Xung quang xì căng đan về nghiên cứu tế bào mầm:
vấn đề y đức và bài học
Nguyễn Văn Tuấn
(bài đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
“Sự cố” khoa học mới nhất liên quan đến một công trình nghiên cứu tế bào mầm ở Hàn Quốc một lần nữa cho thấy khoa học là một sân chơi công bằng và sự hữu hiệu của cơ chế tự kiểm tra trong chuyên môn. Nhưng sự cố cũng cung cấp cho giới nghiên cứu khoa học vài bài học quan trọng trong việc cộng tác và nhận lãnh trách nhiệm trước công chúng về những nghiên cứu của mình.
Tháng 2 năm 2004 một nhóm nghiên cứu khoa học Hàn Quốc công bố một nghiên cứu khoa học được xem là tiên phong trong việc sử dụng tế bào mầm (stem cells) vào các mục tiêu điều trị lâm sàng [1]. Nhóm khoa học do Giáo sư Hwang Woo Suk, một nhà nghiên cứu thú y danh tiếng ở Hàn Quốc đứng đầu, tuyên bố trên tập san Science rằng họ đã thành công sản sinh một số tuyến tế bào mầm (embryonic stem cell lines) bằng cách cấy các nhân (nucleus) rút ra các tế bào của người lớn vào trứng của một người khác. Bốn tháng sau, Tiến sĩ Hwang tuyên bố thêm rằng nhóm của ông đã tiến hành chuyển nhân như thế cho 11 bệnh nhân khác. Thành công vượt bực này được giới khoa học khắp thế giới ca ngợi như là một kì công, là bước đầu quan trọng trong mục tiêu điều trị bệnh nhân bằng chính mô của bệnh nhân được tái sinh bằng kĩ thuật cấy tế bào mầm.
Tháng 8 năm 2005, nhóm của Giáo sư Hwang làm thế giới ngạc nhiên nữa: đã thành công trong việc nhân bản một con chó mà ông đặt tên là “Snuppy” (ghép từ chữ cái của Seoul National University và puppy) [2]. Công trình này được công bố trên tập san Nature. Đây cũng là một thành công nổi bật, theo sau thành công của công trình tạo con cừu Dolly nổi tiếng vài năm trước đó ở Scotland, một công trình xứng đáng là niềm tự hào của khoa học Á châu. Giới khoa học thế giới làm việc trong cùng lĩnh vực cũng nghiêng mình bái phục khả năng chuyên môn của ông, vì ông và cộng sự viên đã làm được một việc mà họ chưa làm được.
Tưởng cần nhắc lại rằng các tập san như Science, Nature, hay Cell là những diễn đàn khoa học uy tín thuộc vào hàng số 1 trên thế giới, là nơi mà các ông tú Nobel tương lai công bố nghiên cứu của mình. Một nhà khoa học chỉ cần một hai bài báo trên các tập san này cũng đủ để lưu danh với đời. Do đó, với những bài báo trên Science và Nature, cộng với thành công này và uy tín cá nhân, Giáo sư Hwang trở thành một anh hùng, một siêu sao khoa học của Hàn Quốc, được giới truyền thông trìu mến gọi là “Vua tạo sinh vô tính” (King of Cloning).
Nghi vấn và vấn đề
Thế nhưng ngay sau khi công bố trên tập san Science, công trình nghiên cứu của Giáo sư Hwang đã bị nhiều nhà khoa học Hàn Quốc phê bình và chỉ trích gay gắt. Chỉ 2 tháng sau khi công trình của Tiến sĩ Hwang công bố, một số nhà khoa học Hàn quốc phát biểu nặc danh trên các websites ở Hàn Quốc chỉ ra rằng một số hình ảnh trong bài báo trên Science là ngụy tạo, chứ không phải là kết quả nghiên cứu. Họ còn suy luận rằng các ảnh này được “sản xuất” từ hai cụm tế bào mà thôi (chứ không phải 11 như bài báo viết). Ba tháng sau công bố bài báo trên tập san Science, Tháng 5, 2004 – tập san Nature chạy một bản tin ngắn cho biết hai nhà nghiên cứu và cũng là cộng sự viên của Hwang là hai trong những người hiến trứng cho công trình nghiên cứu của Giáo sư Hwang. Họ còn nói thêm rằng họ được trả khoảng 1500 USD cho việc hiến trứng này. Nói cách khác, đây là một vi phạm y đức trong nghiên cứu rất nghiêm trọng, vì luật pháp không cho phép cộng sự viên hiến trứng cho nghiên cứu. Giáo sư Hwang bác bỏ tin này. Bác sĩ Roh Sung Il, giám đốc bệnh viện MizMedi và cũng là một tác giả trong bài báo trên Science họp báo cho biết rằng bệnh viện của ông cũng đã từng mua trứng từ phụ nữ cho công trình nghiên cứu.
