Tiêu chảy cấp tính và bệnh tả: Định danh cho đúng
Nguyễn Văn Tuấn
19-04-2008 23:07:42 GMT +7
Vi khuẩn Vibrio cholerea hình dấu phẩy |
Tuần qua, giới báo chí, y khoa và các quan chức y tế bàn thảo khá nhiều về định danh cho đợt bộc phát bệnh tiêu chảy cấp tính. Các quan chức y tế cho rằng bệnh danh là “tiêu chảy cấp nguy hiểm”. Giải thích cách định danh này, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn trong một trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Người Lao Động nói: “Cụm từ tiêu chảy cấp nguy hiểm không chỉ được dùng riêng ở VN. Khi chúng ta nói là dịch tiêu chảy cấp trong đó có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả là bởi không phải 100% bệnh nhân tiêu chảy cấp đều do tả mà còn do nguyên nhân khác”.
Nhưng giới y khoa và dịch tễ học thì cho rằng bệnh danh chính xác là “bệnh tả”. TS Nguyễn Trần Hiển (Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) và GS Nguyễn Lân Dũng đều đề nghị chúng ta nên thẳng thắn gọi chính xác tên bệnh: Tả thay vì “tiêu chảy cấp nguy hiểm”.
Sẽ không ngạc nhiên nếu có nhiều bạn đọc ngoài ngành y cảm thấy khó hiểu trước hai quan điểm và cách lý giải trên. Để làm sáng tỏ thêm vấn đề, chúng ta nên xem xét qua định nghĩa chuẩn của hai bệnh.
Bệnh tả
Bệnh tả (tiếng Anh là cholerae) được định nghĩa là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở ruột non và lây lan qua nước hay thức ăn bị nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn gây bệnh tả là Vibrio cholerae. Triệu chứng của bệnh tả là bệnh nhân bị tiêu chảy cấp tính, đau bụng, ói mửa và mất chất điện phân (electrolytes).
Khoảng 75%-90% người bị nhiễm vi khuẩn V. cholerae nhưng không biểu hiện triệu chứng nào. Nhưng vi khuẩn trong người của những bệnh nhân không có triệu chứng này có thể lan truyền vào môi trường qua phân và có thể lan truyền đến người khác cũng như môi trường sống. Bệnh tả là một bệnh đáng sợ, vì nó có thể tấn công trẻ em cũng như người lớn và không giống như các bệnh tiêu chảy khác, bệnh tả có thể gây tử vong cho bệnh nhân trong vòng vài ngày, thậm chí vài giờ sau khi mắc bệnh. Những người có khả năng miễn dịch thấp như trẻ em suy dinh dưỡng hay người nhiễm HIV thường có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn V. cholerae.
Tiêu chảy cấp tính
Bệnh tiêu chảy cấp tính (tiếng Anh là acute diarrhoea), theo định nghĩa mà giới y khoa thế giới thừa nhận, khi bệnh nhân đi tiêu chảy hơn 3 lần trong một ngày thì được xem là một ca “tiêu chảy cấp tính”. Ngoài đi tiêu chảy ra nước, triệu chứng của tiêu chảy cấp tính thường là đau bụng, ói mửa và đau hậu môn. Khi tiêu chảy mà trong phân có máu, thì bệnh danh có khi gọi là kiết lỵ shigella. Bảng 1 sau đây sẽ phân biệt bệnh tả và tiêu chảy cấp tính.
Tiêu chảy có nhiều nguyên nhân. Tiêu chảy nhẹ có thể do thay đổi thức ăn hay thói quen ăn uống, “jet lag”, thời tiết thay đổi, lo lắng, tâm thần căng thẳng (stress), uống nhiều rượu bia, sử dụng thuốc (như thuốc trụ sinh), v.v... Tiêu chảy cấp tính có thể do ngộ độc thực phẩm và nhiễm vi khuẩn. Các vi khuẩn chính có thể gây tiêu chảy cấp tính bao gồm: calici, adenovirus, rotavirus, E. coli, Campylobacter, V. cholerae, Shigella, Salmonella Staphylococcus aureus. Một số ký sinh vật như Giardia lamblia, Cryptosporidium parvum và sán dây cũng có thể gây tiêu chảy cấp tính.
