Cần qui ước đạo đức cho kĩ nghệ thực phẩm
Nguyễn Văn Tuấn
(bài đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn 2/10/08)
Việc sữa sản xuất từ Trung Quốc hàm chứa chất melamine dẫn đến tử vong cho một số trẻ em đã được thảo luận khá nhiều trên báo chí Trung Quốc và thế giới. Người ta bàn đến việc đề ra những tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh gắt gao hơn, những qui chế luật pháp để ngăn ngừa một thảm trạng như thế trong tương lai. Tuy nhiên, một khía cạnh cực kì quan trọng khác hầu như không được bàn đến: đó là đạo đức kinh doanh thực phẩm. Chúng ta cần có một qui ước đạo đức trong việc kinh doanh thực phẩm hơn là thêm những điều lệ về an toàn và qui chế pháp lí trong việc quản lí sự an toàn thực phẩm.
Thực phẩm không chỉ là nguồn dinh dưỡng mà còn có thể đóng vai trò quan trọng cho việc bảo vệ sức khỏe người dân. Chính vì thế mà thực phẩm thường được đặt dưới sự quản lí của các cơ quan có nhiệm vụ quản lí dược phẩm. Nhận thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng của thực phẩm, các nước phát triển ở phương Tây có cả một hệ thống kiểm nghiệm chất lượng và an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt. Bất cứ thực phẩm nào, nhập cảng hay sản xuất tại địa phương, đều phải trải qua một qui trình kiểm tra rất chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người tiêu thụ.
Nhưng cho dù với một hệ thống kiểm nghiệm như thế, trong thực tế vẫn có nhiều thực phẩm hàm chứa nhiều hóa chất độc hại “lọt sổ” và có mặt trên thị trường. Chỉ cần nhìn qua danh sách dài những thực phẩm từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, v.v… mà Cục thực phẩm và thuốc của Mĩ (Food and Drug Administration) cảnh báo, chúng ta có thể thấy có đến hàng ngàn sản phẩm thiếu an toàn vì hàm chứa vi khuẩn và hóa chất có thể tác hại đến sức khỏe người tiêu thụ. Năm ngoái, ở Mĩ người ta phàn nàn rằng thực phẩm cho chó và mèo nhập từ Trung Quốc làm cho một số gia cầm này chết vì bị bệnh thận. Một cuộc thăm dò ý kiến (do báo USA Today/Gallup thực hiện) gần đây bên Mĩ cho thấy có đến 75% người Mĩ “rất quan tâm” hay “quan tâm” đến sự an toàn của thực phẩm nhập từ Trung Quốc.
Mới đây, kể từ khi sữa sản xuất ở Trung Quốc bị phát hiện có hàm chứa chất melamine (một chất làm tăng giả tạo nồng độ protein trong sữa nhưng đồng thời gia tăng nguy cơ sỏi thận), vấn đề an toàn thực phẩm một lần nữa được giới quan sát phương Tây tốn rất nhiều giấy mực để thảo luận. Giới bình luận phương Tây cho rằng đây là một đặc thù của một nền kinh tế đang phát triển, mà trong đó người sản xuất sẵn sàng hi sinh những tiêu chí về chất lượng và an toàn thực phẩm để thu vào càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Họ kêu gọi phải tăng cường quản lí thực phẩm từ Trung Quốc bằng những cơ chế pháp lí và thêm những điều lệ về an toàn và chất lượng.
Ở nước ta, qua vụ nước tương chứa chất 3-MCP và những nạn dịch bệnh liên tiếp xảy ra, vấn đề an toàn thực phẩm cũng được đặt ra nhiều lần. Nhiều doanh nghiệp bị phạt nặng. Có quan chức thậm chí còn đề nghị phạt người tiêu thụ vì … ăn bẩn!
Nhu cầu đạo đức
Nhưng các biện pháp pháp luật như phạt tiền có thể đem lại một sự hài lòng cho một số người, nhưng khó là giải pháp lâu dài cho kĩ nghệ thực phẩm. Luật pháp chỉ là biện pháp bề mặt, bề ngoài, áp dụng cho mọi người; đạo đức mới là biện pháp bề trong ở mỗi con người. Theo luật pháp, hành động sản xuất thực phẩm thiếu an toàn theo những tiêu chí khoa học nào đó là phạm luật, là phạm tội. Theo chuẩn mực đạo đức, cá nhân người sản xuất ý thức được rằng mình sản xuất sản phẩm độc hại là xấu, là có tội. Do đó, theo tôi, kĩ nghệ thực phẩm cần một qui ước về đạo đức.
Mỗi ngành nghề đều có những qui ước đạo đức cho chuyên ngành. Đối với những ngành nghề có liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, qui ước đạo đức (Code of Ethics) là một điều không thể thiếu được trong việc hành nghề. Chẳng hạn như giới y sĩ phải tuyên thệ y đức trước khi ra trường. Vì thực phẩm có liên hệ trực tiếp đến sức khỏe của một cộng đồng, thậm chí dân tộc, kĩ nghệ thực phẩm rất cần một qui ước về đạo đức.