Tiếp theo đó là một thành viên trong nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Hwang, tiến sĩ Kim Sun Jong (nay đang làm việc tại Đại học Pittsburgh), cho biết trong lúc tham gia vào công trình nghiên cứu, Tiến sĩ Hwang đã chỉ thị cho ông phải làm sao dùng 2 hay 3 tuyến tế bào để sản xuất cho được 11 tuyến. Nói cách khác, đây là một ngụy tạo dữ kiện nghiên cứu.
Giữa tháng 11 năm 2005, Giáo sư Gerald Schatten thuộc Đại học Pittsburgh và cũng là một cộng tác viên với nhóm của Giáo sư Hwang tuyên bố rằng ông đã chấm dứt tất cả cộng tác với Giáo sư Hwang vì ông quan tâm đến vấn đề y đức trong nghiên cứu của Giáo sư Hwang. Qua tiết lộ của Giáo sư Schatten, người ta còn biết thêm một tình tiết bất bình thường khác: đó là vấn đề tác giả. Bài báo có 25 tác giả đứng tên, trong đó có Giáo sư Schatten thuộc Đại học Pittsburgh (Mĩ). Tiến sĩ Schatten cho biết chẳng hiểu vì lí do gì, trước khi công bố công trình nghiên cứu, ông được Tiến sĩ Hwang mời cùng đứng tên đồng tác giả chính (senior co-author) của bài báo, và Tiến sĩ Schatten đồng ý! Nhưng đến giữa tháng 12/2005, Tiến sĩ Schatten yêu cầu Science bỏ tên ông ra khỏi bài báo vì hai lí do: một, ông cảm thấy không “thoải mái” với những dữ kiện trong bài báo; và hai, ông chỉ đóng vai trò phân tích số liệu và giúp đỡ trong việc soạn thảo bài báo. Ban biên tập Science không chịu đáp ứng yêu cầu này, vì theo nguyên tắc, Tiến sĩ Schatten không có quyền đơn phương rút tên ra khỏi bài báo nếu các tác giả khác chưa đính chính hay chưa rút lại bài báo.
Về phía Giáo sư Hwang, trước hàng loạt cáo buộc bất lợi như trên, thoạt đầu ông khẳng định rằng ông chẳng làm gì sai, và quyết tâm sẽ điều tra vấn đề cho đến nơi đến chốn. Nhưng đến cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2005 (tức gần 2 năm sau khi công bố bài báo trên Science) ông thú nhận là một số ảnh trong bài báo là bản sao chứ không phải chụp từ thí nghiệm; là nhóm của ông quả có sử dụng trứng do cộng sự viên hiến, và một số trứng khác là do mua từ bệnh viện; và một số số liệu trong bảng thống kê trong bài báo là sai. Phát biểu trước báo chí Hàn Quốc, ông nói “Tôi cảm thấy rất hối tiếc phải nói ra những điều xấu hổ và tồi tệ trước công chúng. Một lần nữa, tôi thành thật xin lỗi vì đã làm cho quốc gia và thế giới quan tâm.” Ông từ chức giáo sư từ Đại học Quốc gia Seoul, từ chức giám đốc trung tâm nghiên cứu tế bào mầm, và có lẽ căng thẳng tâm thần nên bị bệnh phải vào bệnh viện chữa trị.
Ngày 18/12/2005, Tổng biên tập Science là Donald Kennedy nhận được thư của Giáo sư Hwang và Giáo sư Schatten đề nghị rút lại bài báo trên Science. Thế là công trình nghiên cứu đã đi đến một đoạn kết quá buồn, một xì-căng-đan mới nhất và lớn trong khoa học, và một vết nhơ cho khoa học. Có thể nói sự nghiệp khoa học của Giáo sư Hwang đã kết thúc, và uy tín của Giáo sư Schatten cũng suy giảm đáng kể. Giấc mơ chiếm giải Nobel của họ cũng không còn tốt đẹp và triển vọng như trước.
