do đó, những con số trên không phải là những thống kê vô hồn, mà là một tang tóc lớn. Chúng ta cần phải giảm, hay tốt hơn nữa ngăn ngừa, tai nạn y khoa, để thực hiện phương châm và cũng là nguyên tắc số 1 của nghề y là không hại người. Nhưng chúng ta không thể quản lí vấn đề, nếu không đo lường được vấn đề. Chúng ta khẩn cấp cần một nghiên cứu qui mô toàn quốc để so sánh các chỉ tiêu an toàn lâm sàng và đối chiếu chất lượng chăm sóc sức khỏe giữa các bệnh viện.