Béo phì ở người Á châu: chuẩn nào hợp lí ?
Nguyễn Văn Tuấn
Béo phì đang là một vấn nạn y tế toàn cầu, với những nước giàu có nhiều người béo phì hơn những nước nghèo. Theo thống kê mới nhất khoảng 1/3 người Mĩ trên 20 tuổi đang ở trong tình trạng béo phì. Ngay cả ở các nước trong vùng Đông Nam Á, có báo cáo cho thấy cứ 4 người trên 20 tuổi thì có 1 người béo phì. Lần đầu trong lịch sử nhân loại, số người béo phì và quá cân trở nên cao hơn số người thiếu cân và thiếu dinh dưỡng.
Có thể xem béo phì như là một bệnh mạn tính, như tăng huyết áp và xơ vữa động mạch. Béo phì là một yếu tố nguy cơ của một số bệnh như viêm khớp xương, tiểu đường, kháng insulin, cao huyết áp, các bệnh tim mạch, ung thư và làm thay đổi hệ thống nội tiết, và hệ quả là tử vong. Theo ước tính của các nhà dịch tễ học, những người béo phì (không hút thuốc lá) ở độ tuổi 40 có tuổi thọ trung bình ngắn hơn người không béo phì khoảng 3,3 năm. Nếu béo phì và hút thuốc lá, tuổi thọ bị rút ngắn từ 5 đến 7 năm. Độ mỡ càng nhiều, mức độ giảm tuổi thọ càng cao.
Một điều khá nan giải là mặc dù ai cũng đồng ý về những tác hại của béo phì, nhưng các chuyên gia vẫn chưa nhất trí tiêu chuẩn để chẩn đoán béo phì. Béo phì được định nghĩa là một “bệnh” với độ mỡ tích tụ đến mức độ có thể gây tác hại cho sức khỏe. Nhưng người cao to (như người Âu Mĩ) thường có lượng mỡ cao nhiều hơn người thấp bé (người Á châu). Do đó, vấn đề đặt ra là tỉ lệ mỡ bao nhiêu phần trăm (so với trọng lượng) được xem là có nguy hại cho sức khỏe.
Tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì của WHO
Lượng mỡ trong cơ thể có thể đo bằng nhiều phương pháp. Hiện nay, phương pháp chuẩn để đo lượng mỡ là sử dụng máy X-quang song tuyến DXA (dual energy X-ray absorptiometry). Nhưng máy này thường rất đắt tiền, và không phải bệnh viện nào cũng có được. Do đó, thay vì đo bằng máy, các nhà khoa học tìm một cách tính gián tiếp dựa vào trọng lượng và chiều cao. Cách tính này được nhà toán học Bỉ tên là Adolphe Quetelet phát triển vào thế kỉ 19. Công thức của Quetelet ngày nay được biết đến dưới một cái tên là body mass index (BMI) hay chỉ số trọng lượng cơ thể. Chỉ số này được tính bằng cách lấy trọng lượng (kg) chia cho chiều cao bình phương (m2). Chẳng hạn như một người có trọng lượng là 60 kg và chiều cao 1.6 m, thì chỉ số BMI là: 23.4 kg/m2.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bất cứ ai có BMI bằng hoặc cao hơn 25 kg/m2 được xem là quá cân (over-weight), và BMI bằng hoặc cao hơn 30 kg/m2 là béo phì (obese). Theo cách phân loại đó, béo phì là một phần của quá cân. Theo tiêu chuẩn này, ở Việt Nam chỉ có khoảng 3-5% dân số ở TPHCM trên 20 tuổi là “béo phì”, và khoảng 25-30% là “quá cân”.
Nhưng định nghĩa này có vấn đề. Trọng lượng cơ thể bao gồm hai thành phần chính: lượng mỡ (fat mass) và lượng nạc (lean mass). Do đó, nếu một vận động viên cao 1.6 m và 80 kg, với 50 kg mỡ và 27 kg nạc, có thể xem là béo phì, như một người với 27 kg nạc và 50 kg mỡ. Nói cách khác, BMI không phân biệt được lượng nạc và mỡ, và dựa vào BMI có thể dẫn đến chẩn đoán sai lầm cho một cá nhân.
Tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì cho người Á châu
Ở Á châu, một số nhà nghiên cứu phàn nàn rằng tiêu chuẩn BMI ≥ 30 kg/m2 không thích hợp để chẩn đoán béo phì cho người Á châu. Lí do mà họ đưa ra là so với người Âu Mĩ, người Á châu có lượng mỡ nhiều hơn. Năm 1994, có một nghiên cứu từ New York (Mĩ) cho thấy nếu hai phụ nữ Á châu và Mĩ có cùng BMI thì người Á châu có tỉ lệ mỡ cao hơn người Mĩ khoảng 1-3%.