Kinh nghiệm
Có thể rút ra vài kinh nghiệm gì từ câu chuyện trên. Thứ nhất, những gian lận, bịp bợm, vi phạm y đức trong khoa học khá phổ biến nhưng ít khi nào được phát hiện. Nhà khoa học, kể cả nghiên cứu sinh tiến sĩ và hậu tiến sĩ, là những người dấn thân vì mục tiêu khám phá, truyền bá, và phổ biến sự thật. Họ tìm tòi, làm thí nghiệm, xác định, công bố kết quả nghiên cứu, và giảng dạy sinh viên và những thế hệ tiếp nối. Nhưng trong thực tế, nhiều nhà khoa học cũng rất “trần ai”, cũng bịp bợm, lưu manh, và phạm tội lường gạt. Họ cũng làm nghiên cứu giả dối, cũng che dấu sự thật, cũng chủ quan, cũng đạo văn, ăn cắp ý tưởng của người khác, cũng bịa đặt số liệu, cũng cố tình vặn vẹo số liệu theo ý muốn mình ... Trong một nghiên cứu trên 4.000 sinh viên bậc tiến sĩ trong 99 trường đại học ở Mĩ, Giáo sư Judith P. Swazey cho biết có đến 44% sinh viên và 50% giáo sư đại học từng biết ít nhất một hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu khoa học. Phần lớn những vi phạm này xảy ra trong các bộ môn khoa học thực nghiệm như sinh học, vật lí, hóa học, v.v… Nhưng vi phạm nhiều nhất vẫn là trong nghiên cứu y khoa. Một nghiên cứu trong sinh viên y dược đang theo học tại một trường y dược lớn nhất ở Croatia cho thấy có đến 94% sinh viên thú nhận đã từng gian lận trong học hành!
Còn ở nước ta, tuy chưa có một nghiên cứu có hệ thống về vấn đề trên, nhưng chắc chắn vấn đề tồn tại và cũng nghiêm trọng. Trong một bài báo gần đây trên Tuổi Trẻ (“Chất lượng giáo dục đang ở đâu”, 22/9/2004) có đoạn: “Trong lịch sử giáo dục nước nhà, chưa bao giờ các dịch vụ làm luận văn, luận án lại được quảng cáo công khai xung quanh các trường đại học như hiện nay,” và “Trong những năm gần đây, sự gian dối trong học tập ngày càng gia tăng, ở các lớp trên xảy ra nặng và nhiều hơn lớp dưới, ở người lớn nghiêm trọng hơn ở thanh thiếu niên. Sự gian dối tuy chỉ ở một bộ phận người học, nhưng lại có tính phổ biến mà địa phương nào cũng cóm từ giáo dục chính qui, tại chức, đến giáo dục thường xuyên đều xảy ra. Các hiện tượng chạy điểm, chạy thầy, quay cóp, mua bán sử dụng phao thi … trước đây rất ít và người học cảm thấy xấu hổ khi bị phát hiện thì bây giờ không ít người học cho rằng đó là chuyện bình thường.”
Khả năng ngụy tạo số liệu hay dữ kiện là điều khó tránh khỏi trong nghiên cứu khoa học. Ở đây phải nói ngay rằng đại đa số các nhà khoa học làm việc rất cần cù, nghiêm túc, tuyệt đối khách quan, và tuân theo những nguyên tắc y đức cũng như đạo đức khoa học. Nhưng cũng có một số ít nhà khoa học vì lí do danh vọng, cạnh tranh, hay tiền bạc cũng phạm phải lỗi lầm trong nghiên cứu. Nhiều sai sót xảy ra trong bài báo khoa học. Khi tác giả đệ trình bài báo để được đồng nghiệp và tập san bình duyệt (peer review), người duyệt bài không có quyền xem xét các số liệu và dữ kiện thô. Thật ra, nếu có quyền người bình duyệt cũng không có thì giờ (họ làm việc này hoàn toàn tình nguyện vì tinh thần dấn thân khoa học) mà xem xét hàng ngàn, thậm chí hàng triệu số liệu của một công trình nghiên cứu. Thành ra, có một số tác giả lợi dụng tình huống này để ngụy tạo số liệu theo ý muốn của mình. Có khi sự ngụy tạo quá thô hay không hợp lí nên được phát giác kịp. Nhưng trong nhiều trường hợp thì chẳng ai phát giác, và mọi chuyện đều đi vào quên lãng.