Nhưng chuẩn mực đạo đức không phải là luật pháp, mà là những qui ước hay điều lệ về hành nghề được các thành viên trong ngành nghề chấp nhận như là những kim chỉ nam cho việc hành nghề. Các điều lệ này cho phép, nghiêm cấm, hay đề ra thủ tục về các hành xử cho các tình huống khác nhau. Đạo đức, do đó, là một luật luân lí về hành vi của con người liên quan đến những gì được xem là tốt và đúng, so với những gì được xem là xấu và sai. Để xác định được một hành động hay quyết định là tốt hay xấu, người quyết định phải so sánh những lựa chọn của họ với những tiêu chuẩn mà xã hội chấp nhận.
Thật ra, trước tình trạng bành trướng mạnh mẽ của kĩ nghệ thực phẩm ăn liền (như nhà hàng McDonald) và xu hướng béo phì ở các nước Âu Mĩ, một cuộc tranh luận về nhu cầu đạo đức cho kĩ nghệ thực phẩm đã từng xảy ra. Những người không tán thành chủ trương này lí giải rằng kĩ nghệ thực phẩm không cần qui ước đạo đức vì: một qui ước hay tuyên thệ như ngành y sẽ không bao giờ đầy đủ; một lời tuyên thệ đầu môi chót lưỡi không hẳn sẽ thay đổi hành động của một cá nhân (người vô đạo đức sẽ hành động vô đạo đức cho dù họ có nói về đạo đức); lời tuyên thệ có ý nghĩa về mối liên quan giữa con người với con người (như bác sĩ và bệnh nhân) nhưng trong kĩ nghệ thực phẩm người thiêu thụ là một thực thể vô danh do đó họ không có trách nhiệm cá nhân. Vả lại, nếu tuyên thệ thì tuyên thệ với ai là câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Tuy nhiên, những người chủ trương cần phải có qui ước đạo đức cho kĩ nghệ thực phẩm lí giải rằng bởi vì luật lệ hiện nay chưa bao quát được những ngóc ngách và chi tiết cá nhân mà chỉ có thể “quản lí” bằng những giá trị đạo đức. Một lời tuyên thệ là một phát biểu về sự tin tưởng. Bởi vì thực phẩm thường do người mà mình không quen chế biến hay sản xuất, và những người này không hẳn có cùng khái niệm về an toàn với người tiêu thụ, cho nên xã hội cần giới chế biến và sản xuất thực phẩm phải tuyên thệ. Một lời tuyên thệ sẽ định nghĩa những hành động không chấp nhận được và sẽ là một phương tiện đạo lí để hạn chế những hành động xấu có hại cho cộng đồng.
Thế thì qui ước đạo đức cho kĩ nghệ thực phẩm là gì? Có thể nghĩ đến một số qui ước cơ bản về đạo đức cụ thể như: đặt sức khỏe và an sinh của người tiêu thụ, đặc biệt là trẻ em, trên hết và ưu tiên trước hết; duy trì thực phẩm có độ an toàn cao nhất và chất lượng cao nhất mà công nghệ hiện tại cho phép. Ngoài ra, kĩ nghệ thực phẩm cần phải hợp tác với các cơ quan chức năng của Nhà nước và các nhóm bảo vệ người tiêu thụ trong việc phát triển nhưng điều lệ và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo qui ước của Tổ chức y tế thế giới.
Trong ngành y, nguyên tắc số 1 là không làm hại người (do no harm). Nguyên tắc này cũng có thể áp dụng cho kĩ nghệ thực phẩm, nhưng kĩ nghệ cần phải đi xa hơn một bước, bởi vì nguyên tắc không làm hại người cũng có thể hiểu rằng không làm gì là không hại nhưng trong thực tế thì không hẳn như thế. Có lẽ nguyên tắc số 1 của kĩ nghệ thực phẩm phải là một lời tuyên thệ như “Tôi không sản xuất ra những thực phẩm mà tôi không dùng cho bữa ăn gia đình của chính tôi”. Có thể xem lời tuyên thệ này như là một qui ước vàng cho kĩ nghệ sản xuất và chế biến thực phẩm.
Nói tóm lại, ngoài pháp chế ra, vấn đề an toàn thực phẩm cần phải được quản lí bằng đạo đức. Mục đích của pháp luật là duy trì trật tự xã hội, còn mục tiêu của qui ước đạo đức là làm tốt nội tâm của cá nhân, giúp cho cá nhân hướng thiện. Với luật, trừng phạt là biện pháp chế tài bề ngoài; còn với đạo đức mỗi cá nhân là một quan tòa của chính mình. Theo đó, ngành sản xuất thực phẩm cần phải có một qui ước đạo đức tương tự như ngành y và hoạt động khoa học. Một qui ước đạo đức như thế có thể giúp cho công chúng nhận diện những cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh thiếu đạo đức và góp phần cải tiến tình trạng an toàn thực phẩm.