Trái chanh và phòng chống bệnh tả
Nguyễn Văn Tuấn
Đôi khi phương tiện phòng chống bệnh nằm nay trong tầm tay của chúng ta. Trong quá trình truy tìm tài liệu tham khảo về các yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng chống bệnh tả tôi “phát hiện” rằng trái chanh có hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn V. cholerae rất hữu hiệu. Nhưng các chỉ dẫn của Bộ Y tế về phòng chống bệnh tả không nhắc đến chanh! Bài viết ngắn này giới thiệu đến các bạn và đồng hương hiệu quả của chanh, một loại trái cây mà bất cứ ai trong chúng ta cũng từng biết qua.
Năm 1885, nhà sinh vật học người Đức tên Robert Koch khám phá vi khuẩn Vibrio cholerae (viết tắt là V. cholerae) chính là thủ phạm gây bệnh tả. Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn tương đối phức tạp, nhưng có thể mô tả ngắn gọn như sau: vi khuẩn V. cholerae tương tác với các protein sản sinh ra một độc tế có tên là cholera trong đường ruột để “mở cửa” các kênh ion và từ đó gây ra tình trạng mất nước trong cơ thể. Hệ quả là bệnh nhân bị tiêu chảy và ói mửa. Một cá nhân phải tiếp thụ 2 triệu vi khuẩn mới mắc bệnh tả.
Nhưng vi khuẩn V. cholerae có thể sống trên mặt nước và trong nước giếng trong một thời gian dài, và từ đó làm ô nhiễm nguồn nước ở qui mô lớn. Hầu hết các trận dịch tả trên thế giới đều bắt nguồn và lan truyền qua nước. Bão lụt cũng là một phương tiện lan truyền vi khuẩn đến các vùng xa hơn. Vi khuẩn còn tồn tại trong các loại thực phẩm như cua, ghẹ, sò, trái cây, rau cải, và gạo. Nạn dịch tả xảy ra ở Mĩ vào thập niên 1970s bắt đầu từ sò và cua bị nhiễm vi khuẩn ở Vịnh Mexico.
Tuy nhiên, vi khuẩn V. cholerae khó sống trong môi trường axít hay nhiệt độ cao. Vi khuẩn không tồn tại trong điều kiện pH < 2.4. Chính vì thế mà không phải ai nhiễm vi khuẩn đều mắc bệnh, bởi vì khi vi khuẩn xâm nhập vào bao tử, chúng sẽ bị axít của bao tử tiêu diệt. Nhưng nếu một cá nhân tiếp thụ nhiều vi khuẩn (trên 2 triệu), một số sẽ sống sót, xâm nhập vào ruột non, và có khả năng gây bệnh. Phần lớn trường hợp bệnh tả tương đối nhẹ, chỉ có khoảng 5% là nặng. Ngày nay với y khoa hiện đại, bệnh tả có thể điều trị khỏi tương đối nhanh, và không còn là một mối đe dọa nguy hiểm cho con người. Nhưng nếu không điều trị thì bệnh có thể gây ra tử vong cho một số trường hợp.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Lợi dụng “điểm yếu” của vi khuẩn V. cholerae (khó sống trong môi trường axít), các nhà nghiên cứu thí nghiệm sử dụng chanh để tiêu diệt vi khuẩn, và kết quả rất khả quan. Một loạt nghiên cứu thí nghiệm cho thấy chỉ cần một hay hai trái chanh có thể dễ dàng tiêu diệt vi khuẩn trong vòng vài phút. Trong một thí nghiệm được tiến hành ở Nam Mĩ, nơi mà người dân hay ăn gạo với xốt (sauce) đậu phộng, các nhà nghiên cứu cho gạo bị nhiễm vi khuẩn và theo dõi sự tăng trưởng số vi khuẩn trong một thời gian từ 30 phút đến 24 giờ. Sau đó họ khử trùng bằng 1, 2, và 5 trái chanh, và xem xét bao nhiêu vi khuẩn tồn tại. Kết quả (Bảng 1). Chỉ cần sử dụng 1 trái chanh sau 3 giờ (180 phút) không còn vi khuẩn nào tồn tại.
Bảng 1. Tăng trưởng của vi khuẩn V. cholerae và hiệu quả diệt khuẩn của chanh
|
||||||
Gạo với xốt (sauce) |
Thời gian (phút) |
|||||
0 |
30 |
180 |
360 |
720 |
1440 |
|
Xốt đậu phộng không có chanh |
15870 |
2269 |
34065 |
>400000 |
>500000 |
>500000 |
Xốt đậu phộng + 1 trái chanh |
6258 |
3678 |
0 |
0 |
201 |
0 |
Xốt đậu phộng + 2 trái chanh |
3142 |
762 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Xốt đậu phộng + 5 trái chanh |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Nguồn: Xem tài liệu tham khảo [1] |
Một thí nghiệm khác trên cá (bị làm cho nhiễm vi khuẩn V. cholerae) cho thấy chỉ cần khử trùng bằng một trái chanh, trong vòng 5 phút, 99,9% số vi khuẩn bị tiêu diệt. Sau 2 giờ khử trùng, không còn một vi khuẩn nào tồn tại [2]. Tương tự, khi bắp cải và rau xà lách được khử (pha trộn) bằng chanh, trong vòng 5 phút, không còn vi khuẩn tồn tại [3].
Ngoài ra, chanh còn có hiệu quả diệt các vi khuẩn gây tiêu chảy như V. vulnificus, V. mimicus, V. anguillarum và V. parahemolyticus. Một thí nghiệm từ Nhật cho thấy khi các vi khuẩn trên cho “tiếp xúc” với chanh (nồng độ pH = 2.1 đến 2.2), sau 40 phút không một vi khuẩn nào tồn tại [4].
Nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả của chanh ở người cũng cho thấy chanh có hiệu quả giảm nguy cơ mắc bệnh tả đến 70%-80%. Ngay cả cà chua cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đến 57% [1].
Các bằng chứng khoa học trên đây cho thấy một cách nhất quán rằng chanh có hiệu quả diệt vi khuẩn V. cholerae rất hữu hiệu. Thế nhưng, ngạc nhiên thay, trong các văn bản chỉ dẫn phòng chống bệnh tả mà Bộ Y tế công bố không đề cập đến chanh! Chanh là một loại trái cây rất phổ biến và thông dụng ở nước ta. Do đó, các nghiên cứu vừa trình bày cũng có nghĩa là phương tiện phòng chống bệnh tả nằm trong tay chúng ta.
Cố nhiên, phòng chống bệnh tả không chỉ tập trung vào một yếu tố nguy cơ hay chỉ dựa vào một biện pháp. Các biện pháp khác như nấu chín thức ăn, uống nước đun sôi, làm sạch nguồn nước bằng cholorine, rửa tay trước khi bữa ăn hay sau khi đi tiểu / tiêu, tránh ăn rau cải sống, v.v… cũng là những biện pháp thực tế mà mỗi gia đình đều có thể thực hiện được. Nhưng cũng phải thú nhận một thực tế là rất ít người có thể suốt ngày này sang tháng nọ ăn rau luộc chín. Trong trường hợp (hay đối với những người vẫn còn) “mặn mà” với rau sống (và mắm tôm) thì trái chanh có thể là một liệu pháp an toàn để phòng chống vi khuẩn mà đảm bảo một bữa ăn thú vị.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
Phát biểu trên báo chí gần đây, một quan chức y tế tỏ ra ngạc nhiên rằng bệnh tả xuất hiện ở Hà Nội. Nhưng thật ra, bệnh tả không phải mới gì ở nước ta. Theo y văn quốc tế (do người Pháp ghi lại), năm 1850, một trận dịch tả xảy ra ở miền Trung và Nam nước ta làm cho hơn 2 triệu người mắc bệnh. Năm 1885, một trận dịch lớn khác bộc phát làm cho nhiều lính Pháp mắc bệnh; và trong số lính mắc bệnh tỉ lệ tử vong lên đến 50%! Toàn quyền Paul Doumer cũng từng bị chết vì bệnh tả. Từ năm 1910 đến 1930, trung bình mỗi năm có khoảng 5000 đến 30.000 trường hợp dịch tả được ghi nhận. Năm 1961, một nạn dịch tả lớn bộc phát ở Nam Dương, và vi khuẩn V. cholerae O1 lan truyền sang đến miền Nam nước ta làm cho 20.009 người mắc bệnh và 821 người chết. Từ năm 1979 đến 1996, trung bình mỗi năm có khoảng 3000 trường hợp dịch tả được báo cáo (xem Bảng 2). Phần lớn những trường hợp này xảy ra ở miền Trung và Nam, đặc biệt là các tỉnh phía nam Trung phần như Phan Rang, Phan Thiết, Nha Trang, v.v… Các yếu tố nguy cơ được ghi nhận qua các trường hợp này liên quan đến nguồn nước: lượng mưa nhiều, nước uống thiếu vệ sinh hay bị nhiễm trùng, và thiếu cầu tiêu, cầu tiểu.
Bảng 2. Số trường hợp dịch tả ở Việt Nam từ 1979 đến 1996 phân chia theo vùng
|
|||||
Năm |
Số trường hợp mắc bệnh theo vùng |
Tỉ lệ tử vong (%) |
|||
Bắc |
Trung |
Nam |
Cao Nguyên |
||
1979 |
0 |
0 |
2017 |
0 |
9,6 |
1980 |
1685 |
0 |
6501 |
0 |
5,2 |
1981 |
442 |
1613 |
708 |
0 |
3,2 |
1982 |
0 |
126 |
1686 |
0 |
3,1 |
1983 |
78 |
3571 |
3750 |
0 |
2,0 |
1984 |
0 |
114 |
149 |
0 |
1,1 |
1985 |
381 |
3271 |
702 |
0 |
1,8 |
1986 |
1622 |
3147 |
832 |
0 |
1,2 |
1987 |
1018 |
218 |
833 |
0 |
1,1 |
1988 |
1389 |
916 |
224 |
12 |
1,6 |
1989 |
1 |
0 |
129 |
0 |
0,0 |
1990 |
0 |
798 |
1161 |
0 |
0,8 |
1991 |
3 |
142 |
0 |
0 |
2,1 |
1992 |
12 |
1849 |
649 |
0 |
0,5 |
1993 |
0 |
2684 |
776 |
0 |
0,3 |
1994 |
216 |
1822 |
626 |
1459 |
1,4 |
1995 |
814 |
3494 |
1327 |
453 |
0,7 |
1996 |
149 |
324 |
149 |
8 |
0,2 |
Nguồn: Xem tài liệu [5] |
[1] Rodrigues A. Tropical Medicine and International Health 2000; 6:418-422.
[2] Mata L, et al., Rev Biol Trop. 1994;42:479-85
[3] Rodigues A, et al. Am J Trop Med Hyg. 1997;57:601-4.
[4] Tomotake H, et al. J Nutr Sc Vitaminol 2006;52:157-160.
[5] Daksgaard A, et al. J Clin Microbiol 1999;37(3):734-741.