Cũng cần phải nói rằng những trường hợp gian lận lớn trong nghiên cứu y khoa đã được đúc kết thành ít nhất là 10 cuốn sách. Một trong những cuốn được nhiều người ngoài khoa học biết đến là quyển Betrayers of the Truth (tạm dịch: “Những kẻ phản bội sự thật”) của William Broad và Nicholas Wade xuất bản vào năm 1982. Trong sách, ngoài các vi phạm mang tính khoa học, Broad và Wade còn hệ thống hàng chục trường hợp vi phạm y đức trong nghiên cứu. Một trong những trường hợp nổi tiếng là Stephen J. Breuning, người bị tòa án Mĩ kết tội là đã ngụy tạo số liệu để gây ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân tâm thần. Dựa vào công trình nghiên cứu này của Breuning, các phương pháp chữa bệnh tâm thần sẽ gây biết bao tác hại cho bệnh nhân. Gần đây, hai nhà sinh học phân tử người Đức, Fridhelm Herrmann và Marion Brach, bị tố cáo ngụy tạo số liệu trong 47 bài báo mà họ công bố trên các tập san danh tiếng trong ngành như Blood và Journal of Experimental Medicine. Tuy Giáo sư Brach thú nhận rằng bà là thủ phạm, nhưng Giáo sư Herrmann thì từ chối không hợp tác với ủy ban điều tra vấn đề ngụy tạo số liệu.
Thứ hai, những gian lận trong khoa học trước sau gì thì cũng được phát hiện vì cơ chế tự kiểm tra trong hệ thống hoạt động khoa học. Câu chuyện trên đây cho thấy việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san khoa học quốc tế là một hình thức duy trì chất lượng nghiên cứu khoa học và đảm bảo tính minh bạch trong nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học mang tính quốc tế và phi biên giới. Một công trình nghiên cứu khi đã qua bình duyệt từ đồng nghiệp trong ngành và xuất hiện trên một tập san khoa học là một hình thức chia sẻ thông tin và một cách thông báo cho thế giới về phát hiện của mình. Phát hiện này, nếu sau khi qua thử thách của những rà soát, kiểm tra, phê bình từ đồng nghiệp trên khắp thế giới, vẫn đứng vững thì đó là một minh chứng cho chất lượng của công trình nghiên cứu và đem lại uy danh cho tác giả.
Nếu một công trình nghiên cứu đã xong mà kết quả không được công bố trên các tập san khoa học quốc tế, thì công trình đó chưa thể nói là đã hoàn tất. Cũng không thể đánh giá đúng mức chất lượng của những công trình như thế vì chưa qua “thử lửa” với thế giới. (Bài báo của Tiến sĩ Hwang đã và đang được “thử lửa”, và kết quả có lẽ khộng như ông mong muốn, nhưng lại là một chiến thắng của khoa học). Chính vì thế mà tại hầu hết các trường đại học ở Anh, Canada, và Úc, nghiên cứu sinh sẽ không được viết luận án nếu chưa có ít nhất là hai bài báo công bố trên các tập san khoa học quốc tế.
Qua trường hợp của Giáo sư Hwang chúng ta thấy chế độ tự kiểm duyệt trong khoa học qua việc công bố nghiên cứu trên các tập san khoa học quốc tế có tác dụng đảm bảo tính trung thực và sự liêm chính trong nghiên cứu khoa học. Việc công bố bài báo khoa học cũng như giảng dạy là raisons d'être (lí do để tồn tại) của nhà khoa học.
Thứ ba là kinh nghiệm về tác giả bài báo khoa học và tiêu chuẩn đề bạt giáo sư. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học là một đơn vị tiền tệ cực kì quan trọng cho sự nghiệp. Do đó, đứng tên tác giả một bài báo khoa học cũng có nghĩa là tạo cho mình một uy tín và thẩm quyền, và quan trọng hơn hết là phải chịu trách nhiệm trước công chúng về các phát biểu trong bài báo. Nhưng trong thực tế có nhiều người đứng tên tác giả nhưng chẳng có vai trò gì trong công trình nghiên cứu (trong khoa học người ta gọi đó là những “tác giả danh dự”). Qua câu chuyện trên, chúng ta biết Tiến sĩ Schatten chỉ là một tác giả danh dự, nhưng Tiến sĩ Hwang lại cần tên của Tiến sĩ Schatten để tăng uy tín bài báo!