Định danh bệnh
Qua hai định nghĩa chuẩn vừa trình bày trên, chúng ta thấy bệnh tả và tiêu chảy cấp tính có liên hệ với nhau: tiêu chảy cấp tính là một hệ quả của bệnh tả. Chúng ta không nên nhập nhằng giữa bệnh và hệ quả của bệnh.
Thế nhưng như đề cập trên, các giới chức y tế hiện nay định danh bệnh là “Tiêu chảy cấp nguy hiểm”. Họ cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nước khác cũng gọi như thế. Ngoài ra, trả lời báo chí, TS Nguyễn Huy Nga còn cho biết “không thấy đề nghị chính thức nào phải gọi là dịch tả”. Thật ra, quan điểm này không phù hợp với thực tế, vì:
a) Không có một văn bản nào của WHO hay của bất cứ tổ chức y tế nào trên thế giới sử dụng thuật ngữ tiếng Anh nào tương xứng với (hay có thể dịch là) “Tiêu chảy cấp nguy hiểm” cả. Tìm trong danh mục bệnh của ICD (International Classification of Diseases) cũng không thấy một bệnh nào có tên như thế. Theo Quy ước quốc tế về định danh bệnh và WHO thì dù chỉ có một trường hợp bệnh nhân nhiễm vi khuẩn tả V. cholerae, bệnh có thể gọi là “cholera”, tức bệnh dịch tả hay bệnh tả.
Tài liệu của WHO viết nguyên văn như sau: “Cholera = acute watery diarrhoea” (tức là (bệnh tả = tiêu chảy cấp tính), và “Shigella dysentery = acute bloody diarrhoea” (tức kiết lỵ shigella = tiêu chảy cấp tính ra máu).
b) Nhà nước chúng ta có quy định về bệnh danh. Trong quyết định về việc ban hành “Quy trình xử lý dịch tả” ngày 3-11-2007 đi kèm với công văn do chính Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn ký, viết như sau: “Một “vụ dịch tả” được xác định khi có ít nhất một ca bệnh tả được xác định”.
Hiện nay, theo thống kê của Bộ Y tế, đã có khoảng 1.800 bệnh nhân với triệu chứng tiêu chảy cấp và trong số này qua xét nghiệm đã có khoảng 17% nhiễm vi khuẩn V. cholerae (tức vi khuẩn tả). Như vậy, dựa vào Quy ước quốc tế, hướng dẫn của WHO và quyết định của Bộ Y tế nước ta, chúng ta phải gọi sự bộc phát bệnh hiện nay là bệnh tả.
Tại sao gọi bệnh tả trong khi chỉ có 17% bệnh nhân tiêu chảy cấp tính nhiễm vi khuẩn tả? Có hai lý do cho cách gọi này:
Thứ nhất, bệnh tả là một bệnh nguy hiểm vì bệnh nhân có thể tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, bệnh có thể lan truyền nhanh, và trong quá khứ vi khuẩn V. cholerae đã là thủ phạm của nhiều đại dịch gây ra hàng vạn người tử vong ở Á châu, Nam Mỹ và Phi châu. Do đó, cho dù chỉ một ca mắc bệnh hay nhiễm vi khuẩn tả, chúng ta phải gọi là bệnh tả để dân chúng nhận thức được tình trạng nghiêm trọng của bệnh.
Thứ hai, như đề cập trên, chỉ số 10%-25% người nhiễm vi khuẩn tả biểu hiện triệu chứng tiêu chảy cấp tính (hay nói cách khác, có đến 75%-90% người bị nhiễm không có triệu chứng); do đó, gọi “bệnh tả” để công chúng biết được rằng vẫn còn nhiều người chưa phát sinh bệnh và họ có thể là những nhân tố lây lan bệnh trong cộng đồng. Biết như thế để người dân có những biện pháp phòng bệnh thích hợp.
Ai cũng biết đứng trên phương diện lâm sàng việc điều trị bệnh thành công phải bắt đầu bằng một chẩn đoán chính xác. Tương tự, một vấn đề mang tính y tế công cộng cũng phải bắt đầu bằng cách định danh chính xác căn bệnh để đi đến một kế hoạch phòng ngừa hữu hiệu.