Nghiên cứu trên có ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm y khoa béo phì ở người Á châu. Các chuyên gia dựa vào kết quả nghiên cứu đó mà đề nghị tiêu chuẩn BMI chẩn đoán nên thấp hơn người Âu Mĩ. Cụ thể, họ đề nghị người Á châu có BMI bằng hoặc cao hơn 25 kg/m2 (chứ không phải 30 kg/m2) nên chẩn đoán là béo phì. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới cũng miễn cưởng chấp nhận đề nghị này.
Nếu dựa vào tiêu chuẩn 25 kg/m2 thì có khoảng 25-30% người dân TPHCM là “béo phì”. Nói cách khác, dựa vào tiêu chuẩn này (BMI bằng hoặc cao hơn 25 kg/m2) thì số người “béo phì” ở TPHCM gần bằng hay tương đương với tỉ lệ béo phì ở Mĩ!
Chất vấn tiêu chuẩn béo phì
Chúng tôi nghĩ rằng giả định đằng sau tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì cho người Á châu không đúng. Thật vậy, khi xem xét kĩ phần phương pháp trong công trình nghiên cứu năm 1994, và duyệt qua y văn, chúng tôi giả thuyết rằng tỉ lệ mỡ ở người Đông Á châu (như người Việt Nam) và người Âu Mĩ không khác nhau.
Để kiểm định giả thuyết này, chúng tôi -- gồm một nhóm nghiên cứu Việt, Mĩ và Úc -- thực hiện một nghiên cứu so sánh tỉ lệ mỡ ở phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Mĩ [1]. Chúng tôi chọn ngẫu nhiên sao cho 2 nhóm có cùng độ tuổi và cùng BMI. Sau đó, chúng tôi dùng máy DXA đo lượng mỡ, và so sánh tỉ lệ mỡ giữa hai nhóm phụ nữ. Kết quả cho thấy phụ nữ Việt Nam có tỉ lệ mỡ là 35.6%, tương đương với phụ nữ Mĩ với tỉ lệ 35.8%. Như vậy hai nhóm có cùng độ tuổi và cùng BMI, với phương pháp đo lường hiện đại nhất và chuẩn nhất, chúng tôi “chứng minh” rằng hai nhóm phụ nữ Việt và Mĩ có tỉ lệ mỡ tương đương nhau.
Công trình nghiên cứu và kết quả của chúng tôi mới công bố trên tập san y khoa quốc tế Obesity. Ngay sau khi công bố, nhiều báo chí và giới truyền thông quốc tế đưa tin. Kết quả này cho thấy giả định mà giới y khoa quốc tế và WHO dựa vào trong vòng 15 năm qua là sai. Bởi vì giả định sai, cho nên ngưỡng BMI dùng để chẩn đoán béo phì cho người châu Á (BMI ≥ 25 kg/m2) cũng có thể sai.
Ngưỡng nào cho người Á châu?
Nếu ngưỡng BMI ≥ 25 kg/m2 không thích hợp cho chẩn đoán béo phì ở người Á châu, thì câu hỏi đặt ra là: ngưỡng nào là thích hợp? Để trả lời câu hỏi đơn giản này, chúng ta cần có những nghiên cứu với hàng chục ngàn người, và phải theo dõi từ 5 đến 10 năm để biết ở lượng mỡ hay BMI bao nhiêu để có thể xác định là nguy hiểm đến tính mạng. Ở Á châu, có rất ít những nghiên cứu qui mô và dài hạn như thế. Vì thế, cho đến nay, chưa ai biết ngưỡng BMI hay lượng mỡ bao nhiêu là thích hợp cho chẩn đoán béo phì cho người Á châu.
Tuy nhiên, một nghiên cứu ở Đài Loan gần đây trên 36.000 người cho thấy tỉ lệ tử vong chỉ tăng cao khi BMI vượt ngưỡng 30 kg/m2. Dựa vào kết quả nghiên cứu này và kết quả nghiên cứu của chúng tôi, tôi nghĩ rằng ngưỡng chẩn đoán béo phì cho người Á châu có lẽ tạm thời là BMI ≥ 30 kg/m2 (chử không phải là 25 kg/m2 như đa số các nước châu Á đang áp dụng hiện nay). Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng phát triển một số giá trị tham chiếu cho việc đánh giá béo phì ở Việt Nam.
Chú thích:
[1] Công trình nghiên cứu của chúng tôi do Bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện 115) chủ trì, với sự hợp tác của Giáo sư Elizabeth Barrett-Connor (Đại học California tại San Diego, Mĩ), và Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Đại học New South Wales, Úc. Công trình có tựa đề “Similarity in Percent Body Fat Between White and Vietnamese Women: Implication for a Universal Definition of Obesity” đăng trên Tập san Obesity, số ra ngày 11/2/2010:
Web: www.nature.com/oby/journal/vaop/ncurrent/abs/oby201019a.html