Thứ tư là cần phải tôn trọng các nguyên tắc y đức trong nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học, nhất là y học, cần đến sự hợp tác và thỏa thuận của tình nguyện viên (volunteers). Tình nguyện viên ở đây có thể là bệnh nhân, hay sinh viên, hay chính nhà nghiên cứu. Nhưng sự hợp tác của tình nguyện viên phải tuyệt đối dựa vào nguyên tắc tự nguyện – hoàn toàn tự nguyện, chứ không phải chịu sự ảnh hưởng hay bất cứ sức ép nào của nhà nghiên cứu. Thỏa thuận của tình nguyện viên phải dựa trên nguyên tắc “thoả thuận sáng suốt” (informed consent), chứ không phải thỏa thuận mù quáng. Trong quá khứ (và ngay cả ngày nay) có quá nhiều công trình nghiên cứu y học mà tình nguyện viên chẳng biết gì về công trình nghiên cứu, hay chịu áp lực của bác sĩ để tham gia vào công trình nghiên cứu. Trường hợp của Tiến sĩ Hwang là một ví dụ khá tiêu biểu về vi phạm y đức trong nghiên cứu. Theo kinh nghiệm người viết bài này, rất nhiều công trình nghiên cứu ở Á châu đã được công bố trên các tập san khoa học uy tín trên thế giới, nhưng chưa được sự thỏa thuận của tình nguyện viên.
Bài học cho nước ta ?
Dù đa số nhà khoa học làm việc một cách chân chính, sự thật là có nhiều trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhiều người làm nghiên cứu khoa học đều có thể nhận ra vấn đề nhưng rất ít ai dám hay muốn nói lên sự thật trước quần chúng. Đã đến lúc xã hội nói chung cần phải có biện pháp với vấn đề gian lận khoa học. Trước mắt tôi thấy có thể áp dụng một vài biện pháp thực tế như sau:
- Các giáo sư đại học cần phải hướng dẫn cho các sinh viên tập sự nghiên cứu biết rõ các thông lệ, qui tắc y đức trong nghiên cứu khoa học. Các nhà nghiên cứu, giáo sư cần phải làm gương sáng cho nghiên cứu sinh về sự trung thực khoa học như là một nguyên tắc bất di bất dịch.
- Tất cả các nghiên cứu sinh, trước khi bắt tay vào nghiên cứu, cần phải được cảnh cáo rằng bất cứ hình thức gian lận khoa học nào cũng có thể xem là một tội phạm và cơ quan sẽ dứt khoát không dung túng. Các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, bệnh viện cần phải có một ủy ban y đức hay ủy ban đạo đức để giám sát các nghiên cứu liên quan đến con người và thú vật sao cho đạt tiêu chuẩn của Tuyên bố Helsinki.
- Cần phải có cơ chế bảo vệ các nhà khoa học dám công khai tố cáo các trường hợp gian lận khoa học. Cũng cần phải có cơ chế để điều tra tất cả các trường hợp gian lận sao cho công bằng cho phía bị tố cáo và phía tố cáo. Quan trọng hơn hết, các cơ quan nghiên cứu cần phải tạo ra một không gian và bối cảnh mà trong đó sự liêm chính được ghi nhận và các hành động vô nguyên tắc phải bị trừng trị.
Francis Bacon, một nhà khoa học người Anh rất nổi tiếng trong thế kỉ 17, đề nghị phân biệt hai loại khoa học: Khoa học nghiêm túc dựa vào thực tiễn và bằng chứng càng ngày càng thuyết phục theo thời gian; khoa học mơ tưởng – wishful science – chỉ nở rộ khi tác giả của nó đang còn nổi tiếng, nhưng sẽ chìm vào quên lãng khi bằng chứng mới chứng minh nó sai.
Nếu thế giới khoa bảng chỉ gồm những người thiếu trung thực thì cái thế giới đó khó mà tồn tại lâu dài. Khoa học là một ngành nghề được xây dựng và tồn tại dựa trên tinh thần chân thực và liêm chính. Vì thế, khoa học không thể nào dung túng tình trạng thiếu chân thực và vô liêm